CHÍNH TRỊ HỌC
TTO - Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 19-6 phản đối nghị quyết mới kêu gọi ngăn đưa vũ khí tới quốc gia này của Liên Hiệp Quốc, cho rằng nghị quyết này “chỉ dựa trên các cáo buộc một chiều và những kết luận sai lầm”.
Mục lục bài viết
Trong tuyên bố ngày 19-6, Myanmar cho biết Bộ Ngoại giao của họ đã gửi thư phản đối lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và chủ tịch Đại hội đồng LHQ (UNGA).
Với 119 nước đồng ý, UNGA ngày 18-6 đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên "ngăn chặn dòng chảy vũ khí đến Myanmar".
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi quân đội Myanmar "ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực với người biểu tình ôn hòa".
Ngoại trừ Belarus bỏ phiếu phản đối, các quốc gia láng giềng của Myanmar là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và 33 nước khác đã bỏ phiếu trắng.
Hãng tin Reuters nhận định nghị quyết trên đã thể hiện quan điểm quốc tế về việc quân đội Myanmar giành lại quyền lực hôm 1-2. Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào bất ổn kể từ đó.
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun, người từng lên tiếng phản đối chính quyền quân sự tại quốc gia của mình hồi tháng 2-2021, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên.
Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “thực hiện các động thái mạnh nhất có thể để lập tức chấm dứt” việc quân đội kiểm soát tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 19-6 tuyên bố chính quyền quân sự đã cách chức ông Kyaw Moe Tun và phán tội phản quốc đối với ông này.
“Vì thế, các tuyên bố, sự tham gia và hành động của ông ấy trong cuộc họp (của LHQ) không có tính hợp pháp và không thể chấp nhận. Myanmar phản đối mạnh mẽ sự tham gia và các tuyên bố của ông”, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết.
“Trong khi Myanmar tôn trọng các đóng góp mang tính xây dựng từ cộng đồng quốc tế về việc giải quyết các thách thức Myanmar đang đối mặt, mọi nỗ lực xâm phạm chủ quyền quốc gia và can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar sẽ không được chấp nhận”, cơ quan này nhấn mạnh.
Trước UNGA, Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) đã đưa ra nhiều tuyên bố về Myanmar, bao gồm chỉ trích việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa. UNSC cũng kêu gọi quân đội Myanmar xây dựng quá trình chuyển giao dân chủ.
UNSC được xem là cơ quan có quyền lực hơn so với UNGA vì các nghị quyết của UNSC có tính ràng buộc pháp lý.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá