Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Nhận thức mới về mô hình chế độ chính trị thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua cương lĩnh chính trị của Đảng và những vẫn đề đặt ra - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

Nhận thức mới về mô hình chế độ chính trị thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua cương lĩnh chính trị của Đảng và những vẫn đề đặt ra - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

Chế độ chính trị (Political Regime) là tổng hợp các cơ chế, phương thức, quan hệ chính trị được thiết lập và sử dụng vào một giai đoạn lịch sử nhất định, trong tổ chức và vận hành hệ thống chính trị, nhằm hiện thực hóa quyền lực chính trị và mục tiêu chính trị.

Mục lục bài viết

462

Nhận thức của Đảng ta về nội dung chính trị và chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đã có những bước phát triển, đổi mới quan trọng, mang tính độc lập.  Có thể nói sự kế thừa, phát triển, đổi mới đó đã đưa nhận thức của Đảng về nội dung chính trị của thời kỳ quá độ từ mô hình “dân chủ nhân dân” sang “chuyên chính vô sản” (tập trung - quan liêu) đến  “dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghia.

1.Khái niệm chế độ chính trị

Chế độ chính trị (Political Regime) là tổng hợp các cơ chế, phương thức, quan hệ chính trị được thiết lập và sử dụng vào một giai đoạn lịch sử nhất định, trong tổ chức và vận hành hệ thống chính trị, nhằm hiện thực hóa quyền lực chính trị và mục tiêu chính trị.

Theo tiếp cận pháp lý, chế độ chính trị là hệ thống những nguyên tắc thực hiện quyền lực nhà nước. Chế độ chính trị là chế định của Hiến pháp, các quy định tổng thể về những vấn đề có tính nguyên tắc chung như: bản chất nhà nước, nguồn gốc nhà nước, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, vai trò của các chủ thể chính trị trong đời sống xã hội, quan hệ giữa nhà nước và nhân dân.

Trong chế độ chính trị, hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng, như là hệ thống các công cụ và phương thức để thực hiện chế độ chính trị. Cùng một hệ thống chính trị của một quốc gia, nhưng có thể có các chế độ chính trị khác nhau ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, như độc tài, dân chủ…Chế độ chính trị thể hiện rõ nét nhất trong mô hình tổ chức nhà nước, như  về nguồn gốc và tính chất của quyền lực, sự phân bố và tổ chức các cơ quan quyền lực, mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực, về những quan hệ của nhà nước với công dân, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội, quan hệ giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc trong nước và thế giới[1].

2.Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và những tiếp cận mới của Đảng về chế độ chính trị

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở bất kỳ một nước nào, trong đó có Việt Nam là một thời kỳ dài, thậm chí rất dài. Trong thời kỳ quá độ đó, hệ thống chính trị được thiết lập sau khi giành được độc lập dân tộc, hoặc sau cuộc cách mạng xã hội thành công, có thể không thay đổi nhiều, nhưng chế độ chính trị có thể thay đổi căn bản qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau, vì những mục tiêu chính trị khác nhau. Ở nước ta nếu tính từ sau thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay, hệ thống chính trị về cơ bản không thay đổi, nhưng mục tiêu, các cơ chế, phương thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, tức chế độ chính trị, đã có những thay đổi, phụ thuộc vào đặc điểm, mục đích, yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Phân tích sự đổi mới mô hình chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ ở nước ta, chủ yếu là phân tích các cơ chế, phương thức, quan hệ chính trị trong hoạt động hệ thống chính trị, mà trung tâm là Nhà nước, nhằm đạt được mục tiêu chính trị mà Đảng đã vạch ra.  

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, đặc biệt là từ sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta luôn đổi mới cách tiếp cận về nội dung của chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nội dung chính trị của thời kỳ quá độ lên CNXH đều được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – lênin khẳng định rằng, không có gì khác hơn là thực hiện chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản, là đập tan bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản, xây dựng chính quyền của giai cấp công nhân, tạo ra các tiền đề chính trị để xây dựng một nền dân chủ XHCN.

Ở nước ta, từ năm 1946 đến năm 1975, Đảng ta xác định chế độ chính trị nước ta cơ bản là “dân chủ nhân dân”. Từ năm 1976, khi đất nước đã thống nhất, cả nước cùng cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do bối cảnh lịch sử, mục tiêu cách mạng thay đổi Đảng cũng có cách tiếp cận mới về chế độ chính trị. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, sau này được chế định trong Hiến pháp 1980, được cụ thể hóa thêm tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta xác định chế độ chính trị nước ta là chế độ chuyên chính vô sản. Thể hiện ở “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản”[2]. Nội dung chủ yếu của chế độ chuyên chính vô sản được xác định là:

  • Tổ chức, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhân dân lao động, theo Hiến pháp 1980 gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác;
  • Nhà nước chuyên chính vô sản là công cụ để xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN;
  • Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan này do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
  • Thông qua chế độ làm chủ tập thể, Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội;
  • Mục tiêu chính trị của chế độ chính trị: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà trực tiếp là giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản;
  • Cơ chế chung để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động là giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý[3].

Sau một nhiệm kỳ thực hiện đường lối đổi mới (1986 – 1991), đất nước đã đạt được những thành tựu kinh tế khá rõ ràng, tư duy kinh tế đã phát triển có tính bước ngoặt. Từ chỗ phủ nhận kinh tế hàng hóa, thị trường, đến thừa nhận và áp dụng vào đời sống kinh tế xã hội. Điều đó đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về chính trị. Yêu cầu về đổi mới chính trị bước đầu được đáp ứng tại Đại hội Đảng lần thứ 7 của Đảng (1991).

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp: Nước ta vừa kết thúc hai cuộc chiến tranh biên giới, đang trong tình trạng bị bao vây, cấm vận, đời sống nhân dân ta còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ từng mảng lớn, Liên Xô đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, đứng trên bờ vực sụp đổ và sụp đổ chỉ 2 tháng sau khi Đại hội VII của Đảng ta kết thúc.

Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vẫn khẳng định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, phát huy những thành tựu trong đổi mới kinh tế, đặt ra một cách nghiêm túc và thận trọng việc đổi mới chính trị, khắc phục những sai lầm cũ, cụ thể hóa và phát triển nhiều luận điểm về nội dung chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Những quan điểm, chủ trương đổi mới tư duy chính trị thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sau đó được tiếp tục phát triển qua Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ (1994), qua 5 kỳ Đại hội Đảng, mà gần nhất là Đại hội XII (2016),  qua một lần bổ sung phát triển Cương lĩnh chính trị 1991 (vào năm 2011), qua ba lần sửa đổi Hiến pháp (1992, 2001 và 2013), cùng nhiều nghị quyết, chủ trương khác của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đã dần dần hình thành những quan điểm mới, có tính hệ thống về một mô hình chế độ chính trị của Việt Nam thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những nội dung đó vừa có tính kế thừa, vừa có yếu tố phát triển (tiệm tiến và đột phá), vừa mang tính đổi mới, sáng tạo. Mô hình đó có những nội dung chủ yếu sau:

1) Mục tiêu chung: Xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.

2) Mục tiêu chính trị: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Cương lĩnh 2011 coi: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”.

Nền dân chủ đó ngày càng mở rộng về nội dung và hình thức. Từ “quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” và “chuyên chính vô sản” thành “mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nói cách khác, chế độ chính trị ở nước ta kể từ khi giành được độc lập năm 1945 đến nay, đã phát triển từ “dân chủ nhân dân”, sang “chuyên chính vô sản” đến “dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

3) Phương thức thực thi quyền lực của nhân dân: Phương thức quan trọng thực hiện chế độ dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là thực thi quyền lực của nhân dân, thông qua tổ chức và vận hành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở đó nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; coi trọng và thể chế hóa dân chủ ở cơ sở.

Cương lĩnh 2011 ghi rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Với Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là dân chủ cơ sở) đã đưa một nội dung của dân chủ trực tiếp ở nước ta thành thể chế, thành quy phạm pháp luật và đã tạo được những điều kiện cần thiết cho các chủ thể của đời sống chính trị ở cơ sở tập dượt dân chủ, thực hành dân chủ. Dân chủ cơ sở đã góp phần sàng lọc, đào tạo một đội ngũ cán bộ gắn bó với nhân dân, vì nhân dân, loại bỏ được những phần tử cơ hội, cá nhân chủ nghĩa trong chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh trong sạch. Khi sinh hoạt chính trị ở cơ sở đã thành tập quán dân chủ, chúng ta sẽ có chế độ dân chủ ở cơ sở, ở toàn quốc. Đó là thành trì bền vững, thành trì lòng dân cho chế độ chính trị. 

4) Lực lượng của chế độ chính trị: Cương lĩnh chính trị của Đảng không chỉ khẳng định địa vị chủ thể mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà mở rộng khái niệm nhân dân. Coi toàn thể nhân dân Việt Nam (không chỉ là giai cấp công nhân, nông dân tập thể và trí thức xã hội chủ nghĩa như trước đây) không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, nam nữ, già trẻ. Một bài học về nhân dân được cương Lĩnh chỉ rõ là, “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”.

Nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, Cương lĩnh chủ trương xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, “toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.

“Nhà nước phục vụ nhân dân, (…) thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân”. Khi nói về vai trò của nhân dân, Cương lĩnh chủ trương “Xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi”.

5) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một phương thức làm chủ của nhân dân: Ngoài làm chủ thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam còn làm chủ thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất (hiện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), thông qua các đoàn thể chính tri-xã hội và các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp khác…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là một nhân tố độc đáo, đặc thù của chế độ chính trị nước ta. 

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh, liên hiệp chính trị- xã hội rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hành dân chủ bằng nhiều hính thức từ tham gia chính trị, đến giám sát phản biện xã hội, xây dựng đồng thuận xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc.

6)  Lực lượng lãnh đạo Nhà nước và hội: Đảng cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Phương thức lãnh đạo của Đảng được Cương Lĩnh nêu rõ:

+ Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn;

+ Bằng công tác tư tưởng: tuyên truyền, thuyết phục, vận động;

+ Bằng công tác tổ chức – cán bộ: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu;

+ Bằng công tác kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên;

+ Lãnh đạo bằng nêu gương: Thông qua hành động gương mẫu của đảng viên;

+ Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

7)Cơ chế chung của chế độ chính trị: Trong tất cả các quan hệ của hệ thống chính trị nước ta, mối quan hệ: "Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” có ý nghĩa quan trọng, mang tính đặc trưng cho mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì thế, ngay từ Đại hội IV, Đảng ta đã chú ý giải quyết mối quan hệ này. Trong Nghị quyết Đại hội 6 (1986), Đảng ta đã chủ trương xây dựng mối quan hệ đó “thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội"[4]. Cương lĩnh chính trị 2011 của Đảng cũng nhấn mạnh “phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.” 

Đây là một cơ chế, giải quyết 3 mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay, đó là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là giải quyết những vấn đề bản chất nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị mà chúng ta xây dựng trong thời kỳ quá độ. Để cho cơ chế này hoạt động tốt, có hiệu quả, phải vừa tạo ra động lực cho từng nhân tố và phối hợp hoạt động nhịp nhàng giữa ba nhân tố, lại phải vừa kiểm soát quyền lực trong từng nhân tố nói riêng và kiểm soát lẫn nhau trong tổng thể nói chung.

8)Giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh 2011 chỉ ra một mặt phản ánh mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa chế độ chính trị và chế độ kinh tế, mặt khác, cho thấy vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trực tiếp của chế độ chính trị đến chất lượng phát triển kinh tế - xã hội, quyết định trực tiếp đến tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ ở nước ta. Đó là: “quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;...”  

9)Các quan hệ chính trị, các cơ chế và nguyên tắc vận hành cụ thể của hệ thống chính trị: Ngoài “cơ chế chung” và các “quan hệ lớn”, trong chế độ chính trị nước ta,  hệ thống chính trị, được tổ chức và vận hành theo hàng loạt quan hệ cơ chế, và nguyên tắc cụ thể khác. Các quan hệ: giữa người có chủ quyền và người được ủy quyền, giữa các cấp theo chiều ngang, theo chiều dọc, giữa bên trong và bên ngoài…Về các cơ chế: Cơ chế mệnh lệnh hành chính, cơ chế tổ chức (thể chế), cơ chế thông tin, tư vấn; cơ chế kiểm soát quyền lực…Các nguyên tắc cơ bản đã được tuyên bố trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, chế định trong Hiến pháp, như: Mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tập trung dân chủ; quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách…Trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, thống nhất và phối hợp hành động…

  1. Đánh giá chung

Nhận thức của Đảng ta về nội dung chính trị và chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà nội dung cốt lõi là phát triển và cụ thể hoá nội hàm của phạm trù dân chủ XHCN đã có những bước phát triển, đổi mới quan trọng, nếu không nói là nhảy vọt, mang tính độc lập.  

Sự phát triển, đổi mới và cụ thể hóa đó, ở mức độ nhất định đã phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và văn hoá chính trị nước ta, tiếp thu những thành tựu văn minh chính trị cuả nhân loại; góp phần khắc phục được tư duy giáo điều, xơ cứng về đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, khắc phục quan điểm biệt phái, cực đoan hẹp hòi; đã đưa vấn đề đại đoàn kết dân tộc thành động lực phát triển đất nước, chủ trương xây dựng sự đồng thuận xã hội…Có thể nói sự kế thừa, phát triển, đổi mới đó đã đưa nhận thức của Đảng về nội dung chính trị của thời kỳ quá độ từ mô hình “dân chủ nhân dân” sang “chuyên chính vô sản” (tập trung - quan liêu) đến  “dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Đi đôi với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều thành phần, cơ cấu xã hội nước ta cũng thay đổi. Từ đó quan niệm về nội dung và hình thức của đấu tranh giai cấp cũng thay đổi. Cương lĩnh của Đảng khẳng định: “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá theo định hướng XHCN”. “Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Từ cách tiếp cận mới đó, chúng ta đã có điều kiện để đặt ra, tổng kết và giải quyết hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn có tính thời đại, như xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế giới ngày nay, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ; vấn đề độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân và bóc lột, kinh tế tri thức và sứ mệnh của giai cấp công nhân, đảng viên làm kinh tế tư nhân, định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường hiện đại…

Cách tiếp cận kế thừa, phát triển, đổi mới về chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, đặc biệt là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, trong bối cảnh phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, toàn cầu hóa, hội nhập…cho phép phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy sức mạnh sáng tạo vĩ đại của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp phục hưng dân tộc. Từ lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh…đến làm bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nhờ cách tiếp cận khoa học, phù hợp với xu thế thời đại, chúng ta được hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại và cũng được đối xử như là một dân tộc văn minh, được bạn bè quốc tế tôn trọng, ủng hộ; phá thế bị bao vây, đơn độc, cô lập. Chính thái độ của cộng đồng quốc tế, của các nước trên thế giới là một chỉ số quan trọng đánh giá về chế độ chính trị của chúng ta, đặc biệt, ngày nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày cảng toàn diện và sâu sắc.

  1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ chính trị ở nước ta

1) Trước hết nói về vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong cơ chế chung của chế độ chính trị Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo.

Quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị, là quyền lực của một tổ chức chính trị. Đảng không phải là Nhà nước, Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội mà mình đại diện bằng cách tác động vào nhà nước để thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của lực lượng xã hội mà mình đại diện. Cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam, không chỉ là lực lượng lãnh đạo, mà luôn luôn là đảng cầm quyền. Đảng một lúc phải thực thi hai loại quyền lực, quyền lực chính trị (lãnh đạo) và quyền lực nhà nước (cầm quyền).

Quyền lực lãnh đạo, có thể không chính thức, chỉ được thừa nhận bởi nhân dân, như trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền; cũng có thể chính thức, được chế định trong Hiến pháp và pháp luật. Vấn đề đã từng đặt ra, vậy Đảng lãnh đạo và cầm quyền bằng cách nào? Để tăng tính chính đáng của Đảng, một đảng công khai, hợp pháp, vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền được chế định trong Hiến pháp, cần xây dựng Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng, nhất là đối với những đảng viên có chức, có quyền.   

2) Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thông qua bầu cử dân chủ, nhận sự ủy quyền có điều kiện và có thời hạn của nhân dân, thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân. Đây là hình thức dân chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước quan trọng nhất. Bởi vì bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân và quyền lãnh đạo của Đảng. Người dân phải có quyền, trách nhiệm và điều kiện để lựa chọn những người gắn bó với vận mệnh nhân dân, sống chết với dân, còn Đảng sẽ giới thiệu người ra ứng cử. Vì vậy, quá trình bầu cử chủ yếu phải dựa vào dân, xuất phát từ dân, coi trọng sự tín nhiệm của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ hợp phá hóa “quy trình” nhân sự của Đảng. Đảng nên coi trọng sử dụng những người mà dân thấy xứng đáng nhất, đáng tin cậy nhất và đưa người đó vào các vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và bộ máy Nhà nước. Nói cách khác là “dân bầu, Đảng dùng”. Đó là quy trình mà các đảng chính trị trong các nước dân chủ áp dụng. 

Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước dù chặt chẽ đến mức “hóa thân” vào nhau, nhưng vấn đề đặt ra là không Đảng hóa Nhà nước và không Nhà nước hóa Đảng. Không để “nhầm lẫn” giữa quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước, không để Đảng trùm lên nhà nước hay Nhà nước trùm lên Đảng. Nếu xẩy ra tình trạng đó, hệ thống quyền lực sẽ bị rối loạn, tê liệt, mặc dù nhìn bên ngoài có vẻ rất tiện dụng. Kinh nghiệm lịch sử chính trị thế giới,  của mô hình nhà nước Xô viết đã chứng minh điều đó. Như vậy, cùng với đổi mới chế độ bầu cử như đã nói, trên thực tế đảng viên của Đảng sẽ “hóa thân” vào các cơ quan Nhà nước, mà không cần thiết phải tổ chức một bộ máy “song trùng” như đã từng có. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể tinh gọn bộ máy trong hệ thống tổ chức của hệ thống chính trị, công tác tổ chức cán bộ mới có hiệu quả.

Để hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Một đất nước với gần 100 triệu dân, cần phải có một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp. Vì vậy, đỏi hỏi đại biểu Quốc hội cũng phải chuyên trách, chuyên nghiệp. Giảm tối đa đại biểu là người của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tư pháp. Luật pháp trong nhà nước pháp quyền không những phải đủ về số lượng, mà còn đảm bảo về chất lượng. Luật khi ban hành phải có hiệu lực pháp lý ngay, không chờ nghị định, thông tư hoặc văn bản hướng dẫn. Hiệu lực pháp lý của luật không thể thấp hơn nghị định, thông tư hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành.

3) Giới hạn quyền lực Nhà nước bằng Hiến pháp và cơ quan Bảo Hiến:

Nguyên lý của giới hạn quyền lực nhà nước là nhà nước, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Nhà nước Việt Nam nên tập trung thực hiện chức năng công quyền, kiến tạo phát triển, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hay hoạt động văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục…Nhà nước có thể bảo trợ các đơn vị đó, nhưng không nên biến các cơ sở đó thành cơ quan nhà nước. Chỉ có như vậy, thì mới tổ chức bộ máy nhà nước mới thực sự là cơ quan công quyền. Công chức, viên chức nhà nước được bố trí theo vị trí việc làm trong bộ máy công quyền mới thực sự được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.     

Hiện nay, sự tiến bộ nhận thức về kiểm soát quyền lực, đã bắt đầu phát huy tác dụng nhất định trong thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta cũng “chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả” (Cương lĩnh 2011). Vì vậy, đặc biệt quan trọng là phải có một cơ chế bảo Hiến. Cần khẩn trương xây dựng cơ quan Bảo Hiến thực sự.

          4) Dư luận xã hội và trưng cầu dân ý

          Hiện nay ở nước ta, nhân dân có rất nhiều phương thức, phương tiện để tham gia công việc nhà nước. Ngoài các thể chế được chế định bởi Hiến pháp, pháp luật, nhân dân còn các công cụ khác, như thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức tổ chức xã hội, nghề nghiệp; thông qua quyền khiếu nại tố cáo, qua hệ thống phương tiện truyền thông và mạng xã hội…Tổng hợp từ tất cả các loại hình đó, nhân dân có thể tham gia chính trị bằng dư luận xã hội, mà ngày nay các trang mạng xã hội đã trở thành công cụ rất lợi hại. Dư luận xã hội, trong đó có tranh luận công cộng. Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội khác cần phải tham gia vào các cuộc tranh luận này, thông qua trách nhiệm giải trình, quyền tiếp cận thông tin, quản trị truyền thông…dư luận xã hội sẽ hình thành theo hướng lành mạnh. Đó là cơ sở để thực hiện Trưng cầu dân ý, quyền dân chủ trực tiếp có hiệu lực pháp lý cao nhất. Vấn đề đã được chế định trong Hiến pháp 1946, chủ trương từ Đại hội VI của Đảng. Cần sớm thể chế hóa, luật hóa các quyền của công dân được chế định trong Hiến pháp, như quyền lập hội, quyền biểu tình, trưng cầu dân ý…

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Tài liệu tham khảo

  • Đảng cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 1991
  • Đảng cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011)
  • Đảng cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. ST, H. 1977
  • Đảng cộng sản việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016
  • Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980
  • Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2013
  • Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Hà Nội 1995, trang 432


[1] Tham khảo: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Hà Nội 1995, trang 432

[2] Đảng cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb. ST, H. 1977, tr. 132. Xem thêm Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980, Chương 1, Điều 2

[3] Đảng cộng sản việt Nam: Văn kiện đại hội đạ biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. ST, H, 1987, tr. 109

[4] Đảng cộng sản việt Nam: Văn kiện đại hội đạ biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. ST, H, 1987, tr. 109

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
06-01-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 65
Trong tuần: 360
Lượt truy cập: 362179
Lên đầu trang