CHÍNH TRỊ HỌC
Sau thời gian dài muốn "vừa được tiếng, vừa được miếng" trong quan hệ với Trung Quốc, EU giờ đây thể hiện lập trường hoàn toàn cứng rắn.
Mục lục bài viết
Thời điểm này năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hoàn tất đàm phán Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) sau 7 năm, thành tựu mà Bắc Kinh ca ngợi là thắng lợi to lớn trên trường quốc tế. Đây được xem là điểm sáng ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây giữa thời kỳ đại dịch, đồng thời giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Brussels.
Nhưng chỉ vài tuần trước đó, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án hệ thống mà họ cáo buộc là "cưỡng bức lao động" đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, dù Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ.
Theo bình luận viên Luke McGee của CNN, những diễn biến này phản ánh tham vọng "vừa được tiếng, vừa được miếng" của EU trong quan hệ với Trung Quốc. Một mặt, họ muốn phát triển quan hệ kinh tế với đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất, nhưng mặt khác lại coi Trung Quốc là "đối thủ có hệ thống" cùng với những cáo buộc về nhân quyền. Nỗ lực cân bằng những mục tiêu này thường khiến Brussels bất nhất trong chính sách.
Giờ đây, tình hình được cho là đã thay đổi, khi EU thể hiện rõ ưu tiên hàng đầu của họ là thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, bất chấp hậu quả tiềm ẩn với hoạt động đầu tư vào châu Âu.
Hồi tháng 3, sau khi EU cùng các nước đồng minh áp lệnh trừng phạt một số quan chức Trung Quốc, cáo buộc họ "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" với người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh đã đáp trả bằng lệnh trừng phạt một số nghị sĩ châu Âu.
Hành động trả đũa này của Trung Quốc được ví như động thái "tự bắn vào chân", khi nó kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ châu Âu. Nghị viện châu Âu (EP) ngày 19/5 thông qua nghị quyết đóng băng quá trình bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận CAI, đồng thời yêu cầu tăng cường giám sát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và thúc đẩy phối hợp với Mỹ trong khuôn khổ Đối thoại Xuyên Đại Tây Dương về vấn đề Trung Quốc.
Quyết định này như một đòn giáng với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh trước đó tin chắc rằng thỏa thuận CAI đã nằm trong tay họ, hỗ trợ tham vọng mở rộng ảnh hưởng sang Đại Tây Dương.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu tiếp tục tung ra một đòn giáng mới, công bố kế hoạch có tên Global Gateway với mục tiêu huy động 300 tỷ euro (340 tỷ USD) cho đến năm 2027, nhằm đầu tư vào các dự án hạ tầng, kết nối kỹ thuật số và hạn chế biến đổi khí hậu.
Dù dự thảo kế hoạch không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Global Gateway là "sự thay thế đích thực" cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Kế hoạch Global Gateway còn được đưa ra ngay sau khi EU đề xuất tăng cường năng lực quân sự độc lập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời trình bày "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của châu Âu tại khu vực.
Động thái gần đây nhất của EU là đề xuất loạt biện pháp mới đầy quyết liệt nhằm trừng phạt những bên tìm cách tác động đến chính trị thông qua gây áp lực kinh tế. Một số biện pháp được nêu ra là điều chỉnh thuế quan và hạn ngạch, hạn chế quyền sở hữu trí tuệ cũng như khả năng tiếp cận thị trường tài chính và những chương trình mua sắm công của châu Âu.
Kế hoạch này được cho là cũng nhắm tới Trung Quốc giữa lúc nước này bị cáo buộc chặn hàng xuất khẩu của Litva, quốc gia đã cho đảo Đài Loan mở "Văn phòng đại diện Đài Loan" ở thủ đô Vilnius, trong khi các văn phòng ở nước ngoài khác của hòn đảo dùng từ "Đài Bắc". Trung Quốc phản đối dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên cho các văn phòng, bởi lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất.
Giới quan sát nhận định những chính sách cứng rắn gần đây của EU chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu. "Họ thích một châu Âu dễ thỏa hiệp và độc lập hơn một chút với Mỹ. Nhưng giờ đây, kịch bản châu Âu xích lại gần hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden khiến Trung Quốc không hề thoải mái", Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á, đánh giá.
Đây không phải là bước thay đổi bất ngờ trong thái độ của EU, mà là kết quả của quá trình "cứng rắn hóa" diễn ra trong vài năm qua, kể từ khi Ủy ban châu Âu công bố một tài liệu coi Trung Quốc là "đối thủ toàn diện" năm 2019. Trong hai năm sau đó, EU dường như dần tìm ra cách tiếp cận đối thủ mà họ có rất nhiều ràng buộc và vẫn muốn hợp tác trên một số lĩnh vực.
Charles Parton, cựu cố vấn của phái đoàn EU tại Bắc Kinh, cho rằng Brussels trước đây "án binh bất động" chủ yếu do thực tế là các lãnh đạo châu Âu không chịu nhiều áp lực từ dư luận để thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc.
"Người châu Âu trước đây không gây sức ép quá lớn để buộc các chính trị gia làm bất cứ điều gì", Parton nói. "Trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, họ có thể nêu vấn đề về Tân Cương và Hong Kong, mọi người cùng gật đầu, sau đó bàn chuyện làm ăn".
Tuy nhiên, áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh người phương Tây suy giảm thiện cảm với Trung Quốc những năm qua. Cách xử lý của chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 cũng khiến quan điểm tiêu cực về nước này lên mức cao kỷ lục, theo khảo sát của Pew tháng 10/2020.
"Dù đúng hay sai, rất nhiều chính trị gia phương Tây đã đổ trách nhiệm cho Trung Quốc vì những điều đã xảy ra", Parton cho hay. Trong khi đó, chính sách "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc không giúp nước này cải thiện được hình ảnh toàn cầu.
Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu, chỉ ra một lý do khác khiến EU trước đây không cứng rắn với Trung Quốc là sự xuất hiện của Donald Trump. Cựu tổng thống Mỹ không được lòng châu Âu và vô cùng "diều hâu" với Trung Quốc, thúc đẩy Brussels xích lại gần Bắc Kinh giữa lúc tìm kiếm con đường đối ngoại độc lập với Washington.
"Tôi nghĩ châu Âu ban đầu coi sự hợp tác với Trung Quốc là cơ hội trong bối cảnh bất ổn ở Mỹ. Đến năm 2019, họ nhận ra đây là sai lầm", Bond nêu quan điểm. Trong cuộc phỏng vấn hôm 17/11, Angela Merkel, người giữ chức thủ tướng Đức 16 năm qua và là lãnh đạo hàng đầu của châu Âu, cho rằng Đức có thể đã "quá ngây thơ" trong hợp tác ban đầu với Trung Quốc.
Các quốc gia thuộc nhóm G7 giờ đây đều tỏ ra gay gắt với Bắc Kinh. Sau vài năm lạnh nhạt với Mỹ, Ủy ban châu Âu đang cố gắng thắt chặt quan hệ giữa Washington và Brussels. "Mỹ sẽ luôn là đối tác quan trọng của EU. Chúng tôi cùng chí hướng và có các liên minh trong hầu hết vấn đề", một quan chức giấu tên cho hay.
Trong khi đó, Parton đánh giá tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Trung Quốc, cùng những biến động kinh tế ngày càng gia tăng, sẽ khiến Bắc Kinh bị hạn chế khả năng sử dụng lĩnh vực này làm "vũ khí" gây sức ép với các đối thủ trong những năm tới.
Tuy nhiên, EU được cho là sẽ gặp nhiều thách thức trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Bond lưu ý rằng mọi chính sách đối ngoại quan trọng của EU đều đòi hỏi sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên, trong khi Trung Quốc dường như đang nỗ lực lôi kéo một số lãnh đạo châu Âu ủng hộ mình, như Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Các kế hoạch ứng phó cụ thể, trong đó có Global Gateway, cũng đối mặt những thách thức lớn. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu EU có huy động được khoản tiền khổng lồ 340 tỷ USD cho kế hoạch nhiều tham vọng này hay không, khi phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng thu hút nguồn vốn tư nhân và sử dụng vô cùng ít ngân sách công.
"Vấn đề còn cần xem xét là liệu những quy định quan liêu và lộ trình phức tạp của EU có bóp nghẹt quyết tâm cứng rắn với Trung Quốc hay không. Khi đại dịch hạ nhiệt, liệu họ có lại im lặng để tiếp tục 'vừa được tiếng, vừa được miếng' hay không?", bình luận viên McGee đặt câu hỏi.
Ánh Ngọc - vnexpress (Theo CNN)
Người gửi / điện thoại
Đánh giá