Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc, vị tướng của lòng dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc, vị tướng của lòng dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Tên tuổi của ông đã gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Mục lục bài viết

20

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Tên tuổi của ông đã gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Vị tướng thiên tài, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc của thế giới ở thế kỷ XX

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy và tài năng quân sự, Ông đã góp phần xây dựng và phát triển Nghệ thuật Quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dân tộc Đại Việt đã xuất hiện những vị tướng tài ba lỗi lạc ghi dấu ấn hiển hách, như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi từng viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu”1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học và đúc kết được những tinh hoa quân sự đặc sắc của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khiến tướng Mỹ Westmoreland từng thốt lên: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp”2. Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có hai vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đặc biệt năm đó Đại tướng vẫn còn sống. Để được tôn vinh thiên tài quân sự qua mọi thời đại của nhân loại thật không dễ, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ nhận được sự đồng thuận rất cao của giới quân sự, kể cả với những người bình chọn “khó tính” nhất, Ông còn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.

Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954

Những chiến công vĩ đại mà Ông đã góp phần cống hiến xuất sắc, ít người sánh kịp, đã nâng Ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới. Nghiên cứu về con người và sự nghiệp của Ông, thế giới không chỉ ca ngợi tài thao lược kiệt xuất, mà thường phân tích sâu 5 yếu tổ cơ bản nhất và đó cũng là 5 bài học có giá trị lớn nhất làm nên một thiên tài quân sự.

Cecil B. Currey, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại của Mỹ, đã viết cuốn sách: “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997 trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần túy quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tùy thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến lược rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện,...”3.

Vị Đại tướng của nhân dân

Đường lối chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ phải tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tra­nh nhân dân Việt Nam một cách hết sức sáng tạo. Ông coi trọng trước hết việc rèn luyện vững chắc bản lĩnh chính trị cho Quân đội. Tình yêu nước nồng nàn, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, tinh thần vì nhân dân quên mình, đoàn kết quân dân cá nước luôn được truyền lại và thấm sâu đến từng chiến sĩ. Các lực lượng vũ trang nhân dân luôn ra sức luyện tập tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, làm tốt công tác dân vận.

Ông kết hợp rất khéo léo, chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa... đạt kết quả toàn diện trên cả hai mặt trận: Kháng chiến và kiến quốc. Ở tuyến trước, quân dân Việt Nam thực hiện linh hoạt phương châm quân sự “2 chân, 3 mũi” (2 chân quân sự, chính trị song song, 3 mũi tấn công vũ trang, đấu tranh chính trị của quần chúng và binh địch vận), đánh địch khắp ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị). Còn ở tuyến sau, luôn xây dựng, củng cố vững chắc căn cứ địa cách mạng và hậu phương, chi viện đắc lực cho tiền tuyến. Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản đường lối tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược của những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX.

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng chưa bao giờ phạm sai lầm về chiến lược; ngược lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã khiến cho 10 danh tướng của Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận. Trong đó, có 7 đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Etienne Valluy, C.Blaizot, M.Carpentier, Delattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 3 đại tướng Mỹ: Westmoreland, C.Abrams và F.C.Weyand. Đây chính là lý do khi được hỏi vì sao Tướng Giáp được phong thẳng lên Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời vì Tướng Giáp đã đánh bại nhiều tướng tài của các cường quốc trong lịch sử xâm lược Việt Nam.

Tướng Peter Mac Donald, một nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, nhận định: “Trong giai đoạn 1944-1975, cuộc đời của Tướng Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến Ông trở thành một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông Giáp trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy”4. Đó chính là lý do mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được gọi bằng một cái tên khác là “Napoleon Đỏ”, nhằm nói lên tài năng quân sự kiệt xuất của Ông giống như thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte, nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quân ở châu Âu. Quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự chiến lược hơn người, đó chính là điểm nổi bật của Tướng Giáp và được thể hiện rất rõ nét trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng Đờ Cátxtari nhận định: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương... Là Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp, có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”5.

Khi Ông từ trần, ngay trong đêm, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối6.

Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên “là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954”7.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người học trò xuất sắc nhất và là bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Có lẽ, chính tên gọi giản dị này lại ghi đậm những ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc nhất, bài học quý giá cần được chiêm nghiệm mỗi khi nghĩ đến con người và sự nghiệp của Ông đã hiến dâng cho nhân dân, đất nước.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, về lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, về kiên định đường lối cách mạng, tinh thần cách mạng triệt để. Ông là người suốt đời vì nước, vì dân, không mảy may có chút suy nghĩ nào khác, và đó là đạo đức cao cả nhất của người cách mạng - vị tướng của lòng dân.

PGS, TS. VŨ QUANG VINHHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_____________

1 - Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H, 1976, tr. 77

2 - Hội thảo khoa học quốc gia: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc, H, 2018, tr.11

3 - Sđd, tr.12

4 - Sđd, tr.14

5 - Sđd, tr.15-16.

6,7 - Vnexpress, Thứ sáu, 4/10/2013, 20:42 (GMT+7)

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
15-12-2023

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 51
Trong tuần: 841
Lượt truy cập: 369483
Lên đầu trang