Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Văn hoá chính trị và văn hoá công vụ - TSKH Phan Xuân Sơn

Văn hoá chính trị và văn hoá công vụ - TSKH Phan Xuân Sơn

Tóm tắt: Giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa công vụ có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn. Văn hóa chính trị và văn hóa công vụ phản ánh mối quan hệ giữa chính trị và công vụ.

Mục lục bài viết

1292

VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HÓA CÔNG VỤ

  1. TSKH Phan Xuân Sơn

Tóm tắt: Giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa công vụ có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn. Văn hóa chính trị và văn hóa công vụ phản ánh mối quan hệ giữa chính trị và công vụ. Văn hóa công vụ là một bộ phận của văn hóa chính trị, là những biểu hiện riêng, đặc thù của văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị và văn hóa công vụ quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, văn hóa chính trị là nền tảng. Trên cơ sở đó, văn hóa chính trị được chuyển hóa thành  những giá trị, các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử trong công vụ...Do vai trò này, văn hóa công vụ trở thành thước đo cho quá trình thực hành văn hóa chính trị trong các tổ chức nhà nước và trong thực thi quyền lực nhà nước.

Từ khóa: Văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa công vụ.

 

  1. Mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa công vụ phản ánh mối quan hệ giữa “chính trị” và “công vụ”

Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các lực lượng xã hội trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Là trung tâm của các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội là công việc nhà nước, là việc vạch hướng đi cho nhà nước, việc xác định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước.

Các quan niệm về chính trị nói chung đều xác định hai vấn đề cơ bản liên quan đến nhà nước – trung tâm của hệ thống chính trị, và cũng từ đó liên quan đến văn hóa chính trị: (i) Giành và giữ quyền lực nhà nước; (ii) Tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Trong đó, tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, thực chất là tổ chức và vận hành hệ thống các cơ quan nhà nước, tổ chức và thực hiện quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống các cơ quan đó còn được gọi là hệ thống công vụ. Như vậy công vụ hay hệ thống công vụ có nội dung hẹp hơn chính trị và hệ thống chính trị. Nhìn chung, trên thế giới, có rất nhiều tổ chức chính trị, chính trị-xã hội là những chủ thể của hệ thống chính trị, nhưng không là chủ thể của hệ thống công vụ.

 Tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước là hai vấn đề có mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức rất khác nhau, nhưng liên quan chặt chẽ với nhau, làm tiền đề điều kiện và ảnh hưởng đến nhau, đều bị chi phối bới hai chức năng cơ bản của nhà nước là chức năng chính trị và chức năng xã hội. Việc tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước là nhiệm vụ của toàn thể xã hội, nhằm mục tiêu phục vụ toàn xã hội, thực thi quyền lực chính trị của nhân dân và  còn gọi là các cơ quan công quyền.

Để thực hiện chức năng công quyền, bộ máy nhà nước là một hệ thống gồm nhiều cơ quan, với những con người có vị trí, năng lực khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, được gọi là hệ thống công vụ. Ngày nay, ở một số nước mở rộng hệ thống công vụ bằng việc nhà nước thuê các tổ chức noài nhà nước cung ứng dịch vụ công, và những tổ chức như vậy có thể được coi là thực thi công vụ. Nhưng về cơ bản, công chức, viên chức nhà nước mới là người thực thi công vụ, được biên chế trong một cơ quan nhất định, có vị trí việc làm nhất định, thực hiện những  nhiệm vụ nhất định và được nhà nước trả lương.  

Thực thi công vụ là một loại lao động quyền lực, lao động pháp lý, hay lao động quản lý. Vì vậy, cũng như các loại lao động khác, người lao động đều phải hành động trên cơ sở những nền tảng văn hóa nhất định.

Hệ thống công vụ có chức năng phải hiện thực hóa những giá trị, chuẩn mực chính trị mà hệ thống chính trị và toàn xã hội lựa chọn theo đuổi. Như vậy, hệ thống công vụ với tư cách là một phận của hệ thống chính trị, tất yếu phải hoạt động trên nền tảng văn hóa chính trị. Ngoài ra, hệ thống công vụ có vị trí, chức năng vai trò riêng trong thực thi quyền lực nhà nước, chủ yếu là tổ chức và vận hành bộ máy hành pháp, quản lý hành chính nhà nước, đòi hỏi phải tuân thủ những chuẩn mực riêng. Từ đó hình thành những chuẩn mực văn hóa riêng, gọi là “văn hóa công vụ”. Nói cách khác đó là một tiểu hệ thống văn hóa trong tổng thể văn hóa chính trị quốc gia mà mỗi cơ quan nhà nước, mỗi công chức, viên chức phải tuân thủ. Như vậy văn hóa công vụ là một bộ phận của văn hóa chính trị, là những biểu hiện riêng, đặc thù của văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị và văn hóa công vụ quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, văn hóa chính trị là nền tảng. Trên cơ sở đó hình thành các giá trị, các chuẩn mực và quy tắc ứng xử trong văn hóa công vụ. Cũng chính do đặc tính này, văn hóa công vụ được coi là biểu hiện cụ thể của văn hóa chính trị và là thước đo thực hành văn hóa chính trị trong các tổ chức nhà nước và trong thực thi quyền lực nhà nước.

2.Văn hóa công vụ cụ thể hóa, chuẩn mực hóa những giá trị của văn hóa chính trị

Có thể hiểu văn hóa chính trị bằng nhiều cách: là “làm chính trị có văn hóa”, là “những thành tựu chính trị trong quá trình tiến hóa của loài người”, hay “văn hóa trong chính trị”…Mỗi cách hiểu có những hàm ý nhất định. Tuy nhiên, tựu trung lại, văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa, coi những thành tựu chính trị là một trong những thành tựu sáng tạo của nhân loại vì lẽ sinh tồn của mình.

Nói về cấu trúc của văn hóa chính trị, ngày nay có nhiều cách tiếp cận. Mỗi cách tiếp cận đều có tính hợp lý và hữu dụng riêng phục vụ cho mục đích nghiên cứu của từng trường phái, từng nhà nghiên cứu.

Các nghiên cứu văn hóa chính trị thật sự bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, ban đầu là lý giải “văn hóa chính trị” trong các học thuyết, lý thuyết của các nhà tư tưởng chính trị và việc vận dụng nó trong quá trình tổ chức và vận hành các mô hình nhà nước. Ở phương Đông, có các nghiên cứu về Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử…và coi những điều răn, những phương châm hành động, những chuẩn mực của các ông đề xuất là “văn hóa chính trị”, như:  “Tam cương, ngũ thường” (Khổng Tử), "vô vi nhi trị" (Lão Tử), “Pháp-Thế-Thuật” (Hàn Phi Tử)...Các mô hình “văn hóa chính trị” đó được khái quát thành các mô hình văn hóa chính trị: “Đức trị”, “Vô vi trị”, “Pháp trị”…

Ở phương Tây, từ thời cổ đại cho đến thời đại khai sáng, vấn đề “văn hóa chính trị” được nghiên cứu như đối tượng của Triết học, chú trọng giải quyết những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, tâm lý cá nhân và tính cách dân tộc. Điển hình cho việc nghiên cứu văn hóa chính trị ở phương Tây là trường hợp Alexis de Tocqueville, khi ông nghiên cứu về văn hóa chính trị Mỹ và đã đưa ra những khái quát về các giá trị văn hóa chính trị Mỹ.[1]

Chúng ta có thể định nghĩa: Văn hóa chính trị là một bộ phận của văn hóa, kết tinh những giá trị chính trị mà cộng đồng chia sẻ, theo đuổi; từ đó hình thành các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử, các nhân vật chính trị điển hình và biểu tượng chính trị; nhờ vậy nó làm căn cứ đề thiết lập các thể chế chính trị, có vai trò điều chỉnh nhận thức, hành vi con người và cộng đồng, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Ở phương Tây, các nhà nghiên cứu văn hóa chính trị có hai hướng tiếp cận chủ yếu khi  xem xét cấu trúc của văn hóa chính trị.

Thứ nhất, xem văn hóa chính trị từ hai lĩnh vực lớn cho tất cả các chủ thể, các quá trình chính trị: (i) Lĩnh vực nhận thức chính trị và (ii) Lĩnh vực hành vi chính trị.

Lĩnh vực nhận thức chính trị bao gồm: Tri thức chính trị và Thái độ chính trị: Là toàn bộ hiểu biết của con người về chính trị, từ tư tưởng chính trị, các lý thuyết chính trị, các cách thức tổ chức và vận hành hệ thống chính trị, các quan hệ chính trị, các giá trị chính trị, các vấn đề có tính quy luật và quy luật chính trị. Trong tri thức chính trị, hệ tư tưởng chính trị đóng vai trò quan trọng nhất.

Tri thức chính trị là yếu tố quyết định đến thái độ chính trị. Đó là các yếu tố như lý tưởng chính trị, niềm tin chính trị; mức độ quan tâm đến chính trị (nhiều, trung bình, ít, không quan tâm); trình độ phát triển nhận thức chính trị của chủ thể; quan hệ và thái độ đối với hệ thống chính trị hiện tồn (đối với nhà nước, các tổ chức cụ thể, các nhân vật đại diện, các biểu tượng…); sự sẵn sàng tham gia chính trị; quan niệm “về luật chơi chính trị”; quan hệ và thái độ đối với pháp luật; quan hệ và thái độ đối với hệ tư tưởng chính trị (xác định mình là “tả”, “trung dung” hay “hữu”); ngôn ngữ chính trị…Quan trong hơn, các yếu tố đó giúp hình thành và tạo nên bản lĩnh chính trị.

Lĩnh vực hành vi chính trị gồm: Hành vi của cá nhân và hành vi của tổ chức (các thể chế).

Về hành vi của các cá nhân, đối tượng các nghiên cứu là: Hình thức và mức độ tham gia vào đời sống chính trị (mít tinh, biểu tình, bãi công, hoạt động đảng phái…); hình thức và mức độ phối hợp hành động với các thể chế nhà nước (đối đầu, bất hợp tác, hợp tác); hình thức và mức độ phối hợp hành động với các thể chế xã hội công dân (các phong trào xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội…); hình thức và mức độ phối hợp hành động với các chủ thể chính trị khác; kiểu hành vi bầu cử…Trong các hành vi, các nhà khoa học chú ý đến kiểu hành vi hợp pháp, bất hợp pháp, bạo lực hay phi bạo lực.

Hành vi thể chế bao gồm: Các tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có năng lực ra quyết định chính trị, chế định các nguyên tắc hành động, tạo ra các chuẩn mực hành vi, các tiêu chí đánh giá chính trị, cách thức trao truyền các giá trị, chuyển giao quyền lực, các mô hình quan hệ chính trị…

Cách tiếp cận này, có thể nói, rất bao quát, cho chúng ta dễ hình dung, thế nào là văn hóa chính trị, nó tương đương với cách tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng, coi tất cả những gì con người sáng tạo ra vì sự sinh tồn và phát triển của mình. Cách tiếp cận này dễ dàng cho chúng ta hiểu hiểu một cách chung nhất về văn hóa chính trị. Nhưng khó để áp dụng vào thực tiễn, để giải quyết một vấn đề cụ thể của văn hóa chính trị. Chỉ riêng nói về tri thức chính trị (trong nhận thức) đã là một lĩnh vực rất rộng, là tổng hợp những gì mà con người từ xưa đến nay hiểu biết về chính trị. Khó có thể đo đếm được tri thức của cá nhân này so với cá nhân khác. Đến lượt hành vị chính trị cũng như vậy, khó có thể đo đếm được các hành vi chính trị của con người. Các kiểu tổ chức hệ thống chính trị trong lịch sử và hiện tại, trên thế giới và trong mỗi quốc gia cũng quá nhiều.

Thứ hai: Cách tiếp cận văn hóa theo các tầng (có thể gọi là các lớp) nội dung. Trong đó xem cấu trúc văn hóa chính trị gồm: Tầng thứ nhất, trung tâm: Các giá trị chính trị, trong đó có các giá trị cốt lõi (hạt nhân). Tầng thứ hai:  các chuẩn mực chính trị, bao gồm các nguyên tắc chính trị, các quy tắc ứng xử các nghi thức. Tầng thứ ba: Các nhân vật chính trị (đại diện cho mô hình nhân cách trong văn hóa chính trị). Tầng thứ tư: các biểu tượng chính trị.[2]

Cách tiếp cận này khắc phục được tính trừu tượng của cách tiếp cận thứ nhất. Nó được nêu khá nhiều và khá rõ trong nhiều định nghĩa văn hóa chính trị (đã nói ở trên).

Trong các tầng nội dung cấu thành văn hóa chính trị, mỗi nội dung có vai trò khác nhau. Trung tâm của văn hóa chính trị là các giá trị chính trị, trong đó các giá trị cốt lõi đóng vai trò hạt nhân. Trên cở sở chia sẻ và theo đuổi các giá trị chính trị, con người hình thành các chuẩn mực chính trị (các nguyên tắc, quy tắc ứng xử các nghi thức). Các giá trị chính trị, các chuẩn mực chính trị làm định chuẩn để đánh giá hành vi chính trị của các chủ thể tham gia chính trị. Từ đó sẽ xác định những nhân vật chính trị tiêu biểu, tượng trưng cho văn hóa chính trị. Trong đời sống chính trị, các biểu tượng văn hóa chính trị (Quốc ca, quốc kỳ, quốc huy, nghi thức chào cờ, nghi thức và quy trình tổ chức các sự kiện chính trị, quy tắc ứng xử, giao tiếp chính trị, giao tiếp hành chính...) có vai trò rất quan trọng, tác động vào nhận thức, tình cảm của con người bằng những hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh một cách khái quát, cô đọng và sinh động…góp phần củng cố nhận thức chính trị và định hướng hành vi chính trị...

Qua cách tiếp cận này, chúng ta thấy, văn hóa công vụ, tức văn hóa trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, chủ yếu thuộc về tầng thứ 2, tầng thứ 3 và tầng thứ 4, tức các chuẩn mực chính trị. Chúng bao gồm các nguyên tắc chính trị, các quy tắc ứng xử các nghi thức; các nhân vật chính trị (đại diện cho mô hình nhân cách trong văn hóa chính trị) và các biểu tượng chính trị. Với ý nghĩa đó, văn hóa công vụ đã cụ thể hóa, chuẩn mực hóa những giá trị của văn hóa chính trị.

 

  1. Văn hóa công vụ là một thước đo của văn hóa chính trị

Khi theo đuổi các giá trị chính trị, người ta thường mong đợi các cá nhân trong xã hội hành động theo một quy tắc nào đó. Các quy tắc này được gọi là các chuẩn mực. Như vậy, từ thực tiễn sinh hoạt của mình, mỗi xã hội, mỗi cộng đồng, hay tổ chức, trên cơ sở các giá trị, dần dần hình thành nên các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử. Chính các chuẩn mực, các quy tắc này là biểu hiện sự cam kết liên nhân cách trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị nói riêng và trở thành “thước đo” cho hành vi của giao tiếp và ứng xử chính trị. Đó là những cam kết (nghĩa vụ và trách nhiệm phải tuân thủ) có tính ràng buộc, chặt chẽ. Các chuẩn mực bảo đảm tính trật tự, kỷ cương, kỷ luật; đảm bảo tính ổn định của cộng đồng thể hiện trong việc ứng xử giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa nội bộ và bên ngoài, giữa con người với thiên nhiên…

Có thể có chuẩn mực, quy tắc ứng xử chính thức và phi chính thức. Chuẩn mực và quy tắc chính thức được thể hiện trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành bới các cơ quan nhà nước, các tổ chức hợp pháp (đảng chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội…). Các chuẩn mực, quy tắc ứng xử chính thức được coi là quan trọng nhất trong bất kỳ xã hội nào. Các chuẩn mực, quy tắc chính thức thường được công bố một cách rõ ràng, cụ thể và có tính bắt buộc, tức bị áp dụng các chế tài. Bên cạnh các chuẩn mực chính thức, còn có các chuẩn mực phi chính thức. Các chuẩn mực phi chính thức thường được xem là có mức độ quan trọng thấp hơn, nhưng nó vẫn chi phối hành vi của từng thành viên trong xã hội. Các chuẩn mực chính trị phi chính thức như: các tập quán, truyền thống chính trị, và đôi khi đó là thói quen, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là vai trò của văn hóa công vụ trong mối quan hệ với văn hóa chính trị.

Văn hóa chính trị, đặc biệt là những giá trị văn hóa chính trị, trong đó hạt nhân là các giá trị cốt lõi là những khái quát mang tính trừu tượng. Những giá trị chính trị có được tôn trọng theo đuổi hay không thông qua những chuẩn mực mà con người tuân thủ và thực hành trong đời sống chính trị, mà trước hết và quan trọng nhất là thông qua mối quan hệ giữa công dân và nhà nước (hệ thống công vụ).

Ví dụ: Giá trị “dân chủ” (thuộc tầng thứ nhất), trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước (công vụ), sẽ không thể được đánh giá đúng nếu không thông qua các chuẩn mực, các quy phạm trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước (trong quá trình thực thi công vụ), như: Bầu cử dân chủ (tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín) để hình thành nên các cơ quan quyền lực nhà nước, thể hiện chủ quyền nhân dân; thực hiện nguyên tắc dân chủ (hay tập trung dân chủ): thiểu số phải phục tùng quyết định của đa số trong các hoạt động của quản lý, cấp dưới phải phục tùng quyết định của cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức, phải biết trách nhiệm giải trình...Khi theo đuổi giá trị “pháp quyền”, các tổ chức trong hệ thống công vụ, các công chức, viên chức phải biết thượng tôn pháp luật, phải biết phối hợp và kiểm soát quyền lực, phải thực hiện sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật...Trên cơ sở các chuẩn mực đó, trong hệ thống công vụ có thể xây dựng các quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ giữa công chức viên chức với nhau, giữa công chức, viên chức với người dân và doanh nghiệp và trở thành thước đo để đánh giá sự tác động của các giá trị của văn hóa chính trị.

logo

Ngày nay, cách hành vi của các cơ quan hành chính nhà nước (hệ thống công vụ) và công chức đều có thể đo được, có thể lượng hóa. Qua đó, chúng ta có thể đánh giá được văn hóa chính trị đã có tác động trong hệ thống công vụ ra sao, các giá trị chính trị đã được hiện thực hóa như thế nào.

  1. Xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam

Những năm gần đây, ở Việt Nam văn hóa nói chung, văn hóa chính trị và văn hóa công vụ nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của giới khoa học và toàn xã hội.

Đại hội 12 của Đảng chủ trương: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người; phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ.” “Xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]

Hiện nay, nhiều địa phương, nhiều bộ ngành đã ban hành các “bộ quy tắc ứng xử” trong thực thi công vụ. Đáng chú ý là gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định Số: 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 về Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu: Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.

 Muốn thực hiện được chủ trương của Đảng, Đề án nói trên của Chính phủ, cần thiết phải làm rõ hai hệ vấn đề: Một là phải làm rõ những giá trị của văn hóa chính trị Việt Nam, đặc biệt là các giá trị cốt lõi, nhằm làm nền tảng để xây dựng một nền văn hóa công vụ khoa học, dân chủ, nhân văn. Hai là, Xây dựng những chuẩn mực văn hóa công vụ Việt Nam (các nguyên tắc, bộ quy tắc ứng xử, các tấm gương điển hình và các biểu tượng của nền công vụ) trong đó các quy phạm phải phản ánh được những giá trị văn hóa chính trị cốt lõi của Việt Nam dưới đây:

  • Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
  • Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam
  • Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam
  • Tinh thần thân dân Việt Nam
  • Tinh thần hòa hiếu Việt Nam
  • Tinh thần thượng võ Việt Nam[4]

 

Nhưng giá trị cốt lõi này đã phản ảnh tư duy hệ thống của người Việt Nam trong chính trị, trong dựng nước, giữ nước và mở nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, cha ông chúng ta đã tập trung giải quyết 6 vấn đề cơ bản nhất, 6 mối quan hệ cốt lõi trong tư duy và thực tiễn chính trị dân tộc: (1) Đất nước, (2) Cộng đồng, Làng xóm, (3) Con người, (4) Nội trị, (5) Ngoại giao, (6) Quốc phòng.

Sự thành công của quá trình xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta đòi hỏi cần phải nghiên cứu, làm rõ và phản ánh những giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam trong các chuẩn mực các quy tắc ứng xử của văn hóa công vụ. Làm sao đề văn hóa công vụ Việt Nam chế định được các quy pham, chuẩn mực phản ánh được chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: ý thức về cội nguồn của nước, ý thức về cương vực, lãnh thổ và và chủ quyền quốc gia, về nòi giống, cộng đồng dân cư, về văn hóa dân tộc, về văn minh, văn hiến, hiền tài, trọng hiền tài, về lợi ích dân tộc, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, về dựng nước, giữ nước và mở nước, về mối quan hệ giữa dân tộc và nhân loại, giữa dân tộc và quốc tế...

Làm sao để phát huy những giá trị, tư tưởng, triết lý sống, chuẩn mực ứng xử…đề cao cộng đồng, vì cộng đồng, nhằm cố kết con người Việt Nam thành một sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội, với tinh thần hòa giải, để cùng nhau đưa đất nước Việt Nam biết tận dụng các cơ hội mới, vượt qua những thách thức mới của thời đại, để cho Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Văn hóa công vụ Việt Nam cần góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam biết yêu thương con người, tôn vinh tầm hồn, phẩm giá, khát vọng, vẻ đẹp con người; có niềm tin vào khẳ năng vô tận của con người, tự định đoạt lấy số phận mình, tự hoàn thiện mình, tự giải phóng mình mà không phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên nào khác ngoài con người. Công chức, viên chức trong hệ thống công vụ biết đấu tranh không mệt mỏi vì con người, giải phóng con người trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, về thể chất và tinh thần, về nhân phẩm và tự do…

Tinh thần thân dân với tư cách là một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện để nhân dân sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền để dân thực hành quyền làm chủ, kiểm soát quyền lực nhà nước (có nguồn gốc từ nhân dân); hoàn thiện các thể chế xã hội công dân, đề nhân dân tự mình hiện thực hóa quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình...Tinh thần thân dân sẽ thúc đẩy cải cách hành chính vốn rườm rà, tầng nấc, kém hiệu quả gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển là một chủ trương mang tính thân dân. Nhà nước kiến tạo đưa chính quyền gần với dân, giúp đỡ dân, cùng dân tháo gỡ những khó khăn...Để làm được điều đó, các chuẩn mực trên Tinh thần thân dân sẽ định hướng để xây dựng một nền đạo đức công vụ vì dân, phục vụ nhân dân.

Cần biến Tinh thần hòa hiếu Việt Nam thành những định hướng thái độ cho các cơ quan nhà nước, công chức viên chức nhà nước: Yêu hòa bình, ghét chiến tranh, bang giao hữu nghị, là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, phấn đấu cho một nền độc lập thực sự, độc lập trong danh dự và nhân phẩm, sẵn sàng hóa giải các hận thù, coi trọng đối thoại trong các xung đột. Phải coi phát huy tinh thần hòa hiếu Việt Nam là một kế sách dựng nước, giữ nước và mở nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo, song chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vì lợi ích quốc gia dân tộc và những nguy cơ tác động đến an ninh phi truyền thống,… có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cùng với các giải pháp khác, chúng ta cần phát huy giá trị văn hóa Tinh thần thượng võ Việt Nam, phát huy nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần thượng võ Việt Nam phải là nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy và định hướng giá trị cho việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. http://www.ushistory.org/gov/4a.asp, Alexis de Tocqueville (1830): American Political Culture (những giá trị văn hóa chính trị Mỹ)
  2. https://www.tamu.edu/faculty/choudhury/culture.html: Culture definition
  3. Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiên đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, H, tr. 28-29.
  4. Phan Xuân Sơn (chủ nhiệm, nghiệm thu 2017), Đề tài cấp bộ: Văn hóa chính trị Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

 


[1] http://www.ushistory.org/gov/4a.asp: Theo Alexis de Tocqueville, những giá trị văn hóa chính trị Mỹ gồm:

-           LIBERTY (TỰ DO): Hầu hết mọi người tin vào quyền được tự do, miễn là quyền của người khác không bị lạm dụng.

-           BÌNH ĐẲNG: Trước hết là "bình đẳng về cơ hội," bình đẳng không tuyệt đối.

-           DÂN CHỦ: Các quan chức được bầu phải có trách nhiệm với nhân dân. Công dân có trách nhiệm để lựa chọn cán bộ của mình chu đáo và khôn ngoan.

-           CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN: Quyền của cá nhân được đánh giá cao hơn quyền của quan chức nhà nước (chính phủ); chủ động và trách nhiệm cá nhân được khuyến khích.

-           THE RULE OF LAW (NHÀ NƯƠC PHÁP QUYỀN): Chính phủ dựa trên pháp luật, được áp dụng một cách công bằng, không phải do ý chí người cai trị.

-           CHỦ NGHĨA DÂN TỘC:  Giá trị này bao gồm niềm tin rằng người Mỹ là mạnh mẽ hơn và đạo đức hơn các quốc gia khác.

-           CHỦ NGHĨA TƯ BẢN: Niềm tin trong quyền sở hữu tài sản tư nhân và cạnh tranh tự do trong THỊ TRƯỜNG MỞ với càng ít sự tham gia của chính phủ càng tốt.

[2] https://www.tamu.edu/faculty/choudhury/culture.html: Culture definition

[3] Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiên đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, H, tr. 28-29.

[4] Phan Xuân Sơn (chủ nhiệm, 2017), Kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ: Văn hóa chính trị Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
21-11-2020

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
vieclamiaict
Lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 35
Trong tuần: 264
Lượt truy cập: 359936
Lên đầu trang