Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Đảng Cộng Sản Việt Nam với việc giải quyết vấn đề Dân chủ trong tiến trình Cách mạng nước ta - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

Đảng Cộng Sản Việt Nam với việc giải quyết vấn đề Dân chủ trong tiến trình Cách mạng nước ta - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngay từ thời kỳ chưa có Đảng, đã có các phong trào đấu tranh dân chủ rộng khắp, như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân… Nhưng chỉ sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, cuộc đấu tranh dân chủ ở nước ta mới được đặt trực tiếp là một bộ phận của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mục lục bài viết

482
  1. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngay từ thời kỳ chưa có Đảng, đã có các phong trào đấu tranh dân chủ rộng khắp, như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân… Nhưng chỉ sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, cuộc đấu tranh dân chủ ở nước ta mới được đặt trực tiếp là một bộ phận của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mục tiêu của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo là trước làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền (cuộc cách mạng dân chủ TS kiểu mới) sau đó tiến lên CNXH. Dân chủ trong cuộc cách mạng này là giành lại quyền độc lập dân tộc và dân chủ cho nhân dân mà đại đa số là nông dân. Với mục tiêu đó, cách mạng có nhiệm vụ đánh đổ ách thực dân và phong kiến. Đó là một sứ mệnh dân chủ vĩ đại, trước hết là giành dân chủ về chính trị cho cả một dân tộc, sau đó và đồng thời là giành dân chủ cho nhân dân, mà đại đa số là nông dân, từ tay các giai cấp bóc lột mà chủ yếu là giai cấp phong kiến. Trong cuộc cách mạng này, không thực hiện được dân chủ cho nhân dân thì không giải phóng được dân tộc, và không giải phóng được dân tộc thì mục tiêu dân chủ cho nhân dân trở thành vô nghĩa. Nếu giành được độc lập rồi mà dân không hưởng tự do (dân chủ) thì độc lập cũng không có giá trị gì. Trong cuộc cách mạng ấy, các lực lượng dân tộc và dân chủ liên minh đoàn kết với nhau để chống lại các lực lượng phản dân tộc và phản dân chủ (chủ yếu là đế quốc và phong kiến).

Lực lượng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước. Nhân dân đấu tranh chủ yếu lại phải thông qua các tổ chức chính trị của mình, đó là Đảng Cộng sản, Mặt trận và các thành viên của nó và các hội đoàn khác, cùng với những sáng kiến muôn hình muôn vẻ đã làm nên một mặt trận chống đế quốc và phong kiến rộng lớn chưa từng có kể từ ngày bị mất nước vào tay thực dân Pháp. Lúc này dân chủ đã trở thành một phong trào, một nội dung căn bản của dân tộc, và giải phóng dân tộc là một phong trào, một nội dung căn bản của dân chủ.

Qua các giai đoạn cách mạng, tùy tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta đưa ra các chiến lược, sách lược đấu tranh khác nhau, những khẩu hiệu tập hợp lực lượng khác nhau. Mặc dù những khẩu hiệu đó nhấn mạnh vấn đề dân tộc hay dân chủ khác nhau, nhưng đều thống nhất ở mục tiêu mở rộng lực lượng của cách mạng.

Trong thời kỳ cách mạng 1936-1939 với những khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đã đáp ứng được nguyện vọng của không chỉ công nông mà của các giai cấp và tầng lớp khác. Qua đấu tranh dân chủ mà nâng cao ý thức dân tộc, mở rộng lực lượng cách mạng của dân tộc.

Thời kỳ 1939-1945, thời kỳ đấu tranh trực tiếp giành chính quyền, khẩu hiệu "dân tộc trên hết" thực sự đáp ứng được quyền lợi dân chủ sâu xa nhất, căn bản nhất của mọi người dân Việt Nam mất nước. Đó là quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền dân tộc độc lập. Vì vậy, trong những ngày Tháng Tám năm 1945 nhân dân cả nước dưới sự  lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập tự do và sau đó "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy"[1].

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc những nội dung dân chủ mà Đảng đề ra không dừng lại ở mục tiêu mà được triển khai thành tổ chức và thực thi trong thực tiễn. Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng những nội dung cụ thể thiết thực từ giảm sưu cao thuế nặng, đến đòi ruộng đất; từ giảm giờ làm, chống đánh đập, đến giành lại nhà máy, hầm mỏ về tay mình. Cao nhất là cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Ở những nơi cách mạng giành chính quyền (vùng tự do trong kháng chiến, và vùng giải phóng trong chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam) Đảng chủ trương thi hành ngay những chính sách dân chủ, dân sinh, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Những thành tựu đó khích lệ nhân dân vùng tạm chiếm, vùng dưới quyền kiểm soát của địch hăng hái đấu tranh vì mục tiêu dân chủ của Đảng.

Xuyên suốt các quá trình cách mạng, trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của mình, Đảng ta luôn nhấn mạnh, cách mạng  là sự  nghiệp của quần chúng và nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực của Nhà nước Việt Nam Dân xhủ Cộng hoà, và sau này là Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã tuyên bố trong đường lối chung một nhiệm vụ có tính cương lĩnh là xây dựng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, sao cho nhân dân xứng đáng là người chủ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và chinh phục tự nhiên.

Quyền làm chủ tập thể, mà tính tất yếu khách quan của nó xuất hiện khi chính quyền nhà nước thuộc về nhân dân, phải được xây dựng thành chế độ xã hội mà Nghị quyết Đại hội IV gọi là "Chế độ làm chủ tập thể XHCN". Chế độ đó là tổng hợp những quan hệ, cơ chế, nguyên tắc, phương thức, mục tiêu và lực lượng nhằm xây dựng xã hội nước ta thành một xã hội, trong đó người  làm chủ chân chính là cộng đồng xã hội, là tập thể nhân dân lao động có tổ chức mà nòng cốt là liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Một xã hội có khả năng "Kết hợp quyền làm chủ tập thể với quyền tự do chân chính của từng cá nhân"[2], là "một nhà nước kiểu mới, nhà nước do chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình, nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, thông qua đó Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội"[3].

Việc xây dựng một chế độ dân chủ như vậy, trong thực tiễn, mặc dù đã  phải trả giá bằng những yếu kém, nóng vội, sai lầm, nhưng vẫn là mục tiêu có tính cương lĩnh cho việc xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) triển khai mạnh mẽ sự nghiệp dân chủ hóa từ các lĩnh vực tư duy, tư tưởng, chính trị và đặc biệt là trong kinh tế, (lĩnh vực mà cho đến lúc bấy giờ còn có nhiều nhận thức sai lầm), trao cho nhân dân quyền chủ động sản xuất kinh doanh, chủ động cải thiện đời sống của mình. Lúc đó tinh thần của Nghị quyết Đại hội VI được coi là "cởi trói", tạo điều kiện cho nhân dân quyền "tự cứu" lấy mình, quyết định lấy cuộc sống của mình. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, đối với sự nghiệp dân chủ, thì đây là một mốc son chói lọi đưa sự nghiệp dân chủ của cách mạng nước ta vào chiều sâu, thành thể chế mà trước hết là các thể chế kinh tế, đưa ra cách tiếp cận mới thực tiễn hơn, biện chứng hơn về nền dân chủ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.

Những thành quả do đổi mới mang lại đã góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế, trên cơ sở đó Đảng và nhân dân có điều kiện để nhìn nhận sâu sắc hơn về các vấn đề dân chủ trong chính trị, trong quản lý nhà nước. Chính vì thế mà hoạt động của Đảng suốt trong nhiệm kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII đã giành sự chú ý thích đáng đến dân chủ trong chính trị, đã đặt ra một cách dứt khoát mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cải cách nền hành chính Việt Nam vốn nặng nề, trì trệ bởi những tàn tích của nền hành chính quan liêu bao cấp.

Tiến xa hơn, năm 1998 bằng Chỉ thị 30/CT-TW và Nghị định 29/CP Đảng và Chính phủ đã tích cực tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, tìm tòi những khâu mấu chốt trong sự nghiệp dân chủ hóa đất nước và đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là Quy chế dân chủ cơ sở).

Đây là bước đột phá đúng để nhận thức, tư tưởng và tổ chức, về lý luận và thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được coi là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, khẳng định lại mục tiêu xây dựng một chế độ dân chủ thông qua nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách các thể chế và phương thức hoạt động của nhà nước, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Coi đoàn kết, dân chủ là động lực của phát triển xã hội. Đại hội đã đưa "dân chủ" thành một trong năm mục tiêu quan trọng mà Đảng phải lãnh đạo đất nước hướng tới: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như trên chúng ta đã trình bày một cách khái lược những quan điểm về dân chủ của Đảng ta. Những quan điểm này đã được luật hóa, thành những nguyên tắc hiến định trong bốn bản Hiến pháp nước ta. Điều 4 Hiến pháp năm 1959, điều 6 Hiến pháp 1980, điều 2 Hiến pháp 1992, đều ghi rõ, ở nước ta - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tất cả quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã từng nhiều lần tuyên bố: Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân. Nền tảng của nhà nước dân chủ ấy được xây dựng trên các nguyên tắc hiến định từ Hiến pháp 1946.

 Thứ nhất, đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo (lực lượng của dân chủ).

Thứ hai, đảm bảo các quyền tự do dân chủ (nội dung của dân chủ).

Thứ ba, thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân (phương thức thực thi dân chủ)[4].

Ba nguyên tắc chung trên đây đã phản ánh đầy đủ những yêu cầu nội dung của dân chủ, mà ngày nay phần lớn các nước dân chủ đang thi hành.

Trong suốt quá trình xây dựng một nền dân chủ XHCN ở nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực không ngừng để xây dựng những nguyên tắc vận hành, thể chế hóa mục tiêu, đưa ra những phương châm hoạt động cho nền dân chủ ở nước ta. Đó là cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Mục tiêu: Nhà nước của dân do dân vì dân. Phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… Nhờ vậy mà trong đời sống xã hội ở nước ta dân chủ đã đạt được những thành tựu nhất định, các thể chế của nền dân chủ đang từng bước được mở rộng và hoàn thiện. Dân chủ được coi là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội ở nước ta.

  1. Mặc dầu vậy, sự nghiệp dân chủ hóa nước ta gặp không ít khó khăn thách thức, còn nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng mà chưa giải quyết dứt điểm. Cho đến nay, xác định cho được nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý còn là bài toán chưa có đáp số, vẫn còn tình trạng chồng lấn, chồng chéo chức năng, trùng chức năng lãnh đạo và quản lý giữa các cơ quan quyền lực. Trùng chức năng được coi là thảm hoạ của quản lý. Hơn nữa nó cản trở triển khai các thể chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

 - Lực lượng của chế độ dân chủ là nhân dân. Nhưng có nhiều thời kỳ chưa xác định rõ được nhân dân gồm những giai cấp, tầng lớp nào. Có một số giai đoạn do quan điểm giai cấp cực đoan, đã có biểu hiện của tư tưởng biệt phái, đặt một bộ phận nhân dân thành đối tượng trấn áp của cách mạng, của chuyên chính, của cải tạo XHCN. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, khi nào đặt đúng vị trí vai trò của nhân dân trong cách mạng, lúc đó cách mạng gặp thuận lợi, giành được nhiều thành tựu, nếu ngược lại, chúng ta phải trả giá. Vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Nó giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và dân chủ, giữa lực lượng của dân tộc và lực lượng của dân chủ, giữa nội dung của những nhiệm vụ dân tộc và nội dung của những nhiệm vụ dân chủ trong cách mạng. Đây là hai vấn đề quan hệ rất chặt chẽ khi xây dựng CNXH ở nước ta, không có cái dân tộc đối lập với dân chủ và không có cái dân chủ phản lại dân tộc. Không ý thức được dân tộc thì cũng không có tinh thần dân chủ, không có tinh thần dân chủ thì cũng không thấy được quyền lợi dân tộc. Ở nước ta, ý thức dân chủ, tinh thần dân chủ phải là dân chủ XHCN. Hình thành một ý thức dân chủ như vậy trong khi đại đa số nhân dân chưa trải qua trường học dân chủ tư sản, là một việc rất khó. Từ thân phận nô lệ trở thành người chủ qua bão táp của cách mạng, nhiều cán bộ và người dân chưa thấy hết sự cần thiết phải chuẩn bị cho dân chủ như thế nào. Vì thế mà nhiều cán bộ lãnh đạo không biết lãnh đạo theo phương pháp dân chủ, nhiều công dân đã được trao quyền dân chủ cho rồi mà không biết sử dụng quyền đó, không coi đó là quan trọng, là thành tựu cách mạng để bảo vệ và phát huy nó, thậm chí còn có biểu hiện thờ ơ, coi thường, làm tầm thường hóa nó, làm tha hóa những nội dung dân chủ thiêng liêng và cao cả.

Nhận thức về lực lượng của chế độ dân chủ ở nước ta có diễn biến thăng trầm khác nhau, nhưng có thể nói rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã kế thừa những thành tựu của quá khứ và đưa nhận thức của Đảng lên tầm cao mới: Coi đoàn kết toàn dân tộc là động lực của sự phát triển xã hội.

Đoàn kết dân tộc là động lực trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là đưa toàn bộ nhân dân vào vị trí trung tâm của đời sống dân chủ. Đoàn kết mới có dân chủ và trên cơ sở dân chủ mới có đoàn kết. Đó là bài học được rút ra qua nhiều thời kỳ cách mạng khác nhau.

- Đoàn kết nhân dân, nhưng nhân dân không sống đơn độc, đơn lẻ, mà tập hợp thành cộng đồng. Các cộng đồng dân tộc anh em, cộng đồng tín ngưỡng, cộng đồng giai cấp, cộng đồng xã hội, nghề nghiệp… Đó chính là xã hội công dân mà ở nước ta các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc là nòng cốt. Vai trò của các đoàn thể nhân dân rất quan trọng, nó là xã hội hóa các quyền và nghĩa vụ của cá nhân công dân, hiện thực  hóa các nhân cách, nối các cá nhân với nhà nước, hình thành các nguồn vốn xã hội – là nhân tố quan trọng, không chỉ cho phát triển kinh tế mà nền tảng cho văn hiến và văn minh. Các đoàn thể nhân dân phản biện, giám sát, điều hòa hoạt động của nhà nước, tìm kiếm các hình thức cân bằng, tối ưu trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Đó là điều kiện của dân chủ và phát triển, là điều kiện để biến nhà nước thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hiện nay vai trò của các đoàn thể nhân dân chưa được phát huy đúng mức. Còn có nhận thức và đối xử lệch lạc đối với các đoàn thể nhân dân. Đang tồn tại khuynh hướng hành chính hóa các đoàn thể nhân dân, lấn át hoạt động của chúng, biến chúng thành một bộ máy mang tính hành chính, nối dài của bộ máy nhà nước.

- Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, là phương châm quan trọng để dân có thể làm chủ. Nhưng biết, bàn, làm, kiểm tra cái gì? Bằng cách nào? Ở đâu? Và khi nào? Từng người dân đơn lẻ, lăn lộn mưu sinh hàng ngày làm sao đủ điều kiện để biết, bàn, làm và kiểm tra được. Phương châm này cho đến trước lúc ra đời Quy chế dân chủ cơ sở chỉ là một khẩu hiệu. Ngày nay, nhờ Quy chế dân chủ cơ sở (từ năm 2007 Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường, thị trấn) tình hình đã tốt hơn nhiều, người dân đã có thể biết, bàn, làm và kiểm tra một cách cụ thể, hợp  pháp và cơ bản hoạt động của bộ máy Đảng và chính quyền ở cơ sở. Đó là một bước tiến của dân chủ ở nước ta.

Để thực sự biết, bàn, làm và kiểm tra, người dân chủ yếu thông qua các đoàn thể nhân dân. Ở nơi nào các đoàn thể nhân dân yếu kém thì quyền biết, bàn, làm và kiểm tra của nhân dân sẽ bị vô hiệu hóa. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, ngay cả sau khi đã triển khai Quy chế dân chủ cơ sở.

- Đối với một nước nghèo nàn lạc hậu như nước ta, xây dựng nền dân chủ XHCN là một nhiệm vụ lịch sử có tính khai phá, trong lúc đó đa số nhân dân chưa có "vốn liếng chính trị" đầy đủ, chưa được chuẩn bị về kinh tế, văn hoá, học vấn, kỹ năng chính trị, lại chưa có kinh nghiệm của trường học dân chủ tư sản… thì những mục tiêu của dân chủ sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí bị lệch lạc.

Chính vì vậy, ở nước ta, "Nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên  nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được"[5].

Có thể nói rằng, không thể để tình hình xấu hơn được nữa. Cần phải có những biện pháp kiên quyết để đổi mới, hoàn thiện chế độ dân chủ ở nước ta. Trong nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đó, Đảng ta xác định "khâu quan trọng và cấp bách nhất trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở"[6]. Bởi vì đó là "nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất"[7].

  1. Dân chủ ở cơ sở và Quy chế dân chủ cơ sở

Nói đến cơ sở là nói đến cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính nhà nước. Ở nước ta, đó là cấp xã (xã, phường, thị trấn). Cơ sở và chính quyền cấp cơ sở có vị trí đặc biệt trong hệ thống chính trị nước ta. Đó là cấp xa trung ương nhất, là cấp gần dân nhất. Các cấp chính quyền tỉnh và huyện là hai cấp trung gian nối trung ương với cơ sở. Trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, thì chính quyền cấp cơ sở là cấp trực tiế làm việc với dân, còn các cấp khác thì chủ yếu làm việc với hệ thống chính quyền. Từ đặc điểm đó chúng ta thấy rằng vai trò, vị trí của cấp cơ sở rất quan trọng. Nói dân làm chủ, theo nghĩa đen của từ này là nói đến cơ sở. Nếu chỉ nói đến địa bàn nông nghiệp và nông thôn thì ở cơ sở có hơn 70% dân cư nước ta sinh sống. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, dân chủ hóa xã hội và các mục tiêu có tính cương lĩnh khác của Đảng có thực hiện được hay không phần lớn phụ thuộc vào bộ phận dân cư này.

Về kết cấu chính trị - xã hội và văn hoá, ở các “nước cộng hòa" thu nhỏ này được coi là phức tạp nhất. Về chính trị, ngoài hệ thống chính trị chính thức hợp pháp đang công khai hoạt động ở cơ sở còn có những áp lực chính trị không thành văn như quyền lực của dòng họ, các già làng, trưởng bản, đời sống tín ngưỡng… Hơn bất kỳ cấp hành chính nào khác, ở cơ sở đan xen, đấu tranh và thỏa hiệp giữa pháp luật của Nhà nước, hương ước của làng xã, các luật tục, lệ làng và nhiều thể chế không thành văn khác… Những yếu tố này hàng ngày tham gia vào việc chi phối điều chỉnh tư tưởng, tâm lý hành vi của mọi người trong làng xã, trong những quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp ở nông thôn.

Quá trình  phát triển kinh tế - xã hội của làng - xã, những đặc điểm sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội của nó là những yếu tố đặc biệt quan trọng đến sự nghiệp dân chủ hóa cấp cơ sở nói riêng và sự phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung.

Theo cách tiếp cận chính trị, thì cấp cơ sở là mắt xích yếu nhất trong hệ thống chính trị, hệ thống nhà nước ở nước ta hiện nay. Nhiều vấn đề nổi cộm, tiêu cực đang tiềm tàng, những nơi nổ ra điểm nóng cũng đều xuất phát từ cơ sở. Ở cơ sở, dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng, nạn tham ô, tham nhũng, ức hiếp nhân dân diễn ra tràn lan, kéo dài, chậm được quan tâm giải quyết. Vậy mà từ trước đến khi có Quy chế dân chủ ở cơ sở ra đời, chưa có một phương án nào có tính quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo quyền dân chủ cho nhân dân cơ sở.

Chính quyền nhiều nơi đã rất nỗ lực giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của cơ sở mình, lành mạnh hóa đời sống chính trị - xã hội. Nhưng vì thiếu một cách tiếp cận toàn diện, thiếu sự phối hợp trong tổng thể từ chiều ngang lẫn chiều dọc của hệ thống chính trị nên những cố gắng của các cơ sở đó không mang lại hiệu quả mong muốn.

Sau những sự kiện ở Thái Bình, Tây Nguyên và nhiều địa phương khác, sự yếu kém của hệ thống chính trị ở cơ sở đã bộc lộ rõ ràng, đầy đủ những hình hài, góc cạnh của nó. Nhận thức được vai trò quyết định của hệ thống chính trị ở cơ sở trong ổn định chính trị, trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 30/CT-TW (18-2-1998) về Quy chế dân chủ cơ sở và Chính phủ ra Nghị định 29/CP (11-5-1998) về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Những văn kiện trên đây của Đảng và Nhà nước đã đưa ra cách tiếp cận, sự đánh giá sát đúng tình hình ở cơ sở, thể chế hóa, cụ thể hóa, pháp quy hóa những nội dung nguyên tắc, phương châm cho sinh hoạt dân chủ ở địa bàn này. Quy chế dân chủ cơ sở là một khâu đột phá, đưa sinh  hoạt chính trị ở nước ta lên một tầm cao mới, củng cố và kiến tạo những điều kiện có tính nền tảng cho sự nghiệp dân chủ hóa ở địa bàn nông nghiệp và nông thôn.

Quy chế dân chủ cơ sở bước đầu đã đặt đúng vị trí vai trò của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị, trong chế độ dân chủ của đất nước. Quy chế dân chủ cơ sở bước đầu xác định rõ dân ở cơ sở là ai. Như chúng ta đã biết, con người trong lịch sử nói chung thường không tồn tại một cách đơn lẻ, biệt lập mà liên kết thành cộng đồng: Cộng đồng gia đình - tế bào của xã hội, cộng đồng dòng họ, cộng đồng giới (phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, cựu chiến binh) cộng đồng xã hội nghề nghiệp, cộng đồng kinh tế và cộng đồng về chính trị. Con người với tư cách là cá nhân, là công dân thông qua các cộng đồng ấy để hiện thực hóa nhân cách của mình, hiện thực hóa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của mình. Vì vậy nói đến "dân" ở cơ sở, chúng ta không loại trừ hoặc coi nhẹ tư cách cá nhân, công dân hoặc thể nhân, nhưng trước hết và quan trọng hơn hết là các cộng đồng của họ. Trong các cộng đồng đó, ngày nay ở nước ta phần lớn đã có tư cách pháp lý như gia đình, các đoàn thể (dưới thời phong kiến các dòng họ phải nhận sắc phong của vua). Có thể khẳng định rằng trong điều kiện nước ta hiện nay, nói đến dân, quan trọng hơn hết và trước hết là nói đến các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, các cộng đồng công dân với rất nhiều hình thức khác nhau. Nói đến dân làm chủ là nói đến vai trò làm chủ của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, các cộng đồng công dân ấy. Ở cơ sở có dân chủ hay không trước hết là phụ thuộc vào vai trò làm chủ của các đoàn thể nhân dân.

- Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã tạo ra một bước chuyển biến về chất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đây, dân chủ không còn là những mệnh đề trừu tượng, những khẩu hiệu trống rỗng mà là những vấn đề cụ thể: Đảng làm gì, Nhà nước làm gì, đoàn thể nhân dân làm gì, dân làm gì? Dân cần biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát cái gì, như thế nào...đều được quy định.

- Qua khảo sát thực tế, chúng ta thấy rằng, chuyện dân chủ đã thành chuyện  hàng ngày, gần gũi thân thiết, bổ ích như chuyện cơm ăn, nước uống, như không khí để thở. Ý nghĩa của Quy chế dân chủ cơ sở rất to lớn, có thể hơn hẳn cả một tá cương lĩnh trừu tượng xa vời. Dân chủ đã về làng và đi vào trong đời sống của cộng đồng làng xã.

- Với Quy chế dân chủ cơ sở, đây là lần đầu tiên, khái niệm dân chủ ở nước ta đã biến thành thể chế, thành quy phạm pháp luật. Nhiều cơ sở, trước khi có Quy chế dân chủ cơ sở, hàng năm năm, mười năm đã thử làm quy chế dân chủ của cơ sở mình. Cố gắng đó là rất đáng ghi nhận, nhưng dù sao đó cũng không phải là "luật", thiếu vắng tính điều chỉnh, tính bắt buộc và các chế tài xử phạt. Mặc dù chưa phải đã hoàn thiện, nhưng Quy chế dân chủ cơ sở là đòn bẩy để nhân dân, cán bộ, đảng viên sống theo pháp luật.

- Quy chế dân chủ cơ sở đã tạo được một phong trào quần chúng rộng lớn có tính cách mạng. Qua phong trào này, Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, đặc biệt là nhân dân tập dượt dân chủ. Từ nhận thức đến hành vi, toàn bộ các chủ thể trong hệ thống chính trị đều tích cực tham gia tạo nên những chuyển biến to lớn, nhiều chuyển biến bất ngờ trong đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở.

- Quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần sàng lọc, đào tạo đội ngũ cán bộ. Dân chủ cơ sở, qua thời gian sẽ tạo ra được cơ chế, lựa chọn, tôn vinh những cán bộ có tâm, có tầm, có trí, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân, loại bỏ được những phần tử cơ hội, cá nhân chủ nghĩa trong chính quyền cơ sở. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành một quan điểm về cán bộ đúng hơn, khoa học hơn, dân chủ hơn.

- Quy chế dân chủ cơ sở, vì vậy là yếu tố trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh trong sạch. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân sẽ là hiện thực ở cơ sở.

- Khi sinh hoạt chính trị ở cơ sở đã thành tập quán dân chủ, chúng ta sẽ có chế độ dân chủ ở cơ sở, ở toàn quốc. Đó là thành trì bền vững, thành trì lòng dân cho chế độ chính trị. Có thể nói, vì vậy dân chủ cơ sở có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp dân chủ hóa ở nước ta nói riêng và sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nói chung.

Vấn đề dân chủ trong cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát triển từ trong cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng XHCN. Từ Cương lĩnh, khẩu hiệu đến Quy chế dân chủ cơ sở, từ lý luận, nhận thức đến xây dựng một chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động… sự nghiệp dân chủ hóa ở nước ta đã trải qua một chặng đường dài. Trong quá trình đó nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu căn bản, to lớn, mà thành tựu căn bản to lớn nhất là giành lại độc lập tự do và bước đầu kiến thiết một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, đi lên CNXH.

Sự nghiệp dân chủ hóa của Đảng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và còn nhiều khó khăn, thử thách đang ở phía trước. Nền dân chủ của chúng ta còn nhiều yếu kém, cần phải thường xuyên đổi mới và hoàn thiện. Đó là con đường tất yếu để xây dựng một nước Việt Nam thực sự dân chủ - nền dân chủ XHCN.

Xây dựng một nền dân chủ XHCN trong thời kỳ hậu xô viết là một nhiệm vụ mới mẻ đòi hỏi phải có nỗ lực và sáng tạo hơn hẳn, phải có thời gian và tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt của lịch sử. Đó là sứ mệnh dân chủ vĩ đại mà dân tộc đang đặt lên vai Đảng ta.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

[][1] Hồ Chí Minh: Tuyên ngôn độc lập.

[2]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCHTWƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.56.

[3] Sđd,  tr.51.

[4]  Hiến pháp 1946, Lời nói đầu. Những chữ trong ngoặc đơn là của chúng tôi.

[5] Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/02/1998 củ BCHTWƯ Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

[6] Đã dẫn.

[7] Đã dẫn.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
06-01-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 107
Trong tuần: 672
Lượt truy cập: 378052
Lên đầu trang