Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Chuyên đề 4: NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN. Chủ biên GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Chuyên đề 4: NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN. Chủ biên GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Chuyên đề 4: NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Biên soạn PGS. TS Vũ Hoàng Công. Chủ biên GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Trong cuốn Tập bài giảng chính trị học, dành cho cao học chuyên chính trị học.Nxb. CT-HC, Hà Nội 2008

2141

I. LỊCH SỬ CỦA VẤN ĐỀ VÀ QUAN NIỆM VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

1.1. Nguồn gốc, vai trò của nhà nước và pháp luật trong tư tưởng chính trị pháp lý

Ở phương Tây từ thời cổ đại người ta đã thấy vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự của thành bang. Platôn đã từng nói: Tôi nhìn thấy sự sụp đổ ở nơi nào mà ở đó không có pháp luật. 

Ở Hy Lạp hay La Mã cổ đại, bất cứ người nào dù ủng hộ hay phản đối nền dân chủ, thậm chí chủ trương nền quân chủ, cũng đều nói tới sự cần thiết phải có pháp luật để làm chỗ dựa cho sự cai trị. Một ông vua là người duy nhất cai trị vẫn có thể là tốt, nếu như ông ta dựa trên pháp luật và tôn trọng pháp luật. Pháp luật là cái khiến cho xã hội đi vào trật tự.

Ở Trung Quốc, phái Pháp trị với những đại biểu của nó như Thương Ưởng, Thân Bất Hại, đặc biệt là Hàn Phi đã khẳng định vai trò của pháp luật trong trị nước. Nhờ có pháp luật nghiêm minh mà nhà Tần trở nên hùng mạnh.

Một trong những câu hỏi lớn của các nhà tư tưởng là: pháp luật thể hiện tinh thần gì, công lý ở đâu? Nếu luật tư thì dường như câu trả lời có thể khả dĩ, đó là sự công bằng mà mọi người có thể tìm thấy trong những quy định của luật. Nhưng với luật công thì sao? Làm thế nào lại có sự công bằng giữa cá nhân và xã hội? Làm sao có được lẽ phải đối với cá nhân trong quan hệ với người cai trị? Nhân loại đã mất bao công sức để tranh luận, giải đáp câu hỏi này nhưng không hoàn toàn thống nhất.

Khi Thiên chúa giáo ra đời và có được quyền lực trong xã hội, nó đã cung cấp cơ sở lý luận thần học cho các nhà  luật học, và từ đó, công lý có một nguồn gốc thống nhất đầy tính siêu nhiên là ý Chúa, là Thượng đế.

Suốt hàng chục thế kỷ sau đó, các nhà tư tưởng pháp luật và chính trị vẫn cố gắng luận giải vấn đề này. Họ chia làm hai phe: thần học và thế tục. Cả hai đều có liên quan tới lý thuyết pháp lý tự nhiên (pháp quyền tự nhiên, quyền tự nhiên, tiếng Pháp là Jusnaturalisme - tuỳ theo cách dịch). Phe thần học coi tự nhiên là Thượng đế, là tinh thần siêu nhiên, siêu việt bên ngoài nhà nước. Còn phe thế tục thì coi tự nhiên chính là quy luật của thế giới bên ngoài, có trước con người. Sau này chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đứng trên quan điểm thế tục để khẳng định về nguồn gốc và bản tính của pháp luật.

Giá trị của những tư tưởng này (mà Môngtétxkiơ với tác phẩm “Tinh thần pháp luật” là một ví dụ) là ở chỗ nó cố gắng giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa luật pháp với nhà nước, giữa luật pháp với người cầm quyền. Một mặt, nó không phủ nhận rằng pháp luật ra đời trực tiếp từ nhà nước, gắn với thẩm quyền của nhà nước. Song mặt khác, vẫn muốn bản thân nhà nước, trong khi chế định ra pháp luật phải tuân thủ một tinh thần vĩnh hằng, một công lý siêu việt thể hiện quyền tự nhiên của con người.

1.2. Quan niệm cổ điển về nhà nước pháp quyền

Mặc dù vấn đề mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật đã được bàn luận từ hàng nghìn năm trước, song thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” lại ra đời khá muộn. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng pháp lý và chính trị thì thuật ngữ này được các nhà luật học Đức sử dụng lần đầu tiên vào những năm cuối của thế kỷ 18, chính xác là vào năm 1798. Người đã tạo ra thuật ngữ Rechsstaat trong tiếng Đức là Johann Placidus (1758-1815). Nó dần dần được giới luật gia Đức thời đó chấp nhận và sau đó được “xuất khẩu” ra nước ngoài, mà trước hết là sang Pháp vào những năm cuối của thế kỷ 19 dưới thuật ngữ L’Etat de droit và sang Anh dưới thuật ngữ State of law (cùng với nghĩa là Nhà nước của Luật), hay Law State (Nhà nước pháp luật). Ngày nay người ta thường dùng Rule of law (nghĩa đen là Cai trị của Luật hay là Pháp trị). Những nhà luật học Đức đầu tiên giải thích thuật ngữ này là: Robert von Mohl, Carl Theodor Welcker, Johann Cristoph Freiherr von Aretin.

Welcker quan niệm Nhà nước pháp quyền nghĩa là “L’Etat de Raison - Nhà nước của lý trí”, Mohl cũng quan niệm “L’Etat de l’endement - Nhà nước của lý trí” hay như Aretin quan niệm đó là nhà nước “bị cai quản đúng theo ý chí chung duy lý và có mục đích duy nhất là một cộng đồng tốt đẹp”. Tóm lại nhà nước pháp quyền là nhà nước của quyền duy lý, và nhà nước đó là nhà nước thực hiện trong đời sống của cộng đồng con người và vì đời sống của cộng đồng, những nguyên tắc duy lý mà chúng được làm trong sáng bởi truyền thống của quyền duy lý” (tr.18).

F.J.Stahl trong tác phẩm “triết học về quyền” đã viết: “Nhà nước pháp quyền, đó là một từ ngữ của trật tự và đó cũng là từ có nhiều nghĩa (tr.19).

Cố gắng đầu tiên tiếp nhận thuật ngữ Nhà nước pháp quyền trong tác phẩm của Pháp là của Leon Duguit (1859-1928) năm 1907 và sau này của nhiều nhà lý luận Pháp khác.

Năm 1885, Dicey viết “Nhà nước pháp quyền là nguyên tắc pháp luật thống trị với cái nghĩa là nó thiết lập một khuôn khổ cho các hành vi và phẩm hạnh thể hiện, và áp dụng ngang nhau cho mọi thành viên trong xã hội, dù đó là các cá nhân công dân hay là các quan chức nhà nước. Nhà nước pháp luật như thế là một nguyên tắc của tự do dân chủ, nó bao hàm lý tưởng về chủ nghĩa hiến pháp và nhà nước hạn chế. Ở Mỹ, nhà nước pháp quyền gắn với Quy chế Hiến pháp được coi là luật cao hơn và cũng được gắn với học thuyết về “due process”. Ở Anh nó được xem như là bắt nguồn từ luật công và nó cung cấp một sự thay thế cho hiến pháp (Andrew Heyood). Ở Đức, cơ sở lý luận của các nhà luật học là lý luận về quyền con người và khế ước xã hội; triết học duy tâm Đức.

1.3. Nhà nước pháp quyền và pháp trị

          Đã từng có tranh luận về sự khác và giống nhau về hai thuật ngữ này.

          Giáo sư Neil Mac Cormick cho rằng: “Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa quan điểm ‘Nhà nước pháp quyền’ và khái niệm chế độ pháp trị của Anh-Mỹ... Tuy nhiên, sự khác biệt về thuật ngữ này bắt nguồn từ một số khác biệt trong lịch sử lập hiến”. Ông đã giải thích sự khác nhau đó là Đức và Pháp, chủ nghĩa chuyên chế phong kiến nặng nề hơn rất nhiều so với Anh. Các ông Vua Pháp và Đức thường vượt rất xa về mức độ độc đoán. Đó là đối tượng mà không chỉ nhân dân cần đánh đổ bằng thực tiễn mà các nhà tư tưởng triết học, chính trị và luật học cần phải đánh đổ về mặt lý luận. Còn ở Anh, ngay từ thế kỷ 13, 14 đã có các đạo luật nhằm hạn chế quyền của Nhà vua và bảo đảm quyền con người (Macgna Carta). Do vậy nếu như ở Đức và Pháp phải dùng thuật ngữ L’ Etat de Droit (Nhà nước của Luật) thì ở Anh, Mỹ người ta chỉ cần dùng từ Rule of Law (cai trị của Luật, hay là Pháp trị). Như vậy là do hoàn cảnh lịch sử mà có sự nhấn mạnh khác nhau. Tuy nhiên về nguyên tắc thì hai thuật ngữ này giống nhau[1].

Tuy nhiên, việc dịch thuật ngữ Rule of Law sang tiếng Việt là gì cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử. Ở Phương Đông, khái niệm Pháp trị nói đến chủ trương cai trị bằng pháp luật được các nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại đề xướng, nhằm đối lập với chủ trương cai trị bằng nhân nghĩa của Khổng tử. Tuy nhiên, điều này không phản ánh được quan niệm tiến bộ (theo tinh thần Phương Tây) của mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật. Vì vậy đối với Trung Quốc, Việt Nam, so với quan niệm pháp quyền thì pháp trị mới là bước đầu cho sự nhận thức cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về vai trò của pháp luật trong đời sống của xã hội con người.

Về mặt nội dung, pháp trị mang ý nghĩa hẹp hơn. Khái niệm nhà nước pháp quyền mang ý nghĩa rộng hơn. Nó không chỉ đề cập tới việc nhà nước dùng pháp luật như công cụ để cai trị, quản lý xã hội một cách công bằng, bình đẳng, mà còn đề cập tới bản chất, yêu cầu của chính pháp luật đó. Luật pháp phải thế nào, do ai tạo ra. Hơn nữa, nó quy định vị trí của nhà nước trong quan hệ với pháp luật do nhà nước tạo ra. Nhà nước bị pháp luật quy định cả về hình thức (chính thể), cả về bộ máy, cả về thẩm quyền của nó.      

II. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG VIỆC XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI NÓI CHUNG

2.1. Sự phát triển quan niệm về nhà nước pháp quyền trong tư tưởng chính trị hiện đại

Nói tới quan niệm hiện đại về nhà nước pháp quyền tức là nói tới nhận thức mang tính phổ biến hiện nay trên thế giới về vấn đề này. Những quan niệm hiện đại được hoàn chỉnh sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nó là sản phẩm của sự phát triển hiện đại của xã hội loài người, của sự phát triển của các nhà nước trên thế giới và đặc biệt là cuộc đấu tranh cho tự do, bình đẳng, dân chủ, tiến bộ của cả loài người trong thế kỷ XX.

Ngày nay nhà nước pháp quyền đã trở thành nhu cầu khách quan, là giá trị xã hội vĩ đại, là phương thức tổ chức và quản lý xã hội hiệu quả để bảo vệ quyền lợi và nhu cầu của con người, bảo vệ các quyền và tự do của họ. Trong những nội dung cấu thành khái niệm nhà nước pháp quyền có những vấn đề cơ bản dưới đây, những vấn đề này vừa nói lên bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là những căn cứ chủ yếu để phân biệt nhà nước pháp quyền và các phương thức tổ chức nhà nước khác

  1. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà chủ quyền của nó thuộc về nhân dân.[2]

          Nhà nước pháp quyền là nhà nước được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nguồn gốc khách quan của quyền lực nhà nước - nhân dân. Nguồn gốc này trong lịch sử chính trị trước đó đã bị che giấu, bị giải thích sai hoặc bị tước đoạt. 

Thực tiễn đấu tranh để khẳng định chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân đúng như sự tồn tại khách quan của nó đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đạt được những thành tự khác nhau. Thành tựu to lớn đầu tiên cho cuộc đấu tranh vì chủ quyền nhân dân cùng với những tư tưởng tiến bộ khác như tự do, bình đẳng, hữu ái… được ghi nhận trong thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản. Từ đó, tự do, bình đẳng, chủ quyền nhân dân…trở thành những chế định pháp luật thiêng liêng, được ghi trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, cũng như trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789, 1793 và  trong Hiến pháp năm 1791 và Hiến pháp năm 1793 của nước Pháp…Chủ quyền của nhân dân được các nhà tư tưởng khẳng định, chỉ có thể có được nếu xây dựng được một chế độ chính trị dân chủ. Đó cũng là lý tưởng đấu tranh của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử nói chung và cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp quyền cho rằng: “Trong chế độ dân chủ thì chế độ nhà nước, luật pháp, bản thân nhà nước – trong chừng mực mà nhà nước là một chế độ chính trị nhất định - chỉ là sự tự quy định của nhân dân và là nội dung xác định của nhân dân”[3].

Kế thừa những thành tựu khoa học chính trị của thời đại khai sáng, được thực tiễn cách mạng thế kỷ XVIII – XIX minh chứng, Mác khẳng định: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”[4]. Do đó, “trong chế độ dân chủ thì bản thân nhà nước chính trị, chỉ là một dạng đặc thù của nhân dân, chỉ là hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân thôi.”[5] Nhà nước pháp quyền với ý nghĩa đó, không làm ra luật pháp, như Mác đã khẳng định “Quyền lập pháp không tạo ra luật pháp, - nó chỉ phát hiện và nêu luật pháp”[6] Hay nói cách khác, luật pháp tối thượng trong nhà nước pháp quyền chính là ý chí của nhân dân, phản ánh các quyền của nhân dân. Như vậy nhà nước pháp quyền mới có khả năng tồn tại với tư cách thực chất là nhà nước. “Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện đúng chân tướng của nó, - tức là xuất hiện với tính cách là sản phẩm tự do của con người”[7]

Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng nhân dân là người sáng tạo nên lịch sử và là người quyết định lịch sử, người trực tiếp tạo ra của cải vật chất và tình thần cho xã hội, là cơ sở của quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Vì vậy, về khách quan, nhân dân lao động có quyền quyết định vận mệnh của mình về kinh tế và về chính trị. Để nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, trong đó có cả chủ quyền nhà nước, thì phải đấu tranh xóa bỏ mọi chế độ bóc lột, xóa bỏ giai cấp và áp bức giai cấp nói chung, xây dựng một chế độ mới - chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy có thể nói, về lý tưởng chính trị, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là một chế dộ dân chủ - pháp quyền.

Quyền lực nhà nước thuộc về  nhân dân - những nội dung cơ bản , như:

- Nhân dân quyết định hình thức và phương thức hoạt động của nhà nước

- Bầu cử dân chủ là một thể chế để nhân dân tổ chức ra các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Quyền bãi miễn

- Tham gia công việc của nhà nước.

- Kiểm soát hoạt động của nhà nước

- Quyền tự do chính trị ( tự do ứng cử, bầu cử, biểu đạt ý kiến, lợi ích, lập hội, hội họp, biểu tình v.v.)

 Các nhà tư tưởng chính trị từ thời khai sáng cho đến Mác, Ănghen, Lênin và Hồ Chí Minh đều coi dân chủ là tự do, trong đó có tự do chính trị như là giá trị đặc trưng của chế độ dân chủ.

- Quyền kinh tế là cơ sở để thực hiện quyền lực chính trị

Tóm lại: Chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân là một tất yếu khách quan, phản ánh vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân trong hệ thống sản xuất xã hội. Cùng với sự phát triển xã hội, bằng cuộc đấu tranh lâu dài, nhân dân lao động ngày càng giành được nhiều thành quả về kinh tế, chính trị, xã hội, ngày càng khẳng định vị thế làm chủ của mình trong đời sống chính trị. Những thành quả đó vẫn phải được tiếp tục đấu tranh để củng cố, bảo vệ và giành được những thành tựu lớn hơn nữa. Trong điều kiện lịch sử mới, đứng trước những thách thức của toàn cầu hóa, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói,…vấn đề chủ quyền của nhân dân được đặt ra với những yêu cầu mới.

  1. Xét về mục đích và chức năng, trong nhà nước pháp quyền, các cơ quan quyền lực nhà nước phải tổ chức và hoạt động một cách công cộng và công khai.

Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước thế tục, xuất phát từ nhu cầu chung về sự sống còn và phát triển của cộng đồng. Không có căn nguyên nào thần bí, siêu tự nhiên. Nó phải có cơ sở là ý chí tự nguyện tự do của các cá nhân công dân. Nó là sản phẩm của sự thừa nhận tự nguyện.

Mục đích của nhà nước không có gì khác phải là vì lợi ích của con người, vì sự phát triển của cá nhân con người. GS Roman Herzog - Cựu tổng thống CHLB Đức, Cựu chánh án Tòa án Liên Bang, viết: “Nếu tôi phải nói mấy lời để giải thích ý nghĩa của “Nhà nước pháp quyền” tôi phải đáp lời rằng thuật ngữ này mô tả một nhà nước không xâm hại tới cá nhân và thực chất là tồn tại để đem lại lợi ích cho công dân của mình”[8]. Chức năng của nhà nước pháp quyền cũng từ đó mà ra. Nó phải ngăn chặn cái xấu, cái có hại cho lợi ích chung từ bên trong quốc gia cũng như từ bên ngoài quốc gia, bảo vệ cho tự do công dân.

Tính công cộng và công khai trong tổ chức và hoạt động của nhà nước trong nhà nước pháp quyền xuất phát từ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong đời sống xã hội, bất kỳ một sinh hoạt cộng đồng nào (từ hai người trở lên) cũng đều xuất phát từ sự uỷ quyền để tạo lập một quyền lực công. Sự uỷ quyền cũng được tiến hành với các hình thức khác nhau và ngày càng mang tính dân chủ. Quyền lực công cộng dùng để phối hợp hoạt động chung, bảo vệ trất tự công cộng và để bảo vệ cộng đồng khỏi những đe doạ từ bên ngoài. Vì vậy, tính công cộng là một tính chất cơ bản của nhà nước. Nhưng trong các nhà nước chuyên chế, nhân dân lao động không có địa vị thống trị về kinh tế, trở thành giai cấp bị bóc lột và cũng mất khả năng kiểm soát quyền lực công. Quyền lực công bị tha hoá, bị giai cấp thống trị độc quyền chiếm hữu và sử dụng tuỳ tiện. Quyền lực công trở thành quyền lực của một ông vua chuyên chế, hoặc của một gia đình, một dòng họ,… Việc thực thi quyền lực nhà nước bị biến thành những âm mưu của một cá nhân, một nhóm, một tập đoàn. Tính tuỳ tiện của việc thực thi quyền lực nhà nước làm cho nó không mang tính công khai, không được kiểm soát, nhân dân không có quyền biết những thông tin về tổ chức và hoạt động của nhà nước, vì vậy không có khả năng để kiểm soát quyền lực công cộng, vốn dĩ có nguồn gốc từ nhân dân. Tính công cộng và công khai của nhà nước (cộng hoà) là một trong những mục tiêu đấu tranh hàng đầu của mọi cuộc đấu tranh tư tưởng cũng như tổ chức vì quyền dân chủ của nhân dân, văn minh chính trị và tiến bộ xã hội của nhân loại. Vì vậy nó cấu thành một nội dung của nhà nước pháp quyền.

Mục đích của tính công cộng và công khai là đảm bảo quyền được thông tin của nhân dân, đặc biệt là thông tin về hoạt động của nhà nước, để nhân dân kiểm soát hoạt động của nhà nước. Nhân dân thực hiện sự giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước nhằm buộc các cơ quan này thực hiện đúng ý chí của nhân dân, thực hiện sự ủy quyền của nhân dân, đồng thời buộc các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước không lạm dụng quyền lực mà nhân dân đã tạm thời trao cho vào mục đích cá nhân vụ lợi, hoặc lộng quyền, chuyên quyền, vi phạm các quyền của công dân. Các hình thức, cơ chế kiểm soát quyền lực rất khác nhau. Trước hết là kiểm soát quyền lực từ chính bản thân các cơ quan quyền lực nhà nước. Song song với nó là sự kiểm soát của nhân dân.

  1. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền mang tính dân chủ và nhân dân, phản ánh xu hướng tiến bộ chung của nhân loại

Xét về bản chất, đó là nhà nước mà quyền lực của nó phải tuân thủ pháp luật, mà pháp luật này lại phải phản ánh được bản tính, phẩm chất Người. Vì vậy, pháp luật chỉ do nhà nước “hình thức hoá”, nhưng không phải theo ý chí chủ quan của nhà nước, hay ý chí chủ quan của người cầm quyền mà là ý chí chung của cộng đồng, thể hiện tinh thần duy lý, nhân văn. Như vậy nhà nước pháp quyền thực chất là luật hoá các quyền: Quyền con người, quyền công dân, quyền cộng đồng, quyền dân tộc; quyền của nhà nước trong mối quan hệ với công dân.

Khác với pháp luật của bất kỳ một nhà nước nào, kể cả pháp luật của nhà nước rất coi trọng cai trị bằng luật như nhà nước pháp trị, pháp luật của nhà nước pháp quyền phản ánh ý chí cuả nhân dân. Đó là một khế ước xã hội được ký kết giữa các công dân với nhau, giữa các công dân và nhà nước. Khế ước đó trước hết thoả thuận về tính bị quy định của nhà nước đối với xã hội công dân, nhà nước chỉ là biểu hiện của xã hội công dân, là một bộ phận của xã hội công dân. Xã hội công dân trao cho nhà nước những chức năng và những phương tiện nhất định để thực hiện chức năng của mình. Như độc quyền bộ máy cưỡng chế và trấn áp, công bố các đạo luật…Trong nhà nước pháp quyền nhà nước thực chất là một bộ phận nhỏ được quy đinh bởi xã hội công dân vì vậy nhà nước chỉ được hành động trong khuôn khổ mà nhân dân đã cho phép. Nhân dân sau khi đã uỷ quyền (góp một phần quyền của mình) để tạo nên nhà nước vẫn giữ lại cơ bản chủ quyền của mình. Quyền lực này là cơ bản và tối thượng. Đây là cơ sở để nhân dân hành động tự do làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và thường xuyên kiểm soát quyền lực đã trao cho nhà nước thực hiện chức năng công quyền 

Ngoài ra pháp luật trong nhà nước pháp quyền còn ghi nhận và bảo vệ các quyền tự nhiên, quyền thiêng liêng và cơ bản, những quyền “không ai có thể xâm phạm được”. Những quyền này được cụ thể hoá thành các quyền cụ thể trong các hiến pháp và pháp luật.

Nhưng quyền thiêng liêng có giá trị lịch sử của nó. Điều đó có nghĩa là “quyền không bao giở cao hơn trình độ kinh tế văn hoá của một xã hội cụ thể” Vì vậy, một xã hội có thể phản ánh được ý chí và quyền của nhân dân trong hiến pháp, pháp luật, nhưng do điều kiện kinh tế văn hoá thấp, luật pháp đó vẫn là những khế ước chưa đạt đến chuẩn mực pháp quyền phổ biến. Vì vậy một trong những yêu cầu cơ bản của pháp luật của nhà nước pháp quyền là pháp luật của nhà nước ấy phải phản ánh những xu hướng tiến bộ chung của nhân loại.

  1. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật ngự trị tối cao trong đơi sống xã hội

Khi pháp luật đã thực sự là pháp luật của nhà nước pháp quyền thì luật pháp ngự trị tối cao. Đây là một tính chất cơ bản của nhà nước pháp quyền. Điều đó có nghĩa là, bộ máy nhà nước, công chức nhà nước, các đảng chính trị, các tổ chức của xã hội công dân, từng công dân đều bình đẳng và tôn trọng pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Muốn đạt được điều đó, phải có đầy đủ pháp luật và luật tốt, nhân dân phải có hiểu biết về pháp luật. Có nghĩa là phải tạo ra một trạng thái xã hội trong đó người chấp hành pháp luật phải có lợi hơn người vi phạm pháp luật. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp…phải luôn luôn năng động dể tạo lập một trật tự pháp lý mới. Để đảm bảo tính tối thượng của pháp luật, yêu cầu về làm luật rất cao, đòi hỏi cơ quan lập pháp phải là một cơ quan chuyên nghiệp, có năng lực lập pháp, cơ quan tư pháp phải công minh, độc lập trong quá trình xét xử những ai vi phạm pháp luật. Trong nhà nước pháp quyền, dù luật được làm ra nhiều, được thực thi rộng rãi, như tư pháp không công minh thì pháp luật mất vị trí tối thượng. Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng, quyền tư pháp coa vai trò quyết định trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền.

  1. Các cơ quan quyền lực nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung – phân quyền (phân quyền hợp lý), không tuyệt đối hóa quyền lực nhà nước, tránh chuyên quyền và lạm quyền.

Nhà nước pháp quyền phải tổ chức một cách hợp lý để có sự kiểm soát quyền lực khiến cho không thể có sự lạm quyền, lợi dụng quyền lực nhà nước, xâm hại đến lợi ích của công dân

Tập trung và phân quyền là hai mặt của thực thi quyền lực chính trị và nhà nước. Không tập trung đủ mức thì không có quyền lực chính trị hoặc quyền lực nhà nước. Nhưng nếu không thực hiện sự phân quyền hợp lý cũng không thể thực thi được quyền lực chính trị hoặc quyền lực nhà nước.

Vấn đề phân quyền được đề cập trong các tác phẩm của các nhà tư tưởng chính trị, đặc biệt là trong các tác phẩm của J. Lôcơ và Môngteskiơ. Các ông đã đưa ra lý thuyết phân quyền và cho rằng, phân quyền làm cho quá trình thực thi quyền lực nhà nước được đúng đắn, làm cho các cơ quan quyền lực nhà nước trong quá trình phối hợp thống nhất hành động, kiềm chế lẫn nhau, làm cho từng nhánh quyền lực không thể lạm dụng quyền lực.

Có nhiều hình thức và mức độ phân quyền khác nhau, từ triệt để đến ít triệt để hơn. Phân quyền theo quan hệ ngang hoặc quan hệ dọc…

Thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay có nhiều vấn đề đang đặt ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rầng, tính phân lập các quyền trong các nhà nước tư sản hiện đại đã bị biến tướng bởi tính độc quyền của các đảng chính trị cầm quyền. Chính trị nghị viện đã bị thay thế bởi chính trị đảng phái, những biểu hiện lạm dụng quyền hành pháp, thiếu các cơ chế kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân…

Có thể còn nhiều biểu hiện mới nữa, nhưng nguyên tắc thống nhất – phân quyền vẫn tồn tại như một nguyên tắc cơ bản vừa mang tính chính trị vừa mang tính kỹ thuật trong quá trình tổ chức và vận hành nhà nước pháp quyền.

Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể nêu lên định nghĩa:

Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà chủ quyền của nó thuộc về nhân dân; các thể chế quyền lực của nó phải được tổ chức và hoạt động một cách công cộng và công khai; luật pháp của nhà nước đó phản ánh ý chí của nhân dân, các quyền thiêng liêng và bảo vệ các quyền ấy (quyền con người, quyền công dân, quyền cộng đồng, quyền dân tộc), đồng thời pháp luật còn phản ánh những khuynh hướng tiến bộ chung của nhân loại và trở thành ngự trị tối cao trong đời sống xã hội; các cơ quan quyền lực nhà nước được tổ chức và vận hành theo nguyên tắc tập trung – phân quyền, nằm hạn chế sự chuyên quyền và lạm quyền.

Cũng cần thấy rằng, ngoài những tính chất chung cơ bản mang tính phổ biến của nhà nước pháp quyền, ở mỗi quốc gia, do những đặc điểm kinh tế - xã hội và lịch sử văn hoá, việc áp dụng những giá trị dân chủ - pháp quyền có những yêu cầu riêng và tạo nên những đặc trưng riêng của từng nhà nước pháp quyền cụ thể.

2.2. Nhà nước pháp quyền và vấn đề dân chủ, quyền con người

Để có một nhà nước pháp quyền cần phải có Hiến pháp ổn định, vững chắc làm cơ sở cho sự tổ chức nhà nước, ràng buộc quyền lực nhà nước; phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, xây dựng theo trình tự, thủ tục pháp lý công khai, có nội dung rõ ràng bảo đảm các quyền và nghĩa vụ qua lại có tính trách nhiệm giữa nhà nước và công dân, giữa công dân với công dân; an ninh cho con người phải được bảo đảm; sự vi phạm quyền con người, quyền công dân phải bị trừng phạt... Cùng với quá trình phát triển xã hội càng ngày nội dung của nhà nước pháp quyền càng được bổ sung, tiêu chuẩn của nó ngày càng cao, phản ánh và phù hợp với yêu cầu của thời đại và các xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Tuyên bố Deli (1959, được đưa ra tại Hội nghị thế giới lần thứ 2 của các nhà luật học, luật sư và thẩm phán tại Deli về Nhà nước pháp quyền) đã nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền là :

- Cá nhân có các quyền và tự do, và phải được nhà nước bảo vệ.

- Phải có tư pháp độc lập để bảo đảm cho các quyền và tự do đó không bị xâm hại.

- Phải thiết lập các điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội để cá nhân thực sự thỏa mãn được các quyền đó.

Tuyên bố cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm có được Nhà nước pháp quyền[9].

- Nhà nước pháp quyền với vấn đề quyền con người là đi đôi với nhau. Bởi vì pháp luật tối thượng mà nhà nước phải tuân theo không có gì khác chính là thể hiện quyền tự do và những phẩm giá Con người. Quyền con người là tinh thần của pháp luật mà nhà nước pháp quyền phải tuân theo.

- Nhà nước pháp quyền vừa là sự thể hiện dân chủ (vì khi nói tới nguồn gốc của nhà nước là từ nhân dân, vì nhân dân tức là nói tới dân chủ), vừa là công cụ thực hiện và bảo đảm cho dân chủ. Nó là điều kiện không thể thiếu được để phát triển dân chủ. GS Josef Thesing viết: “Nhà nước pháp quyền là một trong những nguyên tắc làm nền cho nhà nước dân chủ. Dân chủ cần kinh tế thị trường xã hội và công bằng xã hội cũng như nhà nước pháp quyền”[10].

Song dân chủ là sản phẩm không chỉ riêng của nhà nước pháp quyền mà là sản phẩm tổng hợp của chế độ chính trị, bản chất giai cấp của nhà nước, của đảng cầm quyền.

III. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN TRÊN THẾ GIỚI

3.1. Các chế độ nhà nước, các hình thức chính thể và nhà nước pháp quyền

Trên thế giới hiện nay, các quốc gia có nhiều tên gọi khác nhau vừa như sự khẳng định, vừa như sự mong muốn thể hiện cả bản chất và hình thức của chế độ chính trị của mình. Xét về hình thức chính thể thì hiện nay có những hình thức như: cộng hoà (Cộng hòa tổng thống, cộng hoà đại nghị, cộng hoà XHCN); quân chủ (Quân chủ lập hiến, quân chủ chuyên chế).  

Trong những hình thức đó có loại xa lạ với nhà nước pháp quyền, có loại tiếp cận gần hơn. Song nhà nước pháp quyền không chỉ tuỳ thuộc vào hình thức nhà nước. Điều quan trọng là ở chỗ, với bất kỳ tên gọi nào, hình thức chính thể nào, chế độ chính trị nào (Tư bản chủ nghĩa, XHCN) thì để đạt đến Nhà nước pháp quyền phải đáp ứng được các chuẩn mực phổ biến của NNPQ.

Dựa vào việc đạt được những tiêu chí đó ra sao, hiện nay người ta đã tiến hành xếp loại các quốc gia theo các mức: Đạt cao; trung bình (chia thành trung bình cao, trung bình thấp); không đạt[11].

3.2. Xây dựng nhà nước pháp quyền là một xu hướng lớn trong đời sống chính trị thế giới đương đại

          Động lực của xu hướng đó chính là sự phát triển mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hoá, giao lưu, hội nhập quốc tế… đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý mới, một phương thức tổ chức và hoạt động mới của nhà nước. Không có Nhà nước pháp quyền thì không thể phát triển được kinh tế thị trường như là cơ sở tất yếu của phồn vinh của xã hội. 

          Ngày nay, trong đời sống chính trị thế giới đang hình thành một nền văn minh chính trị mới, trong đó các tầng lớp nhân dân ý thức ngày càng cao về các quyền như quyền con người, quyền công dân, quyền cộng đồng, quyền dân tộc, các quyền tự do, dân chủ… Dân chủ được xem xét như một thành quả của văn minh chính trị và trở thành động lực phát triển cho mọi quốc gia còn Quyền con người chính là sự tôn trọng nhân phẩm của các cá nhân trong xã hội. Mặt khác, sự thất bại của các mô hình nhà nước phi dân chủ, chuyên chế, độc tài… trong việc đáp ứng nhu cầu dân chủ của nhân dân và trong phát triển đất nước đang buộc các đảng chính trị, nhân dân các nước lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền như là một giải pháp chính trị tối ưu cho việc giải quyết những vấn đề phát triển đang đặt ra. 

CÂU HỎI TRƯỚC KHI NGHE GIẢNG

  1. Những nội dung cơ bản của nhà nước pháp quyền ?
  2. Nêu đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền.
  3. Vai trò của nhà nước pháp quyền trong phát triển xã hội hiện đại

CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền.
  2. So sánh nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp trị.
  3. Anh/ chị hiểu thế nào về xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng ở nước ta?

CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Trình bày khái quát sự phát triển tư tưởng về nhà nước pháp quyền?
  2. Hãy nêu các quan niệm và đưa ra khái niệm về nhà nnước pháp quyền?
  3. Những nội dung chủ yếu và bản chất của nhà nước pháp quyền?
  4. Phân tích mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và dân chủ?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Trí Úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb KHXH, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Niên (1996), Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, Hà Nội.
  3. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ tư pháp (1997), Về nhà nước pháp quyền XHCN VN, Nxb CTQG, Hà Nội.
  4. Lê Minh Quân (2003), Xây dựng nhà nước pháp quyền đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG, Hà Nội.
  5. Viện Korad Adenauer (2002), Nhà nước pháp quyền, Nxb CTQG. Hà Nội.


[1] Viện Korad Adennauer (2002), Nhà nước pháp quyền, Nxb CTQG, Hà Nội, tr 9.

[2] Chi tiết hơn, xem chuyên đề "Quyền lực của nhân dân và chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân" trong Tập này.

[3] Mác – Ăngghen toàn tập tập1. Nxb CTQG. H.1995.tr.351

[4] Mác – Ăngghen toàn tập, tập 1, CTQG, H, 1995, tr.350

[4] Mác – Ăngghen toàn tập , đ,d. tr.351

[5] Đã dẫn tr.395

31Đã dẫn tr.395

[7] Đã dẫn tr. 349

[8] Viện Korad Adenauer (2002), Nhà nước pháp quyền, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 37.

[9] Wikipedia, Declaration of Delhi.

[10] Viện Korad Adenauer (2002), Nhà nước pháp quyền, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 31.

[11] wikipedia.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
02-03-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 29
Trong tuần: 712
Lượt truy cập: 371436
Lên đầu trang