CHÍNH TRỊ HỌC
TTO - Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ (SFRC) cho biết đã thúc đẩy dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc liên quan đến các hoạt động của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mục lục bài viết
"Tại cuộc làm việc hôm nay, SFRC đã thông qua S.1657 - Đạo luật trừng phạt biển Hoa Đông và Biển Đông 2021. Dự luật sẽ được chuyển tiếp đến Thượng viện", chủ tịch SFRC Bob Menendez viết trên mạng xã hội Twitter ngày 20-10, giờ Việt Nam.
S.1657 được hai thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ben Cardin và hơn 10 nhà lập pháp Mỹ đệ trình từ năm 2019.
Theo trang Quốc hội Mỹ, dự luật yêu cầu phong tỏa tài sản và từ chối thị thực đối với những công dân, thực thể Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển trên Biển Đông hoặc có hành động, chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài ra, dự luật yêu cầu cấm đưa ra các tài liệu cho rằng các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc Trung Quốc, và hạn chế hỗ trợ cho những quốc gia công nhận điều này. Bộ Quốc phòng, tàu chiến và máy bay Mỹ cũng không được có hành động công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Ông Marco Rubio và Ben Cardin đã ra tuyên bố sau động thái của SFRC, kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật. Theo ông Rubio, rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ tại khu vực là có thật. Do đó, Mỹ cần các công cụ bổ sung để đối đầu với Trung Quốc bởi nước này tiếp tục nỗ lực nhằm khẳng định quyền kiểm soát bất hợp pháp đối với các lãnh thổ biển (vùng biển ven bờ bao gồm nội thủy và lãnh hải) ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong khi đó, ông Cardin khẳng định: "Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cho các tranh chấp".
Tại Biển Đông, các tàu chiến của Mỹ đi quanh khu vực này thường vấp phải sự phản ứng mạnh của Trung Quốc. Theo Hãng tin Sputnik, Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ thông tin chi tiết vụ tàu ngầm của nước này va chạm với một vật thể dưới nước tại khu vực, tiếp tục chỉ trích Washington "vô trách nhiệm và lén lút".
Dù vụ va chạm không gây ra thiệt hại nào, nó cũng khiến nhiều nước trong khu vực căng thẳng, đặc biệt là sau khi Mỹ mới đây quyết định chuyển giao tàu ngầm hạt nhân cho Úc trong thỏa thuận ba bên AUKUS giữa Anh, Úc, Mỹ.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá