CHÍNH TRỊ HỌC
Sáng 26/9 (theo giờ địa phương), theo nguồn tin từ các báo, các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Đức sẽ đồng loạt mở cửa đón cử tri đi bầu Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025.
Mục lục bài viết
Cuộc bầu cử lần này có 60,4 triệu cử tri tham gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng phiếu bầu gửi qua bưu điện được cho là đạt mức cao kỷ lục. Theo Cơ quan bầu cử liên bang Đức, tỷ lệ cử tri gửi phiếu qua đường bưu điện tăng gấp đôi so với cuộc bầu cử năm 2017, sẽ có trên 40% số cử tri bầu cử qua thư. Theo quy định, Ủy ban bầu cử của Đức đã gửi phiếu bầu cho tất cả những cử tri có nhu cầu bỏ phiếu qua đường bưu điện và chiều tối 24/9 là thời hạn cuối để bầu theo hình thức này.
Đối với các cử tri đi bầu trực tiếp, sẽ có các điểm bỏ phiếu tại 299 khu vực bầu cử mở cửa đón cử tri. Các điểm bỏ phiếu sẽ kết thúc vào lúc 18h cùng ngày (giờ địa phương, tức 23h theo giờ Việt Nam) và kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố vào ngày hôm sau.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội này, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rời khỏi quyền lực sau 4 nhiệm kỳ liên tục lãnh đạo nước Đức. Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm bà Merkel không tái tranh cử, khiến các cử tri mất đi một sự lựa chọn vốn quen thuộc và được cho là an toàn với nhiều người. Các cuộc thăm dò dư luận tại Đức trong nhiều ngày qua cho thấy, cuộc tổng tuyển cử liên bang 2021 dường như là cuộc tổng tuyển cử ganh đua gay gắt nhất tại Đức trong nhiều kỳ bầu cử gần đây.
Kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, cuộc tổng tuyển cử liên bang lần này sẽ là cuộc đua chính giữa hai đảng đứng đầu là Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền.
Người dân đi bỏ phiếu tại Berlin, Đức ngày 26/9. (Ảnh: AP)
Sự cách biệt giữa hai đảng lớn nhất này không nhiều. Theo một cuộc thăm dò của hãng truyền thông Deutsche Welle của Đức được công bố vào tối 24/9, đảng SPD được 25% số ý kiến ủng hộ, chỉ hơn 1% so với liên đảng CDU/CSU. Các đảng còn lại gồm đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FDP), đảng Cực hữu Đức (AfD) và đảng Cánh tả dao động từ 6% đến 17%. Trong đó, 5% là tỷ lệ ủng hộ tối thiểu để có ghế trong Quốc hội.
Cử tri Đức đang quan tâm tới việc hình thành liên minh cầm quyền sau bầu cử. Về lý thuyết, đảng đứng đầu sẽ có quyền lựa chọn thành lập liên minh. Tuy nhiên, với tình trạng phân mảnh tỷ lệ ủng hộ các đảng như hiện nay, giới quan sát nhận định sẽ rất khó dự đoán.
Nếu lập được liên minh quá bán, các đảng trong liên minh sẽ đề xuất ứng cử viên Thủ tướng để đề cử lên Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Ứng cử viên chỉ có thể trở thành Thủ tướng mới của nước Đức khi nhận được ủng hộ quá bán tại Quốc hội. Trong trường hợp ứng cử viên không được quá bán tại Quốc hội ủng hộ, Đức sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần 2, thậm chí lần 3.
Theo Đài BBC, các khảo sát cho thấy trong số ba ứng cử viên cạnh tranh vị trí thủ tướng, ông Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đang dẫn đầu cuộc đua.
Hiện tại, bà Angela Merkel vẫn là Thủ tướng liên bang Đức cho đến khi Quốc hội phê chuẩn Thủ tướng mới. Sau cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2017, các đảng ở Đức phải mất 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá