CHÍNH TRỊ HỌC
Nhà Trắng và Điện Kremlin ngày 4/12 đều xác nhận, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ điện đàm vào ngày 7/12 tới để trao đổi về tình hình tại Ukraine, cùng những vấn đề về đảm bảo an ninh chiến lược khác.
Mục lục bài viết
Trước thềm sự kiện nay, cả hai bên đều không ngừng đưa ra những động thái "nóng- lạnh", cho thấy "hòa bình nóng", tức đấu đầu xen lẫn hợp tác vẫn sẽ là xu thế chính trong mối quan hệ Nga - Mỹ thời gian sắp tới.
Theo Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki, Tổng thống Biden sẽ bày tỏ lo ngại của Mỹ, cũng như các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các hoạt động quân sự gần đây của Nga ở biên giới Ukraine, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Trong khi đó Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin sẽ bày tỏ lập trường phản đối của Nga trước bất kỳ động thái nào kết nạp Ukraine vào NATO, cũng như các hoạt động mở rộng sang phía Đông của liên minh quân sự này.
Cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ là vào tháng 7 vừa qua khi Washington hối thúc Moscow kiềm chế các băng nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại Nga tấn công nhằm vào Mỹ. Và đối với lần thảo luận này, Mỹ cũng không ngừng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành động mà nước này cho là khiêu khích quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, trong khi Nga cho rằng tham vọng mở rộng về phía Đông của NATO mới là mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định và an ninh khu vực.
Trên thực tế, cuộc gặp ở Stockholm hồi giữa tuần này giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Blinken, sự kiện được xem là chuẩn bị cho cuộc thảo luận cấp cao sắp tới giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra căng thẳng với những lời cảnh báo, răn đe nhau. Song mặt khác, hai bên cũng tuyên bố mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua ngoại giao nhằm tránh kịch bản "ác mộng" về cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Putin: "Chúng ta cần bắt đầu các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Nga cần sự đảm bảo về mặt pháp lý vì những người đồng cấp ở phương Tây đã không thực hiện những lời hứa đưa ra. Chắc hẳn ai cũng biết NATO từng cam kết không mở rộng sang phía Đông nhưng họ đã làm ngược lại. Những lo lắng của Nga về mặt pháp lý đã bị bỏ qua."
Các động thái nóng-lạnh trong quan hệ Nga- Mỹ không phải là điều mới. Bởi không chỉ đến thời Tổng thống Biden, các đời tổng thống Mỹ đều mong muốn quan hệ Mỹ - Nga thay đổi theo hướng tích cực. Ở phía ngược lại, người đứng đầu nước Nga - Tổng thống Putin cũng cho thấy mong muốn không để quan hệ hai nước đi tới bờ vực thảm họa.
Trong một động thái được xem là "món quà chính trị" gửi tới Nga trước thềm cuộc thảo luận cấp cao, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã quyết định loại nội dung liên quan các biện pháp trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khỏi dự thảo ngân sách quốc phòng tài khóa tới. Dù khẳng định là để tránh mất lòng đồng minh Đức, song động thái rõ ràng đã giúp hạ nhiệt quan hệ Nga- Mỹ. Vì thế, theo các nhà phân tích, cuộc thảo luận sắp tới giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin là rất đáng mong chờ. Mặc dù chưa thể sớm có đột phá hay cải thiện nhanh chóng, song quan hệ Nga- Mỹ thời gian tới nhiều khả năng sẽ diễn ra theo chiều hướng cạnh tranh có kiểm soát.
Theo Thu Hoài (VOV)
Người gửi / điện thoại
Đánh giá