Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY 

PGS.TS Nguyễn Hữu Lập

Học viện Chính trị

Mục lục bài viết

39

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY  

PGS.TS Nguyễn Hữu Lập

Học viện Chính trị

Tóm tắt: Báo chí là lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người và với cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí như một công cụ không thể thiếu trong đấu tranh cách mạng. Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc và đội ngũ những người làm báo một di sản vô giá đó là tư tưởng về báo chí cách mạng. Tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Từ khóa: Hồ Chí Minh; báo chí; cách mạng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là kết quả vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về báo chí vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ thành quả cách mạng. Tư tưởng đó bao gồm những quan điểm cơ bản sau:

Thứ nhất: báo chí cách mạng là binh chủng tiên phong, có vai trò quan trọng hàng đầu trong đấu tranh cách mạng; nâng cao dân trí, tăng cường sự đồng thuận xã hội và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngay từ năm 1922, Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa để tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa Pháp. Trong số đầu tiên của Báo Le Paria, Người viết, “Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Sau khi về Quảng Châu để xúc tiến việc chuẩn bị thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Tại đây, Người đã sáng lập tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Báo thanh niên đã góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong đấu tranh cách mạng cũng như trong mọi hoạt động xã hội, nâng cao dân trí là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, trong đó giáo dục, đào tạo và báo chí là hai hình thức cơ bản. Với tính phong phú, đa dạng về loại hình thông tin, báo chí truyền tải những tri thức kịp thời, chính xác về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp cho việc nâng cao dân trí được nhanh chóng và giúp thỏa mãn nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân.

Bằng những trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, trong hoạt động xã hội, bất kỳ việc lớn, nhỏ, muốn thành công phải có sự đồng tâm nhất trí. Đặc biệt, trong đấu tranh cách mạng càng cần có sự đồng thuận, sự đoàn kết chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân. Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân chỉ có được khi nhân dân nắm vững chủ trương, đường lối, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Theo đó, báo chí cách mạng còn có vai trò là cầu nối, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh giai cấp nói chung, đấu tranh tư tưởng nói riêng, báo chí cách mạng giữ một vai trò quan trọng. Một mặt, báo chí tuyên truyền, giải thích về tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, báo chí sẽ vạch trần sự lỗi thời, lạc hậu của hệ tư tưởng tư sản và chủ nghĩa tư bản, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, báo chí cách mạng còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ các quyền con người và quyền dân tộc. Tức là, thông qua việc tuyên truyền về luật pháp quốc gia và quốc tế, báo chí giúp nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và nâng cao nhận thức về quyền dân tộc của mỗi công dân.

Thứ hai: bằng việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng góp phần quan trọng nâng cao giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng có 3 chức năng: một là, tuyên truyền, cổ động làm cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy lòng yêu nước, ra sức phấn đấu vì độc lập dân tộc và lợi ích của đất nước; hai là, huấn luyện, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, nghiệp vụ và đạo đức, góp phần xây dựng con người mới; ba là, tổ chức các phong trào hành động cách mạng và lãnh đạo dư luận quần chúng. Người cũng chỉ rõ, để làm tròn chức năng đó, báo chí cách mạng phải thực hiện tốt 5 nhiệm vụ cơ bản, đó là: vạch trần âm mưu, thủ đoạn, hành động tàn bạo của kẻ thù và những cái sai, cái xấu, những biểu hiện vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội; giải thích cho nhân dân hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ cụ thể; giải thích cho nhân dân hiểu chính sách của Đảng, chính phủ và phản ánh nguyện vọng của nhân dân cho Đảng và Chính phủ biết; cổ vũ, động viên nhân dân trong đấu tranh cách mạng, huấn luyện dân chúng, hướng dẫn dân chúng cách tổ chức lực lượng của mình; kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Thứ ba: báo chí cách mạng phải thể hiện rõ các tính chất đó là: tính đảng, tính chiến đấu; tính nhân dân, tính đại chúng, tính đa dạng và chân thực.

Hồ Chí Minh yêu cầu, mọi hoạt động báo chí phải nhằm vạch mặt kẻ thù, tuyên truyền mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng, biểu dương cái tốt, bảo vệ cái đúng và đấu tranh chống các quan điểm sai trái bảo vệ đường lối của Đảng. Người nhấn mạnh: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng đđộng viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu người làm báo, khi viết phải trả lời câu hỏi: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc” và nội dung của các báo “phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát”. Theo đó, người viết báo phải sâu sát quần chúng, hòa mình vào thực tiễn để bảo đảm cho thông tin của bài báo có tính thiết thực. Báo chí phải là diễn đàn dân chủ của nhân dân, thu hút tài năng, trí tuệ của toàn xã hội, không ngừng nâng cao tính hấp dẫn của báo chí. Tính nhân dân của báo chí còn thể hiện ở việc lắng nghe và coi trọng ý kiến của nhân dân, bởi nhân dân không chỉ là đối tượng phục vụ của báo chí, mà còn là người đóng góp, phê bình báo chí.

Báo chí phải có nhiều sản phẩm khác nhau với nội dung, hình thức có tính đặc trưng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Hồ Chí Minh đã dạy: “…mỗi tờ báo, như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v… nên có đặc điểm của nó”. Mọi thông tin trên báo chí phải bảo đảm tính trung thực, chỉ ra được bản chất và mối liên hệ bên trong của các sự kiện, được đưa tin đúng lúc, đúng dung lượng cần thiết và đúng với đường lối, quan điểm của Đảng. Tính chân thực của báo chí đòi hỏi không chỉ bảo đảm tính chính xác của các sự kiện về không gian, thời gian, địa điểm, con số một cách đơn thuần mà còn phải khám phá, phát hiện ra bản chất sự việc, mối liên hệ bên trong của sự vật và giữa nó với các sự vật khác. Để bảo đảm tính chân thực của báo chí, đòi hỏi người làm báo phải có phương hướng chính trị đúng, năng lực tư duy và lập trường chính trị vững vàng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.  

Thứ tư: người làm báo phải tiêu biểu về đạo đức cách mạng, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ

Người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, lý luận nên phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã dạy: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Mặt khác, người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng phẩm chất liêm chính và rèn luyện lối sống trong sạch. Nhà báo cách mạng là người làm ra những sản phẩm có giá trị tinh thần cụ thể, có tính xã hội hóa rất cao. Do vậy, người làm báo phải luôn rèn luyện phong cách chuyên môn, phẩm chất Liêm, Chính, lối sống trong sạch, có tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc.

Thứ năm: cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải có trách nhiệm đối với báo chí cách mạng.

Báo chí cách mạng giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có trách nhiệm phải xem báo Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”. Người đã phê bình các biểu hiện đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm, đường mòn, lối cũ, lười cập nhật những thông tin và tri thức mới trên báo chí, đó là: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo”.

Đối với nhân dân, Hồ Chí Minh khuyên đồng bào mua báo và đọc báo của Đảng. Theo Người, đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm công dân. Trong bài thơ Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập, Người chỉ rõ: “... Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất, Làm cho ta mở mắt, mở tai. Cho ta biết đó biết đây, Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian: Cho ta biết kết đoàn tổ chức. Cho ta hay sức lực của ta, Cho ta biết chuyện gần xa. Cho ta biết nước non ta là gì. Ai không chịu ngu si mù tối, Ắt phải xem báo ấy mới nên”.

Tư tưởng và hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng tưởng, kim chỉ nam cho việc xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng của Đảng qua các thời kỳ mà còn là ánh sáng soi đường, là tấm gương mẫu mực cho mỗi nhà báo và những người hoạt động trên lĩnh vực báo chí.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra với những nội dung và hình thức mới ngày càng quyết liệt và phức tạp, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Mặt khác, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông dẫn đến sự đa dạng, phong phú của các luồng thông tin càng làm tăng vai trò của việc xây dựng, quản lý và phát triển nền báo chí cách mạng - công cụ quan trọng, sắc bén của đấu tranh giai cấp hiện nay. Thực trạng đó cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng càng có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, thực sự là cẩm nang cho những người hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng lý luận nói chung, người làm báo và quản lý báo chí nói riêng.

Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải nhận thức rõ thời cơ và thách thức đang đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ những người làm báo và cán bộ quản lý báo chí cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí. Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong một bộ phận người làm báo và một số cơ quan báo chí như: hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng và xã hội; chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm…

Hiện nay, báo chí phải góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, tập trung khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân về xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chú trọng củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị tinh thần trong nhân dân, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Góp phần tích cực, có hiệu quả vào thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, khắc phục một bước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nâng cao tính thực tiễn trong các khâu, các bước của hoạt động báo chí, bảo đảm cung cấp những thông tin thiết thực để giúp nhân dân nâng cao tri thức mới, cập nhật công nghệ mới trong lao động, học tập, công tác; những thông tin về gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện trái với chuẩn mực đạo đức cách mạng, vi phạm pháp luật… bảo đảm mọi đối tượng công dân đều được tiếp xúc với ít nhất một loại hình báo chí.

Đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, có nhiều hình thức mới để cổ vũ phong trào khởi nghiệp và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh như mong ước của Hồ Chí Minh, độc lập, tự do gắn với ấm no, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay có được một đội ngũ nhà báo thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm khu vực và quốc tế. Mỗi nhà báo cách mạng phải luôn giữ được “mắt sáng, tâm trong, bút sắc”, xứng đáng với vai trò là “chiến sĩ cách mạng” trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và có chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ người làm báo. Chủ động đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo và cấp thẻ nhà báo. Thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ nhà báo. Chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cho đội ngũ nhà báo. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát huy vai trò của Hội Nhà báo trong tự phê bình và phê bình, phát huy tiềm lực và ưu điểm; khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại của báo chí. Chủ động đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cách thức tiếp cận công chúng. Có biện pháp phù hợp để khích lệ các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên truy cập thông tin trên báo Đảng. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà báo, cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận và các hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh,Biên niên tiểu sử(Xuất bản lần thứ ba, có chỉnh sửa, bổ sung), tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 125.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, 6, 8, 12, 13, 14.
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
31-01-2024

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 30
Trong tuần: 713
Lượt truy cập: 371478
Lên đầu trang