Nghị quyết Đại hội 13 đưa ra một số cột mốc phấn đấu, trong đó đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
CHÍNH TRỊ HỌC
Nghị quyết Đại hội 13 đưa ra một số cột mốc phấn đấu, trong đó đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục lục bài viết
TUANVIETNAM 24 năm: Kịp hay không mục tiêu thành nước phát triển thu nhập cao 10/06/2021 06:00 GMT+7
Nghị quyết Đại hội 13 đưa ra một số cột mốc phấn đấu, trong đó đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như vậy có nghĩa, để trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, quỹ thời gian để phấn đấu của chúng ta chỉ còn 24 năm. Vì thế, thật không hề đơn giản nếu đến năm 2030 đất nước ta chưa phải là “nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” mà nghị quyết đưa ra.
Chú trọng xây dựng công nghệ lõi
Để tìm hiểu vấn đề này, tôi đã tìm gặp tiến sĩ điều khiển học Đặng Vũ Chư và ông đã đưa ra nhận xét như vậy. Vị chính khách ấy có đến 12 năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ rồi Bộ Công nghiệp.
Nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư (bìa trái) thăm một nhà máy thuộc ngành dệt Nam Định có đầu tư công nghệ mới để có sản phẩm dệt chất lượng. Ảnh : Quốc Phong |
Ông có lẽ cũng là “của hiếm” khi được là thành viên của các nhiệm kỳ Chính phủ qua 3 đời Thủ tướng (Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải). Ông luôn là người trăn trở và dõi theo từng bước đi của nền công nghiệp nước nhà dù đã nghỉ hưu gần hai chục năm.
Khi tôi hỏi chuyện ông làm sao chúng ta có thể thực hiện mục tiêu đến năm 2045 như Đảng ta đưa ra, ông Đặng Vũ Chư cho rằng, thật không dễ khi mà quỹ thời gian chỉ còn có 9 năm nữa chúng ta đã buộc trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và mức thu nhập trung bình cao nếu ngành công nghiệp nước nhà không tăng tốc phát triển công nghệ lõi.
Ông khẳng định rằng, nếu muốn là nước có công nghiệp hiện đại thì phải có kế hoạch rất sớm để phát triển các ngành công nghệ lõi.
Ông lấy ví dụ, nếu đã là nước công nghiệp hiện đại mà chưa có nổi ngành sản xuất thép từ phôi mà chỉ cán thép; nếu sản xuất ô tô mà chưa tự thiết kế ra động cơ; nếu sản xuất đồ điện tử mà chỉ dừng lại ở chuyện lắp ráp và chưa có công nghệ sản xuất vi mạch trong khi chúng ta lại là nước có tài tài nguyên đất hiếm thuộc diện “có số má” trên thế giới… thì thật đáng tiếc.
Ông nhận xét, cái thời của chúng ta cách đây vài chục năm, kiếm được hàng để gia công cho nước ngoài nhằm tạo thu nhập cho người dân nay đã qua rồi. Muốn có công nghiệp hiện đại thì không thể chỉ có vậy.
Ông vui mừng cho biết, mới đây tập đoàn Thép Hòa Phát đã trúng lớn nhờ thép tăng giá đến gần 40%. Việc này cho thấy họ tiến khá xa khi doanh nghiệp trong nước đã tự luyện từ quặng ra phôi thép, không phải nhập phôi về như trước.
Ông bảo đó chính là công nghệ lõi vì đó mới là thứ căn cơ nhất để đất nước chủ động phát triển một ngành công nghiệp tiến lên hiện đại. Thế nhưng cần nhiều tổ hợp như vậy nữa để còn cạnh tranh lành mạnh với nhau.
“Và có lẽ kinh tế tư nhân họ làm tốt hơn nhà nước rất nhiều nếu như ta đem so sánh với câu chuyện của nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco) khá buồn lòng như ta đã biết.
“Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện để giúp kinh tế tư nhân phát triển. Việc Đảng vừa có một nghị quyết quan trọng, đánh giá rất cao vai trò kinh tế tư nhân. Nó đã và đang trở thành động lực của nền kinh tế nước nhà. Đó là điều rất đúng”, ông đánh giá.
Song, ông lấy ví dụ: Để giúp công nghiệp sản xuất ô tô non trẻ phát triển và đuổi kịp một số nước, nhà nước không thể không hỗ trợ cho họ các chính sách cần thiết. Đây cũng là vấn đề then chốt của nhiều ngành nghề khác nữa. Có như vậy mới đuổi kịp các nước.
Trở thành tiệm may của thế giới
Tiến sĩ Chư trong câu chuyện tỏ ra rất tâm đắc với ngành mà ông gần như cả đời người đau đáu với nó - công nghiệp dệt may.
Xuất thân từ ngành dệt may, ông khẳng định, công nghệ lõi của ngành dệt may cũng phải bắt đầu từ công nghiệp dệt, kéo sợi và lĩnh vực thiết kế thời trang ở cấp độ sao đó để cả thế giới cũng cần biết đến Việt Nam.
Công nghiệp dệt may nên chăng cũng cần tính đến việc trở thành tiệm may của thế giới |
Chỉ có vậy mới có thể tự chủ về nguyên vật liệu trong sản xuất và có thương hiệu may riêng cho đất nước. Nếu không thì mãi mãi cũng chỉ là gia công may mặc nước khác.
Ông cho rằng, hiện nay ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển rất nhanh với 2,5 triệu người lao động. Thế nhưng, thương hiệu vải dệt của Việt Nam vẫn còn yếu thế. Nhiều khi chỉ vì xuất xứ vải do ta dệt lại từ phụ liệu nhập ngoại nên việc xuất sang thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu vẫn khó.
Nếu tập trung xây dựng làm sao đó có thế mạnh từ công nghiệp dệt đích thực thì rất tốt. Từ đó sẽ chủ động hơn nữa cho cả ngành dệt may.
TS Đặng Vũ Chư tỏ ý tâm đắc với câu chuyện của ông Philip Kotler - cha đẻ của marketing hiện đại cách đây vài năm khi ông sang Việt Nam. Ông đã gợi ý Việt Nam nên tính đến chuyện trở thành “bếp ăn của thế giới” và nên coi đó như là một trong những chọn lựa của khi xây dựng thương hiệu quốc gia và có tiềm năng bởi ngành nông sản thực phẩm và chế biến món ăn của chúng ta rất phong phú, hấp dẫn.
Và ông Chư nói: “Có lẽ ý này sẽ dành cho ngành nông nghiệp nước nhà nghiên cứu và phấn đấu tiếp. Còn công nghiệp dệt may nên chăng cũng cần tính đến việc trở thành tiệm may của thế giới”.
Chủ động về nguyên liệu để không bị động
Tại sao lại không khi tổng sản lượng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam hiện rất lớn. Ông Chư nhấn mạnh, để thành công, cần chủ động xây dựng ngành công nghệ lõi cho ngành dệt may Việt Nam. Đó là xây dựng các nhà máy dệt và chế biến tơ, sợi đặc trưng kiểu Việt Nam.
Nếu không chủ động về nguyên liệu thì chúng ta sẽ rất bị động và sản phẩm làm ra vẫn chưa thể coi là hoàn chỉnh.
Nên nhớ, giá trị tổng sản lượng của ngành dệt may hiện đã là 1 trong 6 ngành hàng trong nước có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm (Vinatex cho biết, ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm nay bằng năm 2019 - khoảng 39 tỷ USD).
Mục tiêu kế hoạch để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đến năm 2045 cũng không còn bao nhiêu thời gian mà tham vọng của chúng ta thì lớn. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ là 5 cái kế hoạch 5 năm.
Dù đó là mục tiêu rất khả thi nhưng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không phấn đấu thật bài bản, cụ thể cho từng giai đoạn ngắn thì cũng rất khó biến thành hiện thực.
Trước mắt là từ nay đến 2025 rồi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành một nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong khi đó, công nghiệp lõi vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn chưa xứng tầm như những trăn trở mà TS Đặng Vũ Chư vừa chia sẻ, thì liệu 24 năm nữa sẽ ra sao?
Nhưng có quyết tâm cao độ, chúng ta có thể tin rằng mục tiêu đề ra như trên vẫn mang tính khả thi.
TS Đặng Vũ Chư năm nay 81 tuổi. Ông từng làm nghiên cứu sinh ngành tự động hóa tại Tiệp Khắc với học vị tiến sĩ. Ông trưởng thành từ một kỹ sư rồi làm đến lãnh đạo cấp vụ (Vụ Khoa học Kỹ thuật, Bộ Công nghiệp nhẹ) trước khi làm Giám đốc nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng của ngành công nghiệp quốc gia. Ông là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều giai đoạn khác nhau, cả lúc giao thời của kinh tế kế hoạch hoá và kinh tế thị trường định hướng XHCN. |
Người gửi / điện thoại
Đánh giá