Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Hồ Chí Minh với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sự tích hợp những gia trị đỉnh cao của nhân loại

In bài viết
Hồ Chí Minh với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sự tích hợp những gia trị đỉnh cao của nhân loại

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

NCS Nguyễn Thị Phương Thủy

(Bài tham gia Hội thảo khoa học: "Hồ Chí Minh với con đường phát triển của Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tại Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hổ Chí Minh

.

Mục lục bài viết

595

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

NCS Nguyễn Thị Phương Thủy

(Bài tham gia Hội thảo khoa học: "Hồ Chí Minh với con đường phát triển của Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tại Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hổ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước luôn là một đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách. Cho đến nay đã có rất nhiều nhà khoa học và rất nhiều công trình công bố về đề tài này. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa được nghiên cứu sâu, còn không ít khoảng trống. Bài tham luận này, chỉ xin đóng góp một cách nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước trong mô hình chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ thể hơn được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946.

1. Hồ Chí Minh lựa chọn mô hình chính thể trong quá trình tìm đường cứu nước

Chúng ta đã biết, năm 1911, khi quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đặt ra mục đích là “xem nước Pháp và các nước làm thế nào rồi về giúp đồng bào mình”. Hồ Chí Minh đã từng hiểu và trải nghiệm rất rõ mô hình nhà nước phong kiến tập quyền chuyên chế phương Đông, trường hợp Việt Nam qua chiều dài lịch sử, nhận thức rõ những ưu điểm và hạn chế của mô hình đó. Vì vậy, khi quyết định sang Phương Tây tìm đường cứu nước Người đã đoạn tuyệt với tất cả các mô hình nhà nước phong kiến, hoặc “nặng cốt cách phong kiến” ở quê nhà. Người cũng hiểu rất rõ mô hình Nhà nước thuộc địa Pháp ở Đông Dương, mà Người đã nhiều lần mô tả trong Bản Yêu sách gửi Hội nghị Véc Xay (1919) Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) ở Đông Dương và nhiều tác phẩm khác. Trong chế độ nhà nước ấy, bộ máy cai trị của bọn thực dân da trắng, tham nhũng, độc ác, còn người “dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch, bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên”, nơi mà “tính mạng người An Nam rẻ rúng không đáng giá một trinh”. Một chế độ được Người diễn tả là “chế độ ăn cướp, hiếp dâm và giết người”[1]. Nguyễn Ái Quốc trích nhà văn Pháp Vinhê Đốctông viết rằng: “Pháp luật, công lý đối với người bản xứ ư ? Thôi đi! Chỉ có ba tong, súng ngắn, súng dài, đấy mới là thứ xứng đáng với lũ ròi bọ ấy!”[2].

Ngày 5-6-1911. Nguyễn Tất Thành rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước, một tháng sau, Người đến cáng Mác Xây, Pháp (6 - 7- 1911), sau đó Người làm thuê trên chiếc tàu đi vòng quanh châu Phi, giữa tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, Người vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, nghiên cứu. Khi nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776, Người rất chú ý Bản Tuyên ngôn Độc lập, mà sau này Người đã trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành từ Mỹ sang Anh và cho đến cuối năm 1917 Người trở lại Pháp.

Quá trình nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789) đã giúp Nguyễn Ái Quốc học hỏi được nhiều điều. Tuy vậy, Người vẫn đánh giá những cuộc cách mạng tư sản là “những cuộc cách mạng không đến nơi”.

Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ hồi bấy giờ, Người có dịp tiếp xúc, hoạt động với nhiều nhà chính trị nổi tiếng ở Pháp. Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu và hoạt động trong phong trào công nhân, liên lạc và cùng hoạt động với nhiều nhà cách mạng ở nhiều thuộc địa Pháp.

Suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người cũng đã nghiên cứu nhiều mô hình nhà nước trên thế giới. Có bốn mô hình mà Người đã trải nghiệm bằng chính cuộc đời lao động, kiếm sống, học tập và hoạt động cách mạng của chính mình. Đó là mô hình chính thể Cộng hòa Tổng thống (Mỹ), mô hình Quân chủ lập hiến (Anh), các mô hình nhà nước Pháp trước năm 1941, mô hình nhà nước Xô viết (Liên Xô) và mô hình Chính thể Trung Hoa Dân quốc. 

Chắc chắn là Người đã nghiên cứu rất kỹ Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ (1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1791). Đây là hai bản Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để Người trích dẫn trong lời nói đầu của Tuyên ngôn Độc lập (1945) và xây dựng Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau này.

Người cũng đã nghiên cứu Hiến pháp Hoa Kỳ, một trong những Hiến pháp kinh điển của thế giới. Hiến pháp Hoa Kỳ thực hiện chức năng cơ bản của Hiến pháp là đặt ra giới hạn quyền lực nhà nước cho Quốc hội, Tổng thống và Tòa án tối cao, cơ chế phân quyền giữa các cơ quan quyền lực này, đồng thời ghi nhận những quyền con người, quyền công dân mà nhà nước phải đảm bảo. Về ảnh hưởng của các cuộc cách mạng trên thế giới đến tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước, chính Người đã viết trong thư gửi đồng bào nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám, ngày 19-8-1947 như sau: “Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo gót cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh.”[3]

Vài nét về mô hình chính thể nhà nước mà các cuộc cách mạng trên thực hiện.

Mô hình chính thể nhà nước của Hoa Kỳ:

Sau khi giành độc lập khỏi sự thống trị của Anh, mô hình chính thể của Hoa Kỳ là Cộng hòa Tổng thống. Mô hình này áp dụng nguyên tắc phân quyền tuyệt đối của lý thuyết phân quyền. Ba nhánh quyền lực đều nhận sự ủy quyền trực tiếp từ nhân dân (về sau nhánh tư pháp thông qua Hành pháp - Tổng thống giới thiệu và Lập pháp - Thượng viện chuẩn y để hình thành ra các Thẩm phán Tòa án Tối cao). Ba cơ quan quyền lực này độc lập và chế ước lẫn nhau trong lúc cùng thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân.

Mô hình chính thể nhà nước Anh:

 Một luật gia, một nhà Hiến pháp học Anh nổi tiếng thế kỷ XIX là A.V. Dicey đã viết rằng: “Hai trụ cột của Hiến pháp Anh là chủ quyền tối cao của Nghị viện và nhà nước pháp quyền”[4]. Trong mô hình chính thể nước Anh, chủ quyền tối cao thuộc về Nghị viện, Nghị viện có thể ban hành bất kỳ luật nào mà nó muốn. Các luật do Nghị viện ban hành có hiệu lực tối cao và là nguồn cuối cùng của pháp luật.

Ở nước Anh, người dân bầu ra Nghị viện, Chính phủ được hình thành từ phe đa số trong Nghị viện, Tư pháp xét xử độc lập, Quốc vương thế tập mang tính đại diện quốc gia. Mô hình này được gọi là Quân chủ lập hiến. Một đặc điểm của Nhà nước Vương quốc Anh là hệ thống pháp luật, kể cả Hiến pháp đều không thành văn. Mô hình Quân chủ lập hiến đã xuất hiện trong tư tưởng cụ Phan Bội Châu những năm 1905-1907, nhưng Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ không chọn mô hình này.

Mô hình chính thể nhà nước Pháp:

Cộng hòa Pháp là quốc gia có lịch sử lập hiến đầy biến động và phức tạp bậc nhất trên thế giới. Suốt hơn 200 năm qua, ở nước Pháp diễn ra 5 cuộc cách mạng, thiết lập 2 đế chế, đan xen giữa các nền cộng hòa có 2 lần phục hồi vương quyền, 5 chế độ cộng hòa. Khởi đầu từ cuộc Đại Cách mạng năm 1789, lịch sử lập hiến Cộng hòa Pháp đã trải qua 12 chế độ chính trị với 16 bản Hiến pháp và các đạo luật Hiến pháp quan trọng khác.

Đệ Nhất Cộng hòa Pháp được chính thức thành lập ngày 21-9-1792 khi hội nghị Quốc ước tuyên bố chấm dứt chế độ Quân chủ, quyền lực của Giáo hội La mã và lập ra nền Cộng hòa tồn tại đến năm 1804. Hiến pháp ngày 14-8-1830 xác lập nền quân chủ lập hiến lưỡng viện. Hiến pháp này tồn tại 18 năm. Hiến pháp ngày 04-11-1848 lập ra nền Cộng hòa thứ hai, xác lập chế độ đại nghị dựa trên hai trụ cột (chủ quyền nhân dân và chủ quyền quốc gia) và sự phân chia quyền lực giữa Tổng thống (được thành lập bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm) với một Viện lập pháp (được thành lập bằng phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 3 năm). Hiến pháp này tồn tại 3 năm.

Hiến pháp ngày 14-01-1852 thiết lập nền cộng hòa chuyên chế, gồm 2 Hội đồng được bổ nhiệm và 1 Hội đồng được bầu cử. Trong thời gian Hiến pháp này có hiệu lực, Đế chế (thứ hai) được khôi phục. Hiến pháp này tồn tại 18 năm. Hiến pháp ngày 21-5-1870 thiết lập Đế chế đại nghị với hai cơ quan hành pháp. Hiến pháp này tồn tại 4 tháng.

Ba đạo luật Hiến pháp ngày 24-2, 25-2 và 16-7-1875 đánh dấu sự ra đời sau những biến động của cuộc cách mạng 1871. Ba đạo luật nói trên được coi là “Hiến pháp” của nền Cộng hòa thứ ba, thiết lập chế độ đại nghị với một Tổng thống có nhiệm kỳ 7 năm. Hạ nghị viện được bầu bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp, Thượng nghị viện được bầu bằng phổ thông đầu phiếu gián tiếp. Vai trò của cơ quan lập pháp được đề cao. Đây là nền Cộng hòa thứ ba (1870-1940), tồn tại 65 năm.

Đạo luật Hiến pháp ngày 10-7-1940 thiết lập chế độ độc tài của Quốc trưởng, trao cho Thống chế Petain - nguyên thủ quốc gia, nắm mọi quyền: lập hiến riêng, lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong giai đoạn này (4 năm), Thống chế Petain đã thông qua một số văn kiện hiến định, khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của Đại cách mạng 1789 được thay thế bằng khẩu hiệu “Lao động - Gia đình - Tổ quốc”. Chính phủ Petain đã đầu hàng Phát xít Đức năm 1940.

Hiến pháp ngày 27-10-1946 đánh dấu sự ra đời của nền Cộng hòa thứ tư, thiết lập chế độ đại nghị gồm Tổng thống có quyền lực hạn chế, Quốc hội lưỡng viện. Hiến pháp này đề cao vai trò của Quốc hội và tồn tại 12 năm. Trong giai đoạn này, tình hình chính trị hết sức bất ổn, 24 Chính phủ đã thay nhau nắm quyền.

Hiến pháp ngày 04-10-1958 đánh dấu sự ra đời của nền Cộng hòa thứ năm - chính thể hiện hành của nước Pháp. Hiến pháp thiết lập chế độ Cộng hòa lưỡng tính dựa trên chế độ nghị viện hợp lý và xu hướng đề cao vai trò của Tổng thống. Lần đầu tiên, Hiến pháp quy định việc thành lập một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp - Hội đồng Hiến pháp.

Những năm trở lại Pháp (1917-1923), hoạt động của Nguyễn Ái Quốc rất phong phú, sôi nổi, trên nhiều lĩnh vực: ứng cử vào Hạ viện Pháp (không thành công), thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Người cùng khổ, học dự thính đại học Sorbonne, được coi là “mọt sách” ở Thư viện quốc gia Pháp, đặc biệt là việc kết giao với các nhà trí thức cách mạng Phan Văn Trường (TS Luật, giáo sư luật, luật sư) và Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, tham gia soạn thảo và ký tên vào Bản Yêu sách của nhân dân An Nam…

Chúng ta có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc có kiến thức sâu sắc về các mô hình nhà nước dân chủ phương Tây, đặc biệt là các mô hình nhà nước Mỹ, Anh, Pháp.

Chúng ta có thể dự đoán, chỉ có hai mô hình: Cộng hòa thứ hai, ra đời sau cuộc cách mạng 1848 và Cộng hòa thứ ba, ra đời sau cuộc cách mạng 1871 là có thể có ảnh hưởng đến tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước. Các mô hình khác, hoặc là chưa ổn định (Cộng hòa thứ nhất), hoặc Quân chủ lập hiến, hoặc là Nhà nước độc tài - Những mô hình mà ngay từ khi ở Việt Nam Nguyễn Tất Thành đã không lựa chọn. Nền cộng hòa thứ tư (10-1946) và Cộng hòa thứ năm (1958), mô hình Cộng hòa lưỡng tính (hỗn hợp) ra đời đồng thời hoặc muộn hơn mô hình chính thể nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phản ánh trong Chương trình Việt Minh 1941 và trong Hiến pháp 11-1946 (được chuẩn bị từ tháng 3-1946), nên Hồ Chí Minh không thể tham khảo.

Khi viết “Tuyên ngôn Độc lập” (năm 1945), Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng việc trích dẫn “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ (năm 1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Cách mạng Pháp (năm 1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[5].

Nói về cách mạng Tàu và mô hình nhà nước Trung Hoa Dân Quốc:

Hồ Chí Minh đánh giá cao lý tưởng của cách mạng Tàu (chủ nghĩa Tam dân), chứ không phải mô hình nhà nước Trung Hoa Dân Quốc. Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, dù có cách diễn đạt mới, nhưng nội dung cơ bản vẫn là tư tưởng của các cuộc cách mạng chủ tư sản phương Tây, mà Tôn Trung Sơn tiếp thu được nhờ trải nghiệm của ông tại Mỹ và hàm chứa nhiều yếu tố được rút ra từ các cuộc cải cách ở nước này. Ví dụ như tư tưởng về nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mà Tôn Trung Sơn dẫn lại lời của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Hồ Chí Minh sau này cũng lấy từ tư tưởng này để tuyên bố về nền tảng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nội hàm của Chủ nghĩa tam dân mà Tôn Trung Sơn nêu ra bao gồm ba yếu tố cơ bản nhất: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Trong đó, dân tộc độc lập có ý nghĩa rằng các dân tộc trên đất nước Trung Hoa không bị thế lực đế quốc xâm chiếm, cai trị. Dân quyền tự do với bốn quyền lợi chính trị căn bản: tuyển cử, bãi miễn, sáng chế, và phúc quyết. Những quyền này cơ bản tương ứng với quyền công dân ở các nước dân chủ phương Tây. Tuy nhiên “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc” trong Hiến pháp 1946 của Việt Nam còn rộng hơn. Mô hình chính phủ mà Tôn Trung Sơn muốn xây dựng ở Trung Quốc không phải chỉ “tam quyền phân lập” mà “ngũ quyền phân lập” (ngũ Viện): lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm sát và kiểm tra. Dân sinh hạnh phúc của Tôn Trung Sơn chính là một số nội dung an sinh, phúc lợi xã hội ở các nước phương Tây, gồm 4 lĩnh vực: thức ăn, quần áo, nhà cửa và chữa bệnh. Tư tưởng của Tôn Trung Sơn, mặc dầu có bổ sung phát triển thêm vào những năm 20 của thế kỷ XX, tuy nhiên nội dung cơ bản vẫn là diễn đạt lại tư tưởng của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở các nước phương Tây lúc bấy giờ.

Trên thực tế, phải đến giữa tháng 11-1924, khi từ Mátxcơva đến Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Chí Minh mới có điều kiện tìm hiểu tư tưởng của Tôn Trung Sơn một cách trực tiếp, sâu sắc hơn. “Ông để hết tâm lực nghiên cứu chính trị Trung Quốc. Ba nguyên tắc của bác sĩ Tôn Dật Tiên là: - Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc”[6]. Ngoài những tư tưởng dân chủ tư sản, tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn còn đưa ra chủ trương “Liên Nga, thân Cộng, ủng hộ công nông”. Vì vậy, Nguyễn Ái quốc cho rằng, “trong tất cả các lý luận cách mạng, ông Nguyễn cảm thấy chủ nghĩa Tôn Văn là thích hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.”[7] “Từ đó về sau, Nguyễn Ái Quốc có lòng kính trọng sâu sắc đối với lãnh tụ vĩ đại này của nhân dân Trung Quốc và trở thành người học trò trung thực của ông ta.”[8]

Tuy ngưỡng mộ Tôn Trung Sơn và lý thuyết về mô hình nhà nước do ông đề ra, nhưng trên thực tiễn, cuộc cách mạng Tàu (Cách mạng Tân Hợi) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản không triệt để, thỏa hiệp với các thế lực phong kiến Nhà Thanh (Viên Thế Khải). Thắng lợi của cuộc cách mạng này là kết quả của những phong trào đấu tranh với hàng chục cuộc khởi nghĩa từ cuối thế kỷ XIX và kết thúc bằng các cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, Hồ Bắc (10-10-1911). Sau cách mạng, tình hình Trung Quốc rất phức tạp, các mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc không có điều kiện thực hiện, “Trung Quốc rơi vào thời kỳ nội chiến đẫm máu kéo dài suốt gần 40 năm”[9].

 Nói về cách mạng Nga và mô hình Nhà nước Xô viết:

Như chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh đến Liên xô vào 7-1923, hoạt động ở đây cho đến 10-1924, tức sau 5 năm thành công của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, đã trải qua thời kỳ nội chiến, sau một năm thành lập Liên Bang Xô viết và sau một năm thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Từ tháng 10-1924 đến tháng 6 năm 1927, người về hoạt động ở Trung Quốc. Từ tháng 6-1927 đến 11-1927 và từ tháng 6-1934 đến tháng 10-1938, Hồ Chí Minh trở lại Liên Xô, Lúc này Lênin đã mất, Stalin với tư cách là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên xô (b) đã nắm toàn bộ quyền lực nhà nước và mọi hoạt động của Đảng cộng sản Liên Xô. Điển hình là đẩy mạnh đấu tranh giai cấp, từ bỏ chính sách NEP, thanh trừng nội bộ dẫn đến kết án, tử hình nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng cộng sản Liên Xô. Đặc biệt vào năm 1936, Liên Xô thay đổi Hiến pháp, tuyên bố xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Đặc điểm của mô hình chính thể Nhà nước Liên Xô:

Tên gọi chính thức là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Người khẳng định: “Chỉ có Cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi”. Hồ Chí Minh ủng hộ Cách mạng tháng Mười, tin theo Lênin, đi theo Lênin, mặc dù mô hình nhà nước Xô viết là chính quyền được giao cho dân chúng số nhiều, chính quyền chuyên chính của công nông binh, nhưng người không áp dụng ngay mô hình ấy vào xây dựng chính quyền mới ở Việt Nam.

Ở nước Nga sau cách mạng, quyền lực nhà nước không thuộc về toàn thể nhân dân, mà thuộc về các Xô viết công - nông - binh. Đại hội đại biểu Xô viết công nhân và binh lính toàn Nga lần thứ hai, khai mạc vào tối ngày 26-10-1917, đã tuyên bố rằng "tất cả quyền lực địa phương được chuyển giao cho Xô viết công nông binh”. Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga, được Đại hội V toàn Nga của Liên Xô thông qua vào ngày 10-7-1918, tuyên bố Nga là nước Cộng hòa của các đại biểu “công nông binh”, trong đó mọi quyền lực ở trung ương và ở các địa phương đều thuộc về các Xô viết. “Trong giai đoạn từ năm 1918 đến năm 1936, các cuộc bầu cử trong nước Nga và ở Liên Xô không mang tính dân chủ nhất quán,”[10] vì nó không tuân theo nguyên tắc tự do, phổ thông, bình đẳng và kín như các nước dân chủ trên thế giới, hay như tổng tuyển cử ở Việt Nam. Một bộ phận dân cư bị tước quyền bầu cử vì thành phần xuất thân, vì sở hữu tài sản, hoạt động tôn giáo… Bầu cử không bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, không bỏ phiếu kín mà công khai bằng hình thức giơ tay.

Có nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là nhiệm vụ ưu tiên của hai nhà nước rất khác nhau. Ở Liên Xô, trọng tâm của Nhà nước Xô viết không phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà là thực hiện chuyên chính vô sản, quyết liệt đấu tranh giai cấp, xóa bỏ bóc lột của các giai cấp và giai tầng phi vô sản.

Lênin từng nhấn mạnh: “Ý nghĩa của cuộc cách mạng đó là ở chỗ chúng ta sẽ có một Chính phủ Xô-viết, cơ quan chính quyền riêng của chúng ta, không hề có một sự tham gia nào của giai cấp tư sản. Quần chúng bị áp bức sẽ tự mình đứng ra thành lập chính quyền. Bộ máy nhà nước cũ sẽ bị phá hủy đến tận gốc và một bộ máy quản lý mới sẽ được thành lập dưới hình thức các tổ chức Xô-viết”[11].

Ở Việt Nam là đấu tranh giải phóng toàn dân tộc khỏi ách thống trị thực dân Pháp. Vì Người thấy rằng nếu “không giành được độc lập dân tộc, thì chẳng những dân ta còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận của giai cấp, đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Chính vì vậy, khác với cuộc cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh rất sáng tạo trong xác định lực lượng của cách mạng: Toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giai cấp, dòng giống, giàu nghèo... chỉ trừ bọn đã ra mặt phản động, bọn Việt gian, bán nước. Chính lực lượng này là “số nhiều” của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này, tất cả quyền bính trong nước đều thuộc về họ.

Sự khác nhau căn bản trong hai mô hình nhà nước cách mạng ở Liên Xô và Việt Nam là ở chỗ: Nhà nước Xô viết là nhà nước của công - nông, thực hiện chuyên chính của giai cấp vô sản đối với các giai cấp phi vô sản, còn mô hình nhà nước ở Việt Nam Hồ Chí Minh chọn là “Dân chủ cộng hòa”, nhà nước của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt trai gái, dòng giống, giai cấp, tôn giáo, miễn là nhất tề đứng lên chống thực dân pháp, giải phóng dân tộc. Tư tưởng này đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941). Nghị quyết chỉ rõ: “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”[12]. Chương trình Việt Minh cũng ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam, Dân chủ, Cộng hòa… Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”[13].

Sự lựa chọn mô hình chính thể nhà nước mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương (thông qua Mặt trận Việt Minh) lúc bấy giờ, không phải là vấn đề sách lược, mà là sự sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.

Cơ sở thực tiễn của mô hình chính thể nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là đặc điểm lịch sử của xã hội Việt Nam. Ngay từ năm 1924, trong tác phẩm Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ viết ở Mátxcơva năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định:Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Xét về “cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây.Người cho rằng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[14]. Bằng cách bổ sung "cơ sở lịch sử" cho chủ nghĩa Mác, “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông, Người đã khẳng định tính chất dân tộc, dân chủ, nhân dân của cách mạng Việt Nam và của Nhà nước tương lai của Việt Nam. Cuộc cách mạng ấy, Nhà nước ấy phải dựa trên động lực của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước của tất cả người dân Việt Nam. Tư tưởng này của Người đã vấp phải sự phê phán của một số người cộng sản Việt Nam khác và của Quốc tế cộng sản. 

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về mô hình chính thể của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần đầu tiên thể hiện trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), sau đó là trong Chương trình Việt Minh (1941), được chế định trong Hiến pháp năm 1946  của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được kế tục trong các bản Hiến pháp 1959. Những nội dung chính của nó khác hẳn với những nội dung mà Hiến pháp 1918 của nước Nga, Hiến pháp 1924, Hiến pháp 1936 của Liên Xô - chính quyền thuộc về các xô viết công - nông - binh, thực hiện chuyên chính đối với các giai cấp hữu sản, các tầng lớp phi vô sản; một bộ phận người dân bị tước quyền công dân, tước quyền bầu cử, bỏ phiếu công khai (phải đến Hiến pháp 1936 mới thay đổi)…

Trong khi đó ở Việt Nam: Chính thể: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia. Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam, quyền lợi các giới cần lao, trí thức và chân tay được bảo đảm. Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín. Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra. Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Tư duy về nhà nước của Hồ Chí Minh đã tích hợp, kết tinh những giá trị đỉnh cao của nhân loại, trên tất cả các mặt: đạo đức, tôn giáo, chính trị, khoa học, nhân văn… để cuối cùng là “mưu cầu hành phúc cho loài người”.

Hồ Chí Minh từng viết: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân... Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là có lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là có chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho con người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội.  Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng, họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người  học trò nhỏ của các vị ấy”[15].

Từ đó, chúng ta có thể thấy, Đối với Hổ Chí Minh, Hạnh phúc cho nhân dân chính là mục đích của Nhà nước. Người nhấn mạnh: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[16]. Nghiên cứu các mô hình chính thể của các nước, Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ đã rút ra được những kết luận quan trọng. Người tìm thầy những giá trị tiến bộ của mỗi mô hình chính thể, học tập và vượt qua những những hạn chế, những gì không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từ đó thiết kế ra mô hình chính thể nhà nước Việt Nam độc lập. 

Khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không chỉ rút ra từ chủ nghĩa Tam Dân của cách mạng Tàu, mà còn là từ khẩu hiệu “Tự do - bình đẳng - bác ái”, được diễn giải chi tiết trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của cách mạng tư sản Pháp, từ thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của cách mạng Mỹ. Sau này, nội dung của những khẩu hiệu ấy, trở thành tiêu ngữ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã cho thấy, Hồ Chí Minh đã đưa vào nội hàm của “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” những nội dung mới, tích hợp được những giá trị chính trị của thời đại, rất rộng lớn và quan hệ biện chứng với nhau.

  1. Hồ Chí Minh chuẩn bị cơ sở pháp lý vững chắc cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cơ sở để hình thành nên nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là tính chính đáng của nhà nước. Nhà nước đó phải của dân, do dân, vì dân; nhà nước đó phải mạnh mẽ, sáng suốt, đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân, công bộc của nhân dân (tính hợp lý), phải được dân bầu ra (tính đại diện), phải hợp hiến, hợp pháp (phải tổ chức trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật)

Để hoàn thiện về mặt pháp lý, Chính phủ đã gấp rút chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[17]. Ngày 08-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14/SL ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc hội đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc dân Đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa. Với ý nghĩa ấy, Quốc hội Việt Nam năm 1946 là Quốc hội lập hiến, có chức năng “ấn định” một Hiến pháp dân chủ, một khế ước, trong đó đặt các cơ quan quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, quy định chức năng nhiệm vụ các cơ quan nhà nước, quyền, nghĩa vụ của công dân.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa của Tổng tuyển cử: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”[18]. Đây là chế độ bầu cử dân chủ: tự do, phổ thông, trực tiếp, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Điều này rất khác với chế độ bầu cử trong mô hình nhà nước Xô viết - Nơi mà một bộ phận nhân dân bị tước quyền công dân và tước quyền bầu cử.

Những người bị tước quyền bầu cử ở nước Nga sau cách mạng và ở Liên Xô theo Hiến pháp 1918 (Nga) và 1924 (Liên Xô) là những người sống bằng tiền lãi, người có thu nhập từ doanh nghiệp, thu nhập từ tài sản, thương nhân tư nhân, nhà sư và giáo sĩ của các nhà thờ và giáo phái tôn giáo, nhân viên và đặc vụ của cảnh sát cũ, các thành viên của gia đình Nga Sa Hoàng tại quê nhà. Những người bị bệnh tâm thần và những người bị kết án…

Theo các tác giả Liên Xô, trong số những người "bị tước quyền" có từ 2 đến 8% những công dân, những người đã đủ tuổi có thể tham gia bầu cử. Hiến pháp đã xác lập sự bất bình đẳng về quyền bầu cử của người dân thành thị và nông thôn, đưa ra nguyên tắc bầu cử nhiều giai đoạn. Các cuộc bầu cử vào Đại hội Xô viết toàn Nga gồm 4 giai đoạn đối với người dân nông thôn và 2 giai đoạn đối với thành thị.

Ngày 30-12-1922, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết được thành lập. Vào ngày 31-1-1924, Hiến pháp Liên minh đầu tiên được thông qua. Hiến pháp đầu tiên của Liên Xô được soạn thảo bởi Tuyên bố và Hiệp ước về việc thành lập Liên Xô. Hiến pháp Liên Xô không có các quy định quyền bầu cử của công dân.

Một số công dân vẫn bị “tước đoạt” quyền bầu cử. Năm 1925, ở Leningrad, Kiev và Moscow, khoảng 10% tổng số cử tri đã bị tước quyền bầu cử. Trong số này: người sử dụng lao động làm thuê: 5,3%; người có thu nhập “không lương”: 8,3%; thương gia: 39,9%; các chức sắc tôn giáo: 4,9%; hàng ngũ của cảnh sát cũ: 3,2%; người bệnh tâm thần: 1,2%; bị tước quyền biểu quyết bởi phán quyết của tòa án: 8,8%; thành viên gia đình “bị tước quyền”: 28,4%.[19] Bên cạnh đó, tỉ lệ đi bầu của người dân Liên Xô cũng khá thấp.

Số lượng người tham gia bầu cử (tính bằng % trên tổng số cử tri)

Năm

Ở thị trấn

Trong làng

1922

35,5

22.3

1923

38,5

37,2

1924

40,5

28,9

1925

48,7

36,9

1926

52.0

47.3

1927

58.4

48.4

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thành lập cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nước, cũng như các cơ quan quyền lực nhà nước ở Việt Nam cho đến nay vẫn được thực hiện theo nguyên tắc bầu cử dân chủ. Kết quả Tổng tuyển cử cho thấy, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, quan lại cao cấp của chế độ cũ tham gia Chính phủ liên hiệp lâm thời. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ mới phải tỏ rõ cái tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái… Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”[20].

Khác với  Xô viết tối cao ở Liên Xô, được bầu bởi đại biểu xô viết các cấp thấp từ dưới lên, theo hình tháp, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu thông qua Tổng tuyển cử trực tiếp ngày 6-1-1946. Nếu như các xô viết ở Liên Xô, chỉ có đại biểu công, nông binh, thì các Hội đồng nhân dân và Quốc hội ở Việt Nam có rất nhiều các vị đại biểu là những trí thức nổi tiếng ở trong nước và trí thức Việt kiều từ nước ngoài về tham gia. Thậm chí cả con cháu Hoàng tộc của triều đình Huế, quan lại cũ. Quốc hội còn dành 70 ghế cho hai đảng đối lập (Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đảng), mời Nhà vua đã thoái vị làm cố vấn tối cao. Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh dân trí của Việt Nam lúc bấy giờ, Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo đại diện các giai cấp, tầng lớp, đặc biệt là giới trí thức, giới tinh hoa của cả dân tộc.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 03-9-1945, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó ngoài nhiệm vụ: “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” thì một nhiệm vụ quan trọng khác là “phải có một hiến pháp dân chủ”.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-1-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời hợp pháp đã củng cố tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam mới. Tính pháp quyền của nhà nước dân chủ ở chỗ: Các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Hiến pháp chính là Luật cơ bản của một quốc gia, trong đó chế định vai trò chức năng, nhiệm vụ và phạm vi của quyền lực nhà nước.

Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20-9-1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại sau khi thoái vị), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Tiếp đó, ngày 2-3-1946, Quốc hội bầu Tiểu ban Hiến pháp gồm có 11 thành viên: Tôn Quang Phiệt, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Thục Viên, Đỗ Đức Dục (Dân chủ Đảng), Cù Huy Cận (Dân chủ Đảng), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ (4 vị thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng). Tiểu ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp. Trong phiên họp ngày 29-10-1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp. Bản dự thảo Hiến pháp đã được soạn thảo và trình ra Quốc hội ngày 2-11-1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua. Bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Ủy ban dự thảo được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu.

Như vậy, Tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp sau khi giành được chính quyền là nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở dân chủ, khẳng định tính chính đáng và tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của chế độ mới, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ nguyên tắc: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt nòi giống trai, gái, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân”[21].

Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở châu Á lúc bấy giờ (không riêng ở Đông Nam Á) và có thể sánh với các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Hiến pháp đã thể hiện là một “khế ước xã hội”, trong đó chế định hình thức chính thể của Nhà nước Việt Nam là dân chủ cộng hòa, quyền lực nhà nước được thực thi trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia; dân tộc Việt Nam là một, quốc dân thiểu số và quốc dân đa số đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

 Hiến pháp đã chế định các hình thức tự do dân chủ để nhân dân trao quyền thực thi quyền lực nhà nước cho Chính phủ, Nghị viện, Tòa Án, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương các cấp. Các cơ quan quyền lực nhà nước được chế định rõ ràng, vừa thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để hạn chế việc chuyên quyền và lạm quyền. Hiến pháp công nhận, và giao cho các cơ quan nhà nước bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở mức độ đầy đủ, văn minh và tiến bộ nhất, như: quyền bình đẳng, quyền riêng tư cá nhân; tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài; quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh; quyền giám sát, quyền khiếu nại tố cáo, quyền không bị kết tội khi chưa có bản án của tòa án; quyền bầu cử, ứng cử, quyền bãi miễn và đặc biệt là quyền phúc quyết đối với các văn bản Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia.

  1. Tổ chức bộ máy nhà nước

Nghị viện nhân dân:

Tính độc đáo, mang tính chất Cộng hòa đại nghị của Nghị viện nhân dân ở chỗ, Nghị viện là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật (không chế định quyền lập hiến - quyền này thuộc Quốc hội, và có thể nói rằng, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là Quốc hội lập hiến), biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.

Khác với các đại biểu Xô viết ở Liên Xô, nhận và thực hiện ủy nhiệm thư của cư tri nơi bầu ra mình, nghĩa là ủy quyền mệnh lệnh, Nghị Viên của Nghị viện Việt Nam theo Hiến pháp 1946 (và cho đến nay, mặc dù có những thay đổi nhất định, thông qua các đoàn đại biểu địa phương) không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân, nghĩa là ủy quyền tự do. Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Việc chế ước lẫn nhau giữa Nghị viện (lập pháp) và Chính phủ (hành pháp) cũng được chế định rõ: Những luật đã được Nghị viện biểu quyết, Chủ tịch nước Việt Nam phải ban bố chậm nhất là 10 hôm sau khi nhận được thông tri. Nhưng trong hạn ấy, Chủ tịch có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Những luật đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch phải ban bố. Điều này tương tự sự chế ước của Cộng hòa Tổng thống Mỹ, Nghị viện đã vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Ngược lại Nghị viện cũng có quyền ưng chuẩn hoặc bãi bỏ các dự án sắc luật của Chính phủ. Những dự án sắc luật của Chính phủ phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ. Hiến pháp còn chế định rõ quyền lực của Nghị viện đối với Chính phủ: Chính phủ do Nghị viện lập ra, kiểm soát và phê bình Chính phủ. Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện. Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức. Ngoài ra, Nghị viện còn có thể chất vấn các thành viên Chính phủ, bỏ phiếu bất tín nhiệm đồi với Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng của Chính phủ.

Có thể nói Nghị viện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa là đại diện cho chủ quyền nhân dân vừa là đại diện chủ quyền quốc gia (đơn viện), được tổ chức và hoạt động pháp quyền, dân chủ, công khai. Tổ chức và hoạt động của Nghị viện Việt Nam theo Hiến pháp 1946 đã đạt tới trình độ văn minh chính trị dân chủ pháp quyền của các nước dân chủ tiên tiến trên thế giới.

Chính phủ:

Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viện bỏ phiếu thuận. Trong lúc đó, Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong nhân dân và bầu theo lệ thường. Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y.

Vai trò và quyền lực của Chủ tịch nước như được quy định trong Hiến pháp 1946 rất lớn: Vừa đại diện cho nước, vừa đứng đầu Chính phủ, có quyền chọn người đứng đầu Nội các (Thủ tướng), thống lĩnh các lực lượng vũ trang, độc lập với Nghị viện, kể cả khi Nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng hoặc các thành viên Nội các. Chủ tịch nước chế ước quyền lực của Quốc hội bằng hình thức có thể từ chối công bố các đạo luật do Quốc hội ban hành và yêu cầu Quốc hội thảo luận lại. Chủ tịch nước do Nghị viện bầu ra và đứng đầu Chính phủ song độc lập về trách nhiệm với cơ quan bầu ra mình (không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trừ tội phản quốc). Hiến pháp 1946 không quy định Chủ tịch nước, đứng đầu hành pháp là người của đảng đa số trong Nghị viện[22].

Chế định về Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 rất gần với chế định Tổng thống trong mô hình cộng hòa tổng thống, điển hình là Mỹ. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (5 năm) không trùng với nhiệm kỳ Nghị viện (3 năm). Chủ tịch nước còn có quyền bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án với sự chuẩn y của Nghị viện.

Tuy nhiên cách hình thành nên chức vụ Chủ tịch nước lại giống với Cộng hòa đại nghị: Chủ tịch nước được Nghị viện bầu trong số các đại biểu Nghị viện, chứ không phải, toàn dân bầu trực tiếp. Trong lúc Nghị viện có thể bất tín nhiệm Nội các, Thủ tướng giống với cộng hòa đại nghị, thì không có quy định về việc bất tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, điều này lại giống với cộng hòa tổng thống.

Với những đặc quyền trên đây, có thể nói Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong Hiến pháp năm 1946 là một vị trí trung tâm hoạt động của nhà nước, vừa đại diện cho nước, vừa đứng đầu hành pháp, vừa phối hợp và cân bằng quyền lực các cơ quan khác của nhà nước.

Từ các chế định và cách thức hình thành nên chức vụ Chủ tịch nước nêu trên cho thấy, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có vai trò, vị trí tuy không hoàn toàn, nhưng rất gần với chế định Tổng thống trong các nước cộng hòa hỗn hợp (lưỡng tính), người đứng đầu hành pháp (chính phủ) nhưng dưới đó còn có một Nội các, đứng đầu là Thủ tướng và các thành viên của Nội các do Nghị viện phê chuẩn. Mô hình cộng hòa hỗn hợp điển hình hiện nay được coi là Cộng hòa Pháp. Một số mô hình khác nữa như Liêng bang Nga (mặc dù Hiến pháp tự gọi là Cộng hòa tổng thống), Hàn Quốc và một số nước Đông Âu hậu Xô viết.

Tổ chức và hoạt động của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo Hiến pháp 1946 thể hiện tư duy sáng tạo và độc đáo của Hồ Chí Minh ở chỗ: Mô hình Cộng hòa Pháp điển hình cho Cộng hòa hỗn hợp, chỉ ra đời sau Hiến pháp 1958 (tức là sau mô hình Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa 12 năm). Mô hình đó không có ở Mỹ (cộng hòa Tổng thống), không có ở Liên Xô (cộng hòa Xô viết), không có ở Trung Quốc… Nhưng điều đáng ngạc nhiên là mô hình này, hiện nay khá nhiều nước trên thế giới lựa chọn.

Quyền hạn của Chính phủ, theo Hiến pháp 1946 là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Thể hiện: Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện. Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện. Đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt. Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần. Lập dự án ngân sách hàng năm. Bộ trưởng nào không được Nghị viên tín nhiệm thì phải từ chức. Toàn thể Nội các không phải chịu liên đới trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các. Nhưng Nghị viện chỉ có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu vấn đề ấy ra. Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ. Kỳ hạn trả lời chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thư chất vấn.

Chính quyền địa phương: Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính:

Theo Hiến pháp 1946, nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã (chính quyền địa phương 4 cấp). Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Uỷ ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra.

Mô hình tổ chức chính quyền của Hiến pháp 1946 không giống với mô hình Xô viết, cũng khác với cách tổ chức của chúng ta hiện nay. Trong mô hình Xô viết, các Xô viết từ cấp xã đến cấp Trung ương đều cử ra một Ủy ban điều hành, để thực hiện quyền lực của Xô viết từ ra quyết định (hoặc lập pháp) đến điều hành, xét xử… Mô hình này gọi là nguyên tắc tập quyền, nguyên tắc “mọi quyền lực về tay các Xô viết”. Mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam theo Hiến pháp 1946 được xác định rõ ba “nhánh” quyền lực. Ra quyết định, thực thi quyết định và xét xử. Trong đó cơ quan đại diện (Hội đồng nhân dân) chỉ có ở cấp tỉnh, thành và cấp xã. Tính hợp lý của nó nằm ở hệ thống các cơ quan hành chính là thống nhất ở tất cả các cấp. Sự cần thiết phải ra các quyết định mang tính địa bàn, lãnh thổ chỉ cấp cơ sở và cấp tỉnh, trên nữa còn có cấp Trung ương. Trong đó, cấp tỉnh là chủ thể quốc gia, cấp xã là các cộng đồng dân cư còn nhiều tính chất tự quản.

Về nhân sự cách tổ chức như vậy là tinh gọn, các cơ quan đại diện và các đại biểu không trùng lặp nhiệm vụ. Hiến pháp 1946 gọi các cơ quan chấp hành ở địa phương là các Ủy ban hành chính, đúng như chức năng vốn có của các cơ quan này. Chức năng quản lý hành chính nhà nước, đòi hỏi cao về tính chuyên môn, chuyên nghiệp, tính thống nhất từ trên xuống và tính độc lập nhất định. Trong lúc Hội đồng nhân dân có quyền quyết định những vấn đề của địa phương mình, thì các Uỷ ban hành chính có trách nhiệm: Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên. Thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y, điều hành công việc hành chính trong địa phương.

Cơ quan tư pháp:

Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo Hiến pháp 1946 gồm có: Toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp. Tuy các thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm, nhưng hoạt động độc lập với Chính phủ. Để đảm tính độc lập, các cơ quan xét xử làm việc theo hệ thống chuyên môn từ trên xuống dưới, không bị quản lý bởi chính quyền địa phương về chuyên môn và nhân sự. Quá trình xét xử có phụ thẩm nhân dân, xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. Người dân các tộc người thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước các phiên toà. Tòa án xét xử công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư. Cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân.

Những chế định về quyền tư pháp trong Hiến pháp 1946 là rất văn minh và tiến bộ, không thua kém bất kỳ nền tư pháp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Một số nhận xét:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước đã có nhiều công trình công bố. Tuy nhiên còn nhiều nội dung cần làm rõ, nhất là tính độc đáo, độc lập sáng tạo trong xác định mô hình chính thể của nhà nước dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, chính thể nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mô hình chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo Hiến pháp 1946, tuy được hình thành trong bối cảnh lịch sử ngặt nghèo đầy thử thách của đất nước, ngay sau thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhưng đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng một Nhà nước Việt Nam mới, lại tích hợp được nhiều giá trị tiến bộ, văn minh chính trị của nhân loại, mang tính mẫu mực của một chính thể nhà nước dân chủ, pháp quyền, hiện đại. Đây chính là kết quả của sự tích hợp và phát triển các giá trị đỉnh cao của nhân loại về mô hình chính thể vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hiến pháp 1946, quá trình xây dựng mô hình chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là trí tuệ của Đảng cộng sản Việt Nam của các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ trí thức tinh hoa đến người dân lao động bình thường Việt Nam… Nhưng vai trò dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước nói chung, mô hình chính thể nói riêng là có tính quyết định, mang tính nhất quán, thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Khi thực dân pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã không cho phép nhân dân ta thực hiện đầy đủ và trọn vẹn Hiến pháp 1946, nhưng tinh thần, tư tưởng, tầm nhìn, nội dung, hình thức và phương pháp soạn thảo, nguyên tắc phúc quyết của bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước ta, mang những giá trị chính trị và khoa học bền vững, khai sáng. Ngày nay, lịch sử đất nước đã sang trang mới, nhân loại cũng đã tiến vào kỷ nguyên mới, nhưng tư tưởng Hổ Chí Minh về nhà nước nói chung về tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước thông qua mô hình chính thể trong Hiến pháp 1946 nói riêng là những chỉ dẫn quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới./.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.115.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.98.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.218.

[4] http://en. Wikipedia.org/wiki/Constitutions_of_the_United Kingdom  4/30/2010.

[5]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.1.

[6] Trần Dân Tiên (1995), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.71.

[7] Trần Dân Tiên (1995), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.71.

[8] Đặng Thanh Tịnh (1993), “Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6, tr.17.

[9] Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng (2008), Lịch sử thế giới cận đại (chương viết về Trung Quốc). Nhà xuất bản Giáo dục, H, tr.369.

[10] V.P. Zhuravlev , Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Khu vực Leningrad, Tiến sĩ Luật,
V.V. Fortunatov , Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Giáo sư, Trưởng Khoa Lịch sử của Đại học Đường sắt St. http://www.rcoit.ru/lib/history/1918-1990/17041, Hệ thống bầu cử và các cuộc bầu cử trong RSFSR năm 1918-1936

[11] V.I.Lênin, Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, Tập 35, tr.2.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 127; 150

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr.127,150

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.511.

[15] Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 152.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.7.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.153.

[19] V.P. Zhuravlev , Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Khu vực Leningrad, Tiến sĩ Luật,
V.V. Fortunatov , Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Giáo sư, Trưởng Khoa Lịch sử của Đại học Đường sắt St. http://www.rcoit.ru/lib/history/1918-1990/17041, Hệ thống bầu cử và các cuộc bầu cử trong RSFSR năm 1918-1936

[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.481.

[21] Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946, lời nói đầu.

[22] Quốc hội năm 1946 là Quốc hội đa đảng, có 57% đại diện của các đảng, phái chính trị khác nhau như Việt Minh, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và khá nhiều đại biểu không đảng phái của các thành phần xã hội khác (43%).

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
17-05-2021

Đánh giá

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 19

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 19

Lượt truy cập
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 25
Trong tuần: 363
Lượt truy cập: 454164

Loading...
Lên đầu trang