Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

In bài viết
QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

“Quyền lực chính trị” được coi là phạm trù trung tâm của khoa học chính trị. Phạm trù “quyền lực” nói chung và “quyền lực chính trị” nói riêng là một phạm trù phức tạp, nhưng nó là chìa khóa để giải thích một trong những hiện tượng phổ biến và bản chất nhất của đời xã hội.

1912

I. QUAN NIỆM VỀ QUYỀN LỰC

“Quyền lực chính trị” được coi là phạm trù trung tâm của khoa học chính trị. Phạm trù “quyền lực” nói chung và “quyền lực chính trị” nói riêng là một phạm trù phức tạp, nhưng nó là chìa khóa để giải thích một trong những hiện tượng phổ biến và bản chất nhất của đời xã hội. Đó là bằng cách nào để con người – những cá nhân khác nhau, không lặp lại nhau lại có thể sống thành cộng đồng (huyết thống, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, lãnh thổ…). Vì thế, “quyền lực”, một mặt được hiểu qua phân tích khoa học, mặt khác, thậm chí là chủ yếu, được cảm nhận và trải nghiệm trong quá trình thực thi quyền lực, mà thực thi quyền lực chỉ là một vấn đề, một giai đoạn của quan hệ quyền lực. Vì vậy, xung quanh phạm trù “quyền lực” được bao phủ nhiều quan niệm, kiến giải, thậm chí là huyền thoại và tín ngưỡng. Điều này tương tự như người ta hiểu hàng hóa qua “giá cả” chứ không phải bằng “giá trị” của chúng.

Chuyên đề này, bước đầu giúp người học thấy rõ tầm quan trọng, tính phức tạp và bản chất của phạm trù “quyền lực” “quyền lực chính trị”, “quyền lực nhà nước”   

1.1. Quan niệm của các nhà tư tưởng phương Đông

Khổng Tử cho rằng con người có tính bản thiện. “bản tính lành ban sơ làm cho người ta gần giống nhau, nhưng vì thói quen, nghề nghiệp, kẻ thì giữ được nết lành, kẻ nhiễm tính ác, cho nên họ khác xa nhau”[1]. Như vậy, mỗi con người trong quá trình tương tác xã hội đã sở hữu những giá trị xã hội khác nhau và đã thành những con người có những phẩm chất khác nhau: người quân tử, kẻ tiểu nhân, người quân tử với những phẩm chất của mình xứng đáng là những người cai trị, kẻ tiểu nhân là những người bị trị, phải phục tùng người cai trị.

Phân tích những điều mà Khổng Tử nói, chúng ta thấy rằng, phẩm chất của người quân tử đáp ứng được những yêu cầu tiến bộ chung của cộng đồng xã hội (xét theo bối cảnh đương thời).

- Những phẩm chất của người quân tử không tự sinh ra mà do xã hội đem đến (thói quen, nghề nghiệp…)

- Những phẩm chất này thỏa mãn được nhu cầu của cộng đồng xã hội.

- Xã hội trao cho người quân tử quyền lực để thống trị xã hội.

Từ đây, người quân tử có cơ sở của quyền lực và có thể sử dụng chúng để thực hiện chức năng thống trị xã hội.

Khi bàn về quyền lực nhà nước Khổng Tử quan niệm rằng: Quyền lực nhà nước là quyền lực do Thiên định. Trời giao phó cho Thiên tử (thay trời trị dân) cai quản, chăm sóc dân. Theo cách quan niệm này, một người nào đó lên ngôi Thiên tử cho dù là theo phương thức kế truyền hay bằng bạo lực lật đổ chế độ cũ đã suy tàn đều là do Thiên mệnh. Ngày nay, chúng ta biết rằng “Thiên mệnh” ở đây không hoàn toàn mang tính quyết định luận mà là tổ hợp của các nguyên do mà con người không rõ, nhưng muốn và phải tuân theo. Bản chất của Thiên mệnh chính là Đức tin. Tuy nhiên suy cho cùng là do hạn chế của hiểu biết trong xã hội đương thời. Có thể nói đức tin vào Thiên mệnh là một giá trị xã hội. Giá trị này là nguồn lực của quyền lực, khi nhà vua sử dụng nó để cai trị đất nước thì giá trị này đã trở thành quyền lực nhà nước.

Lão Tử cho rằng thế giới tự nhiên hay xã hội đều có những quy luật, đường đi (đạo) của nó. Con người sống trong thế giới này nếu hiểu biết đạo sẽ sáng suốt và hành động thuận theo các luật này sẽ có sức mạnh cải biến con người và xã hội.

Thánh nhân là những người nắm bắt được đạo, vì vậy, việc dẫn dắt, cai trị dân chúng, thiết lập và duy trì được trật tự, ổn định xã hội là công việc của các bậc thánh nhân và chỉ có thánh nhân mới làm được.

Như vậy, theo Lão Tử nguồn gốc của quyền lực trong xã hội, quyền lực nhà nước là việc thực hiện việc cai trị xã hội, để xã hội đó vận hành theo đúng “đạo” (con đường) của nó. Và quyền lực đó phải thuộc về những bậc thánh nhân – những người biết “đạo”. Nếu trị nước theo “đạo” thì sẽ “vô vi nhi trị” tức là trị mà không trị.

Hàn Phi Tử kế thừa tư tưởng của Lão Tử, cho rằng, Quyền lực trong xã hội là do con người tạo ra, được thể chế hóa thành những địa vị nhất định trong xã hội. Quyền lực cao nhất là quyền lực của Thiên tử, người nắm quyền cai trị tuyệt đối đối với toàn bộ xã hội.

Theo Hàn Phi Tử, thế, địa vị là những vị trí quyền lực đã được thiết lập trong xã hội, là cái người ta lập ra, không phải là cái một người có thể lập ra. Vì vậy, người có tài mà không có thế thì dù có hiền cũng không thể khống chế được kẻ hư hỏng. Cho nên hư hỏng mà khống chế người hiền là nhờ thế. Kiệt làm thiên tử thì có thể khống chế được thiên hạ. không phải vì ông ta hiền nhưng cái thế của ông ta nặng. Nghiêu mà làm kẻ thất phu thì không thể sửa đổi được ba nhà. Không phải vì ông ta hư hỏng mà vì cái địa vị của ông ta thấp. Dân chúng vốn phục tùng theo quyền thế chứ không có mấy người vì đạo nghĩa mà cảm hóa. Uy thế dễ làm cho người ta phục tùng theo mình.

Như vậy từ xa xưa, khi cắt nghĩa quyền lực, quyền lực nhà nước, người ta đã thấy rằng quyền lực, quyền lực nhà nước không phải là quyền lực của chính người thực thi nó, không phải quyền lực của chính ông vua mà nằm ngoài ông vua. Ông vua chỉ là người được trao quyền lực mà thôi. Những người thực thi quyền lực là những người có thể sở hữu "phẩm hạnh", "thế", "đức tin - Thiên mệnh", "đạo"…(cơ sở của quyền lực), như trong xã hội Trung Quốc xưa, đó là là những "thánh nhân", những bậc quân tử, những người "hiền".

1.2. Quan niệm của các nhà tư tưởng phương Tây

- Thời cổ đại và trung đại

Platon quan niệm quyền lực là cái mà người có nó có khả năng buộc người khác hành động theo ý chí của mình. Vậy cái mà người có nó là gì? Một trong những cái đó là trí tuệ, bạo lực. Platon rất chú ý đến quyền lực nhà nước. Theo ông, nhà nước xuất hiện là do nhu cầu của con người. Quyền lực nhà nước phải nằm trong tay những nhà thông thái (nhà triết học) là những người có khả năng sắp đặt mọi yếu tố trong cuộc sống theo một cách thức có lợi nhất nhằm khuyến khích các phẩm chất riêng biệt của mỗi cá nhân (trí tuệ thông thái, sự gan dạ, ôn hòa…) và đảm bảo cho mọi cá nhân sẽ hành động theo đúng chức năng của họ.

Mục tiêu của quyền lực nhà nước là duy trì bình đẳng và công lý, thực hiện lợi ích của các cá nhân cũng như tạo nên sự thịnh vượng chung của xã hội.

Aristotle cho rằng tự nhiên tạo ra một số người cai trị và những người khác chấp hành. Ông nhận ra trong xã hội các loại quyền lực được thực thi đối với nhóm xã hội, tổ chức: Chẳng hạn quyền lực của người chồng và cha đối với vợ và con cái; quyền lực của chủ đối với nô lệ, quyền lực của các nhà cai trị đối với dân là quyền lực chính trị, được sử dụng cho thành bang.

Nguồn gốc của quyền lực chính trị, theo Aristotle con người do tự nhiên có khuynh hướng sống thành một cộng đồng chính trị. Con người ngay từ đầu, theo tự nhiên đã liên kết lại với nhau vì các cá nhân không thể sống thiếu nhau. Trong cộng đồng, quyền lực thuộc về người nắm giữ sự khôn ngoan, trí tuệ, mà phẩm chất và hành động ra lệnh của ông sẽ là dựa trên các quy luật mà ở đó người ta tìm thấy sự hợp lý để có thể tuân thủ.   

Theo Aristotle, các hoạt động hiệp tác xã hội của con người đòi hỏi phải có tổ chức chính trị. Với bản chất của con người như vậy, sự hình thành xã hội, nhà nước là một quá trình lịch sử tự nhiên. Mục tiêu của quyền lực là làm cho cuộc sống của cộng đồng, xã hội ngày một tốt hơn, người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Machiavelli (1469- 1527), khi nói về nguồn gốc và bản chất của quyền lực, đã cho rằng: Vào buổi đầu của thế giới, số lượng cư dân ít và sống phân tán như thú vật. Khi loài người đông lên, con người nhận thấy sự cần thiết phải liên kết với nhau để bảo vệ mình và cách tốt nhất để làm được điều này là họ chọn những người khỏe mạnh và dũng cảm nhất trong số họ cho anh ta làm người chỉ huy và cam kết tuân thủ anh ta.

Khi hòa bình đã xác lập, nhân dân sẽ chọn một Quân vương, không phải tìm người khỏe nhất hay dũng cảm nhất mà là người tài giỏi và công bằng nhất. Như vậy, quyền lực nhà nước là do con người thiết lập nên và chấp thuận tuân thủ nó do những điều kiện, lợi ích của mình. Theo đó các phong tục, luật lệ, thể chế có những quyền lực nhất định.

Thời cận đại

Hobbes (1588 – 1679) cho rằng, quyền lực của Con người (theo nghĩa chung nhất) là khả năng hiện tại của mình để đạt được đến mẫu hình tương lai của Thượng đế.

Hobbes là người sớm hình dung ra việc tập trung quyền lực, việc góp quyền hay ủy quyền. Theo ông quyền lực lớn nhất là quyền lực của loài người, được tổng hợp bởi quyền lực của hầu hết con người, hợp lại bởi sự nhất trí (đồng lòng) vào trong một người, về tự nhiên hoặc xã hội, đã sử dụng toàn bộ quyền lực của họ dựa vào ý chí của họ: chẳng hạn như quyền lực của một quốc gia, hoặc dựa vào ý chí của một bộ phận cụ thể, chẳng hạn như ý chí của một cơ quan, một nhóm có cùng xu hướng.

Về nguồn gốc và bản chất của quyền lực nhà nước, Hobbes cho rằng, ở trạng thái tự nhiên không ai có bất cứ quyền gì đối với người khác. Trong tình trạng đó tất cả các cá nhân đều bình đẳng - không có ai sinh ra đã có một đẳng cấp hay vị thế cao hơn ai – và có quyền tự nhiên làm những gì họ muốn và được “sở hữu, sử dụng và hưởng thụ tất cả những gì họ sẽ hoặc có thể giành được”[2].

Nhưng trong trạng thái xã hội, Hobbes cho rằng, các cá nhân phải sẵn sàng tự bỏ quyền tự trị của mình để đạt đến một thẩm quyền chung, duy nhất, mạnh mẽ hơn – đó là chủ quyền chính trị, sản phẩm của sự đồng thuận để cùng tồn tại và theo đuổi các lợi ích về lâu dài. Vì vậy các cá nhân trong tình trạng đó bước vào một khế ước xã hội để thiết lập quyền lực chính trị. Để mang lại an ninh cho mình, họ giao nộp tất cả nhưng trừ lại một trong số các quyền của mình đó là quyền tự bảo vệ trước những người họ trao quyền.

Theo lập luận của Hobbes, nhà nước được thiết lập nhờ sự chấp thuận của nhân dân. Nhưng bằng sự chấp thuận của họ, nhân dân ủy quyền cho một người hoặc những người nắm quyền làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì trật tự và hòa bình. Để đảm bảo an ninh, nhân dân đã trao cho người nắm quyền quyền lực tuyệt đối, không có giới hạn, chỉ giữ lại quyền tự bảo vệ khi người nắm quyền đe dọa trực tiếp tới họ.

Locke là người đã luận giải một cách bao trùm và nổi bật về vấn đề nguồn gốc và bản chất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

Theo ông, sự kết hợp giữa con người và tự nhiên có trước sự kết hợp con người với con người trong quan hệ tự nhiên đó, luật tự nhiên chi phối hay các quyền tự nhiên thống trị. Ở đó những quyền tự nhiên của con người là tối cao và bất khả xâm phạm. Đó là quyền được sống, quyền tự do, quyền sở hữu, ...

Mặt khác, cũng theo luật tự nhiên mà con người phải kết hợp với nhau hình thành cộng đồng, xã hội. Để bảo vệ những quyền tự nhiên thiêng liêng của mình mà mọi người, mọi thành viên trong xã hội cùng “ký kết” hình thành chính quyền. Đó là cơ quan quyền lực chung mà chức năng gốc của nó là bảo vệ những quyền tự nhiên của mỗi con người. Quyền lực chung đó không phải tự nó có mà là tổng hợp của sự ủy quyền của mỗi thành viên xã hội, của công dân.

Locke đã định nghĩa Quyền lực chính trị như sau: “quyền lực chính trị là quyền làm ra luật mà hình phạt cao nhất là cái chết và các hình phạt thấp hơn, để quy định và và bảo vệ sở hữu, và quyền sử dụng sức mạnh của cộng đồng để thực thi các luật đó và bảo vệ đất nước khỏi sự xâm chiếm của nước ngoài”[3].

Như vậy, bản chất của quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân thiết lập nên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong xã hội. Trong quan hệ với dân, về bản chất nhà nước không có quyền mà chỉ là thực hiện sự ủy quyền của dân.

Hobbes và Locke đều cho rằng nhà nước được thiết lập dựa trên sự nhất trí của nhân dân, nhưng Locke cho rằng nhân dân chỉ tuân thủ một nhà nước hiến định hoặc có giới hạn. Vì vậy, theo Locke: “Bảo toàn quyền tự nhiên của mỗi cá nhân con người”, đó cũng là tiêu chí căn bản xác định giới hạn phạm vi hoạt động của nhà nước. Trao cho nhà nước tất cả và quyền lực tuyệt đối vừa bất hợp lý vừa trái với ý nguyền của Chúa. Vì vậy, nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng và quyền nổi dậy làm cách mạng.

Tính chất của quyền lực nhà nước là quyền lực dựa trên sức mạnh cưỡng chế nhờ sự chấp thuận của toàn xã hội.

Trong tư tưởng chính trị của J.Lock có ba kết luận quan trọng:

- Quyền lực nhà nước, về bản chất là quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân là cơ sở, nền tảng của quyền lực nhà nước. Trong quan hệ với nhân dân, về bản chất, nhà nước không có quyền mà chỉ là thực hiện sự ủy quyền của nhân dân.

-  Nhà nước - xã hội chính trị - xã hội công dân, thực chất là một “khế ước xã hội”, trong đó các công dân nhượng một phần quyền của mình để hình thành quyền lực chung - quyền lực nhà nước. Nhà nước với quyền lực chung đó điều hành, quản lý... xã hội nhằm bảo toàn những quyền lực tự nhiên của mỗi cá nhân công dân.

Vì thế, mỗi khi hợp đồng bị vi phạm, chính quyền làm sai lạc mục đích của hợp đồng, khi đó công dân có quyền (kể cả đứng lên cầm vũ khí) hủy bỏ “khế ước” đã ký.

- “Bảo toàn quyền tự nhiên của mỗi cá nhân con người” đó cũng là tiêu chí căn bản xác định giới hạn và phạm vi hoạt động của nhà nước. Đi qua giới hạn này, chính quyền dễ trở thành chuyên chế, kẻ thù của tự do, đối tượng của cách mạng.

Montesqueau phát triển và cụ thể hóa cách tiếp cận quyền lực từ khía cạnh con người – xã hội của J.Lock. Con người có những nhu cầu tự nhiên là hòa bình, tự do và bình đẳng, tự kiếm sống, sợ hãi, yêu thương và ước muốn sống thành xã hội. Chính do những nhu cầu tự nhiên này con người đến giao tiếp, lập gia đình, xã hội, nhà nước.

Khi sống thành xã hội, con người phải tuân theo những nguyên tắc, luật lệ nhất định do chính mình thiết lập ra. Đó là luật chính trị và luật dân sự. Luật chính trị quy định các ràng buộc thể chế của các quan hệ quyền lực.

Quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho nhà nước để thực hiện những mục tiêu nhất định của từng cá nhân, cộng đồng, xã hội phát triển phù hợp với tự nhiên nhất.

Montesqueau đi sâu nghiên cứu cách tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và đã đưa ra lý thuyết phân quyền, sẽ được trình bày rõ hơn trong phần phương thức tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.

Rousseau tiếp cận quyền lực từ sự thỏa thuận xã hội, nhà nước là một thỏa thuận của các thành viên trong cộng đồng, xã hội. Nhà nước và xã hội ký kết một bản khế ước nhằm thực hiện những mục tiêu chung.

Ông coi sự thỏa thuận cũng là nguồn gốc và cơ sở của quyền lực chứ không chỉ sức mạnh. Ông viết: “Không ai tự nhiên có quyền uy đối với đồng loại, thế mà lực thì không sinh ra quyền: vậy chỉ có những công ước (convention) là có thể làm cơ sở cho mọi quyền uy chính đáng giữa người với người mà thôi” (tr 35). Công ước là cách thức con người liên kết với nhau để dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mọi thành viên. Mỗi thành viên trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo chính bản thân mình.

Theo Rousseau, nguồn gốc của quyền lực nhà nước có từ quyền lực của nhân dân nhượng lại để thực hiện những mục tiêu chung vì sự phát triển của các thành viên trong xã hội. Song điểm khác căn bản so với quan điểm của Mongtesqueau là nhân dân không chỉ nhường một phần mà nhường lại tất cả quyền lực cho nhà nước. Đến lượt nhân dân nhận lại một phần quyền lực của mình và vì mỗi người đều ủy quyền của mình cho nhà nước nên họ nhận lại một phần ngang nhau, bình đẳng như nhau trước nhà nước.

Như vậy, quyền lực trong đời sống xã hội xuất hiện do yêu cầu khách quan của con người trong phối hợp hành động chung; quyền lực dược trao cho một cá nhân, một nhóm và người tao quyền tự nguyện phùng tùng quyền lực chung đó dưới hình thức một khế ước. Cơ quan quyền lực chung và nhà nước là cơ quan được trao quyền nếu vi phạm khế ước sẽ bị tước quyền băng các hình thức khác nhau, trong đó có cả quyền làm cách mạng.

  -  Thời hiện đại

Chính trị học phương Tây chú trọng tập trung vào ba cách tiếp cận về quyền lực: tâm lý học, xã hội học và chính trị học.

          Một số nhà khoa học xem xét quyền lực là một phạm trù của khoa học chính trị, nên không thể sử dụng trong quan hệ cá nhân. Quyền lực là “chức năng tổ chức cộng đồng, tạo dựng và giữ gìn trật tự nhóm, là chức năng của chính xã hội”[4]

          Một số nhà khoa học khác quan niệm rộng hơn, một mặt thừa nhận hình thức cá nhân của quyền lực, quyền lực này khác với quyền lực chính trị nhưng cũng có cùng những điểm chung nhất định.

Nhóm thứ ba gồm các nhà chính trị học, các nhà triết học chính trị, cho rằng quyền lực trong tất cả các hình thức tồn tại của nó là thống nhất. G.Lasswell và A.Kaplan cho rằng khoa học chính trị nghiên cứu quyền lực trong tổng thể, trong tất cả các hình thức tồn tại của nó [5]

          Điểm chung trong các quan niệm về quyền lực là coi  quyền lực trước hết là quan hệ giữa hai chủ thể cùng tác động đến nhau trong quá trình phối hợp hành động.

Tuy có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung lại, trong tài liệu khoa học, người ta chia ra 4 phương án của cách tiếp cận về quyền lực:

a) Cách tiếp cận hệ thống:

Luman cho rằng, quyền lực không bao giờ chỉ trao cho một người, nó thuộc về cả nhóm và tồn tại cho đến lúc nhóm đó còn tồn tại. Nếu chúng ta nói rằng “anh ta có quyền lực” có nghĩa trên thực tế anh ta đã hành động thay mặt cho cả nhóm. Khi nhóm không trao quyền cho anh ta nữa thì anh ta cũng không còn quyền lực. Như vậy, người sở hữu quyền lực phụ thuộc vào cấu trúc của hệ thống. Rõ ràng, mặc dù các cá nhân trong các xã hội đã có những ưu thế, do phẩm chất cá nhân, do địa vị đã có trong xã hội, vẫn phải chịu sự chi phối bởi hệ thống các thể chế và quan hệ xã hội. Việc xuất hiện những người "có quyền lực", chính là do sự lựa chọn của các nhóm chính trị đứng đằng sau.

b) Tiếp cận xung đột (hay còn gọi lý thuyết chống đối), tiêu biểu là M.Weber, D. Kaplan, J. French, B. Raven…cho rằng, quyền lực là phương tiện để cưỡng bức được sử dụng trong quá trình xung đột, trong đó chủ thể quyền lực đàn áp sự chống đối của đối tượng theo các cấp độ và hình thức khác nhau.           

Theo cách tiếp cận này, một số tác giả định nghĩa quyền lực như là “khả năng của một cá nhân hay một nhóm thực hiện ý chí của mình trong quan hệ với cá nhân hoặc nhóm khác nhờ những sợ hãi, hoặc thưởng phạt, hoặc trừng phạt bất chấp sự kháng cự; tất cả những phương thức hành động đó gọi là những biện pháp tiêu cực”[6] (chế tài - sanction)

Parsons cho rằng, bản chất của quyền lực cá nhân là biểu thị quan hệ thống trị của cá nhân này đối với cá nhân khác trực tiếp bằng những biện pháp trừng phạt tích cực hoặc tiêu cực. Quyền lực chính trị khác quyền lực cá nhân bởi sự tượng trưng và cộng đồng của các phương tiện thống trị. Mục tiêu của sự thống trị đó là tổ chức hành động tập thể.[7]

c) Trong lý thuyết trao đổi nguồn lực (P.Blau, D.Hikson, K.Hainings…) nghiên cứu tình huống khi có sự không ngang bằng về phân bổ nguồn lực giữa các bên tham gia trong quan hệ xã hội, xuất hiện nhu cầu gay gắt về nguồn lực ở những người đã bị tước mất. Lúc đó phía người thừa nguồn lực (đã có quyền lực) đưa một phần nguồn lực trao đổi với người thiếu hụt để lấy hành vi mà mình mong muốn.

P.Blau phân loại sự trao đổi  trong các tình huống phối hợp hành động xã hội và cho rằng quyền lực là một dạng trao đổi. Ông đưa ra 6 dạng trao đổi tương ứng với hai tính chất: công cụ (không có công cụ) và đối xứng (bất đối xứng). Quan hệ quyền lực được ông xác định như kiểu quan hệ trao đổi có công cụ và bất đối xứng. Nói cách khác một người có quyền lực đối với người thứ hai, khi người thứ hai thường xuyên phụ thuộc vào người thứ nhất, cần phải nhận được lợi ích, mà người thứ hai không thể nhận được ở đâu khác ngoài ở người thứ nhất.

Tiếp cận của Blau được thừa nhận của giới xã hội học phương Tây, do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong nguồn gốc của quyền lực, theo Blau tồn tại một thực tế là không có sự phân bổ ngang bằng về nguồn lực, điều này đe dọa người phục tùng hoặc thậm chí trừng phạt anh ta bằng các biện pháp (chế tài) tiêu cực. Thứ hai, thừa nhận rằng sự trao đổi các nguồn lực là rõ ràng. Thứ ba, thừa nhận sự trao đổi hợp lý, và quyền lực là sự phụ thuộc của cá nhân vào sự phân bổ những nguồn lực khan hiếm và quyền lực cũng phụ thuộc vào mức độ trao đổi các nguồn lực khan hiếm, tức phụ thuộc vào khả năng của chủ thể quyền lực tìm nguồn lực cần thiết ở chỗ khác.[8]

Cách tiếp cận này tập trung vào 3 vấn đề: Sự tồn tại của nguồn lực; nhận biết được sự tồn tại, kết quả mong muốn của việc sử dụng chúng; và các phương pháp huy động nguồn lực. Nguồn lực, hay các giá trị xã hội không trở thành quyền lực nếu không sử dụng chúng trong quan hệ quyền lực, tức không đưa vào thực thi để thay đổi hành vi của đối tượng.

Quan niệm này có thể nói là tương đồng với quan niệm của J.Rousseau, mà sau này chính Ăngghen cũng nhắc lại về tính khách quan của quyền lực, tức quyền lực của A đối với B không phải xuất hiện do A mong muốn mà do B cần nó. Nói rộng ra, quyền lực xuất hiện do nhu cầu của B. Trong trường hợp này quyền lực của A là một nguồn cung.

d) Phân chia vùng ảnh hưởng [9].

          Lý thuyết phân chia vùng ảnh hưởng (D. Wrong…) tập trung sự chú ý không chỉ vào những tình huống riêng biệt trong phối hợp hành động của các cá nhân, mà còn tổng thể các hành động đó. Khi có sự thay đổi vai trò của các bên tham gia, nếu như trong tình huống này bên này có quyền lực thì trong thay đổi tình hống, lĩnh vực tương tác ảnh hưởng của bên đó có thể bị thay đổi, tức không có quyền lực.

Như vậy, quyền lực, đặc biệt khi xem xét nó trong tình huống được kế thừa hoặc chuyển giao cho thấy nó có nguồn gốc không phải gắn với sự hiện diện của cá nhân, mà là có nguồn gốc xã hội, như một giá trị xã hội, tồn tại khách quan ngoài chủ thể của nó. Người có quyền lực, nhận quyền lực và cố gắng giữ lấy nó trước hết và cơ bản là nhờ xã hội chứ không phải nhờ cá nhân. Trong quá trình đó càng có nhiều người ảnh hưởng ủng hộ, trao quyền thì quyền lực của chủ thể càng mạnh.

Như vậy, những phẩm chất cá nhân tuy rất cần thiết để có quyền lực, để đạt tới quyền lực, nhưng chúng chỉ là một trong những điều kiện cần, chứ không phải là đủ, hơn nữa nó không phải là cơ bản và không phải là quyết định.

-  Nguồn lực của quyền lực (cơ sở của quyền lực)

Do quan niệm nguồn lực và quyền lực là khác nhau, nên nhiệm vụ phân loại nguồn lực được đặt ra trước nhiều nhà nghiên cứu quyền lực. “Nguồn lực đó là thuộc tính, trạng thái hoặc là lợi ích…mà người sở hữu chúng sẽ tăng khả năng ảnh hưởng của mình đối với người khác, hoặc nhóm khác”[10].

M.Rogers chia ra hai kiểu nguồn lực: “tiền nguồn lực” (infra- resource) và “nguồn lực công cụ”. Loại thứ nhất là thuộc tính, trạng thái, lợi ích… chúng cần phải có trước khi đưa nguồn lực công cụ vào hoạt động. Không có loại thứ nhất, loại thứ hai sẽ trở nên mất tác dụng. Nguồn lực công cụ được hiểu là phương tiện để ảnh hưởng. Chúng có thể được sử dụng để  kích thích, trừng phạt hoặc thuyết phục. Như vậy, trong các tình huống khác nhau những cá nhân thực hiện được quyền lực hay không, tùy thuộc và việc có huy động được hay không “tiền nguồn lực” và “nguồn lực công cụ” của mình.

Quan hệ quyền lực được xác lập trong đấu tranh, trên cơ sở trao đổi cơ hội để nhận quyền lực từ hai phía, trong quá trình đó người phải phục tùng cũng nhận được một phần quyền lực nào đó. Từ đây xuất hiện khả năng chi phối các quan hệ quyền lực, không chỉ còn quan hệ bất đối xứng nữa mà còn là quan hệ tương tác bao trùm giữa các chủ thể quyền lực. Kiểu quan hệ này rất phổ biến, ví dụ như quan hệ giữa các nhà nước chẳng hạn.

Tư tưởng này của Weber, tuy không được phân tích rõ nét, được D.Wrong phát triển trong lý thuyết phân chia vùng ảnh hưởng. Theo ông, sự chú ý quá mức đến tính bất đối xứng của quan hệ quyền lực của một số nhà xã hội học, đã làm giảm mất tính tương đối của quyền lực.

Wrong tập trung vào gốc rễ của quyền lực – sự tương tác xã hội. Ông không phủ nhận tính bất đối xứng tồn tại trong trong từng bối cảnh của hành động cá nhân, nhưng ông nhấn mạnh bằng chứng về sự trao đổi thường xuyên vai trò giữa chủ thể và đối tượng của thực thi quyền lực. Một số kiểm soát trong tình huống này, nhóm khác trong tình huống khác. Ví dụ: công đoàn kiểm soát việc thuê công nhân, giới chủ kiểm soát thời gian và vị trí làm việc…Nếu xem xét quan hệ quyền lực trong một hệ thống thứ bậc chúng ta sẽ thấy hàng loạt các quan hệ giữa những cá nhân và các nhóm kiểm soát lẫn nhau. Kết quả của những quan hệ đó là quá trình đối thoại, có thể là cuộc đấu tranh công khai vì quyền lực. Ví dụ: Đình công của công nhân chống lại giới chủ, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chiến tranh giữa các quốc gia…)

Quyền lực có thể được tích hợp quá mức (tuyệt đối hóa) khi việc thông qua quyết định tiến hành độc đoán từ một phía. Do đó cần có phân chia quyền lực. Quyền lực được phân chia theo khu vực ảnh hưởng xẩy ra ở đâu có quyền lực của phía này đối trọng lại quyền lực của phía khác để tạo ra sự cân bằng. Quyền lực này tồn tại khi có các thể thức cho đối thoại và các bên cùng tham gia ra quyết định. Việc tuyệt đối hóa quyền lực được nhiều nhà tư tưởng lên án bởi vì nó là cơ sở cho các hành động độc đoán, chuyên quyền trong quan hệ xã hội, và tạo ra các chế độ độc tài trong chính trị. Vì vậy cần hạn chế tích hợp quyền lực quá mức vào tay một chủ thể.

 Cũng cần nói thêm cách tiếp cận của Alvin Toffler xem xét quyền lực trong quá trình chuyển đổi của nó trong thế kỷ XXI.

Ông có nhận xét rằng nhiều người có ấn tượng xấu với quyền lực, nhưng ông cho rằng quyền lực không xấu, cũng không tốt, hơn nữa con người có mối liên hệ chặt chẽ với quyền lực và không trốn khỏi nó được, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi sinh hoạt của chúng ta. Ảnh hưởng của nó quá to rộng, vượt khỏi trí tưởng tượng của chúng ta.[11] Alvin Tofler coi bạo lực, của cải và trí tuệ là ba nguồn gốc quan trọng để xác định quyền lực, ông gọi là “ba bảo pháp ” và cho rằng chúng tồn tại ở khắp nơi. Nếu ba yếu tố đó hợp lại thì tạo thành “tam giác vàng của quyền lực”. Ông coi sự khống chế, buộc kẻ khác phải hành động theo ý của ta là “hình thức của quyền lực”, còn dùng các yếu tố (bạo lực, của cải và trí tuệ) của quyền lực để thực thi quyền lực thì ông gọi là “phẩm chất của quyền lực”,[12] trong đó phẩm chất cao nhất là trí tuệ.

1.3. Quan niệm của Mác – Ăngghen

Mác và Ăngghen tuy ít bàn trực tiếp về phạm trù quyền lực. Nhưng tất cả những di sản của hai ông để lại, đã đưa ra sự luận giải về quyền lực chính trị mà chủ yếu là quyền lực của giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Để có cơ sở phân tích quyền lực giữa hai giai cấp này, Mác và Ăngghen đã đi từ tiếp cận kinh tế học, tức nghiên cứu quá trình tổ chức và phát triển sản xuất xã hội. Do tính khách quan của quá trình phân công lao động xã hội, địa vị kinh tế - xã hội của mỗi người của một nhóm người hay một giai cấp được xác lập trong sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động cũng như của cải vật chất. Chính địa vị mà mỗi người, nhóm người, hoặc giai cấp nắm giữ địa vị kinh tế - xã hội này, là cơ sở cho quyền lực của họ.

Mác và Ăngghen đã kế thừa nhiều luận điểm của những nhà tư tưởng tiền bối về quyền lực, khi cho rằng quyền lực xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện của con người, bởi con người là con người xã hội. Phối hợp hoạt động chung là thuộc tính của con người. Trong bất kỳ hoạt động chung nào cũng cần có phối hợp hành động, cần có tổ chức, có người chỉ huy, điều hành và có người phục tùng, nhằm duy trì trật tự chung, điều hành hoạt động chung và bảo vệ cộng đồng khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Ăngghen đã luận giải cho điều đó bằng việc phân tích các giai đoạn phát triển khác nhau của gia đình, của thị tộc và của nhà nước trong lịch sử phát triển của nhân loại từ thấp đến cao.

Tính tất yếu của quyền lực gắn với tính tất yếu của đời sống kinh tế được Ăngghen đề cập trong bài "Bàn về quyền uy". Ph.Ăngghen đã nêu lên khái niệm quyền uy (quyền lực) và tiền đề tồn tại của nó, đồng thời chỉ ra rằng quyền uy là cái tất yếu phải có trong xã hội. Bởi vì “hành động liên hợp, sự phức tạp hoá các quá trình công tác tuỳ thuộc lẫn nhau, đang thay thế cho hoạt động độc lập của từng cá nhân riêng lẻ. Nhưng hoạt động liên hợp có nghĩa là tổ chức nhau lại, mà tổ chức thì liệu không dùng đến quyền uy được chăng?"[13]

Ngay trong đời sống gia đình, những điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thì kỳ lịch sử nhất định cũng có tác dụng quyết định đến tổ chức và kết cấu của nó, làm thay đổi quan hệ quyền lực trong gia đình, từ gia đình mẫu quyền đến gia đình phụ quyền. “Chế độ gia đình hoàn toàn bị quan hệ sở hữu chi phối”[14].

Trong chế độ mẫu quyền, quyền lực của người mẹ, người phụ nữ được xác định và thống trị trong đời sống gia đình. Như vậy quyền lực thống trị của người đàn bà được thiết lập là do lao động và sự phân công lao động trong xã hội chi phối. Người phụ nữ trong gia đình thực sự là người nắm được lương thực – nguồn sống chính của gia đình, duy trì cuộc sống và sự tồn tại của một gia đình bằng sự khéo léo của họ.

Quyền lực của người đàn bà ở đây là quyền quyết định những vấn đề của gia đình, của thị tộc, chi phối mọi mặt của đời sống cộng đồng.

Khi con người biết chăn nuôi, làm đồ kim khí, dệt vải và trồng trọt, mọi thứ đã thay đổi hẳn. Quyền lực lúc này được chuyển đổi một cách hoàn toàn từ tay người đàn bà sang tay người đàn ông với những biểu hiện khác.

Như vậy, bước phát triển nhanh chóng của sản xuất của lao động là nguyên nhân của sự chuyển đổi quyền lực. Ăngghen đã rút ra một kết luận rất quan trọng có tính phương pháp luận cho việc nghiên cứu quyền lực của các lực lượng xã hội về sau: Quyền lực thống trị của người đàn ông được thiết lập cùng với sự thống trị về mặt kinh tế của họ, chứ không phải do ý muốn chủ quan của đàn ông là ra lệnh cho người đàn bà. Trong tương lai sẽ dẫn đến sự bình quyền giữa đàn ông và đàn bà, vì xã hội cần lao động của họ như nhau. Kết luận này sau này được Mác và Ăngghen chứng minh trong nhiều công trình khác về sự thay đổi quyền lực của các giai cấp thống trị qua các giai đoạn lịch sử.

Sự phân tích của Mác – Ăngghen về vai trò của các tập đoàn người trong đời sống sản xuất xã hội và quyền lực tương ứng của họ, cho thấy: Nguồn lực khi nằm trong tay một chủ thể của quá trình phối hợp hoạt động xã hội (tức được sử dụng để tác động vào một chủ thể khác, nhằm một mục đích nào đó), nó không còn đơn giản là nguồn lực nữa mà trở thành quyền lực. Chủ thể nào nắm nguồn lực lớn hơn, có tính chất quyết định hơn đến khuynh hướng phát triển của cộng đồng, của xã hội, chủ thể đó sẽ có quyền lực lớn hơn và trở thành người thống trị.

Phân tích yếu tố quyền lực trong thị tộc cổ xưa, lấy điển hình là hai thị tộc I-rô-qua và thị tộc Hi-lạp, Ăngghen thấy ở đó không có những công cụ quyền lực mang tính cưỡng chế như nhà tù, quân đội, cảnh sát…chưa có quyền lực công cộng tách khỏi nhân dân và đứng đối lập với nhân dân…nhưng mọi việc ở đây đều trôi chảy, không có người nghèo khổ, thiếu thốn. Trong những cộng động kiểu đó, quyền lực vẫn tồn tại. Ăngghen cắt nghĩa như sau: “…bộ lạc, thị tộc, và các thiết chế của bộ lạc, thị tộc đều là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, đều là một quyền lực cao do tự nhiên ban cho, quyền lực mà mỗi người phải phục tùng một cách vộ điều kiện, trong tình cảm, tư tưởng và hành động của mình”[15]

Nếu như ở trên, Ăngghen đã phân tích quyền lực dưới dạng quyền lực kinh tế, thì ở đây, trong thị tộc, ông còn phát hiện ra một dạng quyền lực khác mà cơ sở của nó là đạo đức và có thể gọi đó là quyền lực đạo đức.

Ăngghen coi đạo đức như một giá trị xã hội. Quyền lực được thiết lập trên cơ sở nững giá trị đạo đức, tạo ra sự tuân thủ một cách tự nguyện của các thành viên trong thị tộc, bộ lạc đối với người đứng đầu.

Với những lập luận của mình, Ăngghen đã làm sáng tỏ hơn phạm trù quyền lực nói chung. Quyền lực là những giá trị xã hội nhờ sử dụng nó trong các quan hệ phối hợp hành động của đời sống xã hội, nhằm một mục đích chung nào đó, mà một chủ thể này buộc một chủ thể khác phải phục tùng, tuân thủ. Nói cách khác, "quyền lực" mà chúng ta đang xem xét ở đây là một loại quan hệ xã hội, quan hệ phối hợp hành động chung. Trong quan hệ này cần có người chỉ huy, có kẻ phục tùng, có người ảnh hưởng, có người bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là vị trí của hai chủ thể này đều cần thiết và tất yếu đối với nhau như nhau

Trong các nghiên cứu của mình Mác và Ăngghen rất chú ý phân tích quyền lực công cộng và quyền lực nhà nước. Đặc biệt là trong nghiên cứu quyền lực nhà nước, các ông đã thu được những kết quả đồ sộ.

Theo Ăngghen, quyền lực công cộng là quyền lực mà nhờ đó một cộng đồng có thể phối hợp hoạt động với nhau, duy trì trật tự chung, điều hành hoạt động chung và bảo vệ cộng đồng khỏi sự xâm hại từ bên ngoài.

Quyền lực công cộng là yêu cầu khách quan của bất kỳ cộng đồng xã hội nào. Trong một phạm vi xã hội rộng lớn, có biên giới lãnh thổ (địa vực) thì quyền lực công cộng của một quốc gia là quyền lực công.

Ph.Ăngghen cũng nhấn mạnh rằng có một cơ sở khác của quyền lực là bạo lực. Điều này cho thấy rõ nhất khi nghiên cứu các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc khác nhau để tranh giành quyền lực, chiếm đoạt đất đai, gia súc, nô lệ và của cải…Trong điều kiện như vậy, đa số những người nắm quyền hành pháp dều có nguồn gốc là thủ lĩnh quân sự tối cao. Tất cẩ điều đó cho thấy, trong một thời gian dài của xã hội hội cũ, thậm chí là cho đến lúc khởi đầu xã hội công nghiệp, quyền lực bạo lực đã chiếm giữ một vị trí quan trọng.

Như vậy, quan hệ quyền lực đã xuất hiện ngay từ khi con người mới xuất hiện trong những tổ chức hoạt động mang tính tập thể đầu tiên. Từ ba nguồn lực của quyền lực: của cải, đạo đức, bạo lực, Ăngghen nhấn mạnh ba dạng quyền lực trong xã hội thị tộc là: Quyền lực kinh tế (của cải), quyền lực đạo đức, quyền lực bạo lực. Đó là cơ sở để ông tiếp tục đi sâu phân tích quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và tổ chức quyền lực nhà nước trong xã hội có giai cấp sau này.

Sự ra đời của chế độ tư hữu, giai cấp và sự xuất hiện của Quyền lực chính trị, Quyền lực nhà nước .

Trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”, Ăngghen đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của quá trình hình thành, phát triển của chế độ tư hữu và giai cấp là do sự phát triển của sản xuất và sự phân công lao động xã hội. Quá trình đó làm cho quyền lực của công xã nguyên thủy đã bị đập tan, bị sụp đổ ngay từ đỉnh cao của nền đạo đức của chế độ thị tộc cũ.

Sự ra đời của chế độ tư hữu làm xuất hiện tình trạng bất đồng về của cải giữa các thành viên trong cộng đồng thị tộc. Những mâu thuẩn giai cấp ngày càng trở nên gay gắt đòi hỏi sự ra đời của một lực lượng, một thiết chế điều hòa và làm cho những mâu thuẫn đó nằm trong vòng trật tự, bảo vệ những của cải thuộc sở hữu tư nhân vừa mới có được; một cơ quan kéo dài mãi sự phân chia xã hội thành giai cấp và quyền của giai cấp có của được bóc lột giai cấp không có của. Như vậy, của cải chính là cơ sở quan trọng để thiết lập quyền lực chính trị vào trong tay giai cấp thống trị về mặt kinh tế.

Nếu như quyền lực xuất hiện rất sớm trong lịch sử, xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người, với những hoạt động mang tính chất cộng đồng của xã hội loài người, thì quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước xuất hiện muộn hơn. Nó ra đời cùng với xã hội có phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp.  

Trong xã hội có phân chia giai cấp, các giai cấp đều có những lợi ích riêng, ý chí riêng và thực hiện những phương thức khác nhau trong quan hệ với nhà nước để đạt được mục đích.

Từ sự phân tích đó, Ăngghen đi đến kết luận về quyền lực chính trị, và coi quyền lực chính trị  như một sức mạnh của những nhóm người khác nhau về điạ vị, lợi ích trong phân công lao động xã hội hay trong đời sống xã hội.

Trong xã hội có sự phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp, những người tự do và nô lệ – những kẻ giàu có đi bóc lột và những người nghèo khổ bị bóc lột, mâu thuẩn, xung đột và đi đến chỗ ngày càng gay gắt. Nhu cầu tất yếu là phải xuất hiện một lực lượng thứ ba, “một lực lượng tựa hồ như đứng trên các giai cấp đang đấu tranh với nhau, dập tắt cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp ấy và cùng lắm là để cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, dưới một hình thức gọi là hợp pháp”[ 8, tr.259].

Như vậy, xã hội cần có tổ chức quyền lực mạnh để ổn định và phát triển, tức là xã hội cần có nhà nước. Nhưng thật trớ trêu là khi xã hội phân chia thành giai cấp thì quyền lực đó bị một số ít người chiếm đoạt và dùng nó làm công cụ để thống trị số đông còn lại. Điều đó tạo nên một bi kịch chính trị cho loài người: Con người cần có nhà nước nhưng khi nhà nước được thiết lập thì cơ quan này lại trở thành một lực lượng đối lập với xã hội, đứng lên trên xã hội và trở lại thống trị xã hội.

Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặt biệt, nó vừa là tổ chức quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền, thực hiện chức năng thống trị giai cấp, nhưng nó cũng là một tổ chức quyền lực công của toàn xã hội, thực hiện chức năng công quyền.

Nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu kiềm chế những đối lập, những mâu thuẫn giai cấp. Vì thế, nhà nước mang tính chất công cộng (xã hội). Nhưng giai cấp thống trị về kinh tế, giai cấp nắm cơ bản tư liệu sản xuất của xã hội đã chi phối quá tình tổ chức nhà nước, biến nhà nước về chức năng là một phương tiện công, thành một công cụ, một phương tiện để đàn áp, để thực hiện sự phân bổ các giá trị có lợi cho giai cấp thống trị. Vì vậy, về bản chất, nhà nước mang bản chất giai cấp thống trị.

Vấn đề đặt ra lúc này là phải trả lời cho câu hỏi: Vậy quyền lực nhà nước là gì? Quyền lực nhà nước là hình thức biểu hiện tập trung của quyền lực chính trị. Quyền lực công kết hợp với quyền lực chính trị của các giai cấp trong toàn xã hội nhưng chủ yếu là của giai cấp thống trị về mặt kinh tế, các giai cấp khác không chiếm địa vị thống trị về kinh tế, sẽ không có hoặc có đại diện không quan trọng trong bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ quyền lực công, và do đó, quyền lực nhà nước phải thuộc về người chủ đích thực của nó là toàn thể nhân dân.

Ph.Ăngghen khẳng định rằng, nhà nước có hai đặc trưng cơ bản:

          Một là, nhà nước phân chia thần dân của nó theo địa vực, để cho công dân thực hiện những quyền lợi và nhũng nghĩa vụ xã hội của họ tại nơi cư trú.  

          Đặc trưng thứ hai của nhà nước là “sự thiết lập một quyền lực công cộng, với những phương tiện công cộng trong đố có cả công cụ cưỡng chế công cộng.

          Quyền lực công phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: quy mô quốc gia và tiềm lực quốc gia. Ăngghen đã làm rõ điều đó khi ông phân tích một số vùng ở Bắc Mỹ, quyền lực công muốn duy trì cần phải có sự đóng góp công dân thông qua hình thức thuế má, hối phiếu, vay nợ, công trái…

          Bộ máy cai trị từ xã hội đã trở thành độc lập với xã hội và đứng lên trên xã hội, tách khỏi xã hội (giới quan liêu)

 Tóm lại, qua quan niệm quyền lực của các nhà tư tưởng chính trị trên thế giới, chúng ta càng có cơ sở để khẳng định rằng: Khái niệm quyền lực là một khái niệm rất quan trọng trong đời sống xã hội, phản ánh mối quan hệ khách quan, nhưng rất phức tạp của các quá trình tương tác xã hội, gồm những dấu hiệu sau:

-  Giá trị xã hội còn gọi là nguồn lực hay cơ sở của quyền lực;

- Những gía trị (nguồn lực) đó được chủ thể sử dụng trong phối hợp hành động chung của đời sống xã hội;

- Tác động vào đối tượng cụ thể, nhằm điều chỉnh, thay đổi hành vi của đối tượng;

-  Để đạt được một mục đích cụ thể.

Xem sơ đồ sau:

Nguồn lực => Chủ thể =>  Đối tượng  => Mục đích 

Thiếu một trong 4 các yếu tố trên đây, không có quan hệ quyền lực, nói cách khác không có quyền lực

  • Nguồn lực: Có thể là của cải, tiền bạc, vũ khí (bạo lực), thể chế - tổ chức, văn hóa, tri thức – kỹ năng, thông tin…
  • Chủ thể: Có thể là cá nhân, nhóm, cồng đồng, quốc gia…
  • Đối tượng: Có thể là cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia…
  • Mục đích: Ý chí của chủ thể cá nhân, hoặc nhóm, công đồng, quốc gia muốn thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng trong phối hợp hành động chung.

Hiệu lực của quyền lực

Hiệu lực của quyền lực là “kết quả” của thực thi quyền lực. Hiệu lực của quyền lực được đo bằng sự phục tùng, tuân thủ hoặc thay đổi nhận thức, hành vi theo mục đích của chủ thể thực thi.  

Qua sơ đồ trên, chúng ta thấy rằng, hiệu lực của quyền lực phụ thuộc vào: a) Độ lớn (mạnh) của nguồn lực; b) Năng lực của chủ thể thực thi và đối tượng thực thi quyền lực; c) Phương thức thực thi quyền lực.

Trong thực thi quyền lực, yếu tố hiệu lực rất cơ bản, nhưng cũng cần tính tới hiệu quả của quyền lực nữa. Có thể dùng một nguồn lực lớn để áp đặt lên đối tượng buộc đối tượng phải phục tùng, nhưng có thể không mng lại lợi ích kinh tế hoặc xã hội. 

Định nghĩa: Quyền lực là một loại quan hệ xã hội trong quá trình phối hợp hành động chung. Trong quá trình đó, nhờ sở hữu các nguồn lực (các giá trị xã hội), chủ thể này có thể làm thay đổi nhận thức hành vi của chủ thể khác theo một mục đích nhất định 

2. PHÂN LOẠI QUYỀN LỰC

2.1. Tiếp cận về cách phân loại

Có rất nhiều cách phân loại quyền lực: Phân loại theo nguồn gốc, nguồn lực (bạo lực, của cải, trí tuệ), phân loại theo các mối quan hệ chủ yếu trong xã hội (gia đình, cộng đồng xã hội, nhà nước), phân loại theo phương thức thực thi và hiệu quả của nó (cưỡng bức, điều tiết, ảnh hưởng) v.v. Cũng cần khẳng định rằng, mỗi cách phân loại như vậy xuất phát từ những cách tiếp cận khác nhau về quyền lực. Điều quan trọng là các cách phân loại được biết cho đến nay không mâu thuẫn, loại trừ nhau mà làm phong phú thêm các góc độ nhận biết quyền lực.

Platon cho rằng trong xã hội có 7 loại quyền lực sau: quyền lực gia đình, bố mẹ có quyền đối với con cái; quyền lực giữa tầng lớp quý tộc đối với tầng lớp dưới, giữa người già với người trẻ, quyền lực giữa chủ nô và nô lệ; giữa người mạnh và kẻ yếu mà theo ông quyền lực này không được chấp thuận. Mạnh nhất là quyền lực giữa người thông thái dẫn dắt và ra lệnh cho người khác đi theo và chấp hành. Và cuối cùng là quyền lực của Chúa.

Theo Platon, quyền lực bạo lực, tức là cai trị bằng sức mạnh là sự cưỡng bức; cai trị bằng thuyết phục mới là chính trị. Về bản chất, chính trị là sự cai trị của trí tuệ, là nghệ thuật dẫn dắt con người với sự bằng lòng của họ chứ không phải bằng cưỡng bức.

Locke: Trong tác phẩm hai chuyên luận về chính quyền, ông đã phân tích và phân biệt các loại quyền lực khác nhau đã tồn tại: 1) quyền lực của người cha đối với con; 2) của người chủ - người làm thuê, 3) của chủ nô – nô lệ; 4) của người cai trị - nhân dân.

Phân loại của J. French và B. Raven

- Quyền lực dựa trên cơ sở phần thưởng, thì chỉ tăng lên cùng với những phần thưởng được chờ đợi. (Muốn có quyền lực nhiều thì phải thưởng nhiều).

          - Quyền lực cưỡng bức dựa vào sự chờ đợi hình phạt do hành vi sai phạm. Sức mạnh của quyền lực trong trường hợp này phụ thuộc vào mối de dọa bị trừng phạt. (Muốn có quyền lực nhiều thì phạt nhiều). Nhưng người ta có thể ít sai phạm và trốn kiểm soát để khỏi chịu hình phạt.

- Quyền lực hợp pháp, chính đáng dựa trên sự thừa nhận quyền của chủ thể quyền lực. Quyền lực này dựa trên những giá trị như truyền thống, giá trị văn hóa, giáo dục, hệ thống chuẩn mực đạo đức, pháp lý…

- Quyền lực liên kết hợp tác dựa rên sự hiểu biết và hợp tác giữa chủ thể và đối tượng quyền lực. Sự hợp tác càng chặt chẽ thì quyền lực càng lớn.

- Quyền lực chuyên gia, dựa trên trình độ tri thức trong một lĩnh vực nhất định. Quyền lực này thường được thực hiện bởi những ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp, những tư vấn có giá trị.[16]

- Quyền lực “cứng” và quyền lực “mềm”, quyền lực "thông minh". Cách phân loại này được chú ý từ khi xuất hiện lý thuyết “quyền lực mềm” của Joseph Nye[17]

v.v…

          Trong Chuyên đề này, chúng ta có thể phân loại quyền lực theo cách sau:

2.2.Quyền lực cá nhân

Quyền lực cá nhân là quyền lực có được nhờ những phẩm chất cá nhân, thể hiện bằng sự công nhận của người khác. Quyền lực đó đem lại khả năng chi phối gây ảnh hưởng của một cá nhân lên suy nghĩ và hành vi của người khác[18].  

2.3. Quyền lực xã hội

Là khái niệm được xem xét quyền lực nói chung trong đời sống xã hội không trực tiếp liên quan đến việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Như quyền lực kinh tế, quyền lực đạo đức, quyền lực dòng tộc…đã được đề cập khá nhiều trong quá trình luận giải khái niệm quyền lực.    

2.4. Quyền lực công cộng và quyền lực công

Quyền lực công cộng[19] là nhu cầu tất yếu, khách quan trong đời sống của con người khi đã tập hợp thành xã hội. Đó chính là nhu cầu phối hợp hoạt động chung, duy trì trật tự chung và bảo về cộng đồng xã hội khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Đối với một cộng đồng nhỏ, như gia đình, dòng họ thậm chí là thị tộc…quyền lực công cộng được tổ chức rất đơn giản, thường được trao cho một người hoặc một nhóm ít người có uy tín hoặc có sức mạnh.

Khi sản xuất phát triển hơn, khi quy mô dân cư tăng lên, khi các mối tương tác nhiều hơn…cũng là khi xuất hiện nhiều hơn các hình thức liên kết cá nhân, liên kết các cộng đồng xã hội, các thị tộc…Từ đây xuất hiện các tập đoàn xã hội, các giai cấp…ở phạm vi rộng lớn đó là các quốc gia, các nhà nước. Quyền lực công cộng lúc này bao trùm toàn bộ xã hội trong một lãnh thổ quốc gia có chủ quyền và được gọi là quyền lực công. 

Một đặc điểm của tổ chức quyền lực công (quyền lực nhà nước) là một bộ máy có nhiều cơ quan quyền lực, nhiều cấp, tổ chức bao trùm và rộng khắp toàn xã hội. Các cơ quan quyền lực công được trao cho các quyền: quyết định (sau này gọi là quyền lập pháp), quyền thực thi các quyết định (quyền hành pháp), quyền bảo vệ tính đúng đắn các quyết định – xử phạt những ai vi phạm các quyết định công (quyền tư pháp)…Những người được giao nhiêm vụ thực thi quyền lực công là những người giữ một chức vụ, có quyền hạn nhất định và được giao các phương tiện công để thực hiện quyền lực; trong đó có nhiều phương tiện đặc quyền, tức ngoài bộ máy công quyền, không ai có thể có được.  

2.5. Quyền lực chính trị

Là loại quyền lực của các giai cấp, các nhóm xã hội, các lực lượng xã hội dùng để tác động đến quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước nhằm tối đa hóa lợi ích của mình.

Như vậy quyền lực chính trị chỉ hình thành trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Quyền lực chính trị phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất của phân công lao động xã hội và do đó phụ thuộc vào cơ cấu xã hội. Khi trình độ phát triển xã hội còn thấp, sự phân công lao động xã hội chưa rộng, cơ cấu xã hội còn đơn giản thi quyền lực chính trị chỉ có từ vài ba giai cấp cơ bản của xã hội. Khi đó quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế - giai cấp nắm cơ bản về tư liệu sản xuất xã hội về cơ bản đã được tổ chức thành nhà nước. Do vậy, khi nghiên cứu các giai đoạn này, niều tác giả đã đồng nhất quyền lực chính trị với quyền lực nhà nước.

Khi trình độ phát triển cao hơn, sự phân công lao động xã hội trải rộng, cơ cấu xã hội phức tạp xuất hiện quyền lực chính trị của nhiều giai cấp, nhóm xã hội và các lực lượng xã hội khác nhau.  Trong các giai đoạn phát triển cao hơn, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước có sự khác biệt rõ rệt hơn. Quyền lực chính trị phụ thuộc vào ba yếu tố khách quan và chủ quan sau:

- Thứ nhất, về khách quan, quyền lực chính trị phụ thuộc vào sự phân công lao động xã hội, phụ thuộc vào cơ cấu xã hội, vị trí, vai trò của các giai cấp trong cơ cấu xã hội nhất định.

- Thứ hai, về chủ quan, quyền lực chính trị phụ thuộc vào khả năng sử dụng các nguồn lực của giai cấp, của nhóm xã hội, của các lực lượng xã hội, tức khả năng tập trung quyền lực (tổ chức và tập hợp lực lượng).

- Thứ ba, quyền lực chính trị phụ thộc vào năng lực chi phối, ảnh hưởng và sử dụng quyền lực nhà nước, nhằm đạt được mục đích của giai cấp mình.

Mặt khác, trong cùng một điều kiện khách quan như nhau, nhưng quyền lực chính trị của cùng một giai cấp ở mỗi nước khác nhau có thể rất khác nhau. Trong cùng một quốc gia, nhưng quyền lực chính trị của cùng một giai cấp qua mỗi thời kỳ khác nhau có thể khác nhau. Sự khác biệt đó bị chi phối bởi năng lực chủ quan của chủ thể quyền lực. Tức khả năng sử dụng những giá trị xã hội, những nguồn lực có được, sự tự tổ chức lực lượng cả về vật chất và tư tưởng, tinh thần…Nếu không có năng lực này, vị trí vai trò khách quan của một giai cấp, một nhóm xã hội, một lực lượng xã hội dù thuận lợi về mặt lịch sử cũng chỉ mãi mãi là nguồn lực, là khả năng mà thôi, không thể trở thành giai cấp thống trị xã hội được. Khi có nguồn lực trong tay, quá trình ảnh hưởng, chi phối, sử dụng quyền lực nhà nước cần phải mang tính chính đáng, tức mục đích sử dụng quyền lực nhà nước phải rõ ràng và nhận được ủng hộ của các giai cấp, các tầng lớp khác và đông đảo nhân dân. Không có mục tiêu sử dụng quyền lực nhà nước chính đáng, không thể giành và sử dụng được quyền lực nhà nước, và do đó không hiện thực hóa đầy đủ quyền lực chính trị của giai cấp mình được.

2.6. Quyền lực nhà nước

Qua phân tích trên, chúng ta thấy rằng, cơ sở trực tiếp để hình thành nên quyền lực nhà nước là quyền lực công (quyền lực công cộng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia có chủ quyền) và quyền lực chính trị của các giai cấp, các lực lượng trong xã hội, nhưng cơ bản là của giai cấp thống trị về kinh tế.

Đặc trưng của quyền lực nhà nước là vừa có tính công quyền (xã hội) vừa có tính chính trị (giai cấp). Cho nên nhà nước có chức năng xã hội và chức năng chính trị. Nhà nước là cơ quan duy nhất trong xã hội được sử dụng những phương tiện công. Nguồn gốc của quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân nhưng được tổ chức thành một bộ máy độc lập với nhân dân, đứng trên nhân dân. Bộ máy này thường xuyên đứng trước nguy cơ bị quan liêu hoá, lạm quyền, chuyên quyền…Vì vậy quyền lực nhà nước luôn luôn phải được kiểm soát.

Nghiên cứu quyền lực không thể tách rời nghiên phương thức tổ chức và thực thi. Vậy phương thức tổ chức và thực thi quyền lực như thế nào, đặc biệt là quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước? Chúng ta sẽ nghiên cứu các vấn dè đó ở các chuyên đề sau.  

CÂU HỎI TRƯỚC KHI NGHE GIẢNG

  1. Hãy thống kê càng nhiều càng tốt, những khái niệm có từ "quyền", như quyền uy, quyền biến, chủ quyền…"lực", như lực lượng, sức lực, tổng lực…và tử hình dung khái niệm quyền lực!
  2. Tại sao trong đời sống xã hội có người chỉ huy, có người phục tùng? Mối quan hệ đó có phải là định mệnh không?

CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Ai là người có quyền lực? Vì sao?
  2. Tại sao, con người có tham vọng quyền lực ?

CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Phân tích các khái niệm "nguồn lực" của quyền lực, "chủ thể thực thi quyền lực", "đối tượng thực thi quyền lực"
  2. Phân tích tính khách quan, tính phổ biến của quyền lực ! (Tại sao xã hội lại cần có quan hệ quyền lực?)
  3. Phân loại quyền lực! Nêu định nghĩa, đặc điểm, tính chất của quyền lực xã hội, quyền lực công cộng, quyền lực công, quyền lực nhà nước!

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (Mác - Ăngghen toàn tập, T21)
  2. Bàn về quyền uy (Mác – Ăngghen toàn tập - T18)
  3. Nhà nước và cách mạng (Lênin toàn tập, T33).
  4. Quyền lực chính trị và phương thức thực thi quyền lực chính trị. Viện Chính trị học, đề tài cơ sở năm 2007. PGS TSKH Phan Xuân Sơn chủ nhiệm.
  5. Các tài liệu đã ghi trong các chú thích của chuyên đề

CHÚ THÍCH

[1] Khổng Tử,  Luận ngữ, tr 269.

[2] Leviathan, phần I, chương 13-15.

[3] William Y. Elliott, Western Political Heritage, New York, Prentice Hall, tr 566.

[4] Bierstedt R. An Analiysis of Social Power// Americal Sociological Review. 1950.No 15, p. 733

[5] Lasswell H.D., Kaplan A. Power and Society. New Haven, 1950. P. 75

[6] Blau P. Exchange and Power in Social Life. N.Y., 1964, p 117

[7] Parsons T. On the Concept of  Poitical Power//Proceedings of the American Philosophical Society, 1963. No 107. P. 248

[8] Blau P. Exchange and Power in Social Life. N.Y., 1964, p. 97

[9] Goetschy J. Les theories du pouvoir // Sociologie du travail, P, 1984,No 4, p. 447 - 448

[10] Rogers M. The Bases of Power, Americal Journarl of  Sociology. N.Y., 1976, vol. 79, No 6, p. 1425

[11] Alvin Tofler: Thăng trầm quyền lực, Nxb. Thanh Niên, H, 2002, quyển 1, tr. 19

[12] Đã dẫn tr. 38-39

[13] C. Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, !983, tr. 356.

[14] C. Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, !984, tr. 44.

[15] C. Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Tập VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, !984, tr. 154

[16] French J.R., Raven B. The Bases of Sociaj Power// Studies in Social Power, Baltimore,1959, p 155- 156

[17]  2004, "Quyền lực mềm: Các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới" (Soft Power: The Means to Success in World Politics), Tìm hiều xung đột quốc tế (Understanding International Conflict), Trò chơi quyền lực: Tiểu thuyết Washington (The Power Game: A Washington Novel).

[18] Quyền lực, tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006, tr. 46-47

[19]  Là loại quyền lực chung của bất kỳ cộng đồng xã hội nào

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
30-11-2020

Đánh giá

  • Cải cách thể chế để đất nước vươn mình

    Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước hiện nay có 3 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Xung quanh vấn đề này, Đài Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch phát triển.
    Ngày: 13-11-2024
    Lượt xem: 15
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 5
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 7

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001

  • Cải cách thể chế để đất nước vươn mình

    Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước hiện nay có 3 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Xung quanh vấn đề này, Đài Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch phát triển.
    Ngày: 13-11-2024
    Lượt xem: 15
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 7
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 5
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 7

Lượt truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 163
Trong tuần: 391
Lượt truy cập: 456258

Loading...
Lên đầu trang