CHÍNH TRỊ HỌC
Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1-9. Phía Việt Nam đã có phản ứng chính thức đầu tiên trước diễn biến này.
Mục lục bài viết
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo việc triển khai các quy định bổ sung trong Luật an toàn giao thông hàng hải, trong đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "vũng lãnh hải của Trung Quốc".
Quy định bổ sung này chính thức có hiệu lực vào hôm nay, 1-9.
Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 28, và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành vào ngày 29-4-2021. Đây là luật sửa đổi Luật an toàn hàng hải được thông qua năm 1983, và được sửa đổi vào năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với luật sửa đổi trước đó bao gồm 12 chương và 53 điều.
Cụ thể, theo Cơ quan An toàn hàng hải (MSA), quy định mới yêu cầu tàu nước ngoài vào "vùng lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc. Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.
Là quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, các động thái "làm luật" của Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế. Và tương tự các quy định khác, ví dụ Luật hải cảnh gần đây, luật của Trung Quốc tạo ra cảm giác mơ hồ.
Nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru) cũng nhắc lại việc Trung Quốc thường xuyên sử dụng các thuật ngữ như "các vùng nước liên quan", "vùng biển tài phán", trong những tuyên bố đề cập tới Biển Đông, mà không nêu rõ các cụm từ ấy có nghĩa gì theo quan điểm của Bắc Kinh.
Bà cho rằng Trung Quốc, dưới tư cách thành viên UNCLOS, đã chọn lọc và dùng những điểm có lợi cho mình, đồng thời bác bỏ những điểm bất lợi. "Tuyên bố từ phía Trung Quốc cũng không nói tới vấn đề về đảo/thực thể được đề cập rõ ràng ở Biển Đông (ngoài khu vực đất liền Trung Quốc), nơi Bắc Kinh muốn mở rộng phạm vi của luật này. Chính vì thế, tuyên bố của Trung Quốc là rất mơ hồ", bà nói với Tuổi Trẻ Online.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá