Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN TRỊ KHỦNG HOẢNG

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN TRỊ KHỦNG HOẢNG

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Tóm tắt: Đời sống chính trị của bất kỳ một quốc gia, một địa phương nào cũng luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn, rủi ro, thách thức, xung đột, thậm chí là những tình huống mang tính khủng hoảng. Quản trị khủng hoảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt thuộc chức năng quản lý nhà nước. Vì vậy, vấn đề quản trị khủng hoảng, cần được nhận thức sớm, có giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống quản lý để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó với mọi rủi ro, thách thức trên các lĩnh vực “từ sớm, từ xa”. Điều đó đặt ra và đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có nhận thức đúng đắn về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, quản lý xung đột xã hội, xử lý tình huống chính trị…

Từ khóa: Quản trị khủng hoảng, quản trị rủi ro, tình trạng khẩn cấp.

Mục lục bài viết

263
  1. Tiếp cận về khủng hoảng và quản trị khủng hoảng

Đời sống chính trị của bất kỳ một quốc gia, một địa phương nào cũng luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn, rủi ro, thách thức, xung đột, thậm chí là những tình huống mang tính khủng hoảng. Đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi mà biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các đại dịch đang là một thách thức toàn cầu; khi mà tình hình chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các quốc gia được coi thất bại (Failed States) là do năng lực quản trị quốc gia, trong đó có quản trị khủng hoảng yếu kém. Ở các quốc gia đó, an ninh con người, trật tự an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với những thảm họa thiên tai hay xung đột xã hội còn nhiều bất cập.

Việt Nam được coi là một trong số ít các quốc gia, được dự báo là phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, sự tác động tiêu cự của nó rất khó lường, có thể gây ra các cuộc khủng hoảng sinh thái, môi trường lớn hoặc nhỏ. Trong đời sống chính trị - xã hội, “các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức.[1]

Vì vậy, vấn đề quản trị khủng hoảng, cần được nhận thức sớm, có giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống quản lý để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó với mọi thách thức tự nhiên, công nghệ, kinh tế, chính trị-xã hội “từ sớm, từ xa”.

Khủng hoảng là bất kỳ sự kiện, biến cố hoặc quá trình nào, từ đó dẫn đến một tình huống bất ổn, rối loạn có thể gây nên những hệ quả tiêu cực, nguy hiểm, bất ngờ, không lường trước được đối với các hoạt động bình thường của cá nhân, nhóm, cộng đồng, hay toàn xã hội. Nó đòi hỏi con người, hệ thống xã hội và nhà nước phải áp dụng những biện pháp, phương thức và công cụ đặc biệt để xử lý.

Có thể khẳng định rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể xẩy ra khủng hoảng với tính chất, quy mô và mức độ khác nhau. Quản trị khủng hoảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt thuộc chức năng quản lý nhà nước. Một cuộc khủng hoảng bao giờ cũng xuất phát từ một số nguyên nhân, phát triển trong một quá trình, cho đến lúc nổ ra sự kiện, biến cố, ta gọi là tình huống khủng hoảng. Sự tác động của khủng hoảng ở các giai đoạn ban đầu thường chưa rõ rệt; các mâu thuẫn, sự mất cấn đối, sự rối loạn, xung đột…ở các giai đoạn thấp mà hệ thống quản lý thường không nhận biết được, hoặc nhận biết không đầy đủ, chúng tồn tại ở dạng tiềm ẩn, các nguy cơ. Vì vậy, khi các nguy cơ dẫn đến tình huống khủng hoảng, khi đó hệ thống quản lý sẽ không kịp ứng phó, phải chịu những hệ quả tiêu cực khôn lường, xã hội phải chịu những thiệt hại nặng nề.

Tính chất, vị trí, vai trò và bản chất của khủng hoảng

Làm rõ tính chất chung của trạng thái khủng hoảng nói chung, tình huống khủng hoảng nói riêng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Tình huống khủng hoảng nhìn chung có một số tính chất  như: tính bất ngờ, tính đặc biệt, tính cấp thiết, tính xung đột, tính bất ổn, tính thảm họa, tính lan truyền, tính hệ trọng, và cuối cùng cần nhấn mạnh là chúng mang tính quy luật…

Khủng hoảng luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, bởi chúng không phải là những hiện tượng thông thường, mà là những hiện tượng có tính phức tạp, đặc biệt, cấp bách, ngoài mong đợi; thu hút được sự chú ý, quan tâm đặc biệt của xã hội.

Vì vậy, quản trị khủng hoảng, không chỉ là hạn chế tối đa hệ quả tiêu cực của khủng hoảng, lập lại trạng thái bình thường của đời sống chính trị, mà còn giúp nhận thức rõ các quá tình chính trị, xã hội; các loại hình, cấu trúc, cơ chế, chức năng, bản chất của các cuộc khủng hoảng, vai trò của các cá nhân, của các nhóm xã hội các tổ chức kể cả nhà nước, các đảng chính trị trong khủng hoảng. Ngoài ra, nó giúp hiểu được trạng thái đáp ứng của hệ thống quản lý nói riêng, của toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống xã hội nói chung. Từ đó chúng ta có thể hoàn thiện hệ thống quản lý nói riêng, hệ thống chính trị nói chung.

 Các tình huống khủng hoảng là những thách thức sống còn của chế độ chính trị. Nó đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống chính trị có giải quyết được vấn đề này hay không? Có vượt qua khủng hoảng này để tồn tại và phát triển hay không?

Khủng hoảng và tình huống khủng hoảng de dọa tính chính đáng của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, thách thức năng lực quản lý của hệ thống chính trị, mà trực tiếp là hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống quản lý; de dọa tính chỉnh thể, tính hệ thống của hệ thống chính trị, nguy cơ gây sụp đổ chế độ chính trị, chế độ nhà nước; gây rối loạn và thiệt hại lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.

  1. Quản trị khủng hoảng

Quản trị khủng hoảng bao hàm trong đó nhiệm vụ quản lý rủi ro, quản lý xung đột, xử lý các tình huống khủng hoảng, (kể cả tình trạng khẩn cấp). Các loại hình (mô hình) khủng hoảng khác nhau, cần áp dụng các phương phương thức quản trị khủng hoảng khác nhau.

Mục tiêu của quản trị khủng hoảng: Mục tiêu của quản trị khủng hoảng là ngăn ngừa và giảm tới mức tối thiểu hậu quả tiêu cực mà khủng hoảng gây ra, lập lại trạng thái bình thường của đời sống xã hội, rút kinh nghiệm, dự báo và áp dụng những mô hình quản trị tốt hơn, để phòng ngừa, xử lý tình huống khủng hoảng tốt hơn, nếu chúng khủng hoảng có thể xẩy ra.

Giai đoạn 1:  Quản trị rủi ro

Rủi ro và quản trị rủi ro là những phạm trù độc lập, có thể có nghiên cứu riêng. Nhưng trong quản trị khủng hoảng theo nghĩa rộng (không chỉ là xử lý) bào hàm cả quản trị rủi ro. Cần khẳng định rằng, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội luôn tiềm ẩn những rủi ro, những mối nguy hiểm tiềm tàng mà chúng ta không nắm bắt ngay được. Vì vậy, vấn đề đầu tiên trong quản trị khủng hoảng là quản trị rủi ro.

- Nhận diện những rủi ro, những nguy cơ, những tình huống khủng hoảng tiềm năng

Các rủi ro hay nguy cơ là một “phổ” rất rộng, có thể nhận biết, hoặc có thể không nhận biết được. Nhận biết các rủi ro, các nguy cơ chủ yếu bằng phương thức dự báo, phán đoán. Trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, công nghệ, di cư…Nhất là các lĩnh vực có nguy cơ cao như thiên tai, xung đột xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến xung đột chủ quyền, an ninh chính trị, dịch bệnh, thảm họa môi trường, tài chính – ngân hàng, chuyển giao quyền lực, tham nhũng…Trong hoạt động sống của mình, con người luôn tìm cách “quản trị rủi ro”. Mặc dù quản trị rủi ro, có thể giảm thiểu tác hại của rủi ro nói chung, của các tình huống khủng hoảng nói riêng, nhưng không thể loại trừ được hoàn toàn các tình huống khủng hoảng. Ví dụ: Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, chúng ta đưa ra những phán đoán về những rủi ro mà biến đổi khí hậu mang đến, như nước biển dâng cao, nhiễm mặn ở các cửa sông, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sự bất thường của các cơn bão nhiệt đới, lũ lụt, lở đất…Tuy nhiên đợt lũ lụt cuối năm 2020 ở miền Trung lớn chưa từng thầy là tình huống có tính khủng hoảng mà chúng ta không thể đoán trước được. Mặc dù vậy, nhờ quản lý rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại do đợt lũ lụt lịch sử gây ra.

Một điều cần lưu ý là nhà quản lý càng nhận biết được càng nhiều rủi ro càng thuận lợi cho quản trị khủng hoảng, nhưng không loại trừ được các tình huống khủng hoảng. Lấy một ví dụ dễ hiểu là khi sản xuất các phương tiện giao thông như máy bay, ô tô…nhà sản xuất đã tiên liệu các rủi ro, nên gắn trên các phương tiện đó rất nhiều thiết bị an toàn. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, các thiết bị đó không hề được sử dụng; lại có nhiều trường hợp, nhờ các thiết bị an toàn đó đã giảm thiểu các thiệt hại về người và của. Mặt khác, lại có những trường hợp rủi ro vượt ra ngoài các dự liệu mà các thiết bị an toàn, gây ra thiệt hại to lớn. Dù tồn tại những mâu thuẫn, thậm chí nghịch lý, nhưng không vì thế mà không quản trị rủi ro. Vấn đề đặt ra là quàn trị rủi ro hiệu quả. Ở đây, đặt ra vấn đề, một mặt phải cố gắng nhận biết các rủi ro, các nguy cơ, mặt khác tập trung vào nhưng rui ro, những nguy cơ có khả năng xẩy ra nhiều nhất, hệ quả nặng nề nhất, có vai trò ảnh hưởng đến việc xẩy ra các nguy cơ khác nhất. Lựa chọn trong tâm, trọng điểm theo cách (20/80 – pareto), là khuyến cáo cần xem xét.

- Xây dựng các chương trình mô hình phòng tránh rủi ro, nguy cơ

Cần dự báo khoa học và xây dựng các kịch bản đổi với các rủi ro, các nguy cơ, thường xuyên cảnh báo cho hệ thống các rủi ro, các nguy cơ; thậm chí là tổ chức tập dượt xử lý các kịch bản. Lập kế hoạch giải quyết các mô hình khủng hoảng, các sự cố bất ngờ. Điều này giúp chúng ta phản ứng chủ động và hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực của khủng hoảng, nhanh chóng lập lại trật tự bình thường.

Giai đoạn 2: Xử lý khủng hoảng.

- Trước hết cần thể chế hóa tình huống khủng hoảng

Khi một rủi ro (nguy cơ) đã trở thành một tình huống khủng hoảng (có thể trong dự đoán hay ngoài dự đoán), có thể gây ra một cuộc (trạng thái) khủng hoảng trong xã hội với quy mô, mức độ và tính chất khác nhau. Khi đó, chúng ta cần thể chế hóa tình huống khủng hoảng và trạng thái khủng hoảng của xã hội.

Thể chế hóa tình huống khủng hoảng nói riêng, trạng thái khủng hoảng nói chung là hành động của nhà nước (nếu là tình trạng mang tính quốc gia), tổ chức, doanh nghiệp đưa ra (ban hành) các khung khổ, trong đó thừa nhận tình huống khủng hoảng, chế định, quy định các vai trò, nhiệm vụ, quy tắc, phương pháp, phương tiện đối với các bên liên quan đến xử lý tình huống khủng hoảng. Trong quản lý nhà nước, thể chế hóa tình huống khủng hoảng được công bố như một văn bản quy phạm pháp luật. Nghĩa là đằng sau đó có bộ máy cưỡng chế và có thể thực hiện các chế tài.

Thành lập ngay Ban Chỉ đạo có thẩm quyền, phù hợp với quy mô, tính chất chuyên môn và diễn biến của tình hình. Công bố công khai về sự tồn tại của tình huống, thẩm quyền, vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức nhân sự của Ban chỉ đạo. Công khai những nguyên nhân, mâu thuẫn, phương thức xử lý tình huống và những kế hoạch xử lý, những lực lượng, nguồn lực  mà nhà nước dành cho xử lý tình huống. Thống nhất quan điểm chỉ đạo, nhất quán hành động từ Trung ương xuống cơ sở trong điều hành, trong áp dụng các nguyên tắc ứng xử, trong quy trình tổ chức xử lý tình huống.

Ban chỉ đạo xử lý tình huống nhìn chung không phải là bộ máy quản lý nhà nước hàng ngày, thường xuyên, mà là một tổ chức được lập ra, được trao quyền đặc biệt, không một cơ quan nhà nước trong điều kiện bình thường có thể có được, từ sử dụng các phương tiện đặc biệt cho đến công bố tình trạng khủng hoảng, thậm chí tiến hành thủ tục để nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp (ở quy mô địa phương hoặc toàn quốc).

- Tình trạng khẩn cấp

Trong các tình huống khủng hoảng, có thể có tình trạng khẩn cấp. Khi đó, Chính phủ (nhà nước) cần ban bố tình trạng khẩn cấp. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp, phải trải qua một quy trình đặc biệt. Ở nhiều nước, quyền ban bố tình trạng khẩn cấp được Hiến pháp chế định, hoặc phải được Quốc hội cho phép. Trong tình trạng khẩn cấp, có thể tạm ngưng một số chức năng bình thường của Chính phủ và có thể có thể tạm ngừng các quyền tự do dân sự.

Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, tình trạng khẩn cấp thường được chia thành ba loại: (i) liên quan đến hành vi con người (các tình huống chính trị: bất ổn xã hội, bạo loạn chính trị, xung đột, chiến tranh...); (ii) liên quan đến tự nhiên (thảm họa tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh); (iii) thảm họa công nghệ (sự cố công nghệ, rò rỉ phóng xạ, sự cố tàu vũ trụ, tàu ngầm, ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp…); trong kinh tế: như suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thị trường chứng khoán sụp đổ. Các tình trạng khẩn cấp có thể rất khác nhau, khủng hoảng kinh tế, có bản chất khác với tình trạng khẩn cấp về thiên tai, chính trị, công nghệ hay môi trường…Nhưng khi đã là tình trạng khẩn cấp, chúng đều có một tính chất chung là tính mạng con người, an ninh con người, an sinh xã hội, an ninh quốc gia, an ninh chính trị…bị đe dọa. Ngoài ra tình huống khẩn cấp có thể được phân loại theo quy mô: Quy mô địa phương, vùng, khu vực, quốc gia hoặc quốc tế.

Cách xử lý các tình huống khẩn cấp cũng rất khác nhau. Trong các tình huống khẩn cấp về kinh tế có thể đòi hỏi một phản ứng chính sách kiên quyết và dứt khoát — ví dụ như để ngăn chặn sự tháo chạy của các ngân hàng, ổn định tiền tệ hoặc trấn an các chủ nợ nước ngoài — điều này có thể đòi hỏi sự tập trung quyền lực tạm thời vào tay cơ quan hành pháp trung ương. Quy định chung về tình trạng khẩn cấp cho phép nhà nước có quyền quyết định tùy nghi, theo đó có thể thực hiên các phản ứng linh hoạt, đặc biệt.

Căn cứ để ban bố tình trạng khẩn cấp

Các tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường được ban bố không chỉ dựa trên tình huống khẩn cấp hoặc trạng thái khủng hoảng, mà cần có căn cứ, đặc biệt là căn cứ pháp lý vững chắc, nhằm tránh việc vi phạm pháp luật của các tổ chức, nhóm xã hội, các lực lượng chính trị khác nhau, các tổ chức phi pháp…thậm chí còn phải tính đến sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước. Trong căn cứ để ban bố tình trạng khẩn cấp, cần chú ý các khía cạnh: (i) pháp lý, (ii) kinh tế, (iii) an sinh, (iv) bảo toàn và đảm bảo cho hệ thống chính trị vận hành tốt, không rối loạn.

Hiện nay, tình trạng khẩn cấp được thừa nhận rộng rãi cả trong khoa học pháp lý và khoa học chính trị trên toàn thế giới, cũng như trong các văn kiện chính trị – pháp lý toàn cầu. Điển hình là Điều 4 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Hầu hết các hiến pháp dân chủ trên thế giới đều có những điều khoản khẩn cấp cho phép chính phủ, trong những bối cảnh khẩn cấp, được hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì pháp luật và trật tự, bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân, ổn định các dịch vụ công thiết yếu, huy động các nguồn lực cứu trợ và hướng các nguồn lực đó vào những lĩnh vực cần thiết nhất, và cuối cùng là để khôi phục trạng thái bình thường của xã hội. Những điều khoản khẩn cấp này cũng có thể cho phép chính phủ hạn chế hoặc đình chỉ một số quyền con người hiến định (có thể, thường không phải là tất cả), tập trung quyền ra quyết định vào cơ quan hành pháp trung ương, thậm chí trì hoãn các cuộc bầu cử, dù đã hết nhiệm kỳ.

Nếu hiến pháp không có các điều khoản khẩn cấp như vậy, thì nhà nước, hoặc là sẽ phải chịu sự trói buộc, không thể thực hiện các hành động tức thời cần thiết để giải quyết tình huống khẩn cấp, hoặc thực hiện quyền hạn vượt ra ngoài khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Khi đó, giới cầm quyền các quốc gia, có thể lợi dụng tình trạng khẩn cấp để hành động vì lợi ích giới “nomenclature”, kéo dài hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp không cần thiết, trốn tránh trách nhiệm giải trình, trấn áp những người không được ưa thích, lũng đoạn bầu cử, hạn chế báo chí, và sau cùng là để gạt bỏ những đối thủ chính trị, chống lại dân chủ, pháp quyền và lợi ích xã hội…

Hành động đặc biệt của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia trong tình trạng khẩn cấp

Trong các thời kì bình thường, một nhà nước dân chủ có thể nhấn mạnh sự thận trọng và cân nhắc trong việc ra quyết định; có thể đặt giá trị cao nhất vào việc bảo vệ các quyền công dân, quyền con người và pháp quyền, nhưng trong những thời điểm khẩn cấp, phải ưu tiên quyền hành động của nhà nước (Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia) để hướng các nguồn lực vào việc bảo vệ sự tồn vong của quốc gia. Quân đội quốc gia có thể được yêu cầu hành động hỗ trợ cho chính quyền trong những nhiệm vụ dân sự, ngay cả khi điều này có nghĩa là vượt quá giới hạn hiến pháp thông thường ở một số quốc gia về quyền hạn của quân đội.

Sự bùng phát của dịch bệnh (hiện nay là covid-19 chẳng hạn) cũng có thể đòi hỏi áp dụng các quy định chống dịch nghiêm ngặt hạn chế quyền tự do đi lại, mặc dù các biện pháp này sẽ vi phạm các quyền con người mà thông thường được đảm bảo về mặt hiến pháp. Do đó, hầu hết các hiến pháp hiện đại đều bao gồm các điều khoản khẩn cấp mà có thể cho phép độ lệch tạm thời so với các biện pháp bảo vệ thông thường của hiến pháp.

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường bổ sung thẩm quyền cho nhà nước trong ba lĩnh vực chính:

(a) Hạn chế tạm thời hoặc đình chỉ một số (nhưng thường không phải tất cả) các quyền con người hiến định;

(b) Tập trung quyền lực tạm thời vào cơ quan hành pháp với ngân sách được chuẩn y bởi cơ quan lập pháp, và tập trung quyền vào chính quyền trung ương trong việc phân bổ ngân sách cho xử lý tình huống;

(c) Trong một số trường hợp, có thể trì hoãn các cuộc bầu cử theo nhiệm kỳ.

Tuyên bố, chấm dứt và gia hạn tình trạng khẩn cấp

Thẩm quyền khởi xướng hoặc đề xuất tình trạng khẩn cấp trên thế giới thường thuộc về chính phủ (nhánh hành pháp). Điều này là do chính phủ có trách nhiệm điều hành đất nước trong tổng thể và liên tục. Mặt khác, chính phủ cũng được trao các nguồn lực cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp, bao gồm quyền truy cập thông tin tình báo, quỹ dự phòng và kiểm soát các tài sản quân sự, cảnh sát và phòng thủ dân sự.

Tình trạng khẩn cấp được coi là một phản ứng tạm thời đối với một nhu cầu khẩn cấp cụ thể. Cần khôi phục tính quy phạm của hiến pháp càng sớm càng tốt. Do đó, hầu hết các hiến pháp đều quy định cả thời hạn cho bất kì tuyên bố nào về tình trạng khẩn cấp (thường là từ hai đến sáu tháng) mà sau đó tình trạng khẩn cấp sẽ tự động hết hiệu lực trừ khi được gia hạn.

Trong nhiều trường hợp, tình trạng khẩn cấp có thể được chấm dứt trước ngày hết hiệu lực nếu không còn cần thiết để duy trì. Cần lưu ý rằng, các biện pháp bất thường được thực hiện trong tình huống khẩn cấp, chỉ được thực hiện theo luật, và tính hợp pháp của chúng — bao gồm cả sự phù hợp với luật pháp quốc tế — phải có khả năng được kiểm tra bởi cơ quan tư pháp.

Ví dụ: Ở Hoa Kỳ, khi sư lây lan của COVID-19 trong các cộng đồng của Hoa Kỳ, có nguy cơ làm căng thẳng các hệ thống chăm sóc sức khỏe của Quốc gia. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lúc đó, với thẩm quyền được Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ trao cho, tuyên bố rằng đợt bùng phát COVID-19 ở Hoa Kỳ là tình trạng khẩn cấp quốc gia, bắt đầu từ ngày 1 tháng 3 năm 2020. Căn cứ vào tuyên bố này, Donald J. Trump là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Hoa kỳ điều hành xử lý tình huống khẩn cấp đó. Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Czech, Tây Ban Nha, Canada, Israel và nhiều quốc gia khác đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở quy mô toàn quốc hoặc địa phương do dịch bệnh COVD-19.

Ở Việt Nam, ngoài chế định trong Hiến pháp 2013, trong một số bộ luật, chúng ta còn có Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, ban hành năm 2000. Sau đó là Nghị định của Chính phủ số 71/2002/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2002 quy định chi tiết thị hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Theo đó, ở Việt Nam tình trạng khẩn cấp là do Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm (sau đây gọi là tình trạng khẩn cấp) và áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp. (Chương 1, Điều 1)

Trong thực tế, ở Việt Nam, trong những năm gần đây, mặc dù chúng ta đã phải xử lý một số tình huống khủng hoảng, nhất là liên quan đến các điểm nóng chính trị - xã hội, môi trường, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta chưa phải tuyên bố một tình trạng khẩn cấp nào. Trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát thứ tư, Chính phủ đề nghị Quốc hội, cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy đã sẵn sàng, nhưng Việt Nam không áp dụng tình trạng khẩn cấp, vì lo ngại sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng một số biện pháp như tình trạng khẩn cấp.

Ở Việt Nam, khi có tình trạng khẩn cấp, sẽ áp dụng các biện pháp đặc biệt, phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây, (Pháp lệnh, Điều 2):

  1. Bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam;
  2. Bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp;
  3. Ưu tiên cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và của nhân dân; ưu tiên ứng cứu các địa bàn bị hậu quả nặng; hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thảm hoạ và dịch bệnh gây ra;
  4. Chấp hành tuyệt đối và triển khai khẩn trương, kịp thời các quyết định, mệnh lệnh, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo thi hành Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp (sau đây gọi là Ban chỉ đạo);
  5. Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả thảm hoạ, dịch bệnh;
  6. Nghiêm cấm việc lợi dụng tình trạng khẩn cấp để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp của Việt Nam, Ban chỉ đạo được chế định như sau:

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo và quy định chế độ làm việc của Ban chỉ đạo để giúp Thủ tướng triển khai thi hành Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp.

Căn cứ vào phạm vi địa bàn được ban bố tình trạng khẩn cấp và tính chất của thảm hoạ, dịch bệnh, Thủ tướng có thể tự mình hoặc chỉ định một Phó Thủ tướng hoặc một Bộ trưởng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Trong thành phần Ban chỉ đạo có các thành viên mà chức năng quản lý lĩnh vực đang xẩy ra tình huống. Đặc biệt phải có thành viên là đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo.

Nhìn chung, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban chỉ đạo là thực hiện quản trị khủng hoảng, trong đó có tình huống khủng hoảng hoặc thậm chí là trong tình trạng ban bố tình trạn khẩn cấp (Ban chỉ đạo quốc gia) như sau:   

Thứ nhất: Đánh giá tình hình tình huống thuộc loại thảm hoạ thiên nhiên, thảm họa công nghệ, dịch bệnh bạo loạn chính trị, hay an ninh trật tự…Nhận diện rõ mâu thuẫn, nguyên nhân, mô hình khủng hoảng. Đây là bước quan trọng, quyết định hiệu quả và thành công của quá trình lý khủng hoảng.

Thứ hai: Trên cơ sở đó, quán triệt, lựa chọn áp dụng các phương tiện, công cụ, phương thức, lực lượng, các biện pháp đặc biệt phù hợp để xử lý tình huống khủng hoảng.

Những biện pháp đặc biệt có thể được quy định và áp dụng, nhưng phải đảm bảo tính hợp pháp, tránh những biện pháp vi hiến hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người khi chưa cần thiết. Cần huy động các nguồn lực khác nhau từ Nhà nước, các tổ chức ngoài nhà nước, các cộng đồng dân cư, thậm chí là từ các nguồn tài trợ của các cá nhân, các tổ chức cứu trợ, nhân đạo quốc tế…

Thứ ba: Nhanh chóng, khắc phục hậu quả, những thiệt hai do tình huống khủng hoảng gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất có thể hậu quả tiêu cực của tình huống trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ, môi trưởng...

Thứ tư: Kết thúc tình huống khẩn cấp, công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, hủy bỏ những biện pháp đặc biệt đã áp dụng, dự báo, ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội sau tình huống./.

Tài liệu tham khảo:

- Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.

- Crisis management, https://whatis.techtarget.com/definition/crisis-management

- А.М. Gvrilov, A.B Ka lach, М.B. Shmyreva (2020), Anticrizisnoe upravlenie pri chrezbyichainykh situatsiakh, https://cyberleninka.ru/article/n/antikrizisnoe-upravlenie-pri-chrezvychaynyh-situatsiyah/viewer (tiếng Nga)


[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, H,  tr.32

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
09-01-2022

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 94
Trong tuần: 673
Lượt truy cập: 376933
Lên đầu trang