Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10

In bài viết
CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10

(Chinhphu.vn) - Chiều nay, 7/9, tâm bão số 3 đi vào đất liền giữa Quảng Ninh - Hải Phòng. Cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Cổng TTĐT Chính phủ liên tục cập nhật diễn biến của bão số 3 (YAGI) và các chỉ đạo ứng phó bão, thời tiết nguy hiểm trước bão và mưa lũ sau bão.

Mục lục bài viết

24

Chiều tối 7/9, khu vực nội đô Hà Nội gió tăng lên cấp 8, giật cấp 10

Ngày 7/9, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thành phố Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 7/9, các nơi phổ biến từ 30-60mm. Hồi 13 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Thái Bình.

Dự báo tác động của bão, gió mạnh chiều và đêm 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Chiều và đêm 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.

Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm 7/9. Dự báo tác động của gió mạnh: Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3. Mưa lớn từ nay đến sáng 9/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (mưa to đến rất to tập trung từ chiều 7/9 đến sáng 8/9).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3

Sáng 7/9, sau khi kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Đại diện Tổng cục Khí tượng-Thủy văn cho biết, bão đang đi vào đất liền, tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long của Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn của Hải Phòng. 

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 2.
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 - Ảnh VGP/Minh Khôi

Thời điểm mạnh nhất là từ 12-14 giờ chiều. Sau 17 giờ cấp độ bão sẽ giảm.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng cho biết, hiện sức gió bắt đầu giảm tại đảo Bạch Long Vĩ. Các tuyến đê biển, đê sông vẫn an toàn, các lực lượng vẫn duy trì ứng trực tại những điểm xung yếu là tuyến đê biển 1, 2. Thành phố đã di dời 23.500 người ra khỏi vùng trũng, thấp, chung cư cũ. Công tác thông tin liên lạc vẫn được duy trì.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 3.
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại TP Hải Phòng - Ảnh VGP/Minh Khôi

Duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20h

Phó Thủ tướng nêu rõ, Sở Chỉ huy tiền phương đánh giá cao các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quân và dân đã triển khai ứng phó với bão số 3 nghiêm túc, quyết liệt.

Tuy nhiên, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, vùng ảnh hưởng lớn, sau khi đi vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, cấp độ bão vẫn giữ nguyên. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì cảnh giác, tập trung cao độ.

 
 
 
00:01:40
 
 

Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu, trường hợp cần thiết báo cáo ngay Sở chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ.

Các địa phương ven biển phải duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20 giờ, để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ.

Các cơ quan khí tượng, thủy văn khu vực, trạm khí tượng thủy văn phải làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến từng thôn, bản tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.

Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương rà soát ngay quy trình vận hành xả lũ các hồ chứa, tránh xảy ra lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu sau bão.

Phó Thủ tướng lưu ý phải duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy tiền phương, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng để kịp thời chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời với các tình huống xảy ra.    

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác dự báo bão số 3 và tình hình tại các địa phương

Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia kiểm tra tình hình diễn biến bão số 3 đang tiến vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 4.
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi diễn biến bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 8h sáng nay, tâm bão còn cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 80 km. Đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7, giật cấp 11 và còn tiếp tục mạnh lên.

 

Dự báo đến 19 giờ ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 5.
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe các địa phương báo cáo trực tuyến diễn biến tình hình và công tác ứng phó bão số 3 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đến 7h ngày 8/9, dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền các các tỉnh Tây Bắc, sau đó suy yếu và tan dần; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7/9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

"Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng", Phó Thủ tướng nói.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 6.
 

Bão số 3 áp sát Quảng Ninh

Bố trí hàng trăm phương tiện đặc chủng

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, các hồ chứa ở Bắc bộ đã được đưa về mức nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.

Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn cho biết, đến nay Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão số 3 trong mọi tình huống.

 Duy trì thông tin liên lạc, điều hành thông suốt

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, công tác dự báo đã nhận định rất kịp thời, rất sát về phạm vi ảnh hưởng, cường độ, tính phức tạp và liên tục cập nhật diễn biến của cơn bão; đồng thời cần lưu ý dự báo hoàn lưu sau bão để ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đài khí tượng thủy văn địa phương, cơ quan khí tượng thủy văn khu vực, đặc biệt là các đài quan trắc cụ thể, tập trung dự báo sớm, "một vài tiếng, thậm chí ba mươi phút đều rất có ý nghĩa" trong phòng, chống bão; duy trì cường độ làm việc, cung cấp thông tin kịp thời hơn, cập nhật hơn và đầy đủ hơn, nhất là vào những thời điểm cơn bão tác động trực tiếp vào bờ.

Với lượng mưa lớn do bão số 3 gây ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị dự báo thuỷ văn, hải văn phải cung cấp thông tin dự báo hằng giờ và nhanh hơn nữa, đi cùng với dự báo bão.

Bộ TN&MT phải kiểm tra công tác vận hành của các hồ điều tiết bằng hệ thống van thuộc quản lý của Cục Quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an toàn, phòng ngừa lũ chồng lũ.

Nhấn mạnh, cường độ bão số 3 rất mạnh, đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến các thông tin liên lạc, công tác dự báo tại các đảo ven bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có các biện pháp duy trì thông tin liên lạc, điều hành thông suốt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan khí tượng thuỷ văn ở Trung ương, các đài khu vực, các trạm khí tượng đang ở "tiền tuyến" và sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ dự báo chính xác diễn biến bão số 3 phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành các biện pháp ứng phó ở các cấp.

Ngay sau khi làm việc tại Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Phó Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển đến Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 đặt tại TP. Hải Phòng.

 
 
 
00:00:09
 
 

Gió mạnh làm đổ rào chắn ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 7.
 

Tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, bão số 3 gây ra gió cấp 5, cấp 6 và mưa rải rác từ rạng sáng 7/9.

 

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 8.
 

Ngày 7/9, Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa to đến rất to

Hơn 450.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội giúp dân ứng phó bão số 3

Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, quân đội đã huy động hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3.

Trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 9.
 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 thực hiện nhiệm vụ tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã huy động 6.500 người, hơn 110 đội ứng cứu thông tin, trang bị thêm hàng nghìn máy phát điện để tránh bị đứt gãy thông tin, đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.

Thanh Hóa: Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 giúp dân tiêu thoát nước chống ngập lụt

Sáng 7/9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) giúp nhân dân phát quang đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh nhằm giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 10.
 

Theo Đại tá Lê Doãn Anh, Phó chính ủy Sư đoàn 324, hiện đơn vị đã sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện vật chất để tham gia giúp dân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong bất luận hoàn cảnh, thời gian nào khi được điều động.

Quảng Ninh: Hơn 4.900 cán bộ Công an tham gia ứng phó

Đến 14h chiều nay, bão số 3 đi vào đất liền Quảng Ninh với gió giật rất mạnh, nhiều người cho biết, gần 40 năm sống ở Quảng Ninh, chưa bao giờ chứng kiến cơn bão có tốc độ khủng khiếp như Yagi.

Bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh với sức gió giật mạnh đã làm nhiều cây xanh trên nhiều truyến quốc lộ gãy đổ. Lực lượng chức năng của Quảng Ninh vừa tập trung phòng chống bão, vừa khắc phục hậu quả của bão gây ra.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 11.
 

Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh đang thu dọn cây gãy đổ ra đường

Công an tỉnh Quảng Ninh đã huy động 4.947 cán bộ chiến sĩ cùng trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Các biện pháp ứng phó với bão với phương châm "đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân" đã được Công an tỉnh Quảng Ninh triển khai, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Tính đến chiều nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng chức năng kêu gọi 5.556 tàu đánh bắt thuỷ sản di chuyển vào nơi an toàn, phối hợp rà soát 2.889 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển với 3.517 lao động trên toàn tỉnh, đồng thời phối hợp đảm bảo an toàn cho 2.417 khách du lịch, sơ tán di dời người dân và phương tiện tài sản tại các khu vực bị tác động mạnh của cơ bão, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu.

Cao điểm mưa to, gió mạnh tại Thủ đô Hà Nội từ trưa đến tối 7/9

Sáng 7/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết diễn biến mới nhất của bão số 3. Cụ thể, sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, tốc độ từ 15-20km/giờ.

Tại khu vực Đông Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội, sau khi gây gió mạnh cấp 6 cho khu vực tỉnh Quảng Ninh thì sáng và trưa 7/9, gió sẽ mạnh lên và mở rộng ra ở khu vực này. Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, sáng 7/9 mới là thời điểm mưa tại Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, cao điểm là từ trưa đến tối 7/9. Với các tỉnh sâu trong đất liền, mưa sẽ diễn ra muộn hơn và thời gian mưa kéo dài hơn. Lượng mưa được dự báo tại khu vực Đông Bắc Bộ từ 100-350mm. Sáng đến trưa 7/9, một số nơi có lượng mưa từ 100-150mm.

Nhận định về ảnh hưởng của bão số 3 đến thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Cơn bão số 3 rất mạnh và hoàn lưu rộng, mặc dù Hà Nội không ảnh hưởng trực tiếp hoàn lưu bão số 3 nhưng từ chiều và tối nay, Hà Nội có khả năng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, cấp 10. Cùng với gió mạnh giật cao như vậy, Hà Nội có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa có thể lên tới 150-350 mm".

Ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, tại Hà Nội, gió mạnh có khả năng làm gãy đổ cây như cơn giông lốc buổi chiều hôm qua là ví dụ. Người dân lưu ý chiều và tối nay, thời điểm tác động trực tiếp của cơn bão số 3, gió có thể làm cây cối, mái tôn, biển quảng cáo đổ nên người dân hạn chế ra khỏi đường và tốt nhất không nên ra khỏi nhà. Mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng cần có phương án xử lý, phòng, chống ngập lụt ở khu vực Hà Nội trong chiều và đêm nay.

 
 
 
00:00:09
 
 

Bão số 3 áp sát đất liền với gió giật cấp 16 (huyện đảo Bạch Long Vĩ)

Chính phủ lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chống bão số 3

Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu mở đầu phiên họp, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra ứng phó bão tại Quảng Ninh

 
 
 
00:01:00
 
 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra ứng phó bão tại Quảng Ninh

Trong sáng sớm nay 7/9, trước tình hình, diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã kiểm tra tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Cùng đi có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Vào khoảng 7 giờ sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Vân Đồn gió và mưa bắt đầu tăng cấp độ, cụ thể cấp 7-9 trên đất liền, tại các đảo là cấp 9-10.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện, đến thời điểm hiện tại, bão số 3 chưa gây nhiều thiệt hại; chỉ có một số cây xanh bị gãy đổ trên một số tuyến đường. Trên biển, một số lồng bè nuôi trồng thủy sản đang chịu những đợt gió giật mạnh và sóng to, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 12.
 

Bão ảnh hưởng trực tiếp lên đảo Cô Tô.

Gió giật cấp 13 tại đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng

Sáng 7/9, ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cho biết, hiện trên đảo Bạch Long Vỹ, gió Tây Tây Nam cấp 11, giật cấp 13, biển động rất mạnh.

Theo ông Đào Minh Đông, để chủ động phòng, chống bão số 3, trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã giao Trung tâm y tế quân dân y sẵn sàng lực lượng y, bác sỹ và cơ số thuốc men dự trữ phục vụ phòng, chống bão. Lãnh đạo UBND huyện và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp, liên tục kiểm tra tình hình triển khai các phương án phòng, chống bão tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư và âu cảng trên địa bàn huyện; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 13.
 

Đường ra khu 2 Đồ Sơn ghi nhận nhiều cây xanh gẫy đổ do gió lớn từ hoàn lưu bão số 3.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 14.
 

Trước đó, hơn 100 tàu thuyền neo đậu trong âu cảng Bạch Long Vỹ và đưa lên bờ, đã được neo buộc, chằng chống cẩn thận. Toàn bộ ngư dân trên các tàu thuyền và các hộ dân sống ven bờ kè đảo Bạch Long Vỹ đã được di dời tránh trú tại nhà đa năng của huyện.

Chính quyền và các ban, ngành huyện Bạch Long Vỹ đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, kho tàng, đảm bảo an toàn vật nuôi, rau màu.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 15.
 

Thiếu tướng Hà Tất Đạt kiểm tra, giao nhiệm vụ phòng, chống bão số 3 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh.

Quân khu 3 lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh

Quân khu 3 đã lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó tư lệnh Quân khu 3.

Sáng 7/9, Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh tiến hành phiên làm việc nhằm triển khai nhiệm vụ.

Báo cáo tại phiên làm việc, Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại, thành phố Móng Cái có khoảng 50 cây đô thị bị đổ. Cô Tô nhiều nhà bị tốc mái tôn, đổ gãy cây cối; 1 tàu vỏ xi măng neo đậu tại âu cảng bị chìm, 1 tàu vỏ gỗ bị tốc ca-bin.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 3.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 16.
 

Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, gió giật cấp 16

Đến nay, Quảng Ninh còn 245 tàu cá hoạt động ngoài khơi đang di chuyển về bến cá, khu neo đậu, cảng cá. Đến 5 giờ ngày 7-9, Quảng Ninh còn 5 khách du lịch, trong đó có 2 người Việt Nam ở lại Cô Tô; 3 người nước ngoài ở lại Vân Đồn.

Quảng Ninh đã di dời 3.460/3.517 người hoạt động tại 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển (Hạ Long còn 57 người); tổ chức di dời 2.053 hộ/6.159 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Thiếu tướng Hà Tất Đạt đánh giá, qua kiểm tra, đến thời điểm này, lực lượng vũ trang Quảng Ninh đã làm tốt nhiệm vụ phòng, chống bão số 3. Quân khu 3 đã thành lập 4 đoàn, đi kiểm tra bất chợt tất cả các đơn vị trên địa bàn.

Các địa phương cần phát huy vai trò theo phương châm "4 tại chỗ", Quân khu sẵn sàng hỗ trợ khi các địa phương có yêu cầu.

"Phòng, chống bão số 3 là nhiệm vụ sống còn, liên quan đến sinh mạng và tài sản của nhân dân. Quân khu sẽ sát cánh cùng Quảng Ninh ở mức cao nhất để phòng, chống bão", Thiếu tướng Hà Tất Đạt nói.

Yên Bái huy động hơn 63.000 người ứng phó với bão

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Yên Bái, do ảnh hưởng của bão số 3, nên từ hôm nay 7/9 đến hết ngày 9/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm (có nơi trên 450mm). Mưa lớn có khả năng kéo dài đến ngày 10/9; từ ngày 11/9, mưa giảm nhanh cả về diện và lượng, chỉ còn xảy ra mưa rào và dông rải rác tập trung vào chiều tối và đêm.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 17.
 

Nhà dân bị tốc mái

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 18.
 

 

 

 

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 19.
 

Để chủ động ứng phó bão số 3, tỉnh Yên Bái đã lên kế hoạch sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường ngập sâu, khu vực ngầm tràn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Tỉnh huy động hơn 63.000 người, gồm lực lượng bộ đội thường trực, công an, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các địa phương huy động nguồn nhân lực tại chỗ và huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 71.000 trang thiết bị khác, nhu yếu phẩm tại chỗ.

Đến thời điểm này, tỉnh cũng đã lên phương án di dời 10.438 người dân đến nơi an toàn trong 3 tình huống, ngập lụt trên báo động 3, nguy cơ cao lũ quét và nguy cơ cao sạt lở đất.

Tính đến 15 giờ 30 ngày 7/9, bão số 3 đã làm thiệt hại 108 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Văn Yên (Yên Bái). Trong đó, 20 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn, 88 ngôi nhà bị tốc mái; gần 77,5 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện...


 

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 20.
 

Các tổ, chốt kiểm soát tại đê Bình Minh II, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Kiểm tra, động viên các lực lượng phòng, chống bão tại Ninh Bình

Ngày 7/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra phòng, chống bão số 3 tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Kiểm tra tại tuyến đê Bình Minh 2 và đê Bình Minh 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã động viên các cán bộ trực tại chốt trên tuyến đê; chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền không được chủ quan, bị động, tiếp tục triển khai tốt mọi biện pháp phòng, chống bão. Đặc biệt, sau cơn bão, các địa phương cần chủ động phương án ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế.

Đến thời điểm này, tại huyện ven biển Kim Sơn, thời tiết đã chuyển mưa nặng hạt và gió mạnh. Chính quyền địa phương và lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng vẫn tiếp tục chốt trực, không để người dân đi ra ngoài đê biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Các địa phương, đơn vị tỉnh Ninh Bình tiếp tục bám sát địa bàn, chủ động triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 3.

Thái Bình: Di dời toàn bộ số lao động tại ao đầm nuôi trồng thủy hải sản

Bắt đầu từ rạng sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, đợt mưa này kéo dài đến ngày 9/9 với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Theo báo cáo nhanh của các cơ quan chức năng và địa phương, đến sáng 7/9, toàn bộ số lao động tại các chòi canh coi ngao, ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong và ngoài đê đã được di dời vào nơi an toàn.

Cụ thể, tại huyện Tiền Hải - một trong hai huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy

Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, toàn huyện có 1.794 lao động làm việc tại khu vực chòi canh coi ngao và nuôi trồng thủy, hải sản ven biển. Trong đó, tại các chòi canh ngao có 814 lao động, tại các ao đầm nuôi trồng thủy sản ở trong và ngoài đê là 971 lao động. Đến cuối giờ chiều 6/9, chính quyền các xã đã di dời toàn bộ số lao động tại các chòi canh coi ngao và ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong và ngoài đê vào nơi an toàn; đồng thời tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu phải di dời dân.

Cùng với đó, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Tiền Hải đã liên lạc được 100% phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 483 phương tiện với 1.121 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 18 phương tiện với 32 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 102 nhà yếu với 241 người; số dân sống ngoài đê quốc gia là 234 hộ với 651 khẩu. Tất cả các hộ đang chằng chống nhà cửa, cam kết di dời vào nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ vào đất liền. UBND huyện giao các ngành, xã sẵn sàng phương tiện, địa điểm và bảo đảm nhu cầu thiết yếu tại nơi tránh trú để phục vụ người dân.

Thành phố Hải Dương di dời hàng trăm hộ dân sống trên thuyền bè, khu tập thể cũ, khu nhà ở nguy hiểm

Đến sáng 7/9, toàn bộ các hộ dân sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn trong bão như: Khu tập thể B2, B3 Bình Minh, khu tập thể Máy Bơm, khu tập thể Máy Xay... tại thành phố Hải Dương đã được di dời đến nơi an toàn.

Theo UBND thành phố Hải Dương, hiện toàn thành phố có 926 người đang sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn. Trong đó, 861 người di chuyển đến nhà người thân để tạm thời tránh bão; 132 người được chính quyền các địa phương bố trí chỗ ở tạm khi di dời.

Trước đó, với diễn biến phức tạp của bão số 3, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương đã vận động 132 hộ dân với 370 nhân khẩu đang ở khu tập thể B2, B3 Bình Minh di chuyển tới nơi an toàn.

Đến sáng 7/9, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, di chuyển toàn bộ các hộ dân ở dãy nhà nguy hiểm đến ở nhà người thân và Hội trường của UBND phường Nguyễn Trãi.

Chính quyền địa phương cũng cắt cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ ứng trực để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản ở nơi ở và nơi đến tạm tránh bão.

Các khu nhà B2, B3, B4 tập thể Bình Minh có mức độ nguy hiểm cấp D (cấp nguy hiểm nhất) cần sớm phá dỡ để bảo đảm an toàn.

Nam Định: Hơn 1.000 người dân các khu tập thể, chung cư cũ đã đến nơi tránh trú an toàn

Sáng 7/9, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND TP. Nam Định cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 phường có khu tập thể, chung cư cũ bị xuống cấp. Hiện có hơn 1.000 nhân khẩu đã di dời đến điểm tránh trú bão số 3 an toàn.

Tại khu tập thể 5 tầng tại phường Trần Đăng Ninh cũ nay là phường Cửa Bắc (TP Nam Định) hiện đã phong tỏa và có lực lượng chức năng túc trực phía bên ngoài.

Ông Mai Văn Tư - Tổ trưởng tổ dân phố số 5 cũ cho biết: "Từ 16h hôm qua (6/9), người dân ở khu tập thể này đã di dời ra khỏi khu vực. Hiện tại, ở khu tập thể này có khoảng 105 hộ đang sinh sống, đến 18h cùng ngày (6/9) đã di chuyển về nhà người thân quanh khu vực và trường Mầm non Sao Vàng để tránh trú".

Hàng chục cây xanh bị bật gốc, nhiều tuyến đường Vĩnh Phúc ngập cục bộ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu xa bão số 3, từ tối 6/9 và sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến hàng chục cây xanh ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... bị bật gốc. Hàng trăm cây xanh khác bị gãy thân cây hoặc gãy cành, làm hư hỏng một phần công trình xây dựng, nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt... Không ít biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên, trục quốc lộ qua Vĩnh Phúc gãy đổ, hư hỏng…

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 21.
 

Cây to bị bật gốc trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên

Để khắc phục hậu quả của bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn khơi thông những điểm ngập nước trên các tuyến đường, lập rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huy động người và phương tiện tổ chức dọn dẹp cây xanh đổ gãy các tuyến đường, tuyến phố lớn. Ngành Điện đang tích cực khắc phục cột điện bị nghiêng, đổ và tổ chức đấu nối, đảm bảo nguồn điện an toàn cho sinh hoạt . Những điểm thiếu an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao cho người và phương tiện như các đập tràn, đoạn đường sạt lở, ngập nước hoặc đang thi công có nhiều hố sâu... đều được cắm biển báo, có sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng.

Một số hồ đập như hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo; hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên, từ ngày 6/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra lệnh xả tràn và phân công lực lượng trực 24/24 bảo đảm ứng phó trước mọi tình huống...

Lạng Sơn dồn sức chống bão, mưa lũ

Từ rạng sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa kèm theo gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với "siêu bão Yagi" (bão số 3), chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở đất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong các ngày 6 và 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện sở, ngành đã chia thành 4 đoàn công tác xuống tất cả các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão và mưa lũ. Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra một số khu vực có nguy cơ cao ngập úng, sạt lở, ngầm tràn, khu vực ven sông, suối, hồ, đập, công trình trọng điểm đang thi công...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để ứng cứu kịp thời cho người dân trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt. Chính quyền các cấp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chủ động ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Hà Giang sẵn sàng các biện pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 3

Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Công an tỉnh Hà Giang tập trung cao độ, bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số, sẵn sàng lực lượng triển khai phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đảm bảo công cụ, phương tiện đặc chủng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có chỉ đạo.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số. Không giải quyết phép, tranh thủ trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền và hoàn lưu sau bão, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn. Kiểm tra, gia cố, chằng buộc hệ thống doanh trại, kho tàng, nhà xe, nhà xưởng. Đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, vũ khí trang bị, phương tiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.

Bão số 3 đi vào Vịnh Bắc Bộ: Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó bão và mưa lũ sau bão  

 Đêm ngày 6/9/2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

3. Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh.

CẬP NHẬT: Tâm bão số 3 đã đi vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 10- Ảnh 22.
 

Các lực lượng hỗ trợ đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân huyện Cô Tô, Quảng Ninh di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.

Quảng Ninh: "Đêm trắng" phòng chống bão số 3

Thực hiện công tác phòng, chống bão, tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn; phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3. Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… Các loại vật tư trên được bảo quản trong kho và tập kết tại những vị trí xung yếu trên các tuyến đê.

Quảng Ninh cũng tiến hành cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9/2024; cơ bản hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, di dời người dân về nơi an toàn trước 16h ngày 6/9.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay trong đêm ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9, TX Quảng Yên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các xã, phường, chỉ đạo công tác ứng phó, đảm bảo ứng trực 24/24h. Cùng với đó, lãnh đạo thị xã đã đi kiểm tra các cửa đê dọc tuyến đê Hà Nam. Theo rà soát của thị xã Quảng Yên, trên dọc tuyến đê Hà Nam dài 34km có tổng số 70 cửa đê cần phải tiến hành lắp cánh phai.

Đêm ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9, toàn huyện Cô Tô đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.

Tiếp tục cập nhật...

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
07-09-2024

Đánh giá

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 18

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 18

Lượt truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 14
Trong tuần: 451
Lượt truy cập: 453714

Loading...
Lên đầu trang