CHÍNH TRỊ HỌC
Mục lục bài viết
(Bài trước- “Báo Nga phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc” (DVO,5/6/2021). Đây là bài đăng ngày 25/5/2021 và rất dài, mong bạn đọc thông cảm. Các phần in nghiêng để trích dẫn là của tác giả.
Sau đây là nội dung:
Ảnh: mil.cnr.cn |
“Do tính chất liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế toàn cầu, một số quốc gia có thể gây những tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của một số quốc gia khác mà không cần thực hiện bất kỳ hành động tấn công nào ...”
Hai đại tá Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) Qiao Liang và Wang Xiongsui. Chuyên luận về Chiến lược và Nghệ thuật Tác chiến “Chiến tranh không giới hạn”.
Cho đến tận hôm nay, Trung Quốc vẫn là một ẩn số không chỉ đối với Nga, mà đối với cả toàn thế giới. Mặc dù luôn đưa ra những tuyên bố chính trị hung hăng, nhưng CHND Trung Hoa lại luôn né tránh bạch hóa những hành động quân sự của mình.
Bắc Kinh thường tiến hành các chiến dịch cực kỳ bí mật, thậm chí có thể rất tàn bạo, và những chiến dịch này dù rất hiệu quả nhưng đôi khi lại không để lại bất cứ bất kỳ dấu vết nào để có thể truy ra sự can dự trực tiếp của Chính quyền Trung Quốc, và vì thế- không để lại hậu quả nào ở cấp quốc gia.
Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên đặt nền móng cho học thuyết hiện đại về hợp nhất quân sự -dân sự.
Theo tư duy của các nhà phân tích và các nhà chiến lược cấp vĩ mô Trung Quốc thì hình thái chiến tranh "động năng", tức là cuộc đối đầu quân sự cổ điển giữa các cường quốc, đã không còn tồn tại nữa - chỉ còn có chiến tranh trí tuệ, được tiến hành một cách chủ động bằng rất nhiều phương pháp, trong đó có cả các phương pháp “phức hợp” (nói nôm na- là loại hình chiến tranh kết hợp nhiều thủ đoạn chiến tranh khác nhau-ND).
Cuộc cạnh tranh thực sự của các hệ thống liên quốc gia từ nay sẽ được tiến hành trong môi trường phân tích và xử lý thông tin, (sẽ là) tốc độ và hiệu quả của việc ra các quyết định, việc “gây quá tải” cho các khả năng chịu đựng của đối phương bằng các phương pháp tiến hành các hoạt động quân sự (tác chiến) phi đối xứng.
Và, có lẽ, trong chuyện này, Trung Quốc am hiểu hơn rất nhiều so với các đối thủ toàn cầu của mình.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về việc hiện thực hóa chiến lược tiến hành chiến tranh “phức hợp” Trung Quốc- đó là cái gọi là "Hạm đội bóng tối Trung Quốc" (thuật ngữ này sẽ được làm rõ ở phần sau-ND)- một “sản phẩm” (đang còn rất ít được giới chuyên gia nghiên cứu) của sự hợp nhất (tích hợp) quân sự - dân sự, cho phép Bắc Kinh đạt được các lợi ích của mình một cách hiệu quả và mang tính đe nẹt, nhưng lại không cần phải đối đầu quân sự trực tiếp trên biển.
Các lực lượng quân sự- dân sự hỗn hợp trên biển
Như chúng ta đã từng thảo luận trước đó trong bài viết "Hạm đội nhỏ và nền chính trị lớn", lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc, cho dù rất mạnh và có quy mô lớn, nhưng vẫn không thể được sử dụng để thực hiện các phương pháp gây ảnh hưởng trong khu vực bằng vũ lực.
Nhiệm vụ chính hiện nay của Hải quân Trung Quốc là kiềm chế và duy trì mối đe dọa quân sự thường trực (của Trung Quốc đối với các nước),- một mối đe dọa đang ngày càng làm căng thẳng thêm quan hệ vốn đã rất không đơn giản (của Trung Quốc) với tất cả các nước láng giềng.
Tuy nhiên, vì những lý do rất dễ hiểu, Hải quân Trung Quốc không thể được sử dụng một cách công khai để giải quyết những vấn đề chính trị cụ thể trước mắt mà nước này đang phải đối mặt. Và thành thử, giới lãnh đạo Bắc Kinh cần một công cụ khác ...
"Cách tốt nhất để giành chiến thắng- không phải là đánh nhau, mà là kiểm soát"- Các đại tá PLA Qiao Liang và Wang Xiongsui. Chuyên luận về Chiến lược và Nghệ thuật Tác chiến “Cuộc chiến không giới hạn”.
Sử dụng đội tàu dân sự cho mục đích quân sự - đó không phải là một thực tiễn nào đó quá mới mẻ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà phân tích và chuyên gia về tác chiến hải quân đã cân nhắc tính toán nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này - từ phương án cải hoán tàu buôn thành tàu mang máy bay lên thẳng đảm bảo đến ý tưởng trang bị cho các tàu biệt kích vũ khí tên lửa chống hạm.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại đã đi một con đường hoàn toàn khác, độc đáo hơn nhiều.
Vì những lý do hiển nhiên, việc sử dụng đội tàu buôn Trung Quốc cho mục đích tiến hành chiến tranh "phức hợp" và làm một phương tiện khủng bố là không thực tế và thậm chí là rất nguy hiểm. CHND Trung Hoa cực kỳ phụ thuộc vào thương mại đường biển và các quan hệ kinh tế đối ngoại.
Thành thử, một bước đi như vậy sẽ tạo một cái cớ rất hợp pháp để các đối thủ của Bắc Kinh tấn công vào một nguồn lực có tầm quan trọng chiến lược đối với nước này, một kịch bản mà không ai dám để cho xảy ra.
Một lối thoát đã được Bắc Kinh tìm thấy - đó là quy mô khổng lồ của đội tàu đánh bắt cá Trung Quốc.
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ những số liệu thống kê khô khan:
1. Trung Quốc là nước sản xuất cá hàng đầu thế giới trong nhiều năm nay. Cụ thể, trong năm 2015, Trung Quốc (chỉ riêng ở đại lục) đã sản xuất 65,2 triệu tấn cá thực phẩm, trong đó 47,6 triệu tấn (73%) từ nuôi trồng và 17,6 triệu tấn (27%) từ đánh bắt.
2. Tại CHND Trung Hoa, có khoảng 370.000 thuyền đánh cá không động cơ và 672.000 tàu có động cơ các kiểu khác nhau. Và mặc dù vào năm 2008, Trung Quốc đã từng lên kế hoạch cắt giảm số lượng các tàu đánh cá, nhưng sau đó đã bỏ kế hoạch này.
Số lượng chính xác của đội tàu đánh cá Trung Quốc hiện không rõ, nhưng tất cả các chỉ dấu được biết đều cho thấy nó tăng nhanh và liên tục.
3. Nghề cá ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đảm bảo việc làm cho hơn 16 triệu lao động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Hơn một nửa số lao động làm việc toàn thời gian. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo tiềm lực tổ chức động viên của “Hạm đội bóng tối”.
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông, nơi có tới 25% lưu lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua và nơi tiến hành các giao dịch thương mại trị giá 5 nghìn tỷ USD, không thể được tiến hành bằng cách sử dụng trực tiếp Các Lực lượng Vũ trang.
Vì thế nên Trung Quốc- quốc gia đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông, đã áp dụng các giải pháp phi quy chuẩn (phi truyền thống).
Lối thoát là huấn luyện quân sự quy mô lớn và trợ cấp cho các hợp tác xã của đội tàu đánh cá.
Sử dụng các đội tàu đánh cá làm một công cụ tiến hành "chiến tranh phức hợp"- đó không phải là biện pháp độc đáo hay đổi mới sáng tạo gì của các chiến lược gia Trung Quốc.
Trong quá khứ không quá xa, CHND Trung Hoa đã từng tích cực sử dụng "lực lượng dân quân biển" để chiếm đóng các vùng lãnh thổ tranh chấp:
cụ thể, vào năm 1974, khi Quân đội Trung Quốc tiến hành chiến dịch cố đánh chiếm một phần các đảo của Việt Nam Cộng hòa, Bắc Kinh cũng đã sử dụng "đội quân tình nguyện” đổ bộ lên các đảo Robert (Hữu Nhật), Mani, Duncan và Drumont,- những “dân quân biển” Trung Quốc này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chiếm đóng các đảo phía Tây Hoàng Sa.
Năm 2012, Trung Quốc chủ động từ bỏ kế hoạch cắt giảm đội tàu cá trước đó và kể từ năm 2013, có hơn 50.000 tàu đánh cá Trung Quốc (hơn 70% toàn đội tàu cá) đã được trang bị hệ thống định vị đặc biệt “Bắc Đẩu”.
Chức năng của thiết bị này là nó cho phép điều phối các hành động của ngư dân, và theo đó, điều khiển tất cả các đội tàu cá từ một đầu mối thống nhất.
Cài đặt “Bắc Đẩu” là yêu cầu bắt buộc và người sử dụng (hợp tác xã đánh cá) chỉ phải trả 10% chi phí thiết bị..
Như đã đề cập ở trên, các tàu thuyền đánh cá Trung Quốc được trang bị định vị vệ tinh nên chúng có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ một cách có tổ chức và các loại hoạt động khác, trong đó có cả việc thu thập dữ liệu về sự hiện diện của tàu thuyền nước ngoài trong các khu vực đánh cá.
Theo kết luận của các nhà phân tích thì những ngư dân được sử dụng làm "lực lượng hải quân thứ ba" của Trung Quốc đang hành động phối hợp với Hải quân và Lực lượng bảo vệ bờ . Chính những “dân quân biển” này là những người trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động tác chiến “phức hợp”.
Xương sống của lực lượng cán bộ quân sự trong "Hạm đội bóng tối" là rất nhiều quân nhân PLA xuất ngũ: trong thập kỷ qua, quân số Các Lực lượng Vũ trang Trung Quốc đã bị cắt giảm đáng kể, và những cán bộ quân đội xuất ngũ được huy động để tăng cường cho lực lượng bán quân sự phi tiêu chuẩn và cũng phi truyền thống này của Bắc Kinh.
Các đơn vị có khả năng chiến đấu nhất của "lực lượng dân quân- hải quân" thậm chí còn được trang bị vũ khí: pháo phòng không cỡ nhỏ, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và mìn biển.
Các thủy thủ Hải quân và nhân viên Cảnh sát biển Hoa Kỳ lên tàu đánh cá của Trung Quốc trong Chiến dịch “Sáng kiến An ninh Hàng hải Châu Đại Dương”. Ảnh do Thiếu úy Hải quân Mỹ Brian Jackson chụp |
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc còn có nhiệm vụ hỗ trợ vật chất- kỹ thuật cho các tàu chiến Trung Quốc. Ví dụ cụ thể, các tàu cá được sử dụng để vận chuyển những vật liệu xây dựng cần thiết để bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông (những tàu này đã vận chuyển ít nhất 2,65 triệu tấn hàng hóa kể từ những năm 1990 đến nay).
Về phần mình, các hòn đảo nhân tạo lại là “tài sản” cực kỳ quan trọng của Hải quân CHND Trung Hoa. Chỉ trong mấy tháng đầu năm nay (2021), đã có tới 2 đại đội phòng không và một trạm radar được triển khai trên các đảo nhân tạo.
Những lực lượng này có thể kiểm soát vùng trời ở trung tâm Biển Đông. Trung Quốc còn xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo đường băng cất hạ cánh có thể tiếp nhận cả những máy bay vận tải quân sự hạng nặng.
"Hạm đội bóng tối" bảo vệ lợi ích của Trung Quốc
Phần lớn thời gian làm việc được "lực lượng dân quân biển" sử dụng để hỗ trợ các chiến dịch tìm kiếm- cứu nạn và tăng cường cho lực lượng bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất: các cảng và các giàn khoan dầu.
Một nhiệm vụ đặc biệt nữa- đó là khẳng định các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, truy đuổi và khủng bố các tàu dân sự và nhà nước của nước ngoài (kể cả các tàu quân sự).
Cụ thể, vào năm 2009, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã vây chiếc tàu nghiên cứu USNS "Impeccable" của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở một khu vực biển gần lãnh hải của CHND Trung Hoa.
Các ngư dân Trung Quốc, với sự hỗ trợ của khinh hạm PLA, đã ngang ngược cơ động đến gần con tàu Mỹ và cố cắt đứt cáp nối cụm sonar thủy âm kéo theo sau tàu.
Một năm sau đó, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược tương tự chống lại Nhật Bản trong cuộc xung đột lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku. Ngày 8/ 9/2010, một tàu cá Trung Quốc đã đâm thẳng vào hai tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản.
Năm 2021, các tàu đánh cá Trung Quốc phối hợp các tàu Cảnh sát biển nước này đã trở thành “đội quân tiên phong” của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh giành bãi cạn Scarborough- một hòn đảo nhỏ bé ở Biển Đông.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã chiếm đóng hòn đảo và tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó - trong những năm sau đó, dân quân biển Trung Quốc hung hăng tấn công ngư dân Philippines,- những người đã từng đánh bắt hải sản ở vùng bãi cạnScarborough này từ nhiều thập kỷ nay.
Vào tháng 5 năm 2014, các tàu của “Hạm đội bóng tối” đã hỗ trợ việc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ “Hải Dương-981” của Trung Quốc ở phía nam đảo Triton. Khu vực này từ lâu đã được xác định là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Lực lượng Kiểm ngư "Fugang Fisheries" Trung Quốc đã triển khai một lực lượng dân quân gồm 29 tàu đánh cá bảo vệ giàn khoan dầu và hỗ trợ các tàu của Quân khu Quảng Châu và Quân khu Hải Nam.
Trong suốt hơn hai tháng, "lực lượng dân quân- hải quân" Trung Quốc gồm các tàu cá đã tổ chức phòng thủ vòng tròn quanh giàn khoan dầu “Hải Dương- 981”.
Dân quân biển Trung Quốc hung hãn tấn công những tàu Việt Nam đang cố gắng lảm bảo việc tuân thủ đường ranh giới khu vực đặc quyền kinh tế của mình.
Vào tháng 3/2016, một đội tàu khổng lồ gồm 100 tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm vùng Bãi cạn Laconia của Malaysia ngoài khơi Sarawak, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Những con tàu này không mang cờ Trung Quốc và các dấu hiệu nhận biết khác, nhưng lại được 2 tàu của lực lượng bảo vệ bờ (Cảnh sát biển) CHND Trung Hoa đi hộ tống.
Ảnh: Contexto |
Năm 2019, Quân đội Philippines đã phải đụng đầu với một đội tàu đông khủng khiếp- tới 275 tàu ở khu vực Sandy Cay ngoài khơi đảo Titu.
Các tàu đánh cá “Dân quân biển” xâm nhập lãnh hải nước này và bắt đầu chủ động dàn quân đối đầu với Quân đội Philippines, buộc nước này phải sử dụng tàu đổ bộ và lính thủy đánh bộ để đánh đuổi những “khách không mời mà đến”.
Một chiến lược như vậy đã trở thành một tiêu chuẩn tuyệt đối đối với Trung Quốc, và thêm nữa, “Hạm đội bóng tối" thậm chí còn được sử dụng để gây áp lực lên cả những quốc gia đồng minh với Bắc Kinh- những nước như Bắc Triều Tiên chẳng hạn (nhân tiện nói thêm, chỉ riêng trong năm 2020, người Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải của CHDCND Triều Tiên tới hơn 3.000 lần - một số lần Bắc Triều Tiên phải sử dụng cả vũ khí để đẩy đuổi các tàu Bắc Kinh).
Trung Quốc đang ráo riết tìm cách thích ứng với các điều kiện tiến hành chiến tranh đã thay đổi, đưa chiến tranh vào phạm trù “đối đầu không giới hạn”.
Trung Quốc tin rằng "lực lượng dân quân biển" của mình có thể đóng vai trò như một công cụ khá linh hoạt để khẳng định quyền bá chủ trong khu vực.
Trong cách nhìn của Bắc Kinh, một chiến lược như vậy vừa cho phép tránh được các lệnh trừng phạt quốc tế, vừa có khả năng đáp ứng đầy đủ các lợi ích của nước này.
Và đấy chính là hình thái chiến tranh "phức hợp" - sử dụng các phương pháp phi đối xứng nhằm làm gián đoạn các hoạt động của đối phương mà không cần phải tiến hành các hoạt động tác chiến công khai.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá