CHÍNH TRỊ HỌC
(Baonghean.vn) - Khi được hỏi thần tượng quân sự của mình là ai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời rằng: “Thần tượng quân sự của tôi là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ”.
Mục lục bài viết
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài năng nhất của của đời Trần, người viết ra “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”, “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư”. Với vai trò là Tiết chế các đạo quân thủy bộ trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, ông đã góp sức to lớn cùng nhà Trần chỉ huy quân dân nhà Trần lấy đoản binh chống lại trường trận, dùng kế vườn không nhà trống, kiên cường kháng chiến thắng lợi. Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba, ông về ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp (Hải Dương). Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến hỏi về kế sách. Năm 1300, Vua Trần Anh Tông hỏi về kế sách giữ nước thì ông đã cho rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Năm 1416, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, nơi bọn giặc Minh quản thúc ông và sau đó dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Lỗi Giang, Thanh Hóa. Trong bài tựa Ức Trai di tập, Ngô Thế Vinh cho biết, Bình Ngô sách đã “hiến mưu chước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người”. Sau khi xem Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi được Lê Lợi cho ngày đêm dự bàn việc quân. Theo Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là cội nguồn của cuộc sống. Có nhân nghĩa thì thành công, không nhân nghĩa thì thất bại. Bọn giặc Minh thì “Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế/ Gây binh, kết oán trải hai mươi năm/ Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời” (Bình Ngô Đại Cáo). Binh pháp “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi do đó đã giúp khởi nghĩa Lam Sơn trong việc thu phục lòng dân khi tiến quân mở rộng cuộc khởi nghĩa.
Ngày 25 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, các chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn đã ra lệnh cho tướng sĩ: Dân ta khốn khổ vì giặc đã lâu, phàm đến châu huyện nào mảy may không được xâm phạm. Cho nên, Lam Sơn Thực Lục cho biết, sau khi lệnh trên được thi hành, nhân dân chẳng ai là không vui mừng, tranh nhau đem trâu, rượu ra đón khao dùng vào quân dụng. Khi nghĩa quân Lam Sơn cho một bộ phận đột nhiên quay trở lại đánh úp Tây Đô thì nhân dân Thanh Hóa đều thi nhau đến cửa quân, xin hăng hái ra sức để mưu báo đền. Lam Sơn Thực Lục cho biết thêm nữa, khi tiến ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn được nhân dân các lộ Đông Kinh cùng phiên trấn các xứ hân hoan, tranh nhau đem bò, dê, lương thực đến để khao tướng sĩ.
Cuối năm 1426, khi quân ta tiến ra vây thành Đông Đô thì trong 3 ngày đầu, nhân dân kinh lộ và các phủ châu huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập đến cửa quân, xin ra sức liều chết để đánh thành giặc các nơi. Tiếp đó, việc tổ chức Hội thề Đông Quan (ngày 10/12/1427) để cho Vương Thông rút quân về nước chính là vì “Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức/ Chẳng những mưu kế kỳ diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay” (Bình Ngô Đại Cáo). Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi cũng chính do đây là đội quân lấy nhân nghĩa làm đầu. Có nhân nghĩa sẽ tạo ra được một đội quân không có kẻ thù nào có thể địch lại được. Đó chính là đỉnh cao của binh pháp “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi.
Lịch sử ghi nhận Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ chưa từng bị thất trận. Ông đã quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước vào năm 1789. Trong tác phẩm Lịch sử nước ta (1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận xét ông là người “phi thường”, có “chí cả mưu cao”. Kế hoạch hành quân, tấn công chớp nhoáng vào địch quân là một binh pháp kỳ tài của người thủ lĩnh áo vải này. Bởi 29 vạn quân Mãn Thanh được tên Vua Lê Chiêu Thống rước về nước và chúng đã kịp xây đồn lũy phòng thủ. Với quân số ít hơn và hành quân từ xa nhưng kết quả quân Tây Sơn vẫn chiến thắng giặc. Nguyên nhân là do Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chia quân làm 3 đạo hành quân thần tốc khiến giặc bất ngờ, bị động nên đại bại. Nói về điều này, sách Hoàng Lê nhất thống chí viết “Người Tây Sơn hành quân như bay tiến quân rất gấp, xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp”.
Là một thầy giáo dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa những kế sách đánh giặc, giữ nước của tổ tiên ta. Bởi lịch sử của dân tộc ta là lịch sử được viết bởi hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam. Đại tướng rất hay nhắc lại câu nói giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta”. Trong nhiều lần trao đổi với Hội Sử học Việt Nam, Đại tướng cho biết, chính hiểu biết và tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong việc chỉ huy Quân đội ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt nguồn từ tư tưởng quân sự truyền thống xưa của dân tộc Việt Nam là “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Xem những người chiến sỹ như ruột thịt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh” như nhận xét của Thượng tướng Trần Văn Trà.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thì khẳng định: “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ nhân danh việc thực hành quan điểm cách mạng tiến công để đưa ra những mệnh lệnh chủ quan, gây nên thương vong nghiêm trọng và vô lý cho các đơn vị, nhất là cho các sư đoàn. Những đòn tiến công vừa táo bạo vừa cẩn trọng của Tổng Tư lệnh chẳng những gây khiếp sợ cho quân địch mà còn bảo toàn được chủ lực và tính mạng của tướng sỹ với tỷ lệ cao. Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ý thức rất sâu sắc: Người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng Tư lệnh, phải có trách nhiệm đối với từng vết thương, từng giọt máu của mỗi người lính. Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã từng nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp!”.
Năm 1990, khi trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow - phóng viên báo New York Time, tác giả của cuốn sách “Vietnam - a history”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể Triết hoặc Lịch sử”.
Tháng 11/1998, nhà báo John Fitzgerald Kennedy, Jr. (con trai Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy) cho đăng trên Tạp chí George cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi được hỏi “Ai là vị tướng người Việt giỏi nhất?”, không một phút giây suy nghĩ, Đại tướng trả lời tức khắc: “Nhân dân Việt Nam!”.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá