CHÍNH TRỊ HỌC
Phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nhấn mạnh các hoạt động của tàu cá Trung Quốc trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Mục lục bài viết
Ngày 4-11, tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về sự xuất hiện trở lại của các tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng các quyền chủ quyền, quyền tài phán theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn "kiên quyết kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng trên".
"Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần, nội dung Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển trên, tôn trọng chủ quyền Việt Nam", bà Hằng nêu yêu cầu.
Theo các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 1-11 của Công ty Planet Lab, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã trở lại đá Ba Đầu sau vài tháng vắng bóng.
Trong một báo cáo công bố ngày 22-10, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ cho biết số tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu đã tăng lên trong 3 tháng trở lại đây. Một ảnh vệ tinh chụp ngày 17-10 cho thấy có gần 150 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu, gần bằng số tàu xuất hiện tại khu vực hồi tháng 4 rồi.
Theo AMTI, phân tích hình ảnh cho thấy nhiều khả năng đây là các tàu dân quân biển do chúng không có hoạt động đánh bắt nào, nhiều chiếc có kích thước lớn (>50m). Tàu cảnh sát biển và tàu cá của Việt Nam cũng có mặt tại đá Ba Đầu vào giữa tháng 10 vừa qua.
Trong sự kiện vào tháng 4, phía Trung Quốc giải thích các tàu cá của nước này vào đá Ba Đầu để tránh trú thời tiết xấu. Tuy nhiên Philippines, một quốc gia có yêu sách hàng hải tại khu vực, cáo buộc đây là các tàu dân quân biển và tỏ ra cảnh giác vì lo sợ sự kiện Scarborough 2.0.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá