Cáo buộc này rất nặng nề cả về chính trị lẫn pháp lý cho dù quan điểm chính thức của chính phủ hai nước này (nhánh hành pháp) không phải như vậy. Nó tương tự phản ứng chính trị chung ở nhiều nước phương Tây về Trung Quốc liên quan chính sách đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Đương nhiên, phía Trung Quốc thể hiện ngay thái độ phản đối mạnh mẽ và coi đó là những hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Dù vậy, những động thái mới nói trên ở các nước phương Tây đều xác nhận chiều hướng diễn biến mới trong mối quan hệ giữa các nước này với Trung Quốc là ngày càng thêm phức tạp, trắc trở và nhạy cảm. Tuy không phải thành viên nào của phương Tây cũng đều cảm nhận bị Trung Quốc thách thức rõ ràng nhưng tất cả đều có hai điểm chung.
Thứ nhất là họ chủ ý coi trọng hơn trước đáng kể vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong xử lý quan hệ với Trung Quốc hiện tại và trong định hình chiến lược, chính sách đối với Trung Quốc về lâu dài. Thứ hai là các nước này thực chất như cùng hội cùng thuyền với chính quyền mới ở Mỹ khi đề cao những giá trị của phương Tây trong chính sách đối ngoại nói chung và với Trung Quốc nói riêng. Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương tập hợp đồng minh và đối tác để cùng đối phó Trung Quốc và xem ra đã có được một con chủ bài mới đắc dụng.