CHÍNH TRỊ HỌC
Các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã chỉ ra những rủi ro đối với an ninh và ổn định trên Biển Đông, đề xuất một số cách làm giảm căng thẳng và ngăn căng thẳng leo thang thành xung đột tại khu vực
Mục lục bài viết
"Các hành động của Trung Quốc tạo ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của họ tại khu vực, trì hoãn nhiều cuộc đàm phán vì các nước thấy những gì Bắc Kinh làm đi ngược lại cam kết của họ", nhà phân tích Derek Grossman lưu ý tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức sáng 18-11.
Theo ông Grossman, việc Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý là lợi bất cập hại. Quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Bắc Kinh và Đông Nam Á chính vì vậy đã bị trì trệ nhiều năm do các nước có sự lo ngại với Trung Quốc.
"Các nước thấy những gì Bắc Kinh làm đi ngược lại cam kết của họ", chuyên gia Mỹ giải thích. Nhận ra điều này, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã thay đổi cách tiếp cận theo hướng ngoại giao và mềm dẻo nhằm tránh bị suy giảm hình ảnh hơn nữa, theo ông Grossman.
Trước yêu sách của Bắc Kinh, Mỹ và một số nước đồng minh đã đưa tàu quân sự đến khu vực, bác bỏ những tuyên bố vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các học giả tham dự có quan điểm trái chiều về điều này. Ông Ding Duo, chuyên gia Trung Quốc được mời đến hội thảo, cho rằng hành động của Mỹ và các nước đang xâm phạm "không chỉ chủ quyền của Bắc Kinh mà còn các bên khác trong khu vực".
Chuyên gia Trung Quốc tiếp tục cho rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN, nhấn mạnh phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và sự can dự của các nước bên ngoài không thể giải quyết được sự phức tạp như hiện nay.
Theo ông Ding, việc Mỹ cùng Anh và Úc thành lập cơ chế an ninh AUKUS đang đặt ASEAN vào thế khó, bị kẹp giữa Trung Quốc và các nước AUKUS. "ASEAN nên tránh nghiêng về bên nào để không bị ảnh hưởng nhiều nhất", chuyên gia Trung Quốc kêu gọi.
"Nếu có sự can dự từ các nước bên ngoài, các nước ASEAN chỉ có thể là nạn nhân", ông Ding nêu quan điểm.
Ở chiều ngược lại, phó đô đốc Koda Yoji, cựu tư lệnh hạm đội của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là chuyện riêng của các nước trong khu vực vì nó ảnh hưởng đến các nước khác.
Theo ông Koda, có rất nhiều tuyến đường giao thương quốc tế đi qua Biển Đông và các nước cần được sử dụng các tuyến hàng hải này một cách tự do, không bị cản trở.
Phó đô đốc Koda khẳng định việc đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp là không thể và không nên vì đây là chuyện ảnh hưởng đến nhiều nước khác, bao gồm các nước ngoài Biển Đông.
Tuy nhiên theo ông Koda, Mỹ và đồng minh nên làm rõ ý định với các nước Đông Nam Á, tránh sự hoài nghi và lo lắng nếu thực sự muốn tạo ra cân bằng và hỗ trợ ASEAN.
Đồng quan điểm, giáo sư Stephen R. Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) cho rằng các nước nên tăng cường hiện diện "phi quân sự" để tránh leo thang căng thẳng.
Các học giả đều cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc rơi vào Chiến tranh lạnh khiến Đông Nam Á bị ảnh hưởng là khó xảy ra dù hai bên đang căng thẳng.
Nhà nghiên cứu Shuxian Luo của Viện Brookings (Mỹ) đề xuất cả Mỹ và Trung Quốc đều cần hành động để giảm căng thẳng tại Biển Đông.
Trong đó, Bắc Kinh cần đưa ra cam kết không tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, không cải tạo và triển khai thêm khí tài đến các thực thể nước này đang chiếm đóng (bất hợp pháp) tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và cam kết tôn trọng quyền tự do đi lại của tàu bè nước ngoài.
Về phía Mỹ, theo bà Lou, Washington cần giảm tần suất các chuyến tự do đảm bảo hàng hải (FONOP) và cam kết không triển khai tên lửa đạn đạo đến chuỗi đảo thứ nhất (chuỗi đảo bắt đầu từ miền nam Nhật Bản, ở gần Trung Quốc nhất - PV).
ASEAN cần tiếng nói thống nhất về Biển Đông
Trả lời câu hỏi tại hội thảo sáng 18-11, cựu ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa, thừa nhận ASEAN vẫn chưa có chung tiếng nói về tranh chấp Biển Đông.
Theo ông Marty Natalegawa, chỉ có một số nước tỏ ra lo ngại và quan tâm đến vấn đề này trong khi số còn lại thì không. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Indonesia bày tỏ hy vọng ASEAN có thể tiếp tục duy trì vị trí trung tâm trong các vấn đề khu vực và có tiếng nói thống nhất trong tranh chấp Biển Đông.
Theo giáo sư Stephen R. Nagy, các nước ASEAN cần hiểu rõ việc chia rẽ chỉ khiến tiếng nói của họ với Trung Quốc yếu đi.
"Các tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề đa phương, cần cách tiếp cận đa phương và dựa trên nguyên tắc pháp quyền, luật pháp quốc tế chứ không phải sự dọa nạt, cưỡng ép", ông Nagy nêu quan điểm.
Hàng trăm đại biểu dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) cùng các đối tác phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11 với 8 phiên thảo luận. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tham dự và có bài phát biểu chào mừng.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến. Trong số này có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 đại sứ). Gần 30 phóng viên đến từ 20 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã trực tiếp tham gia đưa tin về hội thảo.
Chủ đề của hội thảo năm nay là "Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn". Các chuyên gia sẽ thảo luận về các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá