CHÍNH TRỊ HỌC
Nói về tầm quan trọng của xã hội công dân (XHCD), C. Mác đã viết: "Xã hội công dân đó là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử". Và cuộc “Cách mạng chính trị là cách mạng của xã hội công dân” . Điều đó cho thấy rằng, bất kỳ một đảng chính trị hiện đại nào một lực lượng xã hội hiện đại nào muốn giành thắng lợi, thì phải giành thắng lợi cuối cùng ở xã hội công dân.
Mục lục bài viết
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÃ HỘI CÔNG DÂN
VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Ở VIỆT NAM
GS TSKH Phan Xuân Sơn
« Xã hội công dân » trong tiếng Anh là «Civil Society», tiếng Nga «Гражданское общество», tiếng Pháp «Société civile », tiếng Đức «Zivilgesellschaft».
Trong đó : « civil », «Гражданское”, “civile » đều là tính từ «thuộc về công dân, công việc người dân ». Ví dụ : Civil law : Dân luật ; civil rights: quyền công dân; civil liberty: tự do công dân…[1]
Society: Danh từ: “hội”, “đoàn thể”, “cộng đồng”, “tổ chức”, “công ty”. Nghĩa này cũng hoàn toàn tương đương trong “общество” của tiếng Nga, hay “société” của tiếng Pháp.
Như vậy, Civil society là liên hiệp các công dân bằng hình thức nào đó theo kiểu “tổ chức”, “cộng đồng”, “công ty”, “nhóm”, “hội”, “đoàn thể” “hợp tác xã”…
Khi dịch sang tiếng Việt có hai cách: “Civil society” là “Xã hội công dân” và “Xã hội dân sự”. Các cách này đều được lựa chọn các nghĩa trong tiếng Anh. Cách thứ nhất, có nghĩa rằng civil society là các tổ chức, các cộng đồng, các liên kết của những công dân. Cách thứ hai nhấn mạnh rằng đây là các tổ chức, các cộng đồng, các liên hiệp liên quan đến công việc công dân (dân sự).
Tuy nghĩa “dân sự” (công việc của dân), trong tiếng Việt bị hiểu đa nghĩa. Trước hết, từ “dân”, theo văn cảnh có thể là “công dân”, có thể hiểu là “dân” [“thảo dân”, “thần dân” để chỉ người, nhóm người không phải là nhà nước (ở các thời đại phong kiến chẳng hạn)]. Từ “sự”, đúng là việc, công việc. Nhưng khi ghép “dân” với “sự” thành “dân sự”, cho chúng ta hiểu việc của dân, không phải việc nhà nước, phân biệt với việc nhà nước. “Dân” ở đây không buộc phải hiểu là “công dân”. Trong lúc đó, khái niệm “civil society” từ nơi sinh ra của nó hàm nghĩa là tổ chức, cộng đồng những người công dân, những người có tư cách pháp lý, chính trị với nhà nước. “Dân sự” mới chỉ phân biệt được “việc dân” với việc nhà nước, chưa rõ người dân trong việc dân có quan hệ chính trị, pháp lý như thế nào với nhà nước. Nói cách khác “xã hội công dân” là khái niệm chỉ có thể ra đời từ khi con người trong xã hội có quyền và nghĩa vụ, và chỉ ra đời từ khi có nhà nước pháp quyền tư sản. Còn “xã hội dân sự” để chỉ một lĩnh vực ngoài nhà nước, của người dân mà không xác định rõ lĩnh vực đó quan hệ với nhà nước như thế nào. Có thể so sánh để làm rõ hai cách dùng khái niệm này: “Xã hội dân sự” và “Xã hội công dân” tương đương với “Kinh tế hàng hóa” và “Kinh tế thị trường” trong khoa học kinh tế. Xã hội dân sự để chỉ một lĩnh vực của đời sống xã hội ngoài nhà nước nói chung, còn xã hội công dân thì để chỉ lĩnh vực ấy nhưng từ khi đã có nhà nước pháp quyền tư sản (còn trước đó thì chưa có). Sự khác nhau này chủ yếu do tiếng Việt đem lại. Trong tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp…không có tình trạng này và phù hợp với “xã hội công dân” trong tiếng Việt”.
Như vậy dùng “xã hội dân sự” rộng hơn, nhưng mơ hồ hơn về các nội hàm pháp lý và chính trị của khái niệm. “Xã hội công dân” đã xác định được những nội hàm chủ yếu sau: i) Là lĩnh vực của đời sống xã hội (cộng đồng, tổ chức…) của công dân, có thể gọi là tầng pháp lý thứ nhất. Có nghĩa là nếu không có quyền và nghĩa vụ của công dân, không có tư cách được pháp luật quy định là công dân của một quốc gia thì không thuộc khái niệm này; ii) Các công dân tổ chức thành “xã hội” (hội, đoàn thể, cộng đồng…) hoạt động trong nhà nước pháp quyền và phải hợp pháp. Đây là tầng pháp lý thứ hai. Nghĩa là các tổ chức bất hợp pháp không thuộc khái niệm này. iii) Các tổ chức, các cộng đồng công dân không chỉ một vài mà nhiều vì vậy mối quan hệ giữa các tổ chức ấy cũng phải được điều chỉnh bằng pháp luật, đây là tầng pháp lý thứ ba. Tất cả những điều đó tạo cho “civil society” một số nghĩa gián tiếp nữa, như sự văn minh, thị dân…Vì vậy, tác giả bài viết này đồng tình hơn với cách dịch: “xã hội công dân” và đề nghị nên dùng khái niệm này thay vì dùng khái niệm “xã hội dân sự”
Qua khảo sát sự phát triển tư tưởng, lý luận cũng như thực tiễn của nhà nước pháp quyền, chúng ta thấy rằng:
- Chủ quyền của nhân dân đối với nhà nước là hiện thực khách quan, nhân dân là người quyết định hình thức và phương thức tổ chức nhà nước bằng cách ủy quyền của mình cho một số người thay mặt họ để thực thi quyền lực nhà nước. Chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân là tiền đề của nhà nước pháp quyền.
- Chủ quyền của nhân dân được biểu hiện ra bằng các nội dung kinh tế , chính trị, xã hội như sau:
+ Công dân có địa vị kinh tế nhất định, dựa trên một hình thức sở hữu nào đó về tư liệu sản xuất và tài sản.
+ Công dân có quyền tổ chức và tham gia công việc của nhà nước (Được diễn đạt là quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước).
+ Công dân có quyền kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
+ Công dân có quyền biểu đạt ý chí và hiện thực hóa các lợi ích của mình hoặc của cộng đồng mình (quyền tự do chính trị: tự do hội họp, lập hội, biểu tình, ngôn luận; tự do tín ngưỡng, tông giáo…)
+ Dù ủy quyền một phần để tổ chức nên bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng công cộng, nhưng về cơ bản quyền lực nhân dân vẫn được giữ lại và là tối cao.
+ Lịch sử tiến hóa của nhân loại cũng đồng thời là lịch sử đấu tranh để khẳng định chủ quyền nhân dân. Cuộc đấu tranh đó tuy đã giành được nhiều thành tựu to lớn, nhưng vấn đề chủ quyền của nhân dân vẫn được đặt ra một cách bức thiết và sẽ được giải quyết cùng quá trình phát triển xã hội.
Để chống lại và loại bỏ nhà nước phong kiến chuyên chế, đảm bảo quyền tự do của con người trong xã hội, các nhà tư tưởng khai sáng đều viện dẫn đến sự cần thiết phải có một xã hội công dân như là cơ sở của nhà nước pháp quyền,
Khái niệm xã hội công dân như là một thực thể tồn tại độc lập với nhà nước đã bị chỉ trích trong lịch sử tư tưởng phương Tây, và mặc dù khái niệm này đã được các nhà tư tưởng khác nhau của Pháp, Đức,.. định nghĩa một cách khác nhau song đều có một điểm chung là tất cả đều cố gắng làm rõ quan hệ phức tạp, có vấn đề giữa nhà nước và tư nhân, giữa cá nhân và xã hội, giữa đạo đức xã hội và lợi ích cá nhân, giữa sự đam mê của cá nhân và quan tâm của xã hội.
Bất chấp những xu hướng khác nhau này, tư tưởng về xã hội công dân vẫn hấp dẫn nhiều nhà tư tưởng, vì cho rằng nó là sự tổng hợp của những khát vọng của toàn xã hội và của từng cá nhân. Vì vậy, xã hội công dân bao hàm nhiều tư tưởng đạo đức về trật tự xã hội, nếu không thực hiện được mục đích này thì ít nhất cũng làm hài hòa sự xung đột giữa nhu cầu, lợi ích cá nhân và nhu cầu, lợi ích xã hội.
Khái niệm xã hội công dân có nguồn gốc từ lý thuyết pháp quyền tự nhiên, mặc dù sự phát triển của nó ngày càng phức tạp, xuất hiện cả trong những lĩnh vực nhất định của tư tưởng thiên chúa giáo thời trung cổ. Lịch sử tư tưởng xã hội công dân xuất phát từ các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng, đến C. Mác và các nhà tư tưởng chính trị, pháp lý về sau.
Nhu cầu của xã hội công dân là nhu cầu trở lại những lĩnh vực có thể quản lý được của đời sống xã hội mà ở đó nhấn mạnh đến những liên hiệp công dân mang tính tự nguyện.
Xã hội công dân ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại là một nội dung của quá trình tiếp tục đấu tranh có tính cộng đồng cho tự do, bình đẳng, công bằng…tránh sự xâm hại cả từ phía thị trường và cả từ phía nhà nước.
Xã hội công dân - quan niệm của C.Mác
Theo Mác, Từ ngữ xã hội công dân ra đời vào thế kỷ XVIII, khi những quan hệ sở hữu đã thoạt khỏi thể cộng đồng thời cổ và trung cổ. Mác cho rằng, gia đình và xã hội công dân là những tiền đề của nhà nước. “Gia đình, và xã hội công dân là những bộ phận hiện thực của nhà nước, (theo nghĩa rộng: quốc gia – PXS) là những tồn tại tinh thần hiện thực của ý chí, là những phương thức tồn tại của nhà nước. Gia đình và xã hội công dân tự chúng cấu thành nhà nước. Chúng là động lực.”[2].
Quan niệm của Mác có ý nghĩa phương pháp luận to lớn, trong tư duy về nhà nước và lựa chọn một mô hình phát triển xã hội. Theo Mác, xã hội công dân không phải là lĩnh vực chính trị, nhưng mọi hoạt động của xã hội công dân đều có ảnh hưởng đến nhà nước. Vì vậy, các thể chế (tổ chức) của xã hội công dân mang những hình thức chính trị nhất định. Như vậy, khi xây dựng một xã hội công dân, một mặt phải thừa nhận vai trò độc lập khách quan của nó đối với nhà nước (theo nghĩa phân định các lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người), mặt khác không phủ nhận những hình thức chính trị của nó.
Tự do là ở chỗ, biến cơ quan tối cao của xã hội, thành một cơ quan phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự do là tuỳ ở chỗ trong những hình thức ấy “sự tự do của nhà nước bị hạn chế nhiều hay ít”[3] “Do đó, con người này, thành viên của xã hội công dân, là cơ sở, là tiền đề của nhà nước chính trị. Nhà nước cũng thừa nhận nó như vậy trong các nhân quyền”.
Xã hội công dân với tư cách là một lĩnh vực “phi nhà nước”
Mác cho rằng, “Giải phóng chính trị đồng thời cũng là giải phóng xã hội công dân khỏi chính trị, thậm chí khỏi cái bề ngoài của một nội dung phổ biến nào đó”[4]. Khi đó, “con người với tư cách là một thành viên xã hội công dân, con người phi chính trị nhất định phải xuất hiện như như một con người tự nhiên.”[5]
Như vậy, việc ra đời xã hội công dân, việc “Giải phóng chính trị hay là quy con người, một mặt thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và một mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân.”[6] Đó là một tiến bộ lịch sử to lớn so với thời trung cổ, là thời kỳ mà đời sống xã hội là đồng nhất với đời sống chính trị.
Về tầm quan trọng của xã hội công dân
Nói về tầm quan trọng của xã hội công dân (XHCD), C. Mác đã viết: "Xã hội công dân đó là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử"[7]. Và cuộc “Cách mạng chính trị là cách mạng của xã hội công dân”[8] . Điều đó cho thấy rằng, bất kỳ một đảng chính trị hiện đại nào một lực lượng xã hội hiện đại nào muốn giành thắng lợi, thì phải giành thắng lợi cuối cùng ở xã hội công dân. Mặc dù Mác nghiên cứu về xã hội công dân là xã hội công dân thời của Mác, nhưng những giá trị phổ biến của những quan điểm đó vẫn còn có giá trị đến ngày nay.
Khi nói về xã hội công dân Mác khẳng định nó là thành quả của sự phát triển tư bản chủ nghĩa (vì thời đại mà Mác sống chủ nghĩa tư bản là hình thái kinh tế-xã hội cao nhất), nhưng ông vẫn thường dùng cụm từ “ở bất kỳ thời đại nào” khi còn nhà nước thì xã hội công dân cũng là cơ sở của nhà nước. Mác viết: xã hội công dân "bao giờ cũng được dùng để chỉ tổ chức xã hội ra đời trực tiếp từ sản xuất và thương nghiệp và trong bất kỳ thời đại nào cũng là cơ sở của nhà nước và cũng còn là của kiến trúc thượng tầng tư tưởng nữa"[9].
Định nghĩa: XHCD là hệ thống các tổ chức của công dân, các cộng đồng công dân và các quan hệ giữa chúng, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, nhằm hiện thực hóa các cá nhân và nhân cách, nối các cá nhân với hệ thống xã hội, củng cố và bảo vệ lợi ích cộng đồng. Đồng thời thông qua các tổ chức, các cộng đồng, XHCD phối hợp hoạt động với nhà nước, đảm bảo cho quan hệ giữa nhà nước và xã hội cân bằng, ổn định, tạo các điều kiện tối ưu cho phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
Cấu trúc XHCD:
Vể thể chế (tổ chức), bao gồm toàn bộ những liên hiệp, hiệp hội, liên đoàn theo lợi ích (kinh tế, chính trị, văn hóa, nghề nghiệp, sáng tạo, khoa học, giáo dục, giải trí v.v...). Nhưng nói đến xã hội công dân, thì không thể chỉ nói đến các thể chế, mà còn bao gốm cả các mối quan hệ giữa chúng, những cơ chế phối hợp và những nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nữa.
Về vị trí của xã hội công dân trong hệ thống xã hội :
XHCD là các thể chế "nằm bên cạnh" (theo cách nói của C.Mác) các thể chế nhà nước (như quốc hội, chính phủ, tổng thống, cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương...). Nói cách khác, các thể chế XHCD độc lập tương đối, không phụ thuộc, không phải là các tổ chức nhà nước, cũng không phải là các tổ chức (cơ sở) sản xuất kinh doanh.
Tính chất hoạt động của XHCD:
Tính nhóm, tính cộng đồng, tính tự chủ (tài chính), tính tự quản (quản lý) tính tự nguyện (thành viên, hội viên)... cao, đa dạng về hình thức tổ chức. Tùy theo mô hình hệ thống chính trị các tổ chức của XHCD có thể thuộc hoặc không thuộc hệ thống chính trị.
Chức năng của xã hội công dân:
1) Xã hội hóa các cá nhân, hiện thực hóa các nhân cách, nối cá nhân với hệ thống xã hội, củng cố và bảo vệ lợi ích cộng đồng.
2) Làm cơ sở cho nhà nước, phối hợp với nhà nước, bổ sung, thay thế (trong lĩnh vực nào đó-thông thường là các lĩnh vực mà nhà nước làm không hiệu quả bằng xã hội công dân), kiểm chứng, hoàn thiện hoạt động nhà nước. Từ đó làm cân bằng, ổn định cho các hoạt động nhà nước và xã hội.
Ngày nay XHCD là một trong ba nội dung cơ bản nhất (ba trụ cột) của sự phát triển xã hội: Nếu như nền kinh tế thị trường (KTTT) - điều kiện cần thiết cho sự phát triển của các quốc gia, nhà nước pháp quyền - yếu tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển, thì XHCD là một đảm bảo cho sự phát triển.
Mục tiêu cuối cùng của xã hội công dân hiện đại là phát triển và hoàn thiện con người, coi đó là điều kiện phát triển cộng đồng, xã hội và nhân loại. Trong phát triển xã hội công dân là nơi hình thành, tích lũy và lưu giữ nguồn vốn xã hội của một đất nước. Sự phát triển của xã hội công dân hướng tới những giá trị tiến bộ chung của nhân loại, đồng thời phụ thuộc vào tính giai đoạn, đặc điểm lịch sử cụ thể của từng nước; phụ thuộc vào hình thức, kiểu nhà nước, hệ thống chính trị của mỗi nước.
Tóm lại xã hội công dân là lĩnh vực hoạt động tập thể tự nguyện nhằm chia sẻ với nhau về mặt lợi ích, mục đích và giá trị. Về mặt lý thuyết các hình thức tổ chức của chúng khác với hình thức của nhà nước, gia đình và thị trường, mặc dù trên thực tế, ranh giới giữa nhà nước, xã hội công dân, gia đình và thị trường thường là phức tạp, không rõ ràng và có tính hiệp thương, giao thoa.
Bản chất của xã hội công dân như trên đã đề cập, là vấn đề quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng, con người với nhà nước, là công dân trong hình thái cộng đồng của họ.
Các mô hình XHCD
Các mô hình XHCD rất đa dạng, tuy nhiên có thể khái quát thành 3 mô hình chính
Mô hình này coi XHCD là người đối lập với nhà nước. Mô hình này được thấy ở các nước Mỹ, Anh, Pháp…
- Mô hình của chủ nghĩa dân chủ xã hội:
Mô hình XHCD-người đoàn kết nhà nước và xã hội. Đây là mô hình của các Đảng dân chủ xã hội hiện đại, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm các nước vùng Scandnave và Đức. Mô hình này thể hiện trong khái niệm “Nhà nước xã hội”. Nhà nước quan tâm đến tất cả các nhóm xã hội, xây dựng quan hệ qua lại, đoàn kết giữa nhà nước và XHCD.
Có hay không XHCD Xô Viết từng là một đề tài tranh luận lâu dài không chỉ đối với các nhà khoa học trên thế giới mà ngay cả đối với các nhà khoa học Xô Viết. Nhìn chung, các nhà khoa học thừa nhận là có, nhưng do không thừa nhận chính thức, không có pháp luật điều chỉnh, XHCD Xô Viết có những lệch lạc, khiếm khuyết, một bộ phận bị nhà nước hóa, một bộ phận rất yếu ớt.
Tiếp cận vấn đề xã hội công dân cho chúng ta những căn cứ phương pháp luận để nghiên cứu các tổ chức chính trị - xã hội trên thế giới nói chung ở nước ta nói riêng.
Những biểu hiện tiêu cực của xã hội công dân
Xuất phát từ sự phát triển sản xuất và phân công lao động, cơ cấu xã hội ngày càng đa dạng về nghề nghiệp, lợi ích; đa dạng về định hướng giá trị…Sự hình thành các nhóm có lợi ích khác nhau là tất yếu. Tuy nhiên, một nhóm nào đó, chỉ lo cho lợi ích riêng của nhóm mình mà xâm phạm đến lợi ích của nhóm khác, đến lợi ích quốc gia thì không phải tất yếu, mà xuất phát từ mục tiêu cục bộ, ích kỷ. “Lợi ích nhóm” là một nhóm tìm mọi cách tối đa hóa lợi ích nhóm mình mà vi phạm đến lợi ích chung của toàn xã hội và của nhóm khác. Vì vậy, lợi ích nhóm gây chia rẽ xã hội, đi ngược lại sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Nếu tất cả các nhóm đều hành động như vậy, thì XHCD “là chiến trường, nơi mà tất cả chống lại tất cả” (Hê Ghen)
Do nguồn lực hạn hẹp, tổ chức lại lỏng lẻo, nhiều tổ chức XHCD tìm kiếm sự tài trợ của doanh nghiệp hoặc các tổ chức nước ngoài. Từ đó phụ thuộc vào sự tài trợ. Một mặt, các tổ chức này không thực hiện được mục tiêu của mình đặt ra, mặt khác trở thành người phụ thuộc, thâm chí trở thành tay sai cho các mưu đồ đen tối của các thế lực kinh tế hoặc chính trị.
Một số tổ chức XHCD ở bên trong nước có thể được thành lập một cách “thiếu tự nhiên” để làm đối tác với một số tổ chức NGO bên ngoài, trong lúc đó một số tổ chức này cũng được lập ra để thực hiện những mưu đồ của các thế lực nào đó. Nếu không có pháp luật điều chỉnh và không được ngăn chặn những tổ chức như vậy, có thể gây ra tình trạng mất an ninh, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi mà các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình không chỉ là giá trị phổ quát mà còn trở thành các tiêu chí trong các cam kết quốc tế, mang tính ràng buộc.
Tuy XHCD được coi là “không gian bên ngoài chính trị”, nhưng có một số nhóm dần dần chuyển các hoạt động vào lĩnh vực chính trị vì mục đích vụ lợi, chứ không phải vì lợi ích của thành viên, hội viên. Các nhóm này dựa vào những tình cảm, giá trị thiêng liêng, như tình cảm dân tộc, sắc tộc, niềm tin tôn giáo, nhân phẩm, nhân quyền…để kích động thù địch, bạo lực, chống đối Nhà nước bằng những phương thức từ hòa bình đến cực đoan nhất, vượt quá khuôn khổ của một tổ chức XHCD. Không ít các nhóm như vậy được chuẩn bị để làm “nội ứng” cho các lực lượng thù địch bên ngoài. Một số nhóm có thế lực kinh tế, có thể dùng tiền bạc, vật chất để mua chuộc, lôi kéo những nhân vật chính trị chóp bu, lũng đoạn chính trị, chính sách để mưu cầu lợi ích riêng, không tuân thủ nguyên tắc phi lợi nhuận.
Đối với các tổ chức được tài trợ của Nhà nước (các tổ chức chính trị-xã hội, một số tổ chức xã hội khác), có khuynh hướng hoạt động hình thức, hành chính hóa, xa rời bản chất của XHCD.
Trong đời sống xã hội, lĩnh vực nào cũng có những giới hạn, thất bại, mặt tiêu cực. Trong kinh tế thị trường thì đó là vì “lợi nhuận tối đa” mà bất chấp tất cả, thậm chí đó là quyền lợi quốc gia; là phân hóa giàu nghèo, là đầu cơ, gian lận thương mại, cạnh tranh bất hợp pháp, không lành mạnh. Trong nhà nước pháp quyền vẫn có quan liêu, tham nhũng, lũng đoạn, thao túng chính sách, lộng quyền, lạm quyền…Những mặt tiêu cực (hay còn gọi là thất bại, mặt trái) của thị trường, của nhà nước pháp quyền, hay XHCD nói trên là điều dễ hiểu, vẫn có thể còn tồn tại. Tuy nhiên, những tiêu cực ấy không thể làm đổi hướng xu thế phát triển của nhân loại của đất nước, không vì thế mà phủ nhận những giá trị tích cực mà kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và XHCD đem lại; không phải vì thế mà chúng ta “sợ” kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền hay XHCD. Nhà nước cần có hệ thống luật pháp để điều chỉnh, quản lý XHCD. Khi đã có pháp luật rõ ràng, chúng ta có thể hạn chế hoặc loại bỏ được những tổ chức gây hại cho Nhà nước và xã hội.
Tính phổ biến và tính đặc thù
Những vấn đề có tính lí luận về xã hội công dân và các tổ chức chính trị - xã hội nêu trên làm cơ sở để chúng ta nghiên cứu xã hội công dân ở nước ta.
Ở nước ta, hệ thống các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội …mặc dù không điển hình, nhưng vẫn mang tính phổ biến. Tức là, chúng ra đời, tồn tại trước hết theo nhu cầu nội tại của bản thân xã hội công dân, ngay cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thì việc nhân dân tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội cũng chính là nhu cầu bức thiết của các tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, cho dù giai đoạn lịch sử nào, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tập hợp của các nhóm dân cư là rất đa dạng, rất phong phú, nó đòi hỏi tư duy chính trị, tư duy Nhà nước cũng phải biến đổi cho phù hợp, phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Như vậy, có thể nói, ở nước ta đang thực sự tồn tại một xã hội công dân, về mặt tổ chức, hiện có khoảng 500 tổ chức (hội) hoạt động ở quy mô toàn quốc, khoảng 3000 hội hoạt động quy mô địa phương, hàng vạn hội ở quy mô huyện và cơ sở, chúng có kết cấu như sau:
+ Trong lĩnh vực chính trị-xã hội: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, thuộc hệ thống chính trị, nòng cốt của xã hội công dân Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, tập hợp khoảng 50 tổ chức thành viên và nhiều các nhân tiêu biểu, trong đó có 5 tổ chức chính trị-xã hội, đã được chế định bới Hiến pháp và Luật.
+ Trong lĩnh vực kinh tế: Các hiệp hội sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, (hiệp hội ngành nghề) như: Hiệp hội: Thép, Xi măng, Xây dựng, Kiến trúc, Mía đường, Cafe-Ca cao, Xuất khẩu gạo...
+ Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, các tổ chức nghiên cứu dân lập…
+ Trong lĩnh vực xã hội: Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nhóm (tổ chức) lợi ích, từ thiện, nhân đạo, hữu nghị, các tổ chức của các giới...
+ Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) Việt Nam v.v…
+ Ngoài ra còn có các mối quan hệ phối hợp, các nguyên tắc và cơ chế vận hành giữa các tổ chức đó.
Tất nhiên, sự phân định theo những tiêu chí trên đây đối với một số tổ chức chỉ là tương đối.
Ở nước ta, quá trình hình thành nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách thực dân, phong kiến. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được ra đời dưới sự hiệu triệu, tổ chức của Đảng cộng sản, gắn bó trong cuộc đấu tranh ấy với Đảng và chịu sự lãnh đạo của Đảng. Nói cách khác ý thức công dân, ý thức chính trị trưởng thành cùng quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình đó, sự hình thành các tổ chức xã hội, chính trị -xã hội… mang rõ nét tính chất tập hợp lực lượng toàn dân chống đế quốc và phong kiến, lợi ích của các tầng lớp dân cư gắn chặt với quá trình đấu tranh chính trị và trước hết là đấu tranh chính trị. Vị trí và những đặc điểm ấy vẫn còn duy trì cho đến sau khi Đảng cộng sản trở thành đảng cầm quyền và cho đến ngày nay. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trong điều kiện mới, tuy vẫn giữ chức năng chính trị, nhưng chức năng xã hội ngày càng mở rộng và phong phú.. Điều đó cho thấy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đang đóng vai trò là lực lượng nòng cốt của xã hội công dân Việt Nam.
Khi xã hội công dân xuất hiện với tư cách là các tổ chức đại diện và bảo vệ lợi ích cho một tầng lớp, nhóm người nhất định trong quan hệ với giới chủ, tầng lớp, có địa vị thống trị về kinh tế, chính trị, hoặc ngay cả đối với nhà nước, thì không phải ngay từ đầu nó đã được thừa nhận hợp pháp. Nhà nước vì những lợi ích nhất định thường ngăn cấm, không cho phép sự tồn tại và hoạt động của các tổ chức này.
Mặc dù thuật ngữ xã hội công dân được thịnh hành ở thế kỷ XVIII và XIX, nhưng đã có lúc chúng không còn được sử dụng phổ biến. Các lý thuyết lớn nhất của các nhà tư tưởng phương Tây đã có lúc chỉ tập trung vào khai thác mối quan hệ phức tạp của hai hệ thống thể chế nhà nước và thị trường.
Như vậy, "xã hội" đã bị đẩy ra ngoài lề sự chú ý. Sau các sự kiện ở Đông Âu, và Liên Xô, các nhà nước XHCN đồng loạt sụp đổ, trong sự sụp đổ đó người ta nghi ngở “vai trò” của XHCD. Tuy nhiên, ngược lại với nghi ngờ đó, các nhà khoa học đã thấy được, Đông Âu và Liên Xô, là nơi không thừa nhận XHCD, nơi mà các nhà nước tập trung hóa cao độ, nhưng xã hội công dân thì quá yếu, khác với các nước cùng trình độ phát triển ở phương Tây. Có lẽ điều đó đã làm cho các nhà nước ở đây sụp đổ.
Tuy nhiên, nghiên cứu nhưng kinh nghiệm về xã hội công dân không chỉ là thích đáng đối với Đông Âu mà còn là vấn đề của các nước đang phát triển. EU cũng giành nhiều sự quan tâm đến vấn đề này. Đối thoại công dân được bắt đầu bằng Cam kết 1990 là cố gắng đầu tiên của EU nhằm tạo ra các điều kiện cho các thiết chế xã hội - không chỉ có nhà nước và doanh nghiệp có tiếng nói trong nghị trình hoạch định chính sách ở Brussels. EU đã thực hiện điều tiết những lợi ích bất đồng thường xuyên của các tổ chức phi chính phủ và các nhóm công dân. Ở EU đã có sự thay đổi nhận thức, cho rằng các chính phủ quốc gia và thể chế quốc tế phải mở cửa với các thể chế xã hội công dân.
Chính công nghiệp hoá khuyến khích sự tập hợp của một số đông người, của các nhóm của những tổ chức đông đảo quần chúng, khuyến khích chủ nghĩa tập thể, mặc dù lúc đầu mang tính tư nhân và sau đó có tính công cộng. Các tổ chức này được sinh ra để chống lại sức mạnh và quyền lực của hệ thống tự do kinh doanh, của giới chủ. Đó là các tổ chức như các nghiệp đoàn, nhóm trang trại và phong trào hợp tác xã những người tiêu thụ. Những hoạt động của nghiệp đoàn xuất phát từ yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, phúc lợi cho người lao động, đảm bảo công việc làm, tham gia quản lý xí nghiệp, hợp đồng sản xuất. Họ bao gồm những thành viên không được đảm bảo an toàn, vì rằng cá nhân họ là những người nghèo hơn, yếu hơn những người chủ. Nghiệp đoàn có thể đứng vững hay tan vỡ tuỳ thuộc vào sự đoàn kết của họ. Do đó các thành viên nhấn mạnh một cách cấp bách đến kỷ luật và đoàn kết.
Các nghiệp đoàn lúc đầu thường bị nghi ngờ là xâm phạm vào phạm vi hoạt động hợp pháp. Luật của Anh ở đầu thế kỷ XIX cho phép người lao động được ký hợp đồng một cách cá nhân với người chủ, và mỗi bên được coi là tự do và bình đẳng trong sự thoả thuận đó. Tuy nhiên vì thực tế khả năng thương lượng của cá nhân người lao động thấp hơn khả năng người chủ, nên người lao động cố gắng tìm cách cân bằng các điều kiện bằng cách liên hợp chặt chẽ và tạo ra mặt trận thống nhất để có được những điều khoản ký kết tốt hơn. Do đó giới chủ cầu khẩn nhà nước can thiệp bằng cách ngăn cấm các hiệp hội như thế. Nghị viện Anh đáp ứng bằng một loạt các luật phối hợp tuyên bố rằng bất kỳ một hiệp hội nào lập ra nhằm đạt được lợi ích trong sự thương lượng tập thể với giới chủ đều bất hợp pháp. Ở Pháp còn trầm trọng hơn ở Anh, có thời kỳ, nhà nước còn đưa ra hình phạt đối với các nghiệp đoàn, họ bị coi là nổi loạn. Ở Mỹ, các nghiệp đoàn cũng bị coi là nhóm âm mưu phạm pháp.
Song cùng với sự phát triển của xã hội công nghiệp, Nhà nước không thể cưỡng lại được áp lực của các tổ chức công đoàn, và cuộc chiến đấu của những thành viên các “đoàn thể trung gian”. Sự tồn tại của các tổ chức mới được dung thứ, chấp nhận rồi sau đó mới được thừa nhận. Nhưng các nền dân chủ phương Tây ngay cả khi chấp nhận tính hợp pháp của các nhóm, vẫn thực hiện việc loại trừ đối với những tổ chức được đánh giá là “đáng ngờ” hay “nguy hiểm cho trật tự xã hội”. Sự nghi ngờ của các quốc gia đối với các tổ chức công dân không phải chỉ biểu hiện ra ở hình thức triệt để cấm đoán. Nó còn đưa ra những quy tắc và hạn chế để thu hẹp phạm vi hành động hay kiểm soát những hoạt động của của các tổ chức này. Vì vậy các tổ chức bị phụ thuộc vào nhiều sự trói buộc: vào mục tiêu của mình và chính quyền, đôi khi các nhóm phải uốn mình trong những hình thức thể chế và những cấu trúc được định sẵn từ trước.
Ở một số nước, trong khi các tổ chức chính trị - xã hội không phải có mục đích tổ chức thành các nhóm đối lập, nhưng chính sách, các chương trình hành động…của chính bản thân chính phủ đã đặt họ vào mối quan hệ đối lập với chính phủ. Vì vậy có nhiều chính phủ luôn coi họ như là một mối bất lợi.
Ở phương Tây, các tổ chức chính trị - xã hội được tự do thành lập, hoạt động độc lập trong khuôn khổ của pháp luật như ngày nay là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, phát triển cả về tư tưởng và lực lượng của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội trong quan hệ với nhà nước của giai cấp thống trị.
Ở các nước đang phát triển, nơi có nhiều các chính phủ yếu kém, thường chính phủ không coi trọng và e ngại các nhóm lợi ích. Vì có một thực tế là chính phủ thường phải nghe những bình luận, phê phán và chỉ trích của các nhóm về yếu kém của mình. Song tiếng nói của họ chính là mạch đập của xã hội mà chính phủ dù không muốn nghe vẫn có thể cảm nhận được. Trong một số trường hợp, chính phủ phải tự điều chỉnh chính sách vì sự chỉ trích từ phía các nhóm lợi ích. Chẳng hạn trường hợp đề xuất của các nhóm sinh thái buộc các nhà cầm quyền ở hầu hết các nước lúc đầu rất khó chịu, nhưng dần dần về sau, họ đều phải quan tâm hơn đến những vấn đề môi trường sinh thái. Vấn đề đó, hiện này đã trở thành trách nhiệm toàn cầu.
5 .Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội công dân Việt Nam như thế nào ?
Trước hết, cần khẳng định, xã hội công dân là một trạng thái xã hội khách quan, chứ không phải là một công cụ, một phương tiện chính trị có thể tùy ý sử dụng hay không sử dụng. Kinh nghiệm cho thấy, các chế độ nhà nước « thù địch » với XHCD đều bị chính XHCD lật đổ. Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến nhiều « cách mạng màu », « cách mạng nhung », « cách mạng hoa »…làm sụp đổ nhiều chế độ nhà nước, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn làm sụp đổ một loạt các nhà nước ở các khu vực. Trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân là ở các nước đó XHCD rất yếu, thậm chí thiếu vắng. Tình trạng yếu kém của XHCD đã làm cho các chế độ nhà nước ở đó trở nên độc tài (và nhà nước độc tài lại làm cho XHCD yếu kém). Điều đó dẫn đến : Thứ nhất, sự suy thoái của chính nhà nước. Bộ máy nhà nước ở các nước đó đều cồng kềnh, tập đoàn trị hoặc gia đình trị, quan liêu, tham nhũng, chuyên quyền, lộng quyền, các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước không bị XHCD giám sát ; kinh tế, văn hóa xã hội kém phát triển, bị cô lập trên thế giới. Thứ hai, khi XHCD yếu, nhân dân thiếu tổ chức, dễ bị kích động, lôi kéo, chia rẽ, mua chuộc…Khi đó, chỉ cần một số tổ chức kích động tâm trạng bất mãn của nhân dân, kết hợp với sự can thiệp từ bên ngoài là có thể huy động đông đảo người dân tham gia biểu tình, hoặc bạo động lật đổ nhà nước, mặc dù phải trả giá rất đắt. Nếu một XHCD mạnh, nó có thể không để cho nhà nước tha hóa đến mức phải đáng lật đổ, và một XHCD mạnh thì có khả năng phòng ngừa, loại bỏ những âm mưu vụ lợi cả từ bên trong và từ bên ngoài.
XHCD chính là nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội của đất nước nói chung, của Đảng và Nhà nước nói riêng. Buông lỏng sự quản lý của Nhà nước đối với XHCD, chúng ta sẽ không có nguồn lực con người, nguồn vốn xã hội cho xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển đất nước như mong muốn.
Nếu như trước đây, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, mỗi hành động cụ thể, phải đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên hàng đầu, lợi ích của bộ phận của giai cấp, của nhóm xã hội chỉ có thể thực hiện được thông qua thực hiện lợi ích tối cao - độc lập dân tộc, thì ngày nay, khi nhân dân đã tổ chức nên Nhà nước của mình, việc tập hợp nhân dân phải là một chu trình ngược lại, lợi ích tối cao – phát triển đất nước chỉ có thể thực hiện được thông qua quá trình thực hiện lợi ích của các tầng lớp dân cư, các nhóm xã hội. Đó là xu hướng bình thường của XHCD.
Đây là hai xu hướng, có trình tự ưu tiên khác nhau, “ngược” nhau: Trước đây: “nước mất – nhà tan”, còn ngày nay: “dân giàu - nước mạnh”. Như vậy, lý do tồn tại của XHCD, trước hết được quyết định, được thúc đẩy bởi lợi ích của thành viên, hội viên (của dân, của những người tham gia).
Do tính phức tạp của đời sống kinh tế xã hội, tính đa dạng của các nhu cầu và lợi ích, việc tập hợp các tổ chức XHCD cũng phải đa dạng, từ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đến các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện, các câu lạc bộ, các tổ chức phi chính phủ...vì vậy, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân là một điều kịên thành công và là một đảm bảo cho vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nhà nước quản lý XHCD bằng hệ thống pháp luật, chính sách và các công cụ khác. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều luật liên quan đến XHCD, nhưng còn thiếu, thậm chí thiếu những luật rất cơ bản để quản lý XHCD. Sự thiếu vắng pháp luật làm cho việc quản lý nhà nước rất khó khăn, đặc biệt là đối với các cơ quan chức năng. Do thiếu luật, các cơ quan chức năng không biết ứng xử như thế nào đối với các tổ chức hợp pháp (có đăng ký) với các tổ chức không hợp pháp (chưa hoặc không đăng ký). Việc đăng ký cũng rất khó khăn. Tổ chức nào thì được đăng ký, tổ chức nào thì không được ? Vì sao ? Hiện nay, các tổ chức được đăng ký cũng mới chỉ đăng ký điều lệ, trong đó xác định mục đích, tôn chỉ. Nhưng XHCD không chỉ là một tổ chức đơn lẻ và không thể chỉ giới hạn trong mục đích, tôn chỉ mà còn rộng hơn nhiều liên quan đến Nhà nước, đến hệ thống chính trị, hệ thống xã hội, đến các tổ chức khác và quyền của các cá nhân công dân. Do chúng ta chưa có luật về hiệp hội, nên những vấn đề này nhà nước không quản lý được, không thể áp dụng các chế tài đối với các hành vi sai trái của các tổ chức. Trên thực tế, các cơ quan nhà nước không xác định được các hành vi như biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan trên thềm lục địa của Việt Nam, một nhóm người tuyên bố thành lập tổ chức này hay tổ chức khác là sai hay đúng (nếu tôn chỉ, mục đích không trái với Hiến pháp).
Kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cũng cho thấy, khi chúng ta chưa có chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường, chưa có các đạo luật liên quan đến hoạt động khinh tế, các cơ quan chức năng nhà nước không thể xác định được hành vi của bà Ba Thi, ông Kim Ngọc, của những người buôn bán từ tỉnh này sang tỉnh khác là sai hay đúng. Chúng ta hình dung ra sự vất vả như thế nào của các cơ quan chức năng khi đi bắt, tịch thu hàng hóa của những chuyến xe buôn bán liên tỉnh thời kỳ đó, tịch thu, bắt phạt người buôn bán nhỏ, mua hàng trong các cửa hàng nhà nước rồi đem bán ở chợ, hay vỉa hè với giá cao hơn (gọi là « con phe ») ! Chưa nói đến việc thu thuế như thế nào, phạt như thế nào ? Tình trạng thiếu vắng pháp luật cũng đang gây khó khăn cho chính quyền Thái Lan trong việc đẻ thuê thời gian gần đây. Nhưng khi chúng ta có chủ trương và pháp luật rõ ràng, mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều.
Việc quản lý nhà nước đối với XHCD cũng tương tự như vậy. Các tổ chức công dân, các cộng đồng công dân hoạt động hợp pháp (theo luật) sẽ được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, ai vi phạm thì phải chịu trừng trị của pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xã hội công dân, mà trong đó Luật về hiệp hội là một luật có vị trí đặc biệt quan trọng.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về XHCD không chỉ phản ánh trình độ quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khách quan, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước theo luật hiệu quả mà còn bảo đảm các quyền của công dân, đảm bảo an ninh, trật tự, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Hiện nay, do tình trạng thiếu luật các tổ chức của XHCD hoạt động thiếu chuẩn mực, thậm chí một số tổ chức hoạt động sai trái, lợi dụng sự mập mờ về pháp lý để hoạt động chống phá Nhà nước, gây nhiều thiệt hại cho sự nghiệp phát triển đất nước. Các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với các tổ chức này, thậm chí gây cho các cơ quan này dị ứng, định kiến với « xã hội dân sự ». Khi có sự rõ ràng về pháp lý, những khó khăn trên phần lớn sẽ được khắc phục.
Chúng ta cũng đễ hình dung ra sự ồ ạt thành lập các hội, các tổ chức XHCD sau khi Nhà nước có luật, cũng giống như sự ra đời ồ ạt của các doanh nghiệp sau khi có Luật Doanh nghiệp. Phải trải qua một thời gian, chỉ những tổ chức chân chính, hoạt động thực sự có hiệu quả theo Luật, mới tồn tại, còn lại sẽ « phá sản ». Qua thời kỳ đó, chúng ta mới hi vọng có một XHCD Việt Nam thực sự đúng nghĩa.
Cũng cần thấy rằng hệ thống pháp luật liên quan đến XHCD, nhất là Luật về hiệp hội chắc chắn liên quan đến một số loại hình tổ chức ngoài nhà nước từ Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội đến các loại tổ chức xã hội khác. Vì vậy, cần phân biệt một cách cơ bản các loại hình tổ chức này :
- Đảng phái là những tổ chức chính trị có mục đích hoạt động giành chính quyền, thực thi quyền lực nhà nước. Với mục tiêu lớn như vậy nên đảng phái thường được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, có kỷ luật, nguyên tắc hoạt động cũng như lý tưởng, đường lối, chiến lược của mình.
- Các tổ chức chính trị- xã hội là những tổ chức hoạt động vì lợi ích của các nhóm, các cộng đồng xã hội cụ thể, thông qua các phương thức gây ảnh hưởng đến chính quyền, và đảng phái (mà không đặt ra mục tiêu giành hoặc tham gia chính quyền)
- Các tổ chức xã hội là những nhóm hoặc tổ chức các thành viên nhằm đạt được những mục đích chung của tổ chức, xã hội, cộng đồng mà không đặt ra mục tiêu trực tiếp gây ảnh hưởng, tác động đến quá trình hoạch định chính sách của nhà nước cũng như đảng phái. Chẳng hạn như hội những người làm vườn, hội từ thiện, câu lạc bộ những người yêu thơ …
Tất nhiên sự phân biệt trên cũng chỉ là tương đối, khi tình hình kinh tế xã hội có những biến đổi, khi nhu cầu xã hội thay đổi, khi mục đích và phương thức hoạt động thay đổi phù hợp với điều kiện pháp lý quốc gia, thì tổ chức xã hội có thể trở thành tổ chức chính trị- xã hội, cũng như tổ chức chính trị- xã hội có thể chuyển sang tổ chức đảng phái và ngược lại. Ở nước Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, có hàng trăm đảng chính trị ra đời. Hầu hết các đảng đó hiện không còn, một số đảng trở thành các tổ chức xã hội.
Đây là vấn đề cần lưu ý trong quản lý của Nhà nước ta đối với xã hội công dân.
- Về nhận thức: Tổ chức nghiên cứu, trao đổi giữa giới lãnh đạo, quản lý và giới nghiên cứu, và nhân dân để có nhận thức đúng đắn và khoa học về XHCD.
- Yêu cầu về sự phát triển của XHCD ở nước ta rất lớn và khách quan. Đề nghị Đảng có chủ trương về xây dựng, phát triển và lãnh đạo xã hội công dân Việt Nam.
- Quốc hội cần khẩn trương ban hành các luật liên quan đến XHCD, trước hết là Luật về hiệp hội, Luật biểu tình…làm cơ sở cho quản lý nhà nước đối với XHCD.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Từ điển Anh-Việt, nxb.Từ điển bách khoa, H,2005,tr.166
[2] Mác – Ăngghen toàn tập tập 1, CTQG, H, 1995, tr. 314-315
[3] Mác – Ăngghen toàn tập, đã dẫn tr.554.
[4] Đã dẫn
[5] Đã dẫn
[6] Mác – Ăngghen toàn tập, tập 1, CTQG, H, 1995, tr.557.
[7] C. Mác - Ph. Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 299. (Hệ tư tưởng Đức)
[8] Mác – Ăngghen toàn tập, tập 1, nxb CTQG, H, 1995, tr.554.
[9] C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, tập IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 362
Người gửi / điện thoại
Đánh giá