CHÍNH TRỊ HỌC
Gần đây tôi đọc được số liệu khá lạ về GDP. Trong báo cáo kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2021, giải pháp 6 tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT ước tính: Quy mô GDP 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng, GDP tăng khoảng 5,8%.
Mục lục bài viết
Vì sao số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) lại “khá lạ?”, xin nêu một vài điểm như sau.
Thứ nhất, GDP năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 9 triệu tỷ đồng sau khi được Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại, điều chỉnh tăng 25%. Chỉ tiêu này đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội trong báo cáo số 530/BC-CP ngày 16/10/2020.
Nếu GDP trong nửa đầu năm nay đạt 4 triệu tỷ đồng thì phải đạt mức tăng trưởng cao đến mức nào để cuối năm hoàn thành chỉ tiêu GDP 9 triệu tỷ đồng?
Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các nhà kinh tế dựa vào GDP và các thống kê liên quan để đưa ra các quyết định quan trọng |
Thứ hai, theo báo cáo trên, GDP năm 2020 trước khi được điều chỉnh chỉ là 6,3 triệu tỷ đồng (làm tròn). Tổng sản phẩm trong nước trong nửa đầu năm nay ước tính đạt 4 triệu tỷ đồng có nghĩa, chúng ta đã đi được hơn 2/3 quãng đường để đến mục tiêu trong khi mới mất 1/2 thời gian, một kết quả kỳ diệu.
Tôi không phải là nhà kinh tế, nên chỉ nêu một vài điểm băn khoăn như trên để thấy câu chuyện GDP điều chỉnh đang sẽ còn tác động như thế nào đến nhiều chỉ số vĩ mô luôn gắn liền với GDP.
Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các nhà kinh tế dựa vào GDP và các thống kê liên quan để đưa ra các quyết định quan trọng.
Chính phủ đưa ra các quyết định chính sách về lãi suất, đầu tư và thương mại. Doanh nghiệp đưa ra dự báo về nhu cầu sản phẩm để từ đó quyết định đầu tư và sản xuất. Các nhà kinh tế sử dụng GDP và các thống kê liên quan để cho ra nghiên cứu và khuyến nghị chính sách.
Các tổ chức quốc tế dựa vào các chỉ số liên quan đến GDP để xếp hạng tín nhiệm quốc gia như tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người; nợ công và nợ nước ngoài/GDP; dự trữ ngoại hối/GDP; tín dụng và cung tiền/GDP; nợ xấu/GDP; thâm hụt ngân sách/GDP; thâm hụt thương mại/GDP.
Xét ở góc độ này, PGS TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, việc điều chỉnh GDP thêm 25,4% sẽ làm các chỉ tiêu tài chính công gắn giảm đáng kể, cách xa mức trần.
Theo đó, nợ công/GDP giảm từ 56,1% còn 44,7%; nợ chính phủ/GDP giảm từ 49,2% còn 39,2%; nợ nước ngoài/GDP giảm từ 45,8% còn 36,5%; thâm hụt ngân sách/GDP giảm từ 3,6% còn 2,9%.
Ông Thế Anh đặt câu hỏi, liệu các chỉ tiêu tài chính công “được điều chỉnh” kèm theo GDP như trên có làm lu mờ các chỉ tiêu pháp lệnh, mà mức trần của nó luôn được Quốc hội giám sát chặt chẽ?
“Niềm tự hào” GDP
Gần đây, nhiều người chúng ta, trong đó có tôi, khá là vui trước thông tin quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt qua Singapore. Thông tin này xuất phát từ IMF, theo đó, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
Mọi người vui, tôi hiểu, theo nghĩa phải rất lâu kể từ Đổi mới, chúng ta mải mốt đeo bám và cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với một số láng giềng, và đến nay mới làm được.
Song, mọi thứ không phải dễ dàng. Bộ Công thương (MIT) và Cục Thống kê Singapore (Department of Statistics) vừa xuất bản báo cáo tổng kết năm 2020 và dự báo phát triển kinh tế Singapore năm 2021 hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Lâu nay, người ta cứ nói nông nghiệp, nông thôn là bệ đỡ, là lò xo để giúp giảm chấn cho các cú sốc xã hội. Nói thế là vô cảm, không thực tế |
Theo báo cáo, GDP danh nghĩa chính thức của Singapore năm 2020 là 469.1 tỷ SGD (tương đương 352.7 tỷ USD). Như vậy, GDP của Singapore lại vượt lên dẫn trước Việt Nam và Malaysia.
Theo dự báo của IMF cho 2021, Singapore đứng thứ 38, ngay sau Malaysia (thứ 37) và trên Việt Nam (thứ 40) trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vấn đề ở chỗ, tôi nghĩ, một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam mà chỉ so với Singapore thì không nên bởi về diện tích, họ chỉ bằng 1/3 TP.HCM mà thôi. Song, điều đáng ghen tị và phải học hỏi là họ đang là trung tâm tài chính, công nghệ, khởi nghiệp, logistics… của khu vực mà không biết đến bao giờ chúng ta mới theo kịp. Nhiều người Việt trẻ tuổi đã phải sang Singapore khởi nghiệp vì những rào cản không thể vượt qua ở ngay quê hương.
Ấy vậy mà báo cáo trên ước tính, tăng trưởng kinh tế 2021 của Singapore vào khoảng 4-6%. Báo cáo cũng nhận định, Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp khó khăn về tăng trưởng trong năm nay do dịch bệnh Covid-19.
Khó khăn thì chúng ta đang thấm, và có thể còn nặng hơn tới đây.
Trong 5 tháng đầu năm nay, có gần 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể, vượt qua số gần 56.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Trong hơn nửa năm chống đỡ với dịch bệnh, biết bao nhiêu người làm ở khu vực phi chính thức, khu vực dịch vụ đã mất việc, giãn việc, bị tác động nghiêm trọng mà tấm lưới an sinh xã hội đã bỏ lọt họ? Bao nhiêu tỉnh du lịch ven biển giờ tiêu điều, trống vắng; bao nhiêu phận người làm thuê bị đẩy ra đường mà không được thống kê?
Lâu nay, người ta cứ nói nông nghiệp, nông thôn là bệ đỡ, là lò xo để giúp giảm chấn cho các cú sốc xã hội. Nói thế là vô cảm, không thực tế. “Nông dân thật khổ, nông thôn thật nghèo, nông nghiệp đang gặp nguy hiểm” thì lấy đâu ra để làm chỗ dựa cho dân thất nghiệp, cho con cái và cha mẹ họ?
Nhìn về quá khứ, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ mức bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, và ước 5,9% giai đoạn 2011-2020 - thấp xa so với mục tiêu bình quân phải tăng từ 7-8%/năm của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tốc độ tăng trưởng Việt Nam thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ phát triển. Tính từ năm 1990 đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 năm đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm (giai đoạn 1991-1995). Trong khi đó, các nước khác ở giai đoạn có trình độ tương đương của Việt Nam hiện nay đều duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao trong một thời gian dài.
Ví dụ, Hàn Quốc trong 30 năm (1960 - 1990) tăng trưởng GDP trung bình đạt 9,58%/năm, có 14 năm đạt mức tăng trưởng trên 10%; cao nhất đạt 14,8% (năm 1973); quy mô kinh tế theo giá USD cố định năm 2010 tăng 15,4 lần, theo giá hiện hành tăng hơn 70 lần.
Trung Quốc trong 30 năm cải cách (1977 - 2007), tăng trưởng GDP bình quân là 10,02%/năm; mức tăng trưởng cao nhất (năm 1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%.
Nêu vài con số GDP khô khan như vậy để thấy chúng ta cần làm gì để dỡ bỏ tất cả các rào cản trong kinh doanh, trong thị trường và kể cả tư duy cho phát triển, trong ngắn hạn và cả dài hạn.
Tư Giang
Người gửi / điện thoại
Đánh giá