"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi hiểu rằng thời điểm thích hợp để các lực lượng Mỹ rút lui sẽ không bao giờ đến. Đó chính là lý do chúng ta kẹt lại mãi", Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 16/8.
Lãnh đạo Mỹ cho rằng sự sụp đổ chóng vánh của Kabul đã củng cố quan điểm chấm dứt can dự quân sự ở Afghanistan là lựa chọn đúng đắn. "Thật sai lầm nếu ta buộc quân nhân Mỹ chiến đấu khi những lực lượng vũ trang Afghanistan từ chối đứng lên", ông nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu bảo vệ quyết định rút quân, Biden đã liệt kê một loạt trụ cột cho sách lược đối ngoại dưới nhiệm kỳ của mình. Ông chủ trương Washington không tìm cách can thiệp kiến tạo quốc gia khác thông qua triển khai quân sự và lao vào xung đột vô định ngoài phạm vi lợi ích quốc gia, không gia tăng can dự vào nội chiến nước khác.
Ở cấp độ chiến thuật, quân đội Mỹ sẽ chỉ chống khủng bố thay vì chống phiến loạn. Biden muốn quân đội sẵn sàng tận dụng các năng lực tầm xa để ngăn chặn mối đe dọa, thay cho biện pháp cho quân nhân Mỹ tham chiến trực tiếp.
"Chúng ta đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khủng bố ở nhiều nước dù không có hiện diện quân sự thường trực. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ áp dụng cùng phương pháp ở Afghanistan", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Các nguyên tắc đối ngoại này đã rời xa chính sách khởi đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, người ra lệnh đưa quân đến Afghanistan gần 20 năm trước. Học thuyết đối ngoại thời Bush đặt Mỹ vào vai trò "bá quyền nhân từ" trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.
Giới hoạch định chính sách khi đó muốn giảm thiểu mối đe dọa nhắm vào lãnh thổ thông qua lan tỏa mô hình dân chủ và tự do phương Tây khắp thế giới. Họ lập luận Mỹ cần duy trì và củng cố vị thế áp đảo chiến lược lẫn ý thức hệ bằng cách bảo vệ những giá trị của mình trên toàn cầu. Trải qua gần 1/4 thế kỷ sa lầy trong hai cuộc chiến tại Trung Đông, nước Mỹ của Biden muốn chọn hướng đi khác.
"Nếu so sánh giữa hai chính quyền Bush và Biden, đang tồn tại những khác biệt rất lớn trong tư duy kiến tạo quốc gia, lan tỏa dân chủ và hỗ trợ nước khác nhằm kiềm tỏa các mối đe dọa", Jeffrey Hornung, chuyên gia Nhật Bản và nhà khoa học chính trị thuộc hãng tư vấn quốc phòng RAND, đánh giá.
Theo Simon Frankel Pratt, giảng viên Đại học Bristol, chống khủng bố có phạm vi hẹp hơn chống phiến quân. Với nguyên tắc đối ngoại mới của Biden về cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, kỷ nguyên của những cuộc phiêu lưu quân sự chính trị tốn kém và lâu dài ở nước ngoài đã kết thúc.
"Các chiến dịch trong tương lai tương đồng nhiều hơn với những đợt triển khai tại châu Phi, duy trì mức hiện diện ít hơn và phụ thuộc nhiều hơn và các lực lượng an ninh đối tác sẵn có", ông dự đoán.
Sự tập trung vào "lợi ích quốc gia" là điểm then chốt trong học thuyết mới. Vấn đề là Tổng thống Mỹ không liệt kê cụ thể những vấn đề thuộc phạm trù này trong bài phát biểu ngày 16/8. Sau diễn biến tại Afghanistan, đồng minh Mỹ chắc chắn sẽ theo dõi kỹ lưỡng bộ nguyên tắc đối ngoại của Biden.
Một trong những đồng minh Mỹ được giới quan sát chú ý là Đài Loan. Giữa giai đoạn Tổng thống Biden chịu chỉ trích bỏ mặc đồng minh Afghanistan, Chiến khu Đông Bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đột ngột tổ chức diễn tập tấn công không quân và hải quân sát hòn đảo. Global Times cảnh báo Kabul đổi chủ chính là tín hiệu cảnh báo số phận Đài Loan nếu chiến tranh nổ ra.
Tuy nhiên, theo Hornung, một số diễn văn thời gian qua của Biden về chính sách đối ngoại dành mức tập trung rõ rệt cho cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cạnh tranh nước lớn và chống bá quyền trỗi dậy là một trong các lợi ích then chốt, Washington sẽ vạch ra giới hạn đối với Bắc Kinh.
"Sử dụng sức mạnh quân sự nhằm thúc đẩy dân chủ tại một nước không có truyền thống dân chủ và bảo vệ thiết chế dân chủ, như trường hợp của Đài Loan, là hai câu chuyện khác nhau", Mike Mochizuki, chuyên gia về quan hệ quốc tế và quan hệ Nhật - Mỹ tại Đại học George Washington, lưu ý.
Theo Mochizuki, bài học rút ra cho Đài Loan là ý thức trách nhiệm phòng vệ trước nhất nằm ở bản thân họ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Tư duy này cũng được áp dụng cho những đối tác và đồng minh Washington cùng chia sẻ lợi ích.
Tom Shugart, chuyên gia về thách thức an ninh từ Trung Quốc và thành viên Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cũng bác bỏ lập luận diễn biến tại Afghanistan mang hàm ý chính sách Mỹ tại eo biển Đài Loan.
"Khái niệm 'Nền hòa bình Mỹ' (Pax Americana) được thiết lập và duy trì bằng sức mạnh của Mỹ trên những vùng biển quốc tế. Nếu 'Nền hòa bình Mỹ' kết thúc, đó là do sự thống trị của Mỹ trên các vùng biển đã đến hồi kết, chứ không được quyết định trên những dãy núi tại Trung Á", ông phân tích.
Trung Nhân (Theo Nikkei Asia)