Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Giá trị cốt lõi của Văn Hóa Chính Trị Việt Nam và Hệ Giá Trị Quốc Gia

Giá trị cốt lõi của Văn Hóa Chính Trị Việt Nam và Hệ Giá Trị Quốc Gia

GS.TSKH Phan Xuân Sơn,

Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài tham gia hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo do Nxb. CTQG ấn hành 2022

Mục lục bài viết

440

1. Giá trị và hệ giá trị

Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: “bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (Mác C. và Ăngghen Ph. 1995: 11). Chỉ dẫn kinh điển này có ý nghĩa nhất định trong việc xác định bảng giá trị cơ bản của dân tộc hay hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

Các giá trị cơ bản của một dân tộc là biểu hiện của bản chất con người của dân tộc đó, là sản phẩm của quá trình tư duy và sáng tạo để tồn tại và phát triển, do đó phải tìm trong các quan hệ xã hội sống còn. Những giá trị của người Việt Nam được hình thành và tích lũy qua quá trình lịch sử, được coi là “hạt nhân” cơ bản của bản sắc văn hóa, kết nối các quan hệ xã hội cơ bản của lịch sử văn hóa dân tộc. Xác định hệ giá trị quốc gia Việt Nam là tìm cho được những giá trị bản chất, cốt lõi, được sáng tạo, hun đúc trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Hệ giá trị văn hóa của người Việt Nam không bất biến, chúng được hình thành, phát triển, kế thừa, bổ sung và phát huy trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Giá trị là sản phẩm của quá trình tư duy của con người, là yếu tố trung tâm của văn hoá. Là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng cái gì là cần thiết, có ích, là tốt, là hay, là đẹp; nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Do vậy, giá trị văn hoá nói ở đây là giá trị xã hội, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. (GS Ngô Đức Thịnh – 2009).

Giá trị văn hoá do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy.

Giá trị còn nằm trong hệ giá trị (Value System) hay thang giá trị văn hoá. Vì vậy các giá trị có vị trí, tầm quan trọng khác nhau. Thang giá trị tùy thuộc vào đánh giá chủ quan của con người và có ý nghĩa tương đối. Ví dụ, chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa chính trị Mỹ là một giá trị cốt lõi. Nhưng ở Việt Nam, không có vị trí như thế.

Các giá trị sẽ định hình hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội. Với tư cách này, các giá trị như là một cơ sở căn bản cho quyền lực xã hội nói chung, quyền lực chính trị nói riêng. Các giá trị thường hướng tới phác họa một mô hình văn hóa lý tưởng, những mô hình mà một xã hội mong muốn đạt được. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay, tuy có sự ưu tiên khác nhau, nhưng đều thừa nhận và chia sẻ các giá trị chính trị như:  Độc lập, Tự do, Bình đẳng, Nhân đạo, Công bằng, Dân chủ, Pháp quyền, Khoan dung...

Vị trí các giá trị ở các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt. Sự khác biệt đó do chính kinh nghiệm của các cộng đồng, của xã hội ở mỗi quốc gia rút ra từ lịch sử tồn tại và phát triển của mình. Trong khi ở các nước phương Tây, người ta nhấn mạnh yếu tố cá nhân và sự độc lập của cá nhân, thì ở các quốc gia Đông Á lại nhấn mạnh hơn vào yếu tố cộng đồng. Trong đó, sự thành công của nhóm và sự hài hòa trong quan hệ giữa cá nhân trong cộng đồng là những yếu tố được coi trọng.

Về những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Việt, GS. Trần Văn Giàu (2011) đã đúc kết trong hệ thống gồm bảy giá trị tinh thần cốt lõi: “Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa”.

Tác giả Nguyễn Đắc Hưng thì khẳng định, hệ giá trị truyền thống Việt Nam là hệ giá trị mang đậm tính nhân văn được xuất phát từ lịch sử xa xưa của dân tộc, đó là: “Yêu nước, bất khuất, tự lập, tự cường, lao động cần cù, thông minh, hiếu học, trọng thầy, hiếu thảo, thủy chung, ý thức cộng đồng, nhân ái, vị tha, rộng lượng, dễ thích ghi, thích hài hòa, không ưa cực đoan…” (Nguyễn Đắc Hưng 2009: 272).

Trong nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định các giá trị: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái; lòng khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; đức tính cần cù; sự sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống”.

Văn kiện này có ý nghĩa như một định hướng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu mấy chục năm trở lại đây. Đúc kết kinh nghiệm giải quyết các vấn đề văn hóa và con người từ khi có Nghị quyết TW 5 khóa VIII đến nay, Nghị quyết TW 9 khóa XI của Đảng (tháng 6-2014) tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước…. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” (Đảng CSVN, 2014).

Ngược trở lại thời gian, tìm đến các tác giả có những suy tư sớm nhất về hệ giá trị người Việt Nam, chúng tôi thấy rất cần lưu ý đến nhận định của học giả Trần Trọng Kim. Ông cho cho rằng: Người Việt có “Trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, sáng dạ, nhớ lâu, hiếu học, trọng học thức, quý sự lễ phép, trọng đạo đức, yêu hòa bình, can đảm, kỷ luật, sùng lễ bái, thương người, nhớ ơn. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối” (Trần Trọng Kim, 2008, tr. 18). Học giả Đào Duy Anh cho rằng: “Người Việt thông minh, giàu trí nghệ thuật, trực giác, ham học, thích văn chương, giỏi chịu đựng, hy sinh vì đại nghĩa, dung hòa, trọng lễ giáo và chuộng hòa bình” (Đào Duy Anh 1998, 24).

Những giá trị được khẳng định trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII, Nghị quyết TW 9 khóa XI, cùng với những ý kiến của các học giả, các nhà văn hóa lớn của đất nước luôn là những chỉ dẫn quan trọng. Xuất phát từ đây, những giá trị và những phẩm chất tốt đẹp khác của người Việt có điều kiện để được phân tích, sắp xếp trong bảng tổng thể các giá trị người Việt.

  1. Giá trị văn hóa và giá trị văn hóa cốt lõi

Trước hết hãy nói về khái niệm văn hóa. Hiện có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Vì vậy, ở đây không cần thiết phải nhắc lại các định nghĩa đó. Nhưng điều quan trọng là phải làm rõ cấu trúc của khái niệm văn hóa, làm chỗ dựa cho việc xây dựng cấu trúc khái niệm văn hóa chính trị, giá trị chính trị nói chung, và giá trị văn hóa chính trị cốt lõi nói riêng.

Hình 1: Cấu trúc của văn hóa và văn hóa chính trị.

        Hầu hết các tác giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều cho rằng, khái niệm “văn hóa” cần được hiểu theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Quan niệm theo nghĩa rộng coi văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Như vậy, cấu trúc của khái niệm văn hóa có rất nhiều nội dung, đến mức, khi nghiên cứu văn hóa, chúng ta không phân biệt được đối tượng của nó với các khoa học khác. Trong lúc đó, quan niệm theo nghĩa hẹp coi văn hóa chỉ là những hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần, những quan hệ xã hội và những sáng tạo giá trị nghệ thuật. Đối với các đề tài cụ thể, các nhà nghiên cứu thường lựa chọn cách định nghĩa theo nghĩa “hẹp” và làm rõ cấu trúc của khái niệm theo cách định nghĩa đó. Riêng cấu trúc khái niệm văn hóa theo nghĩa hẹp cũng có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau.

        GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, cấu trúc của khái niệm văn hóa, gồm “giá trị văn hóa” – và đây là cốt lõi của văn hóa, “bản sắc”, “di sản”, “biểu tượng” và “chuẩn mực văn hóa”.[1] GS.TS Hoàng Vinh, trong lúc đồng tình với quan điểm đó đã cụ thể hóa thêm các loại giá trị khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.

Ở phương Tây, các nhà nghiên cứu văn hóa chính trị có hai hướng tiếp cận chính khi xem xét cấu trúc của văn hóa chính trị:

Thứ nhất, xem văn hóa chính trị từ ba lĩnh vực lớn cho tất cả các chủ thể, các quá trình chính trị:

1) Lĩnh vực nhận thức;

2) Lĩnh vực hành vi;

3) Hệ thống các thể chế chính trị (hệ thống chính trị)

        Thứ hai: Cách tiếp cận văn hóa theo các tầng (các lớp) nội dung:

1) Các giá trị, trong đó, hạt nhân là các giá trị cốt lõi;

        2) Các chuẩn mực, bao gồm các nguyên tắc, các quy tắc ứng xử các nghi thức;

        3) Các nhân vật văn hóa (đại diện cho mô hình nhân cách trong văn hóa);

4) Các biểu tượng văn hóa. (Xem hình 1)

  1. Văn hóa chính trị và giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam

Trong lịch sử chính trị các hàm ý “văn hóa chính trị” được đề cập từ rất sớm. Nó được đền cập ở trong tư tưởng chính trị phương Đông như là một cách cai trị có văn hóa, văn minh. Ở phương Tây, các triết gia cổ vũ cho những mô hình cai trị mang tính nhân đạo, có trí tuệ. Trong học thuyết Nho giáo, cổ vũ cho việc cai trị bằng đạo đức. Chủ trương làm chính trị là phải đúng đắn và đứng đắn, ngay thẳng. Mạnh Tử (372 – 289 TCN) đề ra tư tưởng “Văn trị giáo hóa”, tức là chính trị gắn với giáo dục: “Chính giỏi không thể tranh thủ được dân bằng giáo giỏi. Chính giỏi thì dân sợ, giáo giỏi thì dân yên. Chính giỏi thì được của cải của thiên hạ, của dân; giáo giỏi thì được lòng dân”[2]

Khi đề cao đạo đức, Nho giáo đồng thời cũng trao vinh dự và trách nhiệm cao nhất cho ngững người “bên trên”, những người “quân tử”, “hiền”, “trí”, “lao tâm”. Đó là những người đưa đường, chỉ lối cho thiên hạ, làm mẫu mực, nêu gương sáng cho “bên dưới”, cho những “tiểu nhân”. Để làm tròn trách nhiệm và xứng đáng với danh dự ấy, phải “tu thân”, phải làm gương cho người khác.

Ở phương Tây: Các học giả hiện đại đều coi Platon, (428/427 hay 424/423 - 348/347 TCN), Aristoteles (384 – 322 TCN) là những người mở đầu cho nghiên cứu văn hóa chính trị. Các ông đều coi các quan điểm, thái độ cơ bản của con người đối với quyền lực, đối với việc làm thế nào để quản lý các mối quan hệ xã hội và đối với vai trò của chính thể với người dân là hết sức quan trọng.

Học thuyết chính trị - xã hội của Platon đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà nước cùng với nó là những nhà cầm quyền. Theo Platon, đó là những con người mà lý tính đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của họ. Họ luôn luôn hướng tới cảm thụ cái đẹp và trật tự các ý niệm, khát vọng vươn tới phúc lợi tối cao, tới sự thật và công lý.

Đến lượt mình, Aristoteles coi con người là “động vật chính trị”, muốn nói đến vai trò chính trị trong việc xác định tư cách tồn tại của con người. Và cũng vì thế mà mục đích cao nhất của chính trị là làm sao để mọi người có thể sống và sống tốt hơn. Sứ mệnh của nhà nước, của những nhà cầm quyền không chỉ bảo đảm cho mọi người sống bình thường, mà còn phải làm sao để cho con người sống hạnh phúc. “Mục đích của nhà nước là cuộc sống phúc lợi,…bản thân nhà nước là sự giao thiệp của các gia tộc và cư dân, nhằm đạt được sự tồn tại một cách hoàn thiện và tự lập,”[3] tức là đạt được một cuộc sống ưu việt, mà theo ông không chỉ về phương diện của cải vật chất mà còn bảo đảm công lý.

Nhà xã hội học người Đức M.Weber cũng được coi là một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc về văn hóa chính trị khi cho rằng thể chế chính trị và kinh tế không thể được nhận thức một cách đơn độc.

Việc nghiên cứu văn hóa chính trị như một lĩnh vực nghiên cứu tương đối độc lập bắt đầu từ những năm 1950 của thế kỷ XX. Thuật ngữ văn hóa chính trị lần đầu tiên sử dụng vào năm 1956. Các nhà chính trị học người Mỹ là G.Almond và S.Verba cho rằng, hành vi chính trị là một phần của hành vi xã hội, cho nên khi phân tích hành vi chính trị phải gắn chặt với sự xem xét các nhân tố văn hóa, tâm lý của cá nhân và toàn xã hội. Nhà chính trị học người Mỹ G.Alomnd là người đầu tiên đưa ra khái niệm văn hóa chính trị. Trong bài “So sánh các hệ thống chính trị” đăng trên Tạp chí Chính trị học (The Journal of politics), số 8 - 1956, G.Alomnd đã định nghĩa: “Văn hóa chính trị của một dân tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị.”[4] Tiếp theo còn có nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã đưa ra định nghĩa về văn hóa chính trị của riêng mình, như Lucian W. Pye (tiếng Trung :白 魯 恂; 1921-2008), Alexis de Tocqueville, M.Weber...

Về cơ bản, các định nghĩa như đã trình bày có điểm chung là (i) đều coi văn hóa chính trị là một bộ phận, một lĩnh vực của văn hóa nói chung, (ii) được cấu thành bởi các giá trị do con người sáng tạo trong quá trình hoạt động chính trị, (iii) thể hiện ra bằng nhận thức và hành vi chính trị của cá nhân hoặc cộng đồng và luôn bị chi phối bởi tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội, (iv) các hoạt động chính trị được diễn ra trong một hệ thống tổ chức có khả năng hiện thực hóa các giá trị tiến bộ của nhân loại.

Quan niệm mácxít coi văn hóa chính trị cũng như văn hóa nói chung là một bộ phận của hình thái ý thức thượng tầng, bị quyết định bởi các quan hệ sản xuất. Vì thế, văn hóa chính trị như là phản ảnh của quan hệ sản xuất. Văn hóa chính trị là một phương diện cơ bản thể hiện năng lực của con người xã hội trong quá trình khám phá và cải tạo hiện thực. Từ cách tiếp cận mác-xit, văn hoá chính trị được hiểu là một bộ phận, một phương diện của văn hoá trong xã hội có giai cấp. Nó biểu hiện khả năng, năng lực của con người trong việc giác ngộ lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, trong việc tổ chức, hoàn thiện hệ thống tổ chức quyền lực nhằm hiện thực hoá lợi ích giai cấp, hay lợi ích nhân dân phù hợp với mục tiêu chính trị và sự tiến bộ xã hội. Văn hoá chính trị cũng thể hiện khả năng, mức độ điều chỉnh những quan hệ chính trị phù hợp với truyền thống và những chuẩn mực giá trị của cộng đồng.

Từ các cách tiếp cận nói trên, có thể đưa ra khái niệm về văn hoá chính trị như sau: Văn hoá chính trị là một phương diện của văn hoá, là phạm trù chỉ toàn bộ thành tựu mà con người đạt được trong lĩnh vực chính trị, biểu hiện ra trong đời sống xã hội dưới hình thức các giá trị chính trị, các chuẩn mực (các nguyên tắc và quy tắc ứng xử chính trị), các nhân cách chính trị điển hình và các biểu tượng chính trị… Nhờ đó văn hóa chính trị điều chỉnh hành vi và định hướng thái độ chính trị; hoàn thiện hệ thống chính trị và phẩm cách con người chính trị theo hướng tiến bộ, văn minh. 

Cấu trúc của văn hóa chính trị

Văn hóa chính trị là một cấu trúc phong phú, đa dạng và phức tạp, là một tổng thể, vừa chứa đựng trong nó hàng loạt nội dung riêng lẻ, là chất lượng tổng hòa của tri thức, thái độ, hành vi, hệ thống chính trị... Ở một chiều cạnh khác văn hóa chính trị, biểu hiện tầm vóc, từ nhân cách cá nhân, đến đặc tính của một quốc gia, liên quan đến cách thức ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng, một quốc gia dân tộc, thậm chí là một thời đại trong việc hiểu biết, tổ chức, sử dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; thể hiện trình độ văn minh chính trị mà các cá nhân và cộng đồng theo đuổi trong dòng chảy của tiến bộ xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.   

        Chúng ta biết rằng, văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa nói chung, một bộ phận hợp thành trong cấu trúc của khái niệm văn hóa. Vì vậy, trong nhiều nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa chính trị vẫn là một đối tượng quan trọng và trong nhiều trường hợp chúng hòa trộn lẫn nhau. Trong thực tế, những nghiên cứu như vậy khá nhiều và chúng cung cấp những giá trị phương pháp luận cho nghiên cứu các loại hình văn hóa khác nhau, trong đó có văn hóa chính trị. Do mối quan hệ tổng thể và bộ phận giữa văn hóa nói chung và văn hóa chính trị, nên nhìn chung các nghiên cứu văn hóa đều có liên quan đến văn hóa chính trị. Tình hình này tồn tại trên thế giới và cả ở Việt Nam. Cho nên, nghiên cứu văn hóa chính trị, không thể bỏ qua các nghiên cứu văn hóa nói chung.

Có thể kết luận rằng, ở phương Tây, phương Đông hay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa chính trị có nhiều cách tiếp cận khác nhau về cấu trúc văn hóa chính trị, tùy theo mục đích nghiên cứu và tính hữu dụng của các cách tiếp cận đó. Trong bài này chúng tôi không phủ nhận các cách tiếp cận khác nhau, nhưng sử dụng cách tiếp cận văn hóa theo các tầng (các lớp) nội dung. Trong đó xem cấu trúc văn hóa chính trị gồm:

1) Các giá trị chính trị, trong đó, hạt nhân là các giá trị cốt lõi;

2) Các chuẩn mực chính trị, bao gồm các nguyên tắc chính trị, các quy tắc ứng xử các nghi thức;

3) Các nhân vật chính trị (đại diện cho mô hình nhân cách trong văn hóa chính trị);

4) Các biểu tượng chính trị.[5]

Trong các tầng (lớp) nội dung cấu thành văn hóa chính trị, mỗi nội dung có vai trò khác nhau. Trung tâm của văn hóa chính trị là các giá trị chính trị, trong đó các giá trị cốt lõi đóng vai trò hạt nhân. Trên cở sở chia sẻ và theo đuổi các giá trị chính trị, con người hình thành các chuẩn mực chính trị (các nguyên tắc, quy tắc ứng xử các nghi thức). Các giá trị chính trị, các chuẩn mực chính trị làm định chuẩn để đánh giá hành vi chính trị của các chủ thể tham gia chính trị.

Trên cơ sở các giá trị và các chuẩn mực chính trị, làm căn cứ để từ đó xác định những nhân cách của nhân vật văn hóa chính trị tiêu biểu, tượng trưng cho văn hóa chính trị. Trong bất kỳ một nền chính trị nào cũng có những nhân vật tiêu biểu cho văn hóa chính trị. Họ thường là các lãnh tụ, thủ lĩnh chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được các quốc gia tôn vinh như những anh hùng dân tộc. Đó là các trường hợp như: George Washington, Abraham Lincoln...(Hoa Kỳ), Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Cyrus Đại Đế, vua khai quốc của Đế quốc Ba Tư cổ; Simón Bolívar (Venezuela); José Martí (Cuba); Friedrich II Đại Đế, Thủ tướng Otto von Bismarck, Thống chế Paul von Hindenburg (Đức); Aleksandr Yaroslavich Nevsky, Mikhail Kutuzov (Nga), Hồ Chí Minh ở Việt Nam. v.v.

Ở Việt Nam, ngày 21 tháng 6 năm 2013, tại văn bản số 2296/BVHTTDL-MTNATL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã công bố danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử, theo thứ tự thời gian như sau: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế (Lý Bí), Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), Lê Đại Hành (Lê Hoàn), Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn), Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Nguyễn Trãi, Quang Trung (Nguyễn Huệ), Hồ Chí Minh (Nguyễn Sinh Cung).

Trong đời sống chính trị, các biểu tượng văn hóa chính trị có vai trò rất quan trọng, tác động vào nhận thức, tình cảm của con người bằng những hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh một cách khái quát, cô đọng và sinh động…góp phần củng cố nhận thức chính trị và định hướng hành vi chính trị.

Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, tượng đài, một số sản phẩm vật thể cụ thể khác, tự chúng có thể có tiếng nói, chúng có tính tượng trưng cho thái độ của cộng đồng đối với các hiện tượng, lịch sử, quá trình và khuynh hướng chính trị là những biểu tượng văn hóa chính trị.

  1. Các giá trị văn hóa chính trị và giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam

Kế thừa những thành quả nghiên cứu từ trước đến nay về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, tổng hợp và khái quát các luận điểm liên quan của nhiều tác giả, kể cả các văn kiện Đảng và Nhà nước, với cách tiếp cận văn hóa chính trị, chúng tôi cho rằng, trong văn hóa chính trị Việt Nam có các giá trị sau:

  • Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
  • Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam
  • Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam
  • Tinh thần thân dân Việt Nam
  • Tinh thần hòa hiếu Việt Nam
  • Tinh thần thượng võ Việt Nam
  • Trọng chính nghĩa, trọng đạo lý
  • Hài hòa giữa đức trị và pháp trị
  • Tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường
  • Tinh thần thực tế, ứng phó, linh hoạt và sáng tạo (với các bối cảnh chính trị)

Trong hệ giá trị văn hóa chính trị, có các giá trị cốt lõi. Giá trị văn hóa chính trị cốt lõi có vị trí hạt nhân của hệ giá trị, nó có vai trò chi phối, làm hệ quy chiếu, để đánh giá các giá trị chính trị khác. Giá trị cốt lõi làm nên bản sắc của văn hóa chính trị, có tính ổn định hơn các giá trị khác nói chung. Trong đời sống chính trị, con người, nhóm người và các thể chế có thể dù có gặp khó khăn, thử thách, nhưng không dễ từ bỏ giá trị cốt lõi. Giá trị cốt lõi bảo đảm sự sống còn và phát triển của một quốc gia, một chính quyền. Các nước khác nhau có thể có các giá trị văn hóa chính trị và giá trị văn hóa chính trị cốt lõi khác nhau, sắp xếp trình tự ưu tiên cũng có thể khác nhau.

Trong bảng giá trị của văn hóa chính trị Việt Nam, chúng tôi cho rằng có 6 giá trị cốt lõi. Đó là:

1)      Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

2)      Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam

3)      Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam

4)      Tinh thần thân dân Việt Nam

5)      Tinh thần hòa hiếu Việt Nam

6)      Tinh thần thượng võ Việt Nam

Thật lý thú, khi phát hiện ra sáu giá trị cốt lõi này, chúng tôi mới nhận ra rằng chúng phản ảnh tư duy hệ thống của người Việt Nam trong chính trị, trong dựng nước, giữ nước và mở nước. Sáu giá trị cốt lõi này, không chỉ làm nên bản chất và bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống mà chúng thường xuyên được phát triển, bổ sung những nội dung mới, để luôn luôn đạt đến các chuẩn mực văn hóa chính trị nói riêng, văn hóa Việt Nam hiện đại nói chung. Sáu giá trị cốt lõi này là nền tảng của tinh thần dân tộc Việt Nam, và nếu có thể nói, thì đó là hồn cốt của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Do khuôn khổ của một tham luận hội thảo, chúng tôi chỉ tập trung bàn về 6 giá trị cốt lõi và sự biến đổi của chúng trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay.

Lần lượt theo trình tự, 6 giá trị cốt lõi đó, suốt chiều dài lịch sử, cha ông chúng ta đã tập trung giải quyết 6 vấn đề cơ bản nhất, 6 mối quan hệ cốt lõi trong tư duy và thực tiễn chính trị dân tộc: (i) Đất nước, (ii) Cộng đồng (Làng xóm), (iii) Con người, (iv) Nội trị, (v) Ngoại giao, (vi) Quốc phòng. Chúng ta cùng làm rõ hơn nội dung của 6 giá trị vân hóa chính trị cốt lõi đó.

1) Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam:

Chủ nghĩa yêu nước là tổng hợp các trạng thái tâm lý, tình cảm, nhận thức về đất nước, về nơi mà con người chia sẻ ý thức về nòi giống và cộng đồng chung sống, về về cương vực, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, về văn hóa và ngôn ngữ, về quyền lợi và nghĩa vụ…; về nơi trao cho con người không chỉ những thứ cần thiết để nuôi sống mình mà còn hun đúc tâm hồn và nhân cách, để con người tồn tại và phát triển…là tình cảm biết ơn đất nước, sẵn sàng phụng sự, cống hiến, hi sinh và làm tất cả những gì có thể vì sự sống còn và phát triển của đất nước.

Nội dung của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam:

  • Ý thức về cội nguồn của nước, ý thức về cương vực, lãnh thổ và và chủ quyền quốc gia;
  • Ý thức về nòi giống, cộng đồng dân cư;
  • Ý thức về văn hóa dân tộc;
  • Ý thức về văn minh, văn hiến, hiền tài, trọng hiền tài;
  • Ý thức về lợi ích, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân;
  • Ý thức về dựng nước, giữ nước và mở nước;
  • Ý thức về dân tộc và nhân loại, mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế;
  • Biết ơn đất nước.
  • Sẵn sàng hi sinh vì đất nước.

2) Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam:

Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam Là tổng thể những giá trị, tư tưởng, triết lý sống, chuẩn mực ứng xử…đề cao cộng đồng, vì cộng đồng, nhằm cố kết con người Việt Nam thành một sức mạnh tập thể, đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp để dựng nước, giữ nước và mở nước; hun đúc, chia sẻ và bảo tồn những giá trị văn hóa chung như là nền tảng của sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân và toàn dân tộc.[6]

Nội dung của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam:

  • Ý thức về dòng giống
  • Cố kết cộng đồng và cố kết dân tộc
  • Phương thức về cố kết cộng đồng (nhà - làng - nước)
  • Xử lý mối quan hệ giữa cái cộng đồng và cái cá nhân giữa cồng đồng quốc gia dân tộc và các cộng đồng bộ phận
  • Xử lý mối quan hệ giữa cộng đồng quốc gia dân tộc và cộng đồng quốc tế.

3) Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam:

Có thế khái quát nội hàm của chủ nghĩa nhân văn như sau: (i) Lòng yêu thương con người, tôn vinh tầm hồn, phẩm giá, khát vọng, vẻ đẹp con người; (ii) Niềm tin vào khả năng vô tận của con người tự định đoạt lấy số phận mình, tự hoàn thiện mình, tự giải phóng mình mà không phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên nào khác ngoài con người; (iii) Đấu tranh vì con người, giải phóng con người trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, về thể chất và tinh thần, về nhân phẩm và tự do…Như vậy, chủ nghĩa nhân văn là một giá trị văn hóa và văn hóa chính trị mang tính toàn nhân loại.

Nội dung của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam:

  • Lòng yêu thương con người, tôn vinh tầm hồn, phẩm giá, khát vọng, vẻ đẹp con người Việt Nam.
  • Niềm tin vào khả năng vô tận của con người Việt Nam tự định đoạt lấy số phận mình, tự hoàn thiện mình, tự giải phóng mình mà không phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên nào khác ngoài con người.
  • Đấu tranh vì con người, giải phóng con người Việt Nam trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, về thể chất và tinh thần, về nhân phẩm và tự do…
  • Đặt con người ở vị trí chủ thể, trung tâm của sự phát triển đất nước.

Khác với các dòng tư duy nổi bật của một số dân tộc khác: về Đấng tối cao, về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, về tìm kiếm lợi nhuận… Có thể nói rằng trung tâm của tư duy của người Việt Nam cho đến nay là tư duy về con người, về thân phận con người về khả năng của con người và giải phóng con người khỏi áp bức của các thế lực bóc lột, và áp bức dân tộc (đem hạnh phúc cho con người).

4) Tinh thần thân dân

Qua suốt chiều dài lịch sử, tinh thần thân dân Việt Nam có những nội dung sau:

  • Dân vi quý;
  • Dân là gốc nước;
  • Dân là con dân của nước, thần dân của vua, dân phải gắn với một quốc gia, một triều đại;
  • Thân dân gắn chặt với chính trị nhân nghĩa; việc nhân nghĩa cốt ở an dân;
  • Thấy được vị trí, vai trò quyết định của nhân dân. Dân như nước, có thể chở thuyển và có thể lật thuyền;
  • Dân là cộng đồng nhân dân, việc nước là việc của trăm họ;
  • Thân dân là thương dân, thương yêu những người lao động cùng khổ;
  • Biết ơn nhân dân;
  • Thân dân là dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Tinh thần thân dân Việt Nam là một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, được kiểm nghiệm qua lịch sử hàng ngàn năm, đã tạo nên một nét đặc sắc trong văn hóa chính trị Việt Nam

5) Tinh thần hòa hiếu Việt Nam, với nội dung như sau:

  • Yêu hòa bình ghét chiến tranh;
  • Bang giao hữu nghị;
  • Hòa hiếu trong độc lập, vì độc lập (trong danh dự và nhân phẩm);
  • Hóa giải các hận thù;
  • Ngoại giao hòa hiếu là một kế sách giữ nước và dựng nước;
  • Coi trọng đối thoại trong các xung đột;
  • Là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

6) Tinh thần thượng võ Việt Nam:

Tinh thần Thượng võ” là một giá trị văn hóa, trong đó coi trọng việc võ trong trị nước, coi trọng võ công của dân tộc, tôn vinh tinh thần hào hiệp, đại độ, nhân văn trong dụng võ, trong chiến đấu và chiến tranh chống xâm lược; là tinh thần, ý chí quyết chiến và quyết thắng kẻ thù, là nghệ thuật quân sự cao cường, được trao truyền từ thế hệ này qua các thế khác.

Nội dung của tinh thần thượng võ việt Nam:

1) Ý thức về võ và nghiệp võ, coi trọng võ công;

2) Ý thức về vai trò của quân sự trong giữ nước, dựng nước;

3) Ý thức về võ trong giáo dục con người, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc;

4) Biết lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo, biết đánh vào lòng người.

4) Bản chất của tinh thần thượng võ Việt Nam là nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Với một đất nước có lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt và lâu dài, Tinh thần thượng võ Việt Nam không chỉ là một giá trị văn hóa dân tộc, giá trị quốc gia, mà còn là một giá trị chính trị cốt lõi.

Các giá trị văn hóa chính trị cốt lõi là hạt nhân của các giá trị văn hóa chính trị Việt Nam. Đến lượt mình, các giá trị văn hóa chính trị Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, bộ phận quan trọng của hệ giá trị quốc gia.

  1. Sự biến đổi các giá trị văn hóa chính trị cốt lõi

Trong các tầng cấu trúc của văn hóa chính trị, các giá trị thường có tính ổn định và khá bền vững so với các chuẩn mực, các biểu tượng. Tuy nhiên, dưới tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội khách quan có thể dẫn tới biến đổi hệ giá trị và giá trị. Giá trị văn hóa thích nghi và phát triển cùng với nhu cầu của con người. Về mặt lịch sử, nhiều giá trị văn hoá chính trị thay đổi theo sự thay đổi cơ cấu kinh tế, quan hệ sản xuất, cách mạng nông nghiệp, cách mạng công nghiệp, các cuộc cách mạng xã hội…Sự biến đổi từ hệ giá trị này sang hệ giá trị khác có thể thông qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Có thể nhanh hoặc chậm, có thể ít hoặc nhiều, không triệt để hoặc triệt để. Trong quá trình biến đổi đó, có thể diễn ra sự mất dần, hoặc mất hẳn các giá trị cũ, lỗi thời, thay vào đó là những giá trị văn hoá mới. Một số giá trị mới của thời đại, lúc đầu chỉ manh nha, nhưng dần sẽ trở thành các giá trị chủ đạo.

Trong các giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, chúng ta cũng nhìn thấy tính bất biến và tính khả biến. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ngày nay, sẽ gắn liền với yêu nước xã hội chủ nghĩa, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cộng đồng truyền thống làng – xã sẽ phát triển thành các cộng đồng hiện đại, như cộng đồng đô thị, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng giới, cộng đồng chính trị, cộng đồng xã hội...được kết nối bới đa dạng các lợi ích, các công cụ của thời đại mới. Chủ nghĩa nhân văn ngày nay chắc chắn phải gắn với các quyền tự do, quyền con người, quyền công dân...Tinh thần thân dân trong hình thức hiện đại của nó là dân chủ, pháp quyền, chủ quyền nhân dân...Tình thần hòa hiếu Việt Nam giúp chúng ta xây dựng đường lối đối ngoại hòa bình, thân thiện, đúng đắn, mềm dẻo, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; chủ động tích cực hội nhập quốc tế, hội nhập toàn diện, sâu rộng...Tinh thần thượng võ được bổ sung những nội dung mới như nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa...

Có thể nói, các giá trị văn hóa chính trị cốt lõi nếu được nhận thức đầy đủ, sâu rộng, trở thành một phần của gía trị quốc gia sẽ góp phần xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…Khi hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa chính trị nói chung, giá trị văn hóa chính trị cốt lõi nói riêng được xác định rõ ràng, khi con người Việt Nam ý thức được những giá trị của chính mình, nguồn lực con người Việt Nam sẽ là một nguồn lực nội sinh vĩ đại. Trên cơ sở đó, sức mạnh mềm của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có cơ hội đề thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chinh phục những đỉnh cao mới trên con đường phát triền, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.  

Các giải pháp cơ bản là: Tăng cường nghiên cứu về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại, làm rõ những vấn đề văn hóa chính trị Việt Nam, coi đó là “hành trang” để Việt Nam hội nhập thành công, đóng vai trò xứng đáng trong chính trị quốc tế.  Khi các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa chính trị nói riêng đã được khái quát, xây dựng tương đối rõ ràng, cần áp dụng các phương thức truyền bá, giáo dục về tầm quan trọng của giá trị và giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị Việt Nam cho công dân, cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh sinh viên…để mỗi người Việt Nam là một người hiểu rõ chính bản thân mình, dân tộc mình, tự tin để sánh bước cùng các dân tộc khác trên con đường đi tới hùng cường văn minh, hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo

  1. Đoàn Trung Còn (1996), Đại học – Trung dung, Nxb Thuận hóa, Huế.
  2. GS.TSKH Phan Xuân Sơn, TS. Nguyễn Thị Thanh Dung (2019), Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam từ góc nhìn văn hóa và phát triển, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5-2019.
  3. GS.TS Ngô Đức Thịnh (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống và biến đổi, Nxb.CTQG, H, 2014.
  4. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên - 1998), Lịch sử triết học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Almond G. (1956), Comparative Political System, in: The journal of Politics.
  6. Culture definition: https://www.tamu.edu/faculty/choudhury/culture.html

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
30-11-2022

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 85
Trong tuần: 624
Lượt truy cập: 367487
Lên đầu trang