CHÍNH TRỊ HỌC
Xung đột đất đai là một loại hình xung đột xã hội, cần phải được nhận diện và quản lý. Xung đột đất đai ở Tây Nguyên rất phức tạp, xuất phát từ mâu thuẫn giữa các quan hệ đất đai cổ truyền trong quá trình chuyển đổi sang các quan hệ đất đai hiện đại.
Mục lục bài viết
Tóm tắt: Xung đột đất đai là một loại hình xung đột xã hội, cần phải được nhận diện và quản lý. Xung đột đất đai ở Tây Nguyên rất phức tạp, xuất phát từ mâu thuẫn giữa các quan hệ đất đai cổ truyền trong quá trình chuyển đổi sang các quan hệ đất đai hiện đại. Những xung đột về quyền, về lợi ích, về các chế độ quản lý gây nên căng thẳng xã hội đe dọa sư ổn định chính trị và trật tự xã hội. Bài viết nhận diện các hình thức xung đột đất đai chủ yếu hiện nay ở Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp quản lý.
Xung đột đất đai là một loại hình xung đột xã hội, khi những đối lập, mâu thuẫn về nhận thức, quan điểm, lợi ích…liên quan đến các quan hệ đất đai (là quan hệ giữa người với người trong việc sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai), dẫn đến những va chạm, tranh chấp, đấu tranh với những hình thức, quy mô và mức độ khác nhau từ các phía trong các quan hệ xã hội.
Có thể nói, ở Tây Nguyên, xung đột đất đai rất phức tạp, vượt ra ngoài những hình thức xung đột thông thường được các nhà nghiên cứu ghi nhận.[1] Kể từ năm 1471, dưới thời vua Lê Thánh Tông, khi Tây Nguyên đã trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt (Việt Nam), đến nay, do bị ảnh hưởng bởi nhiều chế độ quản lý đất đai khác nhau, nên quan hệ đất đai ở Tây Nguyên cũng biến đổi khác nhau qua các thời kỳ và khá phức tạp. Hiện nay quan hệ đất đai ở Tây Nguyên được xác lâp trên cơ sở pháp luật về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện quản lý.
Mặc dù hệ thống quản lý mới thống nhất trên cả nước nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng, nhưng các quan hệ đất đai ở Tây Nguyên vẫn diễn ra phức tạp, “việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên “chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo”[2]. Do vậy thường xuyên xẩy ra tranh chấp, xung đột, tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Có thể nhận diện một số hình thức xung đột chủ yếu sau:
Trước đây, khi còn chưa có các thể chế kinh tế, xã hội hiện đại tác động đến, ở Tây Nguyên, để tồn tại, con người tạo ra một không gian xã hội gắn với không gian rừng. Rừng, tài nguyên, đất đai trong quan niệm của người Tây Nguyên đều thuộc sở hữu của các làng, được coi là “Yang” (Thần linh) giao cho từng làng, có ranh giới rất rõ rệt, được chế định bởi Luật tục. Một làng cần và được sở hữu các loại đất từ rừng như sau:
Như vậy, về quan niệm, hay nói cách khác, theo tập tục (được các cộng đồng thừa nhận, xác lập và tuân thủ, chưa có văn bản pháp lý), thì toàn bộ tài nguyên, đất và rừng Tây Nguyên là thuộc sở hữu của các cộng đồng dân cư. Chủ làng, già làng, trưởng tộc là các đại diện cho các quyền sở hữu đó. Các buôn, làng, mọi người trong cộng đồng đều có quyền sử dụng. Các làng thường được lấy các vật chuẩn tự nhiên để làm mốc, như dòng suối, ngọn núi, con đường, cây cổ thụ…để làm dấu và đánh dấu vùng đất, vùng rừng mà mình làm chủ và được các cộng đồng khác thừa nhận. Những ai xâm phạm bị cộng đồng trừng phạt theo Luật tục. Bằng cách đó, các cộng đồng người Tây Nguyên sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai, rừng và các tài nguyên khác.
Hình 1: Mô hình các loại đất thuộc sở hữu cộng đồng ở Tây Nguyên
Mặc dù quyền sở hữu cá nhân và tư nhân chưa phát triển, thậm chí chưa hình thành, nhưng quyền sở hữu công cộng của cộng đồng làng đối với đất và rừng của các tộc người Tây Nguyên đã định hình, gắn với đời sống “kinh tế rừng”, và theo đó là những tập quán văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên.
Chế độ chiếm hữu và quản lý sử dụng đất đai kiểu cộng đồng “công xã nguyên thủy” này có ưu điểm nhất định trong việc bảo vệ tính nguyên sinh của rừng. “Từ sự quy định đó, mà những mảnh rừng, đất đai, sông suối, động thực vật được bảo vệ rất tốt và có hiệu quả”.[3] Khi Tây Nguyên chưa được khai thác ồ ạt, với dân số khoảng 1 triệu người trên một diện tích khoảng 5,5 triệu ha rừng, các cộng đồng tộc người thiểu số sống dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên của rừng chỉ vừa đủ cho nhu cầu cần thiết của mình, thì phương thức này có thể là tối ưu. Hệ sinh thái đó có sẵn và cung cấp đủ cho đời sống “khá giả” của người Tây Nguyên. Trong quá trình phát triển, các chính sách kinh tế, xã hội mới, chỉ có thể phát huy tác dụng tích cực nếu thay thế được hệ sinh thái này.
Từ trước năm 1975, trải qua nhiều chế độ quản lý đất đai khác nhau, quan hệ đất đai ít nhiều có bị tác động, nhất là dưới thời thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, nhìn chung các tác động đó cũng chưa hoàn toàn, chưa đủ sâu, rộng để có thể thay đổi căn bản quan hệ đất đai ở Tây Nguyên, nhất là những địa bàn mà đồng bào các tộc người Tây Nguyên cư trú.
Từ sau năm 1975, đi kèm với những chính sách khai thác, phát triển kinh tế Tây Nguyên, những thay đổi về quan hệ đất đai ở khu vực này diễn ra nhanh chóng về tốc độ, rộng lớn về quy mô, bao trùm toàn bộ địa bàn Tây Nguyên. Do vậy, các quan hệ sở hữu, quản lý và sử dụng truyền thống không còn nguyên vẹn, thậm chí ở nhiều nơi bị phá vỡ. Do nguyên nhân khách quan và chủ quan đã xẩy ra tình trạng thiếu vắng sự tích hợp, thỏa hiệp giữa Luật tục cũ và Pháp luật mới. Điều này đã làm mờ, thiếu rõ ràng các quy định pháp luật, làm rối rắm và lỏng lẻo các cơ chế quản lý... Tài nguyên, đất đai, rừng bị chi phối bới những quan hệ chính thức và phi chính thức, hiện đại và cổ truyền…Trong các mối quan hệ đó, ai cũng có quyền coi mình là chủ, nhưng thực ra không ai làm chủ cả, đất rừng vừa trở thành vô chủ, vừa bị tranh chấp, bị tàn phá, khai thác một cách bừa bãi, vô trách nhiệm, kém hiệu quả. Ở nhiều nơi, thành tựu phát triển của những chính sách mới tại chỗ, không đủ để bù đắp cho những mất mát, tổn thương đối với các di sản văn hóa; kết quả của cách sản xuất mới không đủ thay thế cho những sinh kế cũ của người dân...Hệ quả là xẩy ra xung đột đất đai với nhiều hình thức, mức độ và quy mô khác nhau. Thậm chí kéo dài hàng chục năm chưa giải quyết được.
Bốn loại đất rừng mà cộng đồng sở hữu trước đây, giờ chỉ được Nhà nước giao cho sử dụng hai loại: đất ở và đất làm rẫy. Trong đó đất làm rẫy bị thu hẹp (không còn đốt rừng làm rẫy luân khoảnh được nữa). Trong lúc đó các nông, lâm trường được giao quản lý khoảng 80% đất rừng, nhưng quyền quản lý, sử dụng của các nông, lâm trường này cũng thiếu cụ thể, rõ ràng, quyền không tương ứng với trình độ và năng lực quản lý, dẫn đến tình trạng “vô chủ”, sử dụng đất kém hiệu quả, lại không chịu trách nhiệm gì đối với đời sống dân cư trong đất đai được giao quản lý .
Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện theo Pháp luật và sở hữu cộng đồng theo Luật tục. Có thể nói rằng, vấn đề mang tính bản chất, quan trọng và phức tạp nhất trong nghiên cứu xung đột đất đai ở Tây Nguyên là xung đột giữa các quan hệ đất đai trong một khuynh hướng vận động phát triển của nền kinh tế từ phương thức sản xuất từ công xã nguyên thủy đến nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Tây Nguyên như một vùng đất đang ngủ, được đánh thức, thay đổi. Kết quả của các chương trình phát triển Tây Nguyên là đưa sản lượng một số loại cây công nghiệp của Việt Nam như caffee, cao su, hồ tiêu…lên hàng đầu thế giới; dân cư Tây Nguyên tăng lên 4 lần, cách thức làm ăn các tộc người thiểu số có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ nghèo giảm…Tuy vậy, thách thức đặt ra là quá trình khai thác và phát triển đó làm thay đổi căn bản quan hệ đất đai ở Tây Nguyên.
Nhà nước với tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai ở Tây Nguyên là một chủ thể phức hợp bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan chính phủ, các bộ ngành, các địa phương từ tỉnh đến xã, các đơn vị kinh tế của Nhà nước…Các chủ thể này, cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ quy mô, hình thức, tính chất sử dụng đất đai nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng. Lúc đầu, một diện tích khá lớn đất đai ở Tây Nguyên được giao cho các binh đoàn quân đội làm kinh tế, sau đó các binh đoàn này chuyển thành các Liên hiệp Xí nghiệp Nông - Lâm - Công nghiệp; một thời gian sau, các Liên hiệp này được tổ chức lại thành các Nông trường, Lâm trường quốc doanh. Các nông, lâm trường này quản lý hầu hết, đất đai Tây Nguyên (khoảng 80%). Hệ thống các nông lâm trường quốc doanh ở Tây Nguyên, trước năm 2006 bao chiếm khoảng 4 triệu ha[4], trong tổng số khoảng 5,5 triệu ha. Ở Đắk Lắk, đến năm 1985, các cơ sở quốc doanh chiếm 86,13% diện tích đất đai toàn tỉnh[5].
Sau năm 1975, lợi ích từ đất đai được coi như là lợi ích quốc gia, được thống nhất, tập trung và thường được đặt cao hơn lợi ích của các cộng đồng, các cá nhân. Nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia, Nhà nước chú trọng việc giao đất rừng cho các đơn vị kinh tế nhà nước (nông, lâm trường) sử dụng, khai thác, như là một hình thức “quốc hữu hóa”. Tuy nhiên quá trình này được thực hiện một cách thiếu tính toán đầy đủ lợi ích của các cộng đồng dựa trên “quyền sở hữu” truyền thống.
Ở Tây Nguyên, các nông, lâm trường làm ăn thua lỗ, không mang về lợi ích kinh tế cho Nhà nước. Nhà nước không có nguồn thu từ các nông, lâm trường này để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội mới nẩy sinh, do sự thu hẹp đất đai của các cộng đồng. Đời sống của công nhân các nông, lâm trường cũng không được bảo đảm, đất rừng bị khai thác bừa bãi, tính trung bình mỗi năm rừng bị thu hẹp 26.000 ha[6], độ che phủ hiện nay chỉ còn dưới 50%; lượng nước ngầm trong đất trở nên cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây trồng.
Điều này đã ảnh hưởng đến lợi ích của người sản xuất, mà trước hết là người các tộc người thiểu số. Người dân Tây Nguyên bị “nghèo” đi trong nền “kinh tế rừng” truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại.
Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra chính xác rằng, cần bao nhiêu diện tích rừng cho bình quân mỗi một người sống bình thường trong nền “kinh tế rừng” ấy. Theo nghiên cứu của chúng tôi, để một làng sống bình thường với các loại đất như trên, cần một khu rừng bao bọc quanh làng với một bán kính khoảng 5km, tương đương với một diện tích khoảng 8000ha.
Hiện nay, đồng bào các tộc người thiểu số còn 326.909 hộ, trong đó có 32.975 hộ thiếu đất ở, 293.934 hộ thiếu đất sản xuất cần được hỗ trợ, nếu không sẽ thêm khó khăn. Chính phủ cần thực hiện tiếp chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tộc còn thiếu đất trong giai đoạn 2013-2015[7].
Việc di dân từ nơi khác đến Tây Nguyên là một đòi hỏi khách quan trong quá trình khai thác và phát triển Tây Nguyên. Trước đây, với một diện tích tự nhiên gần 5,5 triệu ha và với cư dân tại chỗ khoảng 1 triệu người (trước 1975), thì một người có thể sống trong một diện tích đất rừng 5,5 ha. Hiện nay, khi dân số tăng lên 5,5 triệu người (do di dân có kế hoạch và tự do), thì mỗi người chỉ còn sống trong một không gian rừng với diện tích 1 ha. Trong bối cảnh như vậy, “không có chỗ để duy trì chế độ chiếm hữu và quản lý sử dụng cộng đồng như trước”[8].
Do tình trạng “mạnh ai nấy được” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến các tộc người thiểu số Tây Nguyên vốn chưa thích nghi với điều kiện sản xuất thị trường hiện đại đã phải bị “nghèo đi” theo cả nghĩa tương đối và tuyệt đối, làm tăng mâu thuẫn xã hội, tăng nguy cơ xung đột xã hội. Trong lúc tỉ lệ số hộ nghèo tuyệt đối ở Tây Nguyên đã giảm từ gần 50 % năm 2006, hiện nay chỉ còn dưới 15%, thì tỉ lệ hộ nghèo tương đối của người dân tộc thiểu số của khu vực, chiếm từ 52% đến 70% trong tổng số hộ nghèo ở Tây Nguyên[9]
Một mặt, phương thức quản lý đất đai của các tộc người thiểu số Tây Nguyên theo sở hữu cộng đồng, là đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Ở một mức độ khá rõ rệt, chế độ mẫu hệ cản trở quá trình tham gia bình đẳng của người đàn ông vào các quá trình kinh tế, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật trong vận hành nền kinh tế ở Tây Nguyên. Mặt khác, việc đổi mới cơ chế quản lý chuyển đổi sang mô hình các công ty nông, lâm nghiệp (từ năm 2003) vẫn vẫn mang tính hình thức, chưa tách biệt rõ ràng giữa chức năng kinh tế với chức năng hành chính. Hiện nay, nhiều nông lâm trường, công ty lại từ chối nhận thêm đất hoặc vì không đủ năng lực sản xuất, hoặc vì chưa thể hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Vì vậy, một diện tích không nhỏ đất đai còn để hoang hóa, trong khi nhiều người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, đang thiếu đất sản xuất.
Cụ thể, tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên đã giao quản lý, sử dụng là gần 2,9 triệu ha, chiếm hơn 87,8% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; trong đó, giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1,2 triệu ha, chiếm 40%; giao cho các tổ chức là 1,24 triệu ha chiếm 37,3%; giao cho các UBND xã gần 368.000 ha, chiếm 20,7%. Trong khi đó, giao cho cá nhân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 75.770 ha, chiếm 3,1% và giao cho cộng đồng đồng bào các dân tộc thôn, buôn, bon, làng 29.926 ha, chiếm 0,9% trong tổng diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn. Việc rà soát, sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: các đơn vị chưa phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng. “Diện tích cho thuê, mượn, chuyển nhượng trái pháp luật lên đến hơn 14.600 ha đất; hơn 78.000 ha bị người dân lấn chiếm, xảy ra tranh chấp chưa được giải quyết và hơn 428.000 ha chưa sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích khác”[10] .
Tình trạng yếu kém về quản lý đất đai ở Tây Nguyên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguy cơ xung đột xã hội tăng lên. Trước sự “nguy hiểm” của tình trạng sử dụng, khai tác rừng như vây, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phải tuyên bố “đóng cửa rừng phòng hộ Tây nguyên”.
Với một quỹ đất có hạn, nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, thiếu một cơ chế quản lý đúng đắn làm cho giá đất thực và giá đất ảo tăng cao. Trong bối cảnh đó, việc đền bù, thu hồi đất ở nhiều nơi không minh bạch, thiếu hợp lý và công bằng, tình trạng tham nhũng của một bộ phận công chức trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, giải quyết đền bù… tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp đất đai gay gắt hơn giữa các nhóm dân cư, hoặc giữa nhân dân và chính quyền. Từ sau năm 1975 đến đến nay, những vụ tranh chấp đất đai lớn nhỏ ở Tây Nguyên có thể lên đến hàng ngàn vụ. Khiếu nại về đất đai chiếm đến 95% số đơn khiếu nại.[11] Hiện nay, theo số liệu khảo sát thực tế, trên địa bàn Tây Nguyên vẫn đang diễn ra khoảng 90 vụ[12] tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai đang giải quyết.
Từ thực trạng và thách thức trên đây cho thấy việc đảm bảo nhu cầu đất sản xuất, nhất là quyền quản lý sử dụng rừng và đất rừng cho hộ gia đình và không gian văn hóa rừng cho cộng đồng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Cơ cấu xã hội-tộc người, văn hóa truyền thống và tập quán sản xuất của mỗi cộng đồng tộc người ở Tây nguyên đều gắn bó mật thiết với rừng. Do đó, việc đảm bảo “không gian sinh tồn”, không gian văn hóa gắn với rừng và đất rừng cho cộng đồng, để bà con các tộc người thiểu số Tây Nguyên không “thiếu đất” sản xuất là điều kiện tiên quyết cho quản lý xung xã hội và sự phát triển bền vững Tây Nguyên.
Một số giải pháp chủ yếu
Trước hết, có thể phải nhấn mạnh rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng làm rõ quyền trách nhiệm nghĩa vụ của các chủ thể đối với các quyền sở hữu, đại diện quản lý và sử dụng. Cần tính tới việc phát huy vai trò của Luật tục, của các cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng đất, nhưng không ảnh hưởng đến mục đích của pháp luật về đất đai nói chung. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về các quan hệ đất đai, chúng ta có thể kết hợp áp dụng Pháp luật và Luật tục, hương ước, để không những quản lý hiệu quả hơn xung đột đất đai, mà còn có thể tăng hiệu quả sử dụng đất đai, giải quyết căn bản tình trạng “thiếu đất” sản xuất của đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.
Thứ hai, khẩn trương, chủ động và quyết liệt giải quyết những bức xúc, khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai đang tồn đọng. Đi kèm với giải pháp này, cần thực hiện triệt để việc giao đất giao rừng, đổi mới mô hình tổ chức nông, lâm trường, doanh nghiệp và phương thức quản lý của các nông, lâm trường doanh nghiệp này phù hợp với cơ chế thị trường.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo xung đột đất đai; chủ động trong phòng ngừa, quản lý, giải tỏa xung đột đất đai. Đối với địa bàn Tây Nguyên, đây là một nhiệm vụ không chỉ đương nhiên, mà cần phải ưu tiên so với các nhiệm vụ khác. Công tác dự báo cần gắn với dự báo phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phát triển kinh tế, xã hội, khẩn trương thực hiện chính sách giao đất, giao rừng; cấp đất cho những đối tượng thiếu đất ở, thiếu đất canh tác; làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần và trình độ dân trí cho đồng bào các tộc người thiểu số, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định chính trị - xã hội; thu hẹp dần và có thể giảm thiểu những yếu tố có thể nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến xung đột xã hội căng thẳng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tranh thủ vai trò của già làng, người có uy tín trong các tộc người, các tôn giáo; cảnh giác, phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng những mâu thuẫn về đất đai để kích động bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Tây Nguyên được coi là nóc nhà Đông Dương. Là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, tộc người…từ một một vùng rừng núi đại ngàn, hoang dã, hiện nay đã được đánh thức, khai thác, hòa vào sự phát triển mạnh mẽ chung của cả nước. Trong bối cảnh đó, sự giàu có, đa dạng về tài nguyên, đất đai, văn hóa, tôn giáo, tộc người vừa tạo ra những ưu thế cho sự phát triển vùng, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều những nguy cơ xung đột xã hội căng thẳng. Vì vậy, quản lý có hiệu quả xung đột xã hội nói chung, xung đột đất đai nói riêng ở Tây Nguyên, có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển bền vững không chỉ cho chính Tây Nguyên mà cho sự phát triển bền vững cả nước.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn
TS. Nguyễn Thị Thanh Dung
Tài liệu tham khảo
https://dantocmiennui.vn/chinh-sach/hoi-nghi-cong-tac-quan-ly-su-dung-dat-dai-tai-5-tinh-tay-nguyen/169774.html
[2] Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên môi trường: https://dantocmiennui.vn/chinh-sach/hoi-nghi-cong-tac-quan-ly-su-dung-dat-dai-tai-5-tinh-tay-nguyen/169774.html
[3] H.V. Quynh (2009), Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 25. Hà Nội. Xem thêm: Trần Xuân Sơn 2011, Vũ Tuấn Anh (2014) và nhiều tác giả khác.
[4] https://bnews.vn/-ao-moi-cho-nong-lam-truong-quoc-doanh/20668.html
[6] https://baotintuc.vn/goc-nhin/he-luy-cua-nan-pha-rung-20160324215533172.htm
[7] http://speri.org/info/354/Dat-va-rung-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-927.html
[8] https://vie.vass.gov.vn/.../Vấn đề và quản lý sử dụng đất đai ở Tây Nguyên
[9]http://daidoanket.vn/xa-hoi/khu-vuc-mien-trung-tay-nguyen-con-144-ti-le-ho-ngheo tintuc407987
[10] https://baotintuc.vn/ Thứ Sáu, 03/02/2017 16:34
[11] https://www.vietnamplus.vn/con-nhieu-ton-tai-trong-cong-tac-quan-ly-dat-dai-o-taynguyen
[12] Kon Tum:13 vụ, Gia Lai:12 vụ; Đắk Lắk: 22 vụ. Đắk nông: 9 vụ, Lâm Đồng: 34 vụ.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá