Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Suy nghĩ thêm về "Dân" trong tư tưởng Hồ Chí Minh - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

In bài viết
Suy nghĩ thêm về "Dân" trong tư tưởng Hồ Chí Minh - GS,TSKH Phan Xuân Sơn

Phải chăng vấn đề nằm ở chỗ “dân” ? “Dân vi quý” mà hàng ngàn năm các chế độ phong kiến chuyên chế Việt nam, đặc biệt là trước sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây, không có cách nào để thể hiện sự “quý dân”. không đưa ra được một mô hình tổ chức xã hội nào để thực hiện vai trò của dân, tôn trọng dân. Trong hàng ngàn năm Dân vẫn là cỏ rác, là bầy tôi, là dân đen, con đỏ. Từ khi thực dân Pháp cướp được nước ta, từ dân đến vua quan đêù trở thành “vong quốc nô”, thành người mất nước, người nô lệ.

Mục lục bài viết

822

SUY NGHĨ THÊM VỀ “DÂN”

TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

GS,TSKH Phan Xuân Sơn

 

1- DÂN VI QUÝ VÀ DÂN NÔ LỆ, ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ “DÂN”

Những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp từ phong trào Cần Vương đến Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Chống thuế… của nhân dân ta đều lần lượt thất bại. Lúc này, triều đình phong kiến Nhà Nguyễn từ lâu đã tỏ rõ sự bảo thủ, lạc hậu, bạc nhược, cam tâm bán nước, bán dân, khinh dân. Những điều trần của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tường Tộ cũng không làm cho vua quan Triều đình phong kiến mở mắt. “Dân vi quý” hàng ngày chịu cảnh đói khát nô lệ, tủi nhục. Bọn quan lại thì tàn nhẫn, ức hiếp dân; hào lý thì tham lam, vơ vét; bọn nhà giàu thì bóc lột nhân dân không thương tiếc.

Như vậy ngọn cờ Cần Vương, chủ nghĩa tôn quân, tinh thần “trung quân ái quốc” với những nguyên lý của đạo Thánh hiền đã không giúp cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đọ sức với chủ nghĩa thực dân. Những phong trào cải cách do tầng lớp tinh hoa (cả Nho học và Tây học) cũng không tổ chức được nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Phải chăng vấn đề nằm ở chỗ “dân” ? “Dân vi quý” mà hàng ngàn năm các chế độ phong kiến chuyên chế Việt nam, đặc biệt là trước sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây, không có cách nào để thể hiện sự “quý dân”. không đưa ra được một mô hình tổ chức xã hội nào để thực hiện vai trò của dân, tôn trọng dân. Trong hàng ngàn năm Dân vẫn là cỏ rác, là bầy tôi, là dân đen, con đỏ. Từ khi thực dân Pháp cướp được nước ta, từ dân đến vua quan đêù trở thành “vong quốc nô”, thành người mất nước, người nô lệ.

Các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20  dù có oanh liệt đến đâu vẫn chưa tổ chức được nhân dân, chưa tạo được sức mạnh của nhân dân toàn dân tộc, mà đây lại là yêu cầu mới của thời đại mới, thời đại dân chủ, thời đại này đã bắt đầu ở phương Tây và đã tạo nên sức mạnh của một nền văn minh mới hơn hẳn các chế độ phong kiến tập quyền phương Đông, nó bắt các chế độ phong kiến này phải cúi đầu khuất phục.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn và ngày càng nung nấu một quyết tâm hành động mới đã từ lâu có trong Nguyễn Tất Thành. Từ tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã từng nghe đến “Tự do” “Bình đẳng” “Bác ái”, anh đã sớm tiếp xúc với Rút Xô, với Tân văn, Tân thư…Là người sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước, Nguyễn Tất Thành rất thấm nhuần các nguyên lý đạo Khổng, anh chứng kiến và chiêm nghiệm những thất bại của các phong trào “Đông du”, “Duy Tân”, “Đông kinh Nghĩa thục”, “Chống thuế” của nhân dân Trung Kỳ mà anh trực tiếp tham gia, và ngay cả cuộc chiến đấu anh dũng của Hoàng Hoa Thám… nhưng bằng sự nhạy cảm đặc biệt, anh không hoàn toàn tán thành cách làm của một phong trào nào, anh muốn ra nước ngoài, đến nước Pháp để tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” rồi về giúp đồng bào mình. 

 2- DÂN QUYỀN  VÀ PHÁP QUYỀN

Tháng giêng năm 1919, đại biểu của các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất họp “Hội nghị hoà bình” ở Paris để sắp xếp lại thế giới sau chiến tranh. Thế giới đặc biệt chú ý đến “Kế hoạch 14 điểm” của Tổng thống Mỹ Uynh Xơn, trong đó có bàn đến quyền của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Một số nước thuộc địa và phụ thuộc cũng cử đại biểu đến đòi các quyền của mình. Nguyễn Ái quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm. Nội dung cơ bản của Bản yêu sách đòi pháp quyền và dân quyền cho nhân dân Việt Nam là: 1) Đảm bảo về pháp lý quyền bình đẳng của người Việt Nam và người Pháp; 2) Thực hiện các quyền tự do công dân cho người Việt Nam: Tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do đi lại trong và ngoài nước, tự do giáo dục..3) Bãi bỏ chế độ ra sắc lệnh và các toà án đặc biệt, thay bằng chế độ ra các đạo luật; người Việt Nam phải có đại diện của mình trong Nghị viện Pháp.

Sau này Nguyễn Ái Quốc viết thành diễn ca về các yêu sách này: “Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tuy chưa trực tiếp đòi quyền độc lập cho Việt Nam, chỉ yêu cầu trao cho Việt Nam quyền tự trị trong Liên hiệp Pháp, nhưng đây là một cơ hội thuận tiện để vạch trần chủ nghĩa thực dân Pháp, thu hút sự chú ý của dư luận tiến bộ Pháp và thế giới, đồng thời thức tỉnh nhân dân Việt Nam sau những thất bại đắng cay, tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập của mình.

Bản yêu sách đã đưa ra những nội dung đấu tranh và phương thức đấu tranh khác với các hình thức và phương thức đấu tranh truyền thống. Đó là đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, đòi một chế độ chính trị pháp quyền, nói cách khác đòi dân quyền và pháp quyền. Có thể nói rằng, cùng với phong trào Duy Tân trước đó do Phan Chu Trinh khởi xướng, đây là những bước khởi đầu cho một cách tiếp cận mới trong tư duy chính trị Việt Nam, nguời dân Việt Nam, dân quyền của người Việt Nam được đặt ở vị trí trung tâm là mục tiêu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc cũng thấy rằng, nhân dân Việt Nam mất nước, không thể nào đòi được dân quyền và pháp quyền, nếu không giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập dân tộc. Vì vậy, vấn đề “Dân” ở nước ta lúc bấy giờ lại phải đặt trong vấn đề độc lập dân tộc.

Như vậy cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt nam từ “Yêu sách 8 điểm” đã bước sang một giai đoạn mới, đòi độc lập dân tộc gắn với đòi dân quyền và pháp quyền thực chất là giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ.

3- CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC

Hội nghị hoà bình của các nước thắng trận chỉ thực hiện sự phân chia lại thế giới mà không đề cập gì đến yêu cầu của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Từ kinh nghiệm này, Nguyễn Ái quốc hiểu rõ hơn rằng nhân dân Việt Nam chỉ có thể thực hiện được quyền dân chủ của mình khi giành lại được độc lập. Nhưng trên thế giới lúc bấy giờ hầu như không có ai ủng hộ nền độc lập ấy, ngay cả những người xã hội dân chủ. Nguyễn Ái Quốc viết: “Những nghị quyết của phái xã hội dân chủ tỏ cảm tình dù nồng nhiệt đến đâu cũng không có sức nặng.”[1]

Được thúc đẩy trước hết bởi tinh thần yêu nước, và mục tiêu giải phóng dân tộc,  Nguyễn Ái Quốc đã đến với Đệ tam quốc tế, đến với chủ nghĩa cộng sản. Chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là động lực chính đưa Nguyễn Ái Quôc tin theo Lê nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Bởi vì Quốc tế thứ ba đã giúp đỡ các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng mình. Nguyễn Ái Quốc viết: “Nhiều người hiểu tình trạng kém cỏi của chúng tôi nhưng chưa có ai, trừ những người làm cách mạng Nga chỉ cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng.” [2] Khi đến được với Quốc tế thứ ba, đến với chủ nghĩa Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào xây dựng và tổ chức lực lượng cách mạng, bắt đầu từ việc tuyên truyền, vân động tổ chức quần chúng và đội tiền phong lãnh đạo. Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện Việt Nam, mà trước hết là Người nắm được đặc điểm dân tộc, vì dân tộc, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết. Nhờ vậy, đã phát huy được tinh thần dân tộc, mà nhiều lúc Người nói đó là chủ nghĩa dân tộc Việt nam.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, cho đến nay, không phải ai cũng hiểu được đầy đủ quan điểm này của Nguyễn Ái Quốc, thậm chí, chính Nguyễn Ái Quốc cũng phải chịu phê phán từ nhiều phía. Nguyễn Ái Quốc cho rằng: Trong điều kiện của Việt Nam, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” [3]. Chính nó đã dạy cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam vươn lên đấu tranh, cạnh tranh, tinh thần học hỏi. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Nguyễn Ái Quốc nhìn thấy, nếu không phục hưng chủ nghĩa dân tộc, vốn bị chế độ phong kiến hàng ngàn năm làm cho bạc nhược, vốn bị chủ nghĩa thực dân đầu độc, mặt khác, khi chủ nghĩa dân tộc cũ gắn với chủ nghĩa tôn quân (quân quyền) chưa được giải phóng, chưa được thay thế bởi chủ nghĩa dân tộc mới gắn với dân quyền, khi điều kiện khách quan chưa cho phép bất kỳ một chủ nghĩa quốc tế nào thâm nhập được vào đời sống tinh thần tư tưởng của nhân dân, thì sẽ không huy động được dân tộc. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần phải nhân danh Quốc tế Cộng sản để “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ”. Người nói: “ Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[4].

Nguyễn Ái Quốc hy vọng đến một ngày nào đó khi xu thế cách mạng vô sản trở thành phổ biến trên thế giới thì chủ nghĩa dân tộc này sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Điều này tuy không được nhiều người trong Quôc tế III ủng hộ, nhưng thực tiễn chứng minh rằng Nguyễn Ái Quốc đã đúng. Với sự phân tích như vậy, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn coi trọng và phục hưng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Tư tưởng đó đã trở thành quan điểm chiến lược trong tư duy chính trị của Người: Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công đại thành công.

Đó cũng là căn cứ để xác định đối tượng của cách mạng. Từ đầu, trong “Sách lược vắn tắt của Đảng”, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, nhấn mạnh: Bọn đế quốc và phong kiến là đối tượng của cách mạng, còn các giai cấp tầng lớp khác, đảng phải có nhiệm vụ lãnh đạo, đoàn kết họ lại, chỉ trừ bọn đã ra mặt phản cách mạng.

Trong bước chuyển của cách mạng Việt Nam, khi thời cơ giành độc lập dân tộc trở thành trực tiếp, trên giường bệnh, Người đã chỉ thị “Lúc này phải đặt lợi ích dân tộc trên hết. Lúc này nếu không giành được độc lập dân tộc, thì chẳng những dân ta còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Trong bài toàn dân kháng chiến, viết 5 – 11 -1945, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nếu quyền lợi dân tộc không còn, quyền lợi và sự nghiệp của cá nhân liệu còn giữ được an toàn không?”

Với tinh thần dân tộc ấy, trong Lời tuyên bố trước Quốc hội ngày 31-10-1946, Hồ Chí Minh nói “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”[5] khi trả lời các nhà báo nước ngoài (Cứu quốc 21-1-1946), Hồ chí Minh lại nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”[6]

Những tuyên bố trên của Hồ Chí Minh, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa về vị trí, vai trò của đảng cách mạng ở nước ta và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.

4- NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN

Thực tiễn những năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người là thực tiễn khám phá những gì “đằng sau những từ “tự do” “bình đẳng” “bác ái”. Hồ Chí Minh đã ý thức được được sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc phải gắn với việc thiết lập một chế độ dân chủ, pháp quyền. Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc “cách mạng nhất” “chắc chắn nhất” là kết hợp cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân - cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ rệt, đầy đủ và nhất quán, kế thừa được tư tưởng “dân là gốc” của tư tưởng chính trị Việt Nam và tính thể chế, tính pháp quyền trong tư tưởng chính trị phương Tây để đảm bảo quyền lực của nhân dân. Người viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, dân là quý nhất, là quan trọng nhất, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.[7] Nhân dân Việt Nam là “Hai mươi triệu con Lạc cháu Hồng”[8], là tất cả những ai yêu nước thương nòi, nhân dân với những biểu hiện cụ thể của nó, rất khác nhau, như những ngón tay “ngắn” và “dài” nơi một bàn tay. Nhân dân Việt Nam là không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, trai giái, già trẻ, dòng giống, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong nhân dân, Hồ Chí Minh xác định vai trò “gốc” cách mạng của công nông, lực lượng đông đảo nhất, chịu nhiều áp bức đau khổ nhất.

Khi thành lập Mặt trận Việt Minh, trong “Kính cáo đồng bào” Nguyễn Ái Quốc kêu gọi “toàn dân đoàn kết”. “Toàn dân” ở đây gồm: Các bậc phụ huynh, các bậc hiền huynh chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương (thương nhân và các nhà kinh doanh), các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương. Trong Chương trình Việt Minh, khi nói về phổ thông đầu phiếu, Hồ Chí Minh viết: “Hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ bọn Việt gian phản quốc.”[9] Riêng đối với giai cấp tư sản Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng có cái nhìn khác với nhiều nhà cách mạng đương thời, đặc biệt khác với kinh nghiệm cách mạng Nga. Người coi tư sản Việt Nam là một bộ phận nhân dân, cũng chịu chung số phận bị áp bức. Trong tuyên ngôn độc lập, khi tố cáo tội ác của bọn thực dân, Người viết: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”[10]. Sau này trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ, Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp của các nhà tư sản ta, đặc biệt là trong  tuần lễ Vàng, trong kháng chiến kiến quốc.  Vì vậy, khi kêu gọi toàn dân kháng chiến, Người viết: “Cậu bé chăm chỉ học hành trong nhà trường cũng là kháng chiến. Anh dân cày, cày cuốc ngoài đồng ruộng, anh thợ cặm cụi trong nhà máy, chị bán hàng buôn bán ngược xuôi, ông già xách giỏ đi câu cũng là kháng chiến. Các công chức, các nhà báo mải miết trước bàn giấy, cạnh tủ sách cũng là kháng chiến. Các y sinh, khán hộ lăn lộn bên giường bệnh cũng là kháng chiến. Các nhà giàu có đem hết tài lực mở mang xưởng thợ, khai thác ruộng đất cũng là kháng chiến. Đó là toàn dân kháng chiến”[11]

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh:

“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[12].

Trong chế độ dân chủ của chúng ta, bộ máy nhà nước, công chức nhà nước chỉ là công bộc, là đầy tớ của dân.  

Dựa trên những giá trị tiến bộ của nhân loại về chủ quyền của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới giành được độc lập (1945), bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên (1946) và trong tất cả các bản hiến pháp của nước ta về sau, chúng ta đều trịnh trọng tuyên bố: Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau này là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

5- CHÍNH QUYỀN TỪ XÃ ĐẾN CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG DO DÂN CỬ RA.

Sáu ngày sau khi tuyên bố độc lập, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc. Vào thời điểm đó không ít đảng viên lo lắng, cho rằng chưa nên tổ chức tổng tuyển cử vì: Chính quyền cách mạng mới ra đời, khó khăn chồng chất, phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ngân quỹ trống rỗng, các thế lực phản động đang hoạt động ráo riết; đội ngũ đảng viên còn mỏng, toàn Đảng có khoảng 5000 đảng viên, ngày 11-11-1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán. Trong điều kiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định, nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công.

Hồ Chí Minh có quan niệm rất hiện đại về dân chủ đại diện và nêu một tấm gương sáng về thành thực thực hành dân chủ. Quyết tâm đó của Hồ Chí Minh, như nhiều lần Người giải thích là vì dân, vì muốn huấn luyện dân chủ cho nhân dân, một nhân dân đã hàng ngàn năm sống dưới chế độ chuyên chế và 80 năm dưới chế độ thực dân cũng chuyên chế không kém. Nếu như sau cách mạng tháng Mười, tư sản, địa chủ Nga bị tước quyền bầu cử, thì trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chỉ vài tháng sau khi cách mạng thành công, Hồ chí Minh tuyên bố trên báo Cứu quốc rằng: “Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Vì lẽ đó, cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.

Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.”[13]

          Trong thư gửi Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh (12- 1945), khi còn 3 tuần lễ nữa là đến cuộc tổng tuyển cử, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chủ tịch đề nghị Việt Nam quốc dân Đảng và Việt nam cách mạng đồng minh Hội chuẩn bị để chọn lấy người hiền năng đảm nhiệm Chính phủ mới. Người viết:

  1. Xin mời các đồng chí Quốc dân đảng tham gia việc tổng tuyển cử ở các nơi.
  2. Xin cho biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.
  3. Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.[14]

Hồ Chí Minh cho rằng “như thế là rất quang minh chính đại và cũng rất dân chủ, và từ đây sẽ đưa dẫn chúng ta đến nơi đoàn kết thân mật trước mặt quốc dân.” [15]

Tuy nhiên sau đó Quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đảng không tham gia tổng tuyển cử. Quốc hội đã phải dành 70 ghế đặc cách cho hai đảng này.

Trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu (5-1-1946) Hồ Chí Minh nói rằng ngày Tổng tuyển cử là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Là ngày mà nhân dân tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, người không trúng cử cũng chớ nản lòng, cố làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của mình, thì lần sau quốc dân nhất định bầu mình. Cùng ngày 5-1-1946 phát biểu trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá Hồ Chí Minh nói: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” [16]

Đánh giá về Quốc hội khoá 1, trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quôc hội khoá I, Hồ Chí Minh nói: “ Trong cuộc toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối” [17]

Trong điều kiện “ngàn cân treo sợi tóc” của năm 1946 mà thực hiện thành công cuộc Tổng tuyển cử là nhờ Hồ Chí Minh rất trọng dân, tin dân, dù trong điều kiện nào đi nữa cũng quyết bằng được xây dựng các thể chế dân chủ để nhân dân thực sự làm chủ, để nhân dân được quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Để dân thực hiện những quyền thiêng liêng không ai có thể xâm phạm được.

6- KẾT LUẬN NHỎ

Tư tưởng về “Dân” của Hồ Chí Minh là một trong những nền tảng trong tư tưởng chính trị của Người. Logic của tư tưởng đó là: Dân phải có nước độc lập, Dân phải có quyền tự do, Dân phải được sống hạnh phúc. “Nước độc lập mà dân không hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Muốn đạt đến những mục tiêu trên, phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, phải trọng dân, tin dân, phải thấy rằng mọi quyền hành lực lượng đều ở nơi dân; phải xây dựng một chế độ dân chủ pháp quyền để cho dân làm chủ.. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[18]. Dân phải có trách nhiệm phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc Chính phủ.

Nhân dân Việt Nam là không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, dòng giống, nam nữ, tôn giáo, chỉ trừ bọn Việt gian, phản quốc, là những lực lượng cụ thể trong một xã hội cụ thể. Để mưu cầu lợi ích cho dân, cán bộ phải hi sinh, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải học hỏi dân, phải có lý luận, phải biết vận dụng sáng tạo lý luận vào hoàn cảnh nước ta để đề ra chủ trương chính sách kinh tế xã hội đúng đắn, tránh chủ quan duy ý chí, giáo điều. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[19].

 

 

 

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 483

[2] Đã dẫn, tr. 481

[3] Đã dẫn. tr.466

[4] Đã dẫn tr. 467

[5] Đã dẫn , tr.427

[6] Đã dẫn, tr. 162

[7] Đã dẫn, tập 7, tr.497

[8] Đã dẫn, tập 3, tr.197

[9] Đã dẫn, tập 3, tr.583

[10] Đã dẫn tập 4, tr. 2

[11] Đã dẫn, tập 4, tr. 84

[12] Đã dẫn, tập 5, tr.698

[13] Đã dẫn, tập 4, tr.133

[14] Đã dẫn, tr. 113

[15] Đã dẫn, tr.113

[16] Đã dẫn, tr.147

[17] Đã dẫn, tr.190

[18] Đã dẫn, tập 5, tr.60

[19] Đã dẫn, tập 4, tr.22

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
21-11-2020

Đánh giá

  • Cải cách thể chế để đất nước vươn mình

    Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước hiện nay có 3 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Xung quanh vấn đề này, Đài Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch phát triển.
    Ngày: 13-11-2024
    Lượt xem: 14
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 6
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 4
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 7

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001

  • Cải cách thể chế để đất nước vươn mình

    Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước hiện nay có 3 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Xung quanh vấn đề này, Đài Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch phát triển.
    Ngày: 13-11-2024
    Lượt xem: 14
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 6
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 4
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 7

Lượt truy cập
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 47
Trong tuần: 287
Lượt truy cập: 456051

Loading...
Lên đầu trang