CHÍNH TRỊ HỌC
Quá trình quản lý xung đột xã hội chịu tác động của nhiều yếu tố như: môi trường xã hội và văn hóa, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, năng lực của chủ thể quản lý...
Mục lục bài viết
Tóm tắt nội dung:
Quá trình quản lý xung đột xã hội chịu tác động của nhiều yếu tố như: môi trường xã hội và văn hóa, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, năng lực của chủ thể quản lý, mức độ căng thẳng của xung đột, tâm thế của các chủ thể quản lý, tâm trạng xã hội, sự đầy đủ của các phương tiện và nguồn lực, trong đó không loại trừ các công cụ bạo lực. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố văn hóa – tâm lý. Các yếu tố này vừa mang tính khách quan vừa có tính chủ quan. Tận dụng tốt vai trò của yếu tố này trong bối cảnh xung đột xã hội, sẽ góp phần cho việc quản lý xung đột hiệu quả hơn.[1]
[1] Bài báo này và bài Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa và phát triển (số 5-2019) là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp nhà nước “Quản ly xung đột xã hội và điểm nóng chính tri – xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay” Mã số 13/17 CTDT 16-20 thuộc “Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” mã số CTDT-20/16 của Uỷ ban Dân tộc thuộc Chính phủ
Xung đột xã hội luôn tồn tại trong quá trình phát triển xã hội, nhưng mỗi loại xung đột cụ thể lại do những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, quá trình quản lý, giải tỏa xung đột không chỉ là giải quyết những nguyên nhân đó mà còn chịu tác động của nhiều nhân tố khác. Trong đó, yếu tố văn hóa - tâm lý đóng vai trò đặc biệt.
- Các giá trị, các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử và các biểu tượng của văn hóa
Xã hội bao giờ cũng là một chỉnh thể chứa đựng trong bản thân nó toàn bộ các mối quan hệ: con người - thiên nhiên, con người - con người, cá nhân - cộng đồng, nhà nước - công dân...và các cấu trúc mang tính tổ chức: các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội; các giai cấp, tầng lớp, các cộng đồng, các nhóm... mà ở đó luôn tồn tại các mâu thuẫn: nhận thức, nhu cầu, lợi ích, vị thế và quyền lực, v.v...
Các mâu thuẫn đó có thể dẫn đến xung đột, xung đột tồn tại như là một cách thức giải quyết mâu thuẫn, và được dẫn dắt bởi văn hóa, diễn ra trong một không gian (môi trường) văn hóa nhất định. Mỗi dân tộc (nation), tộc người (ethnic) có một nền văn hoá và một bản sắc văn hóa riêng; trên nền tảng văn hóa và bản sắc đó, lại hình thành một “tiểu văn hóa” của các nhóm nhỏ hơn, như các địa phương, các cộng đồng, nhóm người, các chủ thể quản lý và tham gia quản lý xung đột, trong đó đội ngũ công chức nhà nước...
Văn hoá được cụ thể hoá thành các hệ thống giá trị, các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử, các biểu tượng...mà các cá nhân, cộng đồng, tộc người, dân tộc...theo đuổi, tuân thủ, tôn trọng. Vì vậy, văn hóa có sức mạnh đặc biệt đối với tư duy và hành động, nhận thức và hành vi của cá nhân, cộng đồng trong các bối cảnh xung đột. Xung đột xã hội vừa có nội dụng văn hoá, bởi nó là thuộc tính của quá trình vận động và phát triển của xã hội; vừa có nội dung phi văn hoá, vì trong những những tình huống xung đột, thường có những hành vi vượt ra ngoài chuẩn mực pháp luật và đạo đức, chuẩn mực và quy tắc ứng xử trong đời sống văn hóa. Tính phi văn hóa tăng lên, khi xung đột xã hội chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn, những đối lập có tính chủ quan, tưởng tượng hoặc ảo tưởng (phi thực tế), nhằm thực hiện những đòi hỏi, yêu sách phi lý, không hợp pháp, không chính đáng. Những hành vi phi văn hóa sẽ giảm đi, sẽ được kiềm chế tối đa trong xung đột, nếu biết tạo ra một bối cảnh văn hóa của xung đột, định hướng tới tính phổ quát Chân, Thiện, Mỹ.
Trong quá trình quản lý và giải toả xung đột xã hội, việc phân loại xung đột và xác định đúng diễn biến, các giai đoạn phát triển của xung đột xã hội có ý nghĩa rất lớn. Phân loại đúng đắn hay không phụ thuộc vào năng lực quản lý xung đột, tức nhờ vào tri thức, kỹ năng và thái độ của các chủ thể xung đột và quản lý xung đột. Năng lực quản lý xung đột xã hội, như là một trình độ của văn hóa chính trị, khi nó giúp cho việc xác định kịp thời các loại hình xung đột, từ tính chất, quy mô cho đến các lĩnh vực và mức độ. Trên cơ sở đó, có thể áp dụng các phương thức quản lý, giải tỏa phủ hợp. Chủ thể quản lý xung đột xã hội được coi là có năng lực, khi nhận thức được tính chất, đặc điểm của các loại hình, các quy mô của xung đột; nắm chắc diễn biến, tính chất của các giai đoạn xung đột: từ giai đoạn ngấm ngầm đến giai đoạn công khai, căng thẳng, đối đầu, không tương dung giữa các bên xung đột; có kỹ năng giải tỏa phù hợp, hiệu quả, với một thái độ khoa học, khách quan.
Văn hóa nói chung, văn hóa chính chính trị nói riêng, cung cấp cho nhà quản lý xung đột các chỉ báo về mức độ căng thẳng của xung đột xã hội, làm cơ sở cho việc lựa chọn các phương pháp quản lý. Trong một tình huống xung đột, nhờ quan sát và đánh giá được sự xói mòn, vi phạm, xúc phạm, coi thường, đảo lộn các giá trị (dân chủ, pháp quyền, chủ quyền quốc gia...), các chuẩn mực các quy tắc ứng xử (thượng tôn pháp luật, lợi ích quốc gia trên hết, bình đẳng sắc tộc và tự do tín ngướng, tôn giáo, tự do ngôn luận...) các biểu tượng (quốc ca, quốc kỳ...) bị xúc phạm, bị đảo lộn, bị coi thường, bị bỏ qua...mà nhà quản lý có thể đánh giá được xung đột đang ở giai đoạn nào?
Các phương pháp quản lý và giải toả xung đột đúng, có ý nghĩa quyết định thành công của quản lý và giải toả xung đột xã hội. Cách biểu hiện của văn hóa trong các xung đột có tác động mạnh mẽ đến việc lựa chọn các phương thức quản lý. Chỉ có sự thấu hiểu văn hóa, chúng ta mới có thể chọn các phương thức phù hợp. Văn hóa chính trị đề cao chủ nghĩa cá nhân và văn hóa chính trị đề cao chủ nghĩa cộng đồng sẽ ảnh hưởng lớn đến cách lựa chọn phương thức quản lý xung đột. Giá trị văn hoá hiện đại, dưới tác động của chủ nghĩa duy lý, khoa học và công nghệ cao, hội nhập và bao dung văn hóa...sẽ làm nền tảng và nhân lõi cho suy nghĩ đúng và hành động hợp lý của chủ thể quản lý và giải toả xung đột.
- Tâm trạng xã hội là trạng thái tinh thần của xã hội, là hệ thống các phẩm chất tâm lý - xã hội đặc thù (cá nhân, cộng đồng, v.v...), thể hiện thông qua chất lượng, số lượng, cường độ các xúc cảm, ý chí, niềm tin...Tâm trạng xã hội được hình thành một cách trực tiếp trên cơ sở các bản sắc văn hóa, và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ kinh tế, chính trị, thông tin, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội...Quan trong nhất khi nhận biết tâm trạng xã hội là các khuynh hướng hành vi và sắc thái cảm xúc của xã hội: Tích cực, tiêu cực; lạc quan, bi quan; ổn định, rối loạn...
Tâm trạng xã hội có khả năng gợi mở, xác định và phán xét các đặc tính ẩn giấu trong thế giới tinh thần của các chủ thể xung đột và tạo điều kiện cho việc lý giải các loại hình tinh thần đặc biệt của chủ thể. Cuối cùng, nó giải thích phương thức hành vi và hoạt động đặc thù của chủ thể xung đột. Nó quyết định tính chất đặc biệt tích cực hoặc tiêu cực, tính khuynh hướng của xung đột xã hội.
Tâm trạng xã hội có được, nhờ sự kết nối và tương tác liên cá nhân các xúc cảm và sự đánh giá xung đột, thông qua nhiều kênh thông tin, từ tin đồn, mạng xã hội, truyền thông xã hội, đến các kênh, các cơ quan phát ngôn chính thức của nhà nước...Sự tương tác liên cá nhân đó, một mặt, giúp chúng ta biết được thực chất nguyên nhân, động cơ, mục đích của xung đột; nó cũng là công cụ đo lường các mức độ căng thẳng cũng như hiệu quả quản lý, giải tỏa xung đột, nhất là của các cuộc xung đột cường độ cao (các “điểm nóng”). Mặt khác, nó cảnh báo về tâm trạng “đám đông”, hoặc quá khích, do sự liên kết này tạo nên.
Nếu như văn hóa có thể cung cấp các chỉ báo về mực độ căng thẳng của xung đột, thì tâm trạng là hàn thử biểu thông qua sự hài lòng của các bên liên quan, đo lường xu hướng phát triển của xung đột và hiệu quả của quản lý, giải tỏa xung đột. Nếu các bên xung đột có được một tâm trạng xã hội tích cực, khi xung đột xẩy ra, bản thân các chủ thể xung đột, ở mức độ nào đó, cũng có thể tự quản lý, giải toả xung đột.
- Tâm thế xã hội[1] là tổng hợp các yếu tố tri thức, niềm tin, bản lĩnh và cảm xúc...từ đó tạo nên một tầm nhìn và cách thức ứng xử của các chủ thể xã hội (một cá nhân, nhóm, hay cộng đồng).
Trước một hiện tượng xã hội nói chung, xung đột xã hội nói riêng, mỗi dân tộc, cộng đồng, mỗi cá nhân đều có cách ứng xử khác nhau. Trong các cách ứng xử khác nhau đó, bao giờ cũng có một cách ứng hợp lý, hợp tình, ứng xử tối ưu. Muốn có cách ứng xử tối ưu phải có được “tâm thế” để có thể quyết định hoặc đánh đổi giữa điểm mạnh và điểm yếu, giữa “được” và “mất”. Tâm thế lúc đó biểu hiện ra như các chuẩn mực văn hóa tối ưu, mang tính sáng suốt, minh triết. Nó xuyên qua những “cái có thể”, như bất hợp lý trong sự hợp lý, mất cân đối trong sự hài hòa, tạm thời trong lâu dài...để tìm ra một giải pháp mang tính sáng suốt, đúng nhất, phù hợp nhất với bối cảnh xung đột. Như vậy tâm thế xã hội là kết quả tống hợp của các hoạt động sáng tạo tinh thần của con người.
Tâm thế xã hội giúp định hình chuẩn mực hành vi của các chủ thể xung đột, hoặc các chủ thể tham gia quản lý, giải tỏa xung đột. Tâm thế xã hội phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh văn hóa và “tiểu văn hóa” của môi trường xã hội, nơi xung đột đang diễn ra.
Trên thực tế, cùng một điều kiện vật chất, kinh tế, kỹ thuật và nguồn lực như nhau, nhưng tâm thế xã hội khác nhau đã thúc đẩy các hành động khác nhau và cho kết quả hoàn toàn khác nhau. Cũng trên một cơ sở văn hóa nền tảng, trong cùng một bối cảnh, nhất là bối cảnh thách thức, khó khăn, phức tạp, bất lợi...người có tâm thế, thường có khả năng xây dựng cho mình nền tảng tri thức rộng, niềm tin vững chắc, bản lĩnh vững vàng, xúc cảm chân thực...để đề ra các mục tiêu bao quát, có tầm, hướng thiện, có giá trị; vạch ra các phương châm và cách thức hành động hiệu quả, thiết lập các chuẩn mực hành vi rõ ràng. Vì thế, họ dễ dàng hơn khi vượt qua khó khăn, dễ dàng hơn trong việc đạt được các mục tiêu.
Khi một tâm thế tiêu cực chi phối, một quốc gia, một cộng đồng, một nhóm xã hội hay một cá nhân, thường có thái độ tự ti, thiếu tự tin, tiêu cực, cô lập, dao động...không giám suy nghĩ và hành động...Từ đó, tự vô hiệu hóa, hoặc thu hẹp vai trò của mình trong đời sống xã hội nói chung, trong tình huống xung đột nói riêng; không phát huy hết các lợi thế vốn có về năng lực và nguồn lực để đạt mục tiêu. Tâm thế có thể gợi mở các tiềm năng, có khả năng phát hiện đặc điểm của tính tích cực, tìm ra đáp án tối ưu cho các câu hỏi: Tại sao lại xẩy ra hành động của cá nhân, tập thể này? Tại sao hành động này mang tính chất này? Tại sao chủ thể xung đột lại lĩnh hội các hiện tượng, hành động bằng cách kia? Tại sao người ta lôi kéo được đông đảo quần chúng tham gia xung đột? Tại sao lại nẩy sinh những yêu sách quá đáng? Tâm thế xã hội cung cấp các cách thức có tính tối ưu cho các chủ thể quản lý xung đột nhận biết những vấn đề của xung đột và lựa chọn, áp dụng các phương pháp quản lý phù hợp: Đối thoại, hợp tác, đàm phán, trung gian hòa giải, hay sử dụng bạo lực...
Nhờ có tâm thế xã hội, các chủ thể quản lý, mới có thể thấy rằng, cho dù vẫn tồn tại những bất đồng về quan điểm, lợi ích...chính các giá trị văn hoá là những yếu tố rõ ràng và mạnh mẽ nhất, kết nối các bên đối lập của xung đột. Từ đó, có thể mở đường cho những hiểu biết lẫn nhau, đối thoại và xây dựng cơ chế giải tỏa xung đột.
Khi có tâm thế, các chủ thể quản lý xung đột có điều kiện để hiểu được những nét đặc sắc, nắm được chỗ yếu chỗ mạnh, những đòi hỏi riêng tư, những góc khuất sâu xa của xung đột xã hội. Nắm được toàn bộ tình hình đó, có nghĩa là đã nắm được bí mật của những xung đột xã hội. Nó giúp cho các chủ thể quản lý và giải toả xung đột xã hội nắm được toàn cục, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và phương tiện, thực hiện quy trình quản lý phù hợp.
Trong quản lý xung đột, có được tâm thế, tức có được tầm nhìn toàn diện, có kiến thức phong phú, sâu sắc về tâm trạng, về lối sống; nhạy cảm trước độ “nóng” hay mức độ, căng thẳng gay gắt, các cách phản ứng, các yêu sách của chủ thể xung đột. Từ đó định hình các tác nhân của xung đột, bản chất của xung đột, ngăn chặn sự nẩy sinh xung đột, làm chủ tình hình khi tình huống xung đột nổ ra; kiểm soát được những ý đồ, hành vi quá khích của các bên, không để xung đột lây lan, căng thẳng thêm.
- Động cơ của các chủ thể tham gia xung đột
Hoạt động của con người bao giờ cũng do động cơ thúc đẩy nhằm thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích nhất định. Không có một hoạt động nào của con người mà không có động cơ. Các nhu cầu của con người tạo ra động cơ cho họ hành động, nhằm thỏa mãn các nhu cầu từ thấp đến cao. Có thể hiểu được động cơ của con người thông qua những mong muốn và mục đích hành động của họ. Động cơ của các chủ thể tham gia xung đột là lực thúc đẩy trực tiếp đến hành vi xung đột của các chủ thể xung đột và có thể đạt được một mục đích thông qua xung đột hoặc giải tỏa xung đột. Động cơ của các chủ thể tham gia xung đột biểu hiện rất khác nhau:
Thứ nhất, động cơ tích cực là động cơ của những người có mong muốn, dự định, kế hoạch, cách thức hành động cụ thể nhằm làm cho các mối quan hệ xã hội thoát khỏi tình trạng trì trệ yếu kém, muốn cho mọi mặt hoạt động trong cộng đồng có hiệu quả cao hơn, bầu không khí tâm lý lành mạnh hơn. Động cơ tích cực có thể dẫn đến xung đột khi gặp phải sự cản trở của những nhân tố tiêu cực.
Thứ hai, động cơ tiêu cực là những xung đột chủ yếu xuất phát từ các mục đích ích kỷ, cục bộ, vụ lợi, phi thực tế, thường được biểu hiện dưới dạng cơ bản như tranh giành ảnh hưởng, lợi ích, quyền, vị thế cá nhân, nhóm...mà không tính tới sự tương quan với cá nhân và nhóm khác, thậm chí coi thường và xâm phạm đến lợi ích, quyền và vị thế của cá nhân khác, nhóm khác.
- Tính cách của chủ thể tham gia xung đột
Tính cách là sự kết hợp độc đáo, cá biệt những đặc điểm tâm lý tương đối ổn định, bền vững của cá nhân, cộng đồng và được thể hiện một cách có hệ thống trong các hành vi, hành động, cử chỉ của con người. Tính cách còn là sự biểu hiện cụ thể của thế giới quan và nhân sinh quan, là bộ mặt đạo đức của con người. Thực tiễn cho thấy sự khác biệt quá lớn về những nét tính cách giữa các cá nhân trong nhóm, hoặc các cộng đồng trong xã hội có thể là nguyên nhân gây ra xung đột tâm lý trong mối quan hệ giữa họ.
Tính cách của các chủ thể tham gia xung đột biểu hiện rất khác nhau thông qua hệ thống thái độ, hành vi của các bên đối với phía bên kia và đối với chính mình trong xung đột. Thái độ đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Nếu chủ thể tham gia xung đột có những bất đồng, mâu thuẫn về nhận thức, quan điểm, động cơ, mục đích, lợi ích… nhưng vẫn thể hiện thái độ hành vi tích cực đối với đối phương như: tôn trọng đối phương, mong muốn giúp đỡ đối phương thay đổi nhận thức và quan điểm; có lòng độ lượng, vị tha; sẵn sàng thỏa hiệp, nhượng bộ khi cần thiết (tâm thế tích cực)… thì có thể làm giảm bớt cường độ của xung đột cũng như rút ngắn thời gian diễn ra xung đột. Ngược lại nếu chủ thể tham gia xung đột là người cố chấp, ích kỷ, có tư tưởng cục bộ, tự cao, tự đại, không tôn trọng lợi ích và giá trị của đối phương, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của đối phương bằng mọi giá, nhằm giành phần thắng trong các cuộc xung đột (tâm thế tiêu cực) thì xung đột xã hội, dưới những tác động của yếu tố tâm lý, không những bị tăng cường về cường độ và tính chất găy gắt của xung đột, mà còn làm kéo dài về thời gian, khó có thể giải tỏa.
- Năng lực của các chủ thể tham gia xung đột
Ở trên, chúng ta đã đề cập đến năng lực như là một biểu hiện của trình độ phát triển văn hóa. Ở đây, năng lực trong cách tiếp cận tâm lý học, là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, của cộng đồng hoặc tổ chức phù hợp với yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả. Năng lực của con người luôn ảnh hưởng tới quá trình xung đột và quản lý xung đột. Năng lực của con người được biểu hiện ở nhiều mặt nhưng chủ yếu được biểu hiện tập trung ở tri thức, kỹ năng và thái độ. Trong quản lý xung đột xã hội, năng lực các bên tham gia xung đột chính là sự hiểu biết của họ về tình huống xung đột, tri thức về quản lý xung đột, kỹ năng tương tác giữa các bên trong quản lý xung đột và thái độ đối với việc quản lý giải tỏa xung đột đó.
Việc nắm vững tình huống xung đột, tri thức về quản lý xung đột sẽ giúp cho con người hiểu rõ công việc, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao trong mọi nhiệm vụ quản lý xung đột mà nhóm đặt ra. Mặt khác, việc hiểu rõ con người, nắm chắc được đặc điểm tâm, sinh lý, nhu cầu, nguyện vọng của họ sẽ giúp cho người lãnh đạo có những cách tác động phù hợp nhằm tạo dựng lòng tin, gây quan hệ thiện cảm với mọi người, qua đó hạn chế tối đa các va chạm, mâu thuẫn xảy ra trong quan hệ qua lại giữa các cá nhân. Xung đột xã hội là một quá trình xã hội phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng thông thường, đặc biệt và đặc thù. Thái độ công bằng, khách quan, khoa học, không vụ lợi là đòi hỏi nghiêm túc đối với các chủ thể quản lý, giải tỏa xung đột.
- Cảm xúc của các chủ thể tham gia xung đột
Bất cứ một xung đột xã hội nào cũng gây ra ở các cá nhân những cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, phiền muộn, khổ tâm, ghen tức, giận giữ, sợ hãi, tuyệt vọng…Ở trong các trạng thái cảm xúc tiêu cực, sự suy nghĩ và hành động của con người trở nên hẹp hòi, ích kỷ, chủ quan, thiếu tế nhị, thậm chí thô bạo trong tương tác xã hội. Lúc này con người ta dễ tỏ ra nhẫn tâm, dễ có hành vi bạo lực, xúc phạm tới nhân cách người khác…
Những cảm xúc, tình cảm lạc quan, vui vẻ, yêu đời của các chủ thể trong xung đột không chỉ sẽ tạo ra sự phối hợp giữa các bên trong nhận thức và giải tỏa xung đột, mà còn tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực chung, giúp cho việc giải tỏa xung đột hiệu quả. Ngược lại, có thể làm tăng thêm mâu thuẫn, va chạm.
- Tổn thương tâm lý của các bên trong xung đột xã hội
Tác động tiêu cực về mặt tâm lý do các xung đột xã hội mang lại ảnh hưởng đến cả bên chiến thắng lẫn bên thất bại. Các kết quả của xung đột xã hội có thể để lại hậu quả trực tiếp, gián tiếp và dài hạn. Khi xung đột xảy ra, mỗi bên sẽ nỗ lực để làm thiệt hại tối đa các giá trị cả vật chất và tinh thần của đối thủ. Quá trình tìm kiếm các cách thức và phương tiện, công cụ để đạt được mục tiêu đó (hay chống lại việc đạt được mục tiêu đó của phe đối lập) có thể dẫn đến bất đồng chính kiến, ngay trong nội bộ mỗi bên, tạo ra sự chia rẽ và phân rã sức mạnh của các bên, tạo ra áp lực và ức chế lớn ngay cả khi giành chiến thắng.
Nếu một bên trong xung đột bị thất bại, bên đó sẽ bị tổn thương nặng nề về tâm lý tùy theo mục tiêu và tính chất cuộc đấu tranh. Nhưng ngay cả khi bên giành chiến thắng, các phương tiện được sử dụng trong cuộc đấu tranh, có thể để lại hậu quả cho chính người sử dụng. Kết cục của bên thất bại cũng là một điều ám ảnh đối với bên thắng lợi. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp xung đột đã ở mức độ cao (đối đầu, không tương dung). Dù việc sử dụng các phương tiện cưỡng chế, thậm chí bạo lực được biện minh là để phục vụ cho mục tiêu chung, nhưng hậu quả về tâm lý để lại cho cả bên thắng lợi và bên thất bại đều sẽ rất nặng nề. Những trải nghiệm đó có thể ảnh hưởng đến quan điểm, thậm chí thế giới quan của những người liên quan.
-Mối quan hệ giữa các yếu tố văn hóa - tâm lý trong quản lý xung đột xã hội.
Rõ ràng, các yếu tố văn hóa, tâm lý có mối quan hệ lẫn nhau. Chúng có thể làm tiền đề cho nhau, thâm nhập và giao thoa vào nhau, tạo nên một nhân tố mang tính tích hợp văn hóa – tâm lý. Sự phân chia các yếu tố văn hóa, tâm lý và các yếu tố cấu thành của chúng cũng chỉ tương đối.
Nếu như giá trị văn hoá chính là trình độ tiên tiến của cuộc sống, của lối sống, chúng là cẩm nang và công cụ cho chủ thể quản lý và giải toả xung đột hiểu đúng và sâu đời sống hiện tại của các bên xung đột, thì tâm trạng xã hội giúp nắm bắt được suy nghĩ, mong muốn, đặc biệt là động cơ, cảm xúc, tính cách của chủ thể xung đột. Trong các mâu thuẫn, xung đột, khi các bên cùng chia sẻ các giá trị văn hóa, người ta hiểu biết nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, từ đó đi đến đồng thuận. Trên cơ sở tâm thế, các chủ thể làm nhiệm vụ giải toả xung đột mới có thể hành động với tầm văn hoá của mình, tránh được các động cơ thiên vị, nhỏ nhen, ích kỷ...mới có thể khách quan, công minh, đấu tranh cho công lý và chân lý. Không có văn hóa thì cũng không có tâm thế; không thể nói đến động cơ, tâm trạng, tính cách, cảm xúc…Làm sao có thể có thỏa hiệp, đồng thuận, thông cảm cho nhau giữa các bên xung đột nếu không có những giá trị văn hóa chung, không có năng lực và cảm xúc?
Kết luận:
Có thể nói, giải pháp văn hoá – tâm lý trong giải toả xung đột có ưu thế riêng biệt của nó. Tùy tính chất, quy mô loại hình xung đột để xác định vai trò chính yếu hay thứ yếu của nó trong quản lý, giải tỏa xung đột. Yếu tố văn hoá –tâm lý có sức mạnh đặc biệt trong việc nắm bắt suy nghĩ và quản lý hành vi con người, và có sức mạnh lâu dài, được lựa chọn trước hết, hơn là giải pháp vũ lực. Hệ giá trị văn hoá sẽ là vũ khí lợi hại trong quá trình quản lý và giải toả xung đột xã hội, nhất là đối với những xung đột xã hội mà các bên xung đột đều có văn hoá cao.
Khi văn hóa xã hội đã chuyển từ văn hóa áp đặt, mệnh lệnh, hành chính từ phía các cơ quan công quyền và văn hóa bất phục tùng, tùy tiện từ phía công dân sang văn hóa đối thoại, văn hóa hòa giải, thì việc quản lý xung đột xã hội sẽ rất hiệu quả. Lúc đó, tâm trạng xã hội trong tình huống xung đột chủ yếu sẽ bao trùm sự tin tưởng vào hệ thống quản lý, vào hệ thống pháp luật, vào nhà nước pháp quyền và công lý. Với một tâm trạng xã hội tích cực như vậy, tâm thế của các chủ thể xung đột và quản lý xung đột chắc chắn sẽ khách quan, công minh và sáng suốt hơn. Việc quản lý giải tỏa xung đột xã hội sẽ hiệu quả hơn.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn
TS Nguyễn Thị Thanh Dung
[1] Có thể tìm khái niệm tự trong tiếng Anh mentality, tiếng Nga: Менталитет. Xem thêm: Gubanov N.I và Gubanov N.N (2014), trên tạp chí : Историческая психология и социология истории. Том 7, номер 2, https://www.socionauki.ru/journal/articles/254532/,
Người gửi / điện thoại
Đánh giá