Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG TRONG 5 NĂM SAU PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI THEO PHỤ LỤC VII UNCLOS 1982, PHẦN 1

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG TRONG 5 NĂM SAU PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI THEO PHỤ LỤC VII UNCLOS 1982, PHẦN 1

GS.TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế (CESEAMLAW); Chủ tịch Viện NCKH Biển & Hải đảo (SRISAI)

e-mail: nbadien@yahoo.com

 

Mục lục bài viết

413

Bài viết đăng Tạp chí Khoa học Trung Đông và Bắc Phi (JOMENAS) số 7 (8), 2021; [Dien, N., B. (2021). The situations in the South China Sea in five years after the award of the Arbitral Tribunal under Annex VII of the UNCLOS 1982. The Journal of Middle East and North Africa Sciences, 7(08), 15-25]. (P-ISSN 2412- 9763) - (e-ISSN 2412-8937). www.jomenas.org. 3

Tóm tắt: Bài báo trình bày khái quát những nội dung chính trong Phán quyết của Tòa trọng tài ngày 07/12/2016 được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Bài viết cũng phân tích hoạt động của các quốc gia trên Biển Đông từ ngày 12/7/2016 đến nay, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN, EU, Hoa Kỳ và các đồng minh khác ở Biển Đông.

Từ khóa: Trọng tài Biển Đông, phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Hoạt động của các nước, Philippines, Việt Nam

  1. Tổng quan phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982

Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức đệ trình Thông báo và Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài phụ lục VII UNCLOS 1982 (sau đây gọi tắt là Tòa Trọng tài) theo quy định tại Điều 286 và 287 và theo Điều 1 Phụ lục VII UNCLOS 1982. Trong đó, Philippines đề nghị Tòa trọng tài đưa ra phán quyết tuyên bố rằng: “Các quyền và nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc đối với các vùng biển, đáy biển và các thực thể trên Biển Đông được điều chỉnh bởi UNCLOS 1982 và yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không phù hợp với Công ước và do đó không có giá trị pháp lý; Xác định quy chế pháp lý của một số thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, làm rõ liệu các thực thể này là đảo, bãi lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm và liệu chúng có thể tạo ra các vùng biển rộng lớn hơn 12 hải lý hay không”.[i] Đồng thời, Philippines cũng nhấn mạnh rằng nước này không đề nghị Tòa trọng tài giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như không đề nghị Tòa phân định biển giữa hai nước.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không tham gia thủ tục trọng tài quốc tế do Philippines đơn phương khởi xướng nhưng theo quy định tại Điều 9 Phụ lục VII UNCLOS 1982[ii], hành động này không thể là rào cản cho Tòa Trọng tài tiến hành xét xử vụ kiện này. Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài ra phán quyết về thẩm quyền, khẳng định Tòa trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ việc này.  Tiếp đó, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết về nội dung, trong đó, Tòa trọng tài đã xem xét, quyết định các vấn đề cơ bản sau đây:[iii],[iv]

Thứ nhất, về tính hợp pháp của “đường chín đoạn và yêu sách về các quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông”

Toà Trọng tài kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”. Kết luận này dựa vào các nhận định sau: (1) Công ước luật biển quy định khá toàn diện về các quyền đối với các vùng biển nhưng chưa quy định rõ về việc bảo vệ các quyền liên quan đến tài nguyên tồn tại trước Công ước, vì trong trường hợp quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá cho phép, Công ước chỉ cho các quốc gia khác một quyền hạn chế trong việc đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế mà không có quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản; (2) Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về các vùng biển theo Công ước Luật biển; (3) Trước khi có Công ước Luật biển, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc và từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông. Việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.[v],[vi]

Thứ hai, về quy chế pháp lý của các cấu trúc (thực thể) địa lý trong Biển Đông và quyền được hưởng các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách theo quy định của Công ước

Công ước Luật Biển phân loại các cấu trúc địa lý dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng. Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, còn các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. Do đó, trước tiên Tòa Trọng tài tiến hành đánh giá xem một số bãi do Trung Quốc yêu sách có nổi lên khi thuỷ triều lên đỉnh hay không, sau đó đánh giá có hay không cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý.

Theo Công ước luật biển (Điều 121), đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa[vii]. Quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. Các bãi ngầm do Trung Quốc yêu sách đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Với nhận định các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân trong đó đã có một số hoạt động khai thác phân dơi, đánh cá của Nhật Bản, Tòa Trọng tài cho rằng việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. [viii],[ix]  

Từ đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng về mặt pháp lý tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đá” và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Công ước Luật Biển không quy định việc một nhóm các đảo như ở quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận rằng không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Điều 121 Công ước Luật Biển (các thực thể đảo nhân tạo không thể được đòi hỏi như là các đảo tự nhiên như Điều 121 mà các thực thể này không có lãnh hải, EEZ, thềm lục địa, mà chỉ vùng “vành đai an toàn” 500m), Tòa Trọng tài không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có. [x],[xi]

Thứ ba, về tính hợp pháp và ảnh hưởng của các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông

Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong; (b) chủ ý cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và (c) bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, và (d) xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines. [xii],[xiii]

Về quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough, ngư dân từ Philippines, Trung Quốc và các nước khác đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do có Công ước Luật biển. Dù nhấn mạnh không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Tòa Trọng tài xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines và nghĩa vụ theo Công ước về ngăn ngừa va chạm trên biển năm 1972 và Điều 94 Công ước Luật biển liên quan đến an toàn hàng hải khi đã tìm cách cản trở tàu Philippines tiếp cận hoặc tiến vào bãi cạn Scarborough tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Philippines có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. [xiv],[xv]

Về ảnh hưởng đối với môi trường biển của các hoạt động gần đây của Trung Quốc bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 07 cấu trúc của quần đảo Trường Sa, Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước Luật biển để ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này[xvi],[xvii].

Thứ tư, các hoạt động của Trung Quốc kể từ khi Tòa trọng tài bắt đầu xem xét vụ việc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên

Mặc dù thiếu thẩm quyền xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Philippines và tàu hải quân, chấp pháp của Trung Quốc ở Bãi cạn Second Thomas do tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, Tòa Trọng tài đã xem xét các hoạt động cải tạo đất và xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn gần đây của Trung Quốc tại 07 cấu trúc tại Trường Sa từ khi bắt đầu thủ tục trọng tài và kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong khi chờ quá trình xét xử. Trung Quốc đã: (a) xây dựng một đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; (b) gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hô và (c) phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này. [xviii],[xix]

Thứ năm, về hành vi trong tương lai của các bên

Cả Philippines và Trung Quốc đều đã nhiều lần thừa nhận Công ước Luật biển và các nghĩa vụ chung về thiện chí trong xác định và điều chỉnh các hành vi của mình. Cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay của Philippines trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia, mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền theo Công ước Luật biển đối với các vùng nước thuộc Biển Đông. Theo nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và căn cứ Điều 11 Phụ lục VII quy định “phán quyết…sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”, Tòa Trọng tài thấy không cần thiết phải đưa ra tuyên bố nào thêm về vấn đề này. [xx],[xxi]

  1. Hoạt động của các nước trên Biển Đông từ sau ngày 12/07/2016 đến nay

2.1. Hành động của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, biển đảo nói chung là “nấc thang quyền lực” giúp quốc gia này vươn lên vị trí siêu cường quốc tế: Biển Đông và các thực thể trên Biển Đông nói riêng có ý nghĩa sống còn, là “bể cá vàng”, là “yết hầu”, là “con đường sinh mệnh”[xxii], là “trục hai đại dương, là “hòn đá tảng về sức mạnh biển”, là “đồng tiền sinh mệnh trên biển” của Trung Quốc.  Do đó, nhằm duy trì yêu sách trên các vùng biển, đảo, Trung Quốc đã bất chấp quy định rằng phán quyết của Tòa Trọng tài  “có tính chất tối hậu, và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo”[xxiii], đã tiến hành hàng loạt các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ lập trường ngang ngược “không tham gia, không thừa nhận và không thi hành” phán quyết của Tòa Trọng tài, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu, phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài

Năm 2018, Hội luật Quốc tế Trung Quốc đã biên soạn công trình dài gần 550 trang bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh với tự đề “The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study”, được xuất bản taị Đại học Oxford, trong đó đưa ra các lập luận và bằng chứng phản bác phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài về mặt thẩm quyền, quy trình tố tụng, nội dung xét xử và các bằng chứng được sử dụng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lịch sử, hiện trạng quần đảo Nam Sa và Đông Sa, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiếp sau đó, trên cơ sở các lập luận này, Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc dưới sự chủ trì của Ngô Sỹ Tồn đã công bố trên tạp chí Asian Yearbook of International Law, tập 24 (2018) bài viết mang tự đề “A legal critique of the Award of the Arbitral Tribunal in the Matter of the South China Sea Arbitration. Bên cạnh đó, bằng nhiều cách thức khác nhau, Trung Quốc còn khuyến khích nhiều học giả trong nước và nước ngoài biên soạn và công bố các công trình phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài, điển hình như:  Shicun Wu, Keyuan Zou, Luojia, Bing Bing Ja (2016), Tan Boya, Wang Jiquan, Bai Yu, Chang Hong; Wu Shicun, Suisheng Zhao, Chris Whomersley, Sreenivasa Rao Pemmaraju, Stefan Talmon, ...

Thứ hai, đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nhằm tạo vỏ bọc khoa học cho các yêu sách trên biển và quảng bá cho yêu sách “đường lưỡi bò”của Trung Quốc; đồng thời kích động tinh thần trong nội bộ Trung Quốc và dư luận trên quốc tế chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh

Trong thời gian qua, Trung Quốc phát huy mọi kênh tuyên truyền trong nước và quốc tế; mở rộng các loại hình thông tin(từ sách báo, ấn phẩm bản đồ, internet đến cả các sản phẩm kinh tế, các đài phát thanh, truyền hình[xxiv]; Kênh internet, gồm các websites, mạng xã hội như Sina, Weibo, Weixin, Twitter, Facebook; các hội thảo quốc tế, hội chợ du lịch, sự kiện thể thao, triển lãm, cuộc thi, các kênh giải trí như phim ảnh, trò chơi online; các phương tiện học thuật như viện nghiên cứu, bảo tàng;...) để phổ biến và truyền bá rộng rãi về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ra phạm vi toàn thế giới, tấn công vào mọi tầng lớp nhân dân ở mọi giai cấp, mọi lứa tuổi. Công tác tuyên truyền của Trung Quốc được tiến hành một cách bài bản dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Nội dung tuyên truyền của Trung Quốc chủ yếu là các lập luận ngụy biện, phản tuyên truyền nhằm hợp pháp hóa dưới vỏ bọc khoa học cho yêu sách và hành động phi lý, phi pháp của quốc gia này ở Biển Đông; “đánh bóng” hình ảnh của Trung Quốc; sử dụng con bài “chủ nghĩa dân tộc” để kích động tinh thần trong nước; “đổ lỗi” cho Việt Nam, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã “cướp đoạt” biển đảo của Trung Quốc; làm phức tạp tình hình tranh chấp Biển Đông; nỗ lực tạo dựng cảm giác “việc đã rồi”; biện minh, lấp liếm cho các hành vi gây hấn, quyết đoán của Trung Quốc, trấn an quốc tế rằng Trung Quốc không làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải; ...

Thứ ba, tích cực sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tác động về mặt thông tin, tri thức về Biển Đông trên bình diện quốc tế

Nếu như trước đây, Trung Quốc tập trung tác động về mặt thông tin, tri thức về Biển Đông ở trong nước thì từ sau sự ra đời của phán quyết Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng các hoạt động này trên bình diện quốc tế thông qua việc: Tăng cường xây dựng và nâng cấp các trung tâm nghiên cứu chuyên về Biển Đông; đẩy mạnh hợp tác với các nhà xuất bản lớn trên thế giới (tiêu biểu như Oxford (Anh ), Science  (Hoa Kỳ), Springer Nature (Đức), Elsevier (Hà Lan) và MDPI (Thụy Sĩ)…; Thực hiện chính sách hỗ trợ các công trình nghiên cứu; triển các chương trình nghiên cứu viên khách mời; Thiết lập các mối quan hệ cộng tác nghiên cứu với các viện, trung tâm hay đại học của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU); Xây dựng các cơ sở nghiên cứu (think-tank) và các Viện Khổng tử do người Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo tại các nước; ...

Thứ tư, tích cực ban hành, sửa đổi các văn bản chính sách, pháp luật nhằm cải tổ bộ máy quản lý nhà nước; củng cố cho các yêu sách về biển, đảo của Trung Quốc và tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động bành trướng trên biển của quốc gia này

Từ tháng 7/2016 đến nay, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các văn bản chính sách, pháp luật về biển, đảo. Trong đó, Trung Quốc đã đặt các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc dưới sự quản lý thống nhất và trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Đặc biệt Luật Quốc phòng bổ sung, sửa đổi, có hiệu tực từ ngày 1/1/2021 và Luật Cảnh sát biển Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 đã cho phép quân đội Giải phóng nhân dân Trung quốc có quyền thực hiện các hoạt động ở cả nước ngoài và bên trong Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia; Củng cố quyền lực của Tập Cận Bình với tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn: ban hành Bộ quy chuẩn nhằm chuẩn hóa các biểu tượng, hình vẽ và lớp sơn trên các máy bay nhằm giúp các máy bay chiến đấu của Trung Quốc “tránh bị phát hiện bởi cả mắt thường và ra đa” (ngày 23/03/2020); thành lập các quận Tây Sa và Nam Sa trong thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam (ngày 18/04/2020);[xxv]đơn phương công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý chìm dưới đáy biển ở Biển Đông, đồng thời công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể (ngày 19/04/2020); ...

Thứ năm, gia tăng các hoạt động gây hấn ngang ngược trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các nước

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/07/2016, Trung Quốc tỏ ra khá mềm mỏng trong việc thực hiện các yêu sách trên thực tế nhằm củng cố lực lượng và chờ đợi thời cơ để giáng một kích bất ngờ khiến cộng đồng quốc tế không kịp trở tay. Mở đầu cho chiến dịch đó là việc Trung Quốc ngang nhiên điều tàu Haiyang Dizi 8 (HD-8) đến vùng biển gần bãi Tư Chính (Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để thăm dò dầu khí (từ 03/7/2019) với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, được trang bị trực thăng và pháo; trắng trợn lên tiếng khẳng định Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông  và yêu cầu Việt Nam phải rút khỏi khu vực này (19/09/2019).

Từ cuối năm 2019 đến nay, lợi dụng bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động mà quốc gia này đã lập trình trước đó trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính ở Biển Đông, chẳng hạn:

Trên thực địa, Trung Quốc đã: i) tiếp tục siêu đảo hóa các thực thể ngầm, biến các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông thành những tiền đồn quân sự với những trang thiết bị, vũ khí hiện đại; ii) triển khai các hệ thống tên lửa hành trình diệt hạm, tên lửa đất đối không và thiết bị gây nhiễu radar tại các đảo nhân tạo phi pháp; cho các tàu và máy bay thực hiện hàng loạt các hoạt động gây hấn trên khắp vùng biển từ biển Hoa Đông đến cực nam Biển Đông như khu vực bắc đảo Natuna của Indonesia; iii) cho tàu cá/hải cảnh thường xuyên và liên tục theo dõi các tàu thương mại của các quốc gia khác; nỗ lực ngăn chặn sự di chuyển và hoạt động tiếp tế của Philippines tại đây đảo Thị Tứ; iv) tăng cường sự hiện diện trên các thực thể nhân tạo mà nước này đã chiếm đóng ở Biển Đông thông qua việc: Tăng cường các máy báy chiến đấu đến các thực thể Trung Quốc đã đảo hóa (ngày15/07/2020); cùng lúc đưa 2 nhóm tàu sân bay (tàu Sơn Đông, tàu Liêu Ninh) vào Biển Đông (tháng 4/2021); ...; v)phô trương sức mạnh quân sự của mình để buộc các nước ven Biển Đông từ bỏ quyền hợp pháp được UNCLOS 1982 bảo vệ thông qua việc cho nhiều tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước, chẳng hạn vùng biển Natuna của Indonesia từ ngày 19-24/12/2019; Đài Loan (16/03/2020); cho nhiều tàu cá (dân quân biển) Trung Quốc neo đậu trong EEZ của Việt Nam; sử dung hơn 200 tàu dân quân biển trá hình tàu cá bao vây khu vực Đá Ba Đầu  thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 3/2021; vi) tăng cường sử dụng dân quân biển trong các hoạt động ép buộc nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu; cho tàu truy đuổi, đâm chìm tàu cá, bắt bớ, đánh đập ngư dân của Việt Nam và các nước (ngày 02/06/2020; 28/06/2020); vii) đẩy mạnh các hoạt động tập trận bắn đạn thật, chống ngầm, phóng ngư lôi, phóng tên lửa ở Biển Đông (bao gồm cả eo biển Đài Loan), Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải. Chỉ tính riêng trong vòng chưa đầy 5 tháng kể từ đầu năm 2021, quân đội Trung Quốc đã tiến hành khoảng 17 cuộc tập trận ở Biển Đông, gần bằng số cuộc tập trận của cả năm trước (trong năm 2020, quân đội Trung Quốc tiến hành khoảng 20 cuộc tập trận ở Biển Đông).[xxvi]

Về khoa học công nghệ, Trung Quốc đẩy mạnh việc thiết lập các các cơ sở nghiên cứu trên các thực thể mà quốc gia này đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Biển Đông, tiêu biểu như: Trung tâm Nghiên cứu Tích hợp Đảo và Đá ngầm trên Đá Vành khăn (năm 2018); hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập và Su Bi thuộc Quần đảo Trường Sa (năm 2020). Quốc gia này còn thường xuyên “săn lùng” các thiết bị, công nghệ từ các quốc gia phương Tây để xây dựng mạng lưới giám sát Biển Đông, nhằm phục vụ cho mục đích quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực nghiên cứu, phát triển và sử dụng thiết bị không người lái trên các vùng biển, như robot bầy đàn, thiết bị lặn không người lái; phóng 09 vệ tinh viễn thám độ phân giải cao trên Biển Hoàng Hải vào quỹ đạo, với mục tiêu theo dõi, thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên khu vực, kiểm soát thảm họa, thiên tai cùng các nhiệm vụ khác.[xxvii] Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học ở Biển Đông trên thực tế thông qua việc: triển khai một tàu lặn thăm dò biển sâu có người lái mang tên “Deep Warrior” ngày 11/03/2020; cử các tàu Hải dương địa chất thăm dò, khảo sát ở Biển Đông, chẳng hạn: tàu Hải Dương Địa chất 8, Tàu nghiên cứu khoa học biển Gia Canh, tàu Hướng Dương Hồng 14, Tàu Thực Nghiệm 1; Giàn khai thác “Biển sâu số 1” ; ...

Về kinh tế, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực, cải thiện hành vi trong chiến lược Vành đai-Con đường (BRI) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm xóa bỏ hành vi đây là “bẫy nợ” của Trung Quốc; can thiệp sâu và các hoạt động kinh tế biển, đặc biệt là hoạt động đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí của Việt Nam (Chẳng hạn như vụ HD981, vụ mỏ Cá Voi xanh, vụ mỏ Cá Rồng đỏ, vụ mỏ Kèn Bầu-Lô 114) và các nước (điển hình là với Indonesia (bãi Natuna), với Malaysia (khu vực West Capella). Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm tại các vùng biển Đang có tranh chấp bao gồm cả vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nguy hiểm hơn cả là Trung Quốc đã liên kết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với viện trợ y tế và kinh tế cho các nước đang phải đối phó với dịch COVID-19.

Về hoạt động quân sự, để thực hiện tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đã tập trung tăng cường năng lực quân sự; ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không ngừng gia tăng: từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm tăng trên 7%, năm 2019 tăng 7,5%; năm 2020 mặc dù tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh song chi phí quốc phòng vẫn tăng 6,6 và đầu năm 2021 tăng 6,8%. Trong đó, một phần lớn ngân sách quốc phòng được dùng để phát triển lực lượng hải quân như đóng tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến các loại….Với sức mạnh quân sự được củng cố, Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn thường xuyên gây ra các cuộc đụng độ ở biên giới với Ấn Độ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ráo riết  triển khai quân sự hóa Biển Đông, từ việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông, biến chúng thành các đồn điền quân sự đến việc tăng cường hoạt động của các tàu chiến (gồm tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ngầm…),  xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và đẩy mạnh diễn tập quân sự trên Biển Đông; tăng cường huấn luyện quân sự và sẵn sàng tác chiến nhằm nâng cao các khả năng để hoàn thành “các sứ mệnh và nhiệm vụ”; thăm căn cứ Tam Á (Hải Nam), đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc cùng lúc 3 chiến hạm hiện đại nhất, được coi là “vũ khí trọng yếu của quốc gia” gồm tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A Trường Chinh 18 (số 421), tàu khu trục Type 055 cỡ vạn tấn Đại Liên (số 105) và tàu tấn công đổ bộ trực thăng Type 075 Hải Nam (số 31). Các động thái này cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông.

Về chính trị, ngoại giao: Trung Quốc đã có sự linh hoạt trong việc sử dụng các chính sách ngoại giao như "ngoại giao đầu lưỡi”, "ngoại giao chiến lang”, “ngoại giao vi rút”. Một mặt, Trung Quốc tiến hành thực hiện các hoạt động mang tính chất song phương trong giải quyết tranh chấp, nhằm mục đích tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, mặt khác Trung Quốc lại không thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 13/07/2020, đúng vào dịp kỷ niệm 4 năm Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã  khẳng định: "Trung Quốc không công nhận hay tham gia phiên tòa và cái gọi là phán quyết của tòa. Phiên tòa Biển Đông và cái gọi là phán quyết mà nó đưa ra là bất hợp pháp và không có hiệu lực", “Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết vừa đề cập".[xxviii]

Những hành động gần đây của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy sự tiếp nối của cách tiếp cận linh hoạt và mang tính cơ hội này nhằm thúc đẩy lợi thế và tìm kiếm cơ hội khẳng định các lợi ích của quốc gia này, thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội.

2.2. Động thái của các quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan đến Biển Đông

2.2.1. Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông

Đối với Việt Nam: Trước yêu sách và hành động của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Biển Đông từ sau ngày 12/7/2016 đến nay, Việt Nam đã chính thức đệ trình nhiều Công hàm lên Liên hợp quốc, điển hình là Công hàm 22/HC-2020 ngày 30/03/2020[xxix]; Công hàm 24/HC-2020[xxx] và 25/HC-2020[xxxi] ngày 10/04/2020; … Song song với đó, Việt Nam cũng liên tiếp đưa ra những động thái đáp trả các hành vi của Trung Quốc thông qua những phát ngôn chính thức của bộ Ngoại giao và tái khẳng định Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tại vùng biển của mình ở Biển Đông, được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982. Mọi yêu sách về biển đảo trái với quy định của UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị (điển hình là việc phản đối hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu thuộc lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông (tháng 3/2021); việc Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố bảo đảm thực thi lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 trên vùng biển có phạm vi gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (29/4/2021); ...)

Đối với Philippines: Thời gian đầu, nhằm duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và với Hoa Kỳ, đảm bảo lợi ích tổng thể lâu dài và sự ổn định của an ninh, chủ quyền của Philippines, quốc gia này đã kiềm chế sử dụng phán quyết, thậm chí còn gạt phán quyết sang một bên để đàm phán thăm dò, khai thác tài nguyên chung với Trung Quốc. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, Philippines đã có những bước đi thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, điển hình là các sự kiện như: bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về về vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm tại Biển Đông (ngày 08/04/2020); gửi công hàm phản đối việc thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” (ngày 22/4/2020); khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là không thể thương lượng, thỏa hiệp hoặc thay đổi; lên án hành động của Trung Quốc trong EEZ của Philippines (12/07/2020); đưa phán quyết Biển Đông ra Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc (23/09/2020); phản đối sự hiện diện của các tàu dân quân biển Trung Quốc tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa (tháng 3/2021); tuyên bố tiếp tục tập trận ở Biển Đông và cáo buộc cảnh sát biển Trung Quốc theo sát, ngăn chặn, có hành động nguy hiểm và thách thức đối với tàu tuần duyên Philippines (ngày 03/05/2021); gửi thông báo ngoại giao nhằm phản đối đợt triển khai kéo dài, hiện diện thường trực và hoạt động trái phép của tàu cá cũng như lực lượng hàng hải của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ (ngày 29/5/2021);... Theo số liệu công bố của Bộ Ngoại giao Philippines, tính từ khi Tổng thống Philippines Duterter nhậm chức năm 2016 đến ngày 26/04/2021, Philippines đã gửi 78 Công hàm phản đối Trung Quốc[xxxii],[xxxiii]. Philippines cũng có sự điều chỉnh trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo hướng duy trì quan hệ liên minh với Hoa Kỳ, và ngừng hoặc làm chậm lại quá trình điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc theo hướng thân thiện hơn.

Đối với Malaysia: Sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài ra đời ngày 12/07/2016, chính sách của Malaysia nhìn chung vẫn khá nhất quán với quan điểm của các nhà lãnh đạo trước đó và chỉ có một số điều chỉnh nhỏ khi xem xét đến những thay đổi về môi trường địa chính trị[xxxiv]. Tháng 12/2019, Malaysia đã đệ đơn lên Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa (CLCS) xin công nhận phần còn lại của thềm lục địa Malaysia bên ngoài phạm vi 200 hải lý ở phía Bắc biển Đông[xxxv],[xxxvi]. Bên cạnh việc bày tỏ sự nhất trí với phán quyết của Tòa trọng tài, Malaysia đã công khai chỉ trích Trung Quốc và trực diện thách thức các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Điển hình là sự kiện ngày 02/06/2021, Malaysia lên án 16 phi cơ Trung Quốc bay qua vùng biển ngoài khơi Sarawak đã xâm phạm không phận, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của Malaysia ở Biển Đông.

Đối với Indonesia: Từ sau phán quyết của Tòa trọng tài, Indonesia liên tiếp bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, điển hình là các sự kiện như: gửi công hàm phản đối việc tàu cá Trung Quốc đi vào EEZ của Indonesia ở Biển Bắc Natuna; đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra ở khu vực này (tháng 1/2020); khẳng định không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán” (ngày 18/06/2020); tập trận tác chiến đổ bộ ở bãi biển trên đảo Singkep trong quần đảo Riau ở Biển Đông (ngày 22/7/2020); gửi công hàm phản đối hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna (ngày 14/09/2020); tăng cường phối hợp giữa Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Luật và Nhân quyền Indonesia để cố gắng trục xuất tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển nước này; thực hiện Chiến dịch Ngăn chặn 2020, đưa tàu KN Nipah 321 vào tuần tra tại vùng biển phía Tây để đảm bảo thực thi pháp luật trên biển (từ 4/9/2020); khẳng định bản đồ 'đường 9 đoạn' Trung Quốc dùng cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 (ngày 22/10/2020); Tăng cường tập trận chung với các nước (chẳng hạn, với Nhật Bản tháng 3/2021; với Hoa Kỳ tháng 6/2021); ...

Với Singapore: Trong những thập kỷ gần đây, kể cả trong năm 2020, sự hợp tác an ninh của Singapore với Hoa Kỳ cũng gia tăng. Các lực lượng vũ trang của Singapore thường xuyên huấn luyện với (và tại) Hoa Kỳ, và Singapore là nơi hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương cũng như triển khai các tàu tuần duyên và máy bay do thám hàng hải P-8. Mặc dù Singapore duy trì chính sách trung lập nhưng Hoa Kỳ lại coi quốc này là một đối tác hành động như một đồng minh.

2.2.2. ASEAN và EU ngày càng tăng cường vai trò ở Biển Đông

Đối với ASEAN: Từ khi thành lập đến nay, ASEAN đóng vai trò không nhỏ trong việc quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực Biển Đông, là tổ chức chính trong khu vực và có nhiều nước thành viên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông. Dấu ấn thể hiện bước chuyển mình trong vai trò của ASEAN ở khu vực chính là Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/6/2020 coi Biển Đông là vấn đề hệ trọng liên quan đến an toàn, an ninh khu vực. Đặc biệt, trong phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 37 được tổ chức vào đầu tháng 11/2020, ASEAN đã khẳng định nhất quán lập trường của ASEAN trong việc đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Đối với EU: EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và thể hiện sự quan tâm của mình đối với những diễn biến mới nhất trên Biển Đông thông qua các tuyên bố, phát biểu của các đại diện cấp cao thuộc cơ quan đối ngoại của tổ chức này. Điển hình là các sự kiện như: tuyên bố “thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài” (ngày 15/7/2016); nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật” tại Biển Đông, đồng thời “kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế” và mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông  “hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế” (ngày 11/02/2020); Lên án các hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn tới căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải (ngày 27/4/2020); Ban hành “Chiến lược của EU về hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”[xxxvii], trong đó, nhấn mạnh các mục tiêu (i) đóng góp vì ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực; (ii) thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế; (iii) thể hiện vai trò của EU là một đối tác quan trọng với khu vực và là một nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu. Chiến lược cũng kêu gọi sự hiện diện có ý nghĩa của hải quân Châu Âu trong khu vực[xxxviii] (16/4/2021). (còn nữa)

 

[i]. Tuyên bố và thông báo khởi kiện của Cộng hòa Philippines, ngày 22/01/2013, đoạn 6, https://pca-cpa.org/cases/.

[ii]. United Nations Convention on the Law of the Sea (Montego Bay, 10 December 1982, in force 16 November 1994) 1833 UNTS 396.

[iii]. Nguyễn Bá Diến, Đồng Thị Kim Thoa (2016), “Giá trị và tác động của Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Tập 32, Số 3 (2016), 9-21;

[iv]. Nguyen Hung Cuong, Nguyen Ba Dien (2018), “Decision of the International Arbitration Court toward the lawsuit between Philippines and China: Legal validity and implications for Vietnam”,  The Journal of Middle East and North Africa Sciences 2018; 4(11), pp.1-8.

[v]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[vi]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[vii]. United Nations Convention on the Law of the Sea (Montego Bay, 10 December 1982, in force 16 November 1994) 1833 UNTS 396.

[viii]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[ix]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[x]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[xi]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xii]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[xiii]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xiv]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[xv]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xvi]. Nguyên văn: “The Tribunal found that Chinese authorities were aware of these activities and failed to fulfill their due diligence obligations under the Convention to stop them”, The Permanent Court of Arbitration (PCA), The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China), PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Press-Release-No-11-English.pdf

[xvii]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xviii]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[xix]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xx]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v.The People’s Republic of China)”, PRESS RELEASE, The Hague, 12 July 2016, p.10, http://pca-cpa.org/wpcontent/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN20160712-Press-Release-No-11-English.pdf;

[xxi]. The Permanent Court of Arbitration (PCA), “The South China Sea Arbitration (The Republic of the Philippines v. The People’s Republic of China)”, AWARD, The Hague, 12 July 2016, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20- %2020160712%20-%20Award.pdf.

[xxii]. Nguyễn Bá Diến (2015), Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông (sách chuyên khảo), NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.4

[xxiii]. United Nations Convention on the Law of the Sea (Montego Bay, 10 December 1982, in force 16 November 1994) 1833 UNTS 396.

[xxiv]. Trung Quốc đã thành lập 187 đài truyền hình và 2269 đài phát thanh và truyền hình bao phủ rộng khắp 98,88% cả nước Trung Quốc (Tân Hoa xã và Đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV); Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times), Trung Hoa Nhật Báo (China Daily) được phủ sóng toàn cầu với nhiều ngôn ngữ); 01 đài truyền hình phát bằng tiếng Trung  và nhiều đài Radio phát bằng tiếng Anh và tiếng Trung suốt 24/24 giờ, tập trung vào các nước Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

[xxv]. Tân Hoa Xã, Quốc vụ viện phê chuẩn việc thành lập các quận trong thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, http://xinhuanet.com/local/2020-04/18/c_1125874454.htm?baike, đăng ngày 18/04/2020

[xxvi]. H.G-Phóng viên Biển Đông, Nguy cơ TQ sử dụng vũ lực ở Biển Đông , http://biendong.net/bi-n-nong/39920-nguy-co-tq-su-dung-vu-luc-o-bien-dong.html,đăng ngày 01/06/2021.

[xxvii]. Andrew Jones (15/09/2020), China launch 9 satellites into space from ocean platform, The Space.com: https://www.space.com/china-rocket-launch-from-sea-platform-jilin-1-gaofen-3.html, truy cập ngày 07/04/2021.

[xxviii]. Duy Linh,Trung Quốc nói phán quyết Biển Đông năm 2016 'bất hợp pháp và vô hiệu', https://tuoitre.vn/trung-quoc-noi-phan-quyet-bien-dong-nam-2016-bat-hop-phap-va-vo-hieu-20200713212037191.htm, 13/07/2020.

[xxix]. The Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations (2020), Note Verbale No. 22/HC-2020 (30 March 2020), https://www.un.org/Depts/los/clcs

_new/submissions_files/mys_12_12_2019/VN20200330_ENG.pdf

[xxx]. The Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations (2020), Note Verbale No. 24 / HC-2020 (10 April 2020), https://www.un.org/Depts/los/clcs_

new/submissions_files/mys_12_12_2019/vm/2020_04_10_VNM_NV_UN_002%20ENG.pdf.

[xxxi]. The Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations (2020), Note Verbales No. 25 / HC-2020 (10 April 2020), https://www.un.org/Depts/los/clcs_

new/submissions_files/mys_12_12_2019/vm/2020_04_10_VNM_NV_UN_003%20ENG.pdf.

[xxxii]. Anh Thư, Ngoại trưởng Philippines kêu Trung Quốc ‘cuốn gói’, https://tuoitre.vn/ngoai-truong-philippines-keu-goi-trung-quoc-cuon-goi-20210503164332537, 3/5/2021.

[xxxiii]. Departmant of Foreign Afairs, https://dfa.gov.ph/.

[xxxiv]. Ian Storey (20/3/2020), Malaysia and the South China Sea Dispute: Plicy Continuity amid Domestic Political Changes, ISEAS, Issue 2020, no 18,ISN 2335-6677, https://iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2020/02/ISEAS_Perspective_2020_18.pdf

[xxxv]. Malaysia Partial Submission to the Commission on the Limits of the Continental Shelf pursuant to Article 76, paragraph 8 of the United Nations Convention on the Law of the Sea 1982 in the South China Sea On 12 December 2019, https://www.un.org/Depts/los/clcs_new

/submissions_files/mys85_2019/20171128_MYS_ES_DOC_001_secured.pdf;

[xxxvi]. The Permanent Mission of  Malaysia to the United Nations (2020), Note dated 12 December 2019 from the Permanent Mission of Malaysia to the Secretary-General of the United Nations transmitting the submission (HA 59/19), https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/2019_12_12_MYS_NV_UN_001.pdfhttps://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/2019_12_12_MYS_NV_UN_001.pdf.

[xxxvii]. Council of the European Union (2021), Council conclusions on an EU Strategy for coorperation in the Indo-Pacific, https://dataconsilium.europa.eu/doc/document/ST-7914-2021-INIT/en/pdf, Brussels, 16 April 2021

[xxxviii]. Giulio Pudliese (2021), Europe’s Naval Engagement in the South China Sea, Joint Asistaint Coordinator and Senior Fellow at the Istituto Affairi Internxionali (IAI)

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
24-08-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 98
Trong tuần: 372
Lượt truy cập: 362304
Lên đầu trang