Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Nhà Quốc hội, ngày 24/11/2021. |
Để lan toả hơn những nội dung cốt lõi trong cuốn sách đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với hai vị khách mời:
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, ông đánh giá thế nào về sự ra đời của cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Khi tôi đọc cuốn sách này thì trước đó, tôi và nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã được trực tiếp dự và nghe bài phát biểu rất là quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống về văn hóa. Hội nghị diễn ra ngày 24/11/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Bây giờ đọc cuốn sách này, cảm nghĩ của tôi, thu nhận của tôi là có rất nhiều điều mới mẻ và sâu sắc. Vì độ lùi thời gian càng xa và đối chiếu với thực tiễn cuộc sống văn hóa của dân tộc chúng ta, Nhân dân ta, tôi thấy càng thấm thía những luận điểm đã nêu trong bài phát biểu.
Tôi thấy bài phát biểu này chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia dựa vào đó sưu tầm những bài viết, bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt mấy chục năm qua chuyên về vấn đề văn hóa. Sự ra đời của cuốn sách này là sự tổng kết lý luận, thực tiễn rất sâu sắc. Tổng Bí thư đã đề cập đến từ ngày thành lập Đảng năm 1930, Đảng ta đã có chủ trương phát triển văn hóa như thế nào, cho đến trước khi xảy ra Cách mạng tháng 8/1945, Đảng ta cần phải tìm động lực tinh thần như thế nào, thì tìm thấy điều đó ở văn hóa.
Sau này đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã có một Nghị quyết chuyên đề là “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến năm 2014, chúng ta lại ra một nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Tất cả đã thể hiện toàn bộ những luận điểm đó, điểm lại quá trình thực tiễn chúng ta đã thực hiện, những luận điểm sâu sắc ấy như thế nào trong đời sống hiện nay và chỉ ra những thành tựu nổi bật cũng như mặt hạn chế, bất cập mà chúng ta cần phải khắc phục để tiếp tục như đầu đề của bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
PV: Thưa Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, sự ra đời của cuốn sách vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là đối với tầng lớp văn nghệ sỹ, trí thức và những người làm trong lĩnh vực văn hoá, thưa ông?
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Trong cuốn sách quý này có rất nhiều bài viết kể từ năm 2013 khi đồng chí Tổng Bí thư đến làm việc với Đảng đoàn cũng như với lãnh đạo của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; cũng như là tiếp sau đó bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ 9 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tháng 1/2016; gần đây nhất là Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tổng Bí thư đã đến, có bài phát biểu vô cùng ấm áp, quan trọng và rất tình nghĩa đối với văn nghệ sỹ.
Tất cả những bài phát biểu nêu trên cộng với bài phát biểu quan trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021 đã làm cho giới văn nghệ sỹ chúng tôi như có một điểm tựa về tinh thần, một giá trị về tinh thần một cách vững vàng. Giới văn nghệ sĩ chúng tôi thấy rằng ngoài rất nhiều công việc bận rộn trên rất nhiều cương vị khác nhau, thời điểm khác nhau, nhưng bao giờ đồng chí Tổng Bí thư cũng dành sự ưu ái, chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng một đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức làm sao cho xứng tầm với một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi cho đây là một bài học rất sâu sắc và từ đó thì chính giới văn nghệ sĩ nhận thức sâu hơn nữa về vai trò, vị trí, vị thế của mình cũng như là trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Cuốn cẩm nang về văn hóa của đồng chí Tổng Bí thư không chỉ tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức cả nước mà đây cũng chính là những lời chỉ dẫn, một sự chỉ đạo đối với các đồng chí lãnh đạo về công tác văn hóa văn nghệ, để làm sao các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến các tỉnh, thành và đến cả cơ sở cần có sự nhìn nhận một cách chính xác, cụ thể hơn nữa về công việc lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để cho văn nghệ sỹ có đủ phương tiện cũng như điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, không gian, tinh thần cũng như những giá trị vật chất để có thể sáng tạo một cách tự do. Chính phương pháp thuyết phục ân cần, trao đổi chỉ bảo của đồng chí Tổng Bí thư cho chúng tôi bài học rất lớn về văn hóa. Đó là văn hóa ứng xử, văn hóa đối với con người và văn hóa đối với tương lai của dân tộc.
PV: Thưa ông Nguyễn Hồng Vinh, các chuyên gia đánh giá trong cuốn sách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết một cách có hệ thống lý luận của Đảng về lãnh đạo văn hóa cũng như kế thừa, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Ông có phân tích cụ thể hơn vể vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Tôi cũng đã nghiên cứu khá kỹ những văn kiện của Đảng ta xung quanh vấn đề về văn hóa ngay từ ngày thành lập Đảng năm 1930. Tôi có rút ra một nhận xét, đúng là dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, của Đảng ta, ngay từ khi thành lập Đảng, chúng ta đã nghĩ đến một công cụ cực kỳ quan trọng để giúp dân tộc ta đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, tự giải phóng mình, giành lại độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, một trong những công cụ quan trọng, tạo nên sức mạnh của dân tộc ta chính là văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Sự ra đời của cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là sự tổng kết lý luận, thực tiễn rất sâu sắc. |
Sau khi thành lập, Đảng ta đã có chủ trương kêu gọi những trí thức yêu nước, những văn nghệ sĩ lúc đó mà Nhà thơ Tố Hữu viết: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi”, thì lúc đó Đảng ta kêu gọi các trí thức, văn nghệ sĩ hướng về phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Nhưng có một điều cực kỳ lý thú mà tôi nghiên cứu là chưa có một Đảng nào như Đảng chúng ta. Đó là lúc chưa giành chính quyền, Đảng ta đã đề ra một đề cương văn hóa Việt Nam - một đề cương mà theo tôi đó là nền tảng, là sự định hướng rất quan trọng trong đường lối và chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa sau này. Tôi nghĩ rằng ba phương châm nêu trong đề cương văn hóa ấy cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thời sự là dân tộc, khoa học và đại chúng.
Tôi cho rằng đấy là tầm nhìn chiến lược vô cùng sáng suốt, tỏa sâu rộng. Sau khi lập nước xong, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến cứu quốc do “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Đến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lúc đó, chúng ta vũ khí rất thô sơ, chủ yếu là bằng súng kíp, súng trường, không hiện đại. Nhưng chúng ta có một sức mạnh là sức mạnh tinh thần, ý chí đoàn kết, ý chí vùng lên.
Có một nhà báo nước ngoài hỏi Cụ Hồ đại ý rằng: Tại sao Ngài lại dám phát động cuộc chiến chống lại một lực lượng mà sức mạnh vật chất của họ mạnh hơn cả trăm lần? Cụ Hồ trả lời cũng rất dí dỏm, cũng rất văn hóa rằng: “Nay tuy châu chấu đấu voi. Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Đây là câu mà tôi thấy rất thú vị. Bác Hồ không phải là lạc quan tếu mà Bác căn cứ vào việc chúng ta phải dùng sức mạnh tinh thần, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện bằng ý chí đoàn kết, sáng tạo, tinh thần quật cường nối tiếp của các thế hệ cha ông chúng ta đã dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm qua.
Quả thật không ai như tầm nhìn của Bác Hồ và Đảng ta, chưa đầy 1 năm thôi, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến như thế. Bác Hồ đã nhận ra vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, đã tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc do chính Người chủ trì. Toàn bộ bài nói chuyện của Bác Hồ đề cập đến vai trò, sức mạnh của văn hóa gói lại bằng một “tư tưởng” mà bây giờ chúng ta vẫn nhắc lại “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Lúc ấy, khẩu hiệu đề ra là “Kháng chiến hóa văn hóa” và “Văn hóa hóa kháng chiến”. Đây là một sự kết hợp lồng vào nhau, tạo chỗ dựa của nhau và nó tạo nên một sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Đặc biệt sau này khi chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì thêm một lần nữa Đảng ta lại nhận biết rõ hơn luận điểm, tư tưởng chỉ đạo của Bác là văn hóa tiếp tục soi đường cho quốc dân đi. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và bây giờ tư tưởng chỉ đạo ấy vẫn xuyên suốt cho đến hôm nay. Nghị quyết đó đặt một cái tên mà bây giờ chúng ta vẫn nhắc lại là “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Như vậy có nghĩa là khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước vào tháng 6/1986 theo Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng, thì 12 năm sau, từ thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta thấy rằng hơn bao giờ hết lại phải tổng kết để nhân rộng sức mạnh văn hóa mà lúc ấy trong Nghị quyết đã đưa ra một luận điểm mà đến bây giờ chúng ta vẫn duy trì. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi vẫn nhắc lại trong bài phát biểu ngày 24/11/2021. Đó là văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội ra đời, tiếp theo Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Sợi dây xuyên suốt vẫn là một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực để phát triển xã hội. Và vì nó quan trọng như thế cho nên chúng ta phải khẳng định, bổ sung vào vế là văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Luận điểm này là một cuộc cách mạng trong tư duy. Vì trên thực tế lúc đó, rất nhiều địa phương, nhiều ngành chỉ chú ý đến phát triển kinh tế và thậm chí có người nhận thức rằng văn hóa chỉ là vấn đề cờ, đèn, kèn, trống thôi, có cũng được, không có cũng không sao. Nhưng mà Đảng ta thấy, nếu nhận thức đó mà phát triển rất nguy hiểm. Chúng ta đã bỏ qua một tiềm năng rất lớn về tinh thần và không tạo dựng được niềm tin, động lực tinh thần để phát triển xã hội. Thế nên phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Tôi cho đó là một luận điểm hết sức là có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Chúng ta đặt con người là trung tâm, là mục tiêu, là động lực phát triển xã hội. Chính vì thế mà bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa qua có nhấn mạnh là: Tất cả cho con người, tất cả vì con người. Xây dựng văn hóa cũng là cho con người Việt Nam có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và nước ta giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đấy chính là mục tiêu của nền văn hóa như Tổng Bí thư đã xuyên suốt trong cuốn sách này.
PV: Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cuốn sách đã thể hiện tri thức sâu rộng cũng như sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư đến từng loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức nước nhà. Nhạc sỹ có bình luận như thế nào về nội dung này?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đúng là như vậy! Qua cuốn sách rất quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chúng ta thấy tri thức rất sâu rộng của đồng chí Tổng Bí thư trên mọi lĩnh vực về văn hóa. Đặc biệt trong đó là các loại hình nghệ thuật của từng loại, từ thơ, văn, hội họa đến âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác. Đồng chí Tổng Bí thư am hiểu tinh tường và có những góp ý rất là sắc, thực tế và rất thuyết phục.
Đồng chí Tổng Bí thư đã nói ra bài học sâu sắc nhất. Đó là bài học về sáng tạo, về cảm hứng lớn trong sáng tạo cần phải có khát vọng lớn lao, phải có những lý tưởng trong công việc sáng tạo của mình. Thực tế chứng minh rằng, trên thế giới, ở các nền văn hóa lớn, nhà văn, nghệ sỹ lớn khi có những tác phẩm lớn thì họ đều là những con người có khát vọng lớn lao, có những lý tưởng cao cả và hơn nữa là mong muốn để cống hiến đất nước, dân tộc. Đây là bài học chúng tôi thấy rất là thuyết phục. Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư về tổng thể đã gieo cho văn nghệ sĩ một niềm tin. Đó là niềm tin vào chế độ, niềm tin vào nền văn hóa và chính từ niềm tin đó thì mới có thể bắt tay vào công việc, là cảm hứng của những sáng tạo mới.
Ngoài những bài viết, Tổng Bí thư còn có rất nhiều tấm ảnh với văn nghệ sỹ của chúng ta, thể hiện một sự chân tình, sự bình dị của một lãnh đạo cao cấp. Có thể nói là một lãnh tụ dân tộc trong thời đại hiện nay nhưng lại rất bình dị với quần chúng Nhân dân, với các tầng lớp và đặc biệt nữa là với văn nghệ sỹ. Điều đó làm chúng tôi rất xúc động và chính đó là một sự động viên, vào một niềm tin nền văn học nghệ thuật Việt Nam nằm trong nền văn hóa của Việt Nam đang trên đà chấn hưng và phát triển.
Các đại biểu tham quan trưng bày sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng văn hóa Việt Nam. |
PV: Chúng ta có thể thấy cuốn sách đã làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh có bình luận thêm gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Như vậy có nghĩa là đường lối, quan điểm của Đảng ta rất rõ ràng, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 24/11/2021, đến bây giờ nó có thể khơi thông được rất nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn. Thế thì làm sao nó trở thành hiện thực? Thứ nhất là, tôi rất thấm thía khi đọc tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, thì Tổng Bí thư cũng đã phát hiện ra một điểm là tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn yếu, nên Tổng Bí thư có nói một câu rất vui là: “Rằng hay thì thật là hay/xem ra thực hiện còn gay trăm bề”. Về văn hóa cũng phải thế thôi, trong tổ chức thực hiện làm thật tốt. Vai trò chỉ đạo của Đảng, quản lý nhà nước phải cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách cụ thể…
Vấn đề thứ hai, con người làm văn hóa, nhưng con người lãnh đạo và quản lý văn hóa. Cho nên chúng ta phải khẩn trương xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xứng tầm với dân tộc và thời đại. Nói một cách cụ thể là xứng tầm với những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra thông qua cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đề cập…./.
(Còn nữa)