Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Bài báo "Dân vận" của Hồ Chí Minh và ý nghĩa phương pháp luận đối với công tác dân vận công an nhân dân

Bài báo "Dân vận" của Hồ Chí Minh và ý nghĩa phương pháp luận đối với công tác dân vận công an nhân dân

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Bài viết tham gia Hội thảo: “Công tác dân vận của Công an Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của Học viện Chính trị Bộ Công an.

Mục lục bài viết

359
  1. Bài báo “Dân vận” của Hồ Chí Minh

“Dân vận” là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15-10-1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949. Đây là thời điểm có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến. Tác phẩm được in trong Bộ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội 2011, tr. 232.

Đây là một bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ gồm hai từ), đến dung lượng (chỉ 573 từ); được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong xúc tích, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.

Tác phẩm chia thành bốn mục lớn, theo thứ tự từ I đến IV:

I - Nước ta là nước dân chủ

II - Dân vận là gì?

III - Ai phụ trách dân vận?

IV - Dân vận phải thế nào?

Bài báo nói về công tác dân vận, nhưng mục đầu tiên Hổ Chí Minh lại đặt tên “Nước ta là nước dân chủ”. Vì sao vậy? Hàm ý ở đây là: Công tác dân vận chỉ có thể có trong một nước dân chủ. Trong nhà nước chuyên chế, nhà nước quan liêu, không có và không cần công tác dân vận.

Trong nhà nước chuyên chế phương Đông “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Vua bảo thần chết, thần phải chết, thần không chết là thần không trung với vua. Hay câu ca dao:

Tháng Tám có trát Vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải mặc quần chồng sao đang?

Vua đã ra lệnh thì thần dân phải làm, trái lệnh vua, có thể xử trảm. Như vậy có cần dân vận không? Không cần! Vua, quan là phụ mẫu của dân, là bề trên, là người “cầm cân, nẩy mực”, dù “dân vi quý”, nhưng không cần dân vận. Trong mô hình nhà nước quan liêu, mọi quyết sách đều được ban hành từ một nhóm quan chức bàn giấy xa dân. Vì vậy, ý dân, quyền lợi của dân thường cũng không được coi trọng. Vì vậy trong mô hình này cũng không cần dân vận.

Trong mô hình nhà nước dân chủ, pháp quyền, nơi người dân là chủ và người dân làm chủ. Nơi mà mọi quyền bính thuộc về nhân dân, vậy phải làm sao để dân thực sự làm chủ? Phải để dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và mục đích cuối cùng là để dân hưởng. Vì vậy, khi nói đến dân vận Hồ Chí Minh trước hết là nói về dân chủ và Người khẳng định:

I - NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Mặc dù trong một nước dân chủ, người dân đơn lẻ tự mình không thực thi được được quyền lực. Nhân dân phải tổ chức quyền lực đó thành nhà nước. Bản chất công tác dân vận theo tư tưởng của bài báo “Dân vận”, chính là tổ chức và thực thi quyền lực của nhân dân, là quá trình hoạch định và thực thi chính sách công trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền, phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Chính vì lẽ đó, mà trước khi bàn cụ thể về công tác dân vận, Hồ Chí Minh nhắc lại và khẳng định tinh thần của Hiến pháp (1946) và mục tiêu xây dựng nền dân chủ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

II - DÂN VẬN LÀ GÌ?

Hồ Chí Minh coi “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.

Nội dung chính của công tác dân vận là:

Thứ nhất, dân biết. Người viết: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

Thứ hai, dân bàn: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương,”

Thứ ba, dân làm: “Động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”.

Thứ tư, dân kiểm tra, đánh giá: “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Phương thức dân vận theo Hồ Chí Minh rất đa dạng phong phú. Mỗi hình thức có vị trí vai trò nhất định, cần phối hợp chặt chẽ với nhau. “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Theo Người, quan trọng là làm (làm trước, làm mẫu) chứ không chỉ tuyên truyền, cổ động.

III - AI PHỤ TRÁCH DÂN VẬN?

Công tác dân vận theo Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhưng quan trọng nhất, và trước hết là cán bộ chính quyền, rồi đến cán bộ đoàn thể (Đảng), rồi đến cán bộ tổ chức nhân dân (Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội).

Điều này thể hiện vai trò của nhà nước pháp quyền trong thực thi chính sách. Người viết:

“Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”.

Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị có nhiều loại hình tổ chức từ Nhà nước, Đảng đến các tổ chức chính trị - xã hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải phân công, phối hợp kỹ càng, rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Từ việc lên kế hoạch, các công việc cổ động, tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua, tập huấn cho dân, theo dõi, kiểm tra, xử lý các tình huống khó khăn…người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xung phong gương mẫu, cầm tay chỉ việc, làm kiểu mẫu cho dân làm.

IV - DÂN VẬN PHẢI THẾ NÀO?

Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò công tác dân vận, cán bộ dân vận. yêu cầu đối với công tác dân vận rất lớn. Người viết: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Từ năm 1949, Người đã nhìn thấy và phê bình thái độ coi thường công tác dân vận, hiểu không đúng tính chất, nội dung công tác dân vận. Tuy vậy, khuyết điểm ấy vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, chưa khắc phục được.

“Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại.

Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

  1. Ý nghĩa phương pháp luận đối với công tác dân vận của Công an nhân dân

Theo Luật Công an nhân dân (có hiệu lực năm 2019), Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trong Chương II của Luật ghi rõ:

Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện được chức năng đó, Công an nhân dân được giao nhiều nhiệm vụ và quyền hạn (Điều 16). Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập và hội nhập toàn diện vào đời sống kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới, có thể nói rằng nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân rất to lớn và nặng nề.

Bài báo Dân vận của Hồ Chí Minh cung cấp một giá trị phương pháp luận đối với công tác dân vận của Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật quan trọng trong nhà nước pháp quyền đó là:

Thứ nhất: Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi quyền hành lực lượng đều ở nơi dân. Ngày nay, Công an nhân dân là lực lượng thực thi pháp luật trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do sự lãnh đạo của Đảng. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được các giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, thể hiện bản chất dân chủ, pháp quyền phù hợp với truyền thống chính trị của nước ta: Yêu nước, trung thành với Tổ quốc; thương dân, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân; trung thành với đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng; đặt mọi hoạt động của mình trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.

Đối với nhân dân, chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, thực hiện lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an nhân dân phải kính trọng lễ phép với nhân dân; cái gì có lợi cho dân phải cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Thứ hai: Phải tạo mọi điều kiện để phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.

Ngày nay, trong thế trận an ninh nhân dân, cuộc đấu tranh để giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội hết sức phức tạp. An ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng và công nghệ cao là những thách thức vô cùng to lớn. Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an nhân dân cần phát huy tác dụng “dân vận khéo”, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Công an nhân dân phải là “bạn của dân”[1], phải gắn bó với nhân dân. “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”.[2]

Thứ ba: Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Công tác dân vận, theo Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị có nhiều loại tổ chức từ Nhà nước, Đảng đến các tổ chức chính trị - xã hội. Vấn đề đặt ra đối với Công an nhân dân là thực hiện sự phối hợp giữa các tổ chức của hệ thống chính trị như thế nào? Đó là tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Đảng ủy Công an nhân dân; là sự phân công, phối hợp kỹ càng, rõ ràng, rành mạch, cụ thể giữa các Tổng cục, các cục, các đơn vị, các địa phương cho đến cơ sở; phối hợp các đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Đặc biệt là đấu tranh với các thế lực thù địch, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghia, xử lý các tình huống chính trị, các điểm nóng chính trị - xã hội, đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội.

Thứ tư: Giúp đỡ nhân dân, hướng dẫn nhân dân trong đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nhân dân có thể hăng hái tham gia các công việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhưng nhân dân lại thiếu chuyên môn, nghiệp vụ và phương tiện chuyên dùng. Hành động của nhân dân nhiều khi tự phát, đơn độc, thiếu hiệu quả, thậm chí vô tình vi phạm pháp luật. Vì vậy, Công an cần giúp đỡ nhân dân, từ việc lên kế hoạch, tuyên truyền pháp luật, tổ chức các phong trào thi đua, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết cho dân.  

Thứ năm: Coi trọng công tác dân vận, thực hiện dân vận khéo.

          Vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở từ năm 1949 về “xem khinh việc dân vận”, bố trí cán bộ không đủ năng lực làm công tác dân vận, cho đến nay tình trạng đó vẫn ít nhiều đang tồn tại.

          Để khắc phục tình trạng này, trước hết, cần đổi mới nhận thức về vai trò của công tác dân vận, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, sao cho đáp ứng yêu cầu tình hình mới của ngành và của đất nước. Nhiều khi việc bố trí cán bộ làm công tác dân vận không đáp ứng yêu cầu là do nhận thức sai về tầm quan trọng của công tác dân vận. Trên cơ sở đổi mới nhận thức về công tác dân vận, mới có thể có kế hoach đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ năng lực, phù hợp. Mặt khác cần có chính sách cán bộ thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác dân vận. Phát huy kết quả của những phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tổng kết những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, nhân rộng và phổ biến trong toàn ngành.

          TÀI LIÊU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.6 - tr.312

[2] Theo Tô Lâm: Sáng mãi “Tư cách người Công an cách mệnh” theo Sáu điều Bác Hồ dạy, https://nhandan.com.vn/

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
20-05-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 26
Trong tuần: 281
Lượt truy cập: 361696
Lên đầu trang