Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung website: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Chịu trách nhiệm kỹ thuật website: Kỹ sư CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☎️ 0927890588

Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số nhằm góp phần hài hòa lợi ích phát triển

In bài viết
Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số nhằm góp phần hài hòa lợi ích phát triển

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

TS Nguyễn Thị Thanh Dung

Học viện Ngân Hàng, Hà Nội, ngày 24-6-2021

Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Đảm bảo hài hòa các lợi ích vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay", Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2021, tr. 188-212

 

Mục lục bài viết

752

Vùng tộc người thiểu số là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Trong thời kỳ đổi mới, với sự phát triển kinh tế - xã hội, các quan hệ tộc người có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và xã hôi, gây nên những xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội. Các xung đột xã hội ở vùng tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn lợi ích trong nội bộ nhân dân. Vì vậy, thực hiện các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống quản lý đối xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội, là một yêu cầu khách quan và cấp bách hiện nay đối với sự phát triển vùng tộc người thiểu số nói riêng, đối với đắt nước nói chung.

1) Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số cho các chủ thể quản lý

Qua khảo sát thực tế ở các địa phương, qua kết quả điều tra xã hội học và phân tích dự báo cho thấy, ở vùng tộc người thiểu số nước ta hiện nay và trong một tương lai gần, xung đột chủ yếu xẩy ra giữa Nhà nước nói chung, các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp nói riêng với người dân các tộc người thiểu số. Nói cách khác, xung đột và điểm nóng xẩy ra, chủ yếu là do hệ thống quản lý nhà nước. Khảo sát thực tế và điểu tra xã hội học, cho thấy ở vùng tộc người thiểu số các xung đột giữa các tộc người, giữa các tôn giáo (hợp pháp), giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh (trừ doanh nghiệp nhà nước - nông lâm trường - thuộc phạm trù nhà nước) đều không đáng kể, có quy mô nhỏ, như 2 thanh niên hai tộc người đánh nhau, dẫn đến hai bản đánh nhau; dân di cư mới đến tranh chấp với dân tại chỗ, tranh giành tín đồ…Những xung đột này khó có nguy cơ trở thành điểm nóng chính trị - xã hội. Các lĩnh vực có nhiều xung đột và nguy cơ xung đột là quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý hoạt động tôn giáo và cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch, ly khai.

20210624_162933

Khảo sát thực tế cũng cho thấy, hệ thống quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuy còn có một số yếu kém nhất định, nhưng được đánh giá là “tốt", thậm chí “quá tốt", gây ra tình trạng bao cấp hoặc ỷ lại của đồng bào. Như vậy, tưu trung lại, năng lực quản lý kinh tế - xã hội nói chung, quản lý xung đột xã hội nói riêng của chính quyền các cấp, là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội vùng tộc người thiểu số. Vì vậy giải pháp đầu tiên là phải nâng cao năng lực quản lý xung đột xã hội cho chủ thể quản lý.

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của chủ thể quản lý về xung đột xã hội và quản lý xung đột xã hội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điều quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý xung đột xã hội là là nâng cao năng lực (tri thức, kỹ năng, thái độ) của đội ngũ cán bộ về quản lý các xung đột xã hội và xử lý các điểm nóng chính trị - xã hội. Các biện pháp này được tỷ lệ ủng hộ cao từ 58,0% đến 67,3%. Ngoài ra, việc tăng cường cán bộ có tri thức, kinh nghiệm trong quản lý giải tỏa xung đột đến các vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ xung đột cao, cũng nhận được sự đồng tình khá cao (58,4%). Biện pháp phối hợp, tăng cường quan hệ giữa các bộ ngành, các cơ quan chức năng để giải quyết hiệu quả xung đột cũng là các biện pháp được nhiều người lựa chọn. Bởi đây là mối quan hệ giữa các chủ thể, con người và con người. Do vậy, nếu người lãnh đạo có đủ trình độ hiểu biết cũng như có những kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn, thì chắc chăn sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết những xung đột hay điểm nóng chính trị xảy ra trên địa bàn.

Một số biện pháp khác liên quan đến công tác cán bộ cũng được nói đến như: Củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đội ngũ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý xung đột đang đặt ra; hằng năm tổ chức kiến tập cho cán bộ chủ chốt các cấp huyện, xã kỹ năng và cách thức xử lý tình huống trong các vụ việc khiếu kiện đông người, mít tinh, biểu tình, bạo loạn...(Xem bảng 10)

Bảng 10: Các biện pháp về tổ chức - cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xung đột xã hội và các điểm nóng chính trị - xã hội

Phương pháp

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1.      Tập huấn nhằm nâng cao trình độ phân tích thông tin, quản lý các xung đột xã hội và xử lý các điểm nóng chính trị - xã hội cho cán bộ lãnh đạo quản lý.

1212

67.3

2.      Lập các phương án và thực hành xử lý các tình huống xung đột và giải tỏa điểm nóng.

1065

59.1

3.      Làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý vùng dân tộc thiểu số.

1088

60.4

4.      Tăng cường cán bộ có tri thức, kinh nghiệm trong quản lý, giải tỏa xung đột, xử lý điểm nóng ở các vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ xung đột cao.

1052

58.4

5.      Tăng cường mối quan hệ của các cán bộ các ngành chức năng thuộc tỉnh/huyện với cộng đồng

999

55.4

6.      Đào tạo, nâng cao chất lượng của các cơ quan chức năng để kiểm soát tình hình khi cần thiết.

982

54.5

7.      Tập huấn để năng cao kỹ năng quản lý xung đột và giải tỏa điểm nóng của cán bộ cộng đồng.

1045

58

            Nguồn: Điều tra của Đề tài cấp nhà nước “Quản lý xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay” MS.13/16-20, do GS.TSKH Phan Xuân Sơn làm chủ nhiệm.

- Về nhận thức, trước hết phải nhận thức lại các khải niệm liên quan, tuy chúng chưa phải liên quan trực tiếp đến năng lực quản lý của chủ thể quản lý: như xung đột xã hội, quản lý xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội; tộc người, tộc người thiểu số, dân tộc, dân tộc thiểu số, vùng dân tộc, vùng dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc, chính sách dân tộc thiểu số…Nhận thức rõ những khải niệm này, không những giúp cho tư duy, tư duy chính sách, tư duy quản lý mạch lạc, mà còn làm trong sáng tiếng Việt, thuận lợi hơn trong hội nhập, bang giao quốc tế. Qua khảo sát thực tế các địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý cấp tỉnh, huyện, xã hiểu những khái niệm này rất khác nhau, thiếu chính xác, thậm chí sai. Có rất ít trường hợp hiểu đúng. Qua đó cho thấy, sự hiểu biết (tri thức) về xung đột, quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị chúng ta còn thiếu cơ bản. Cũng có thể khẳng định rằng, phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức ở các địa phương chưa được học tập, tập huấn về vấn đề này.

- Nhận thức về các giai đoạn phát triển của xung đột và áp dụng các phương thức quản lý phù hợp

Cần hiểu rõ tầm quan trọng của tri thức lý thuyết về quản lý xung đột sắc tộc. Xung đột sắc tộc có khả năng là lực lượng gây bất ổn nhất trong thế giới sau chiến tranh lạnh (Huntington, 1993). Do đó, có mối quan tâm rộng rãi trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp dựa trên sắc tộc hoặc ít nhất là quản lý chúng theo cách hạn chế các tác động phá hoại của chúng. Do đó, các chính phủ hiện đang xem xét các lựa chọn từ phát triển hệ thống cảnh báo sớm, ngoại giao phòng ngừa, đào tạo các nhóm đàm phán và hòa giải đặc biệt và phát triển các đội phản ứng nhanh đa quốc gia để can thiệp vào các cuộc xung đột sắc tộc leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Lewis Rasmussen, Nadim Rouhana và Jay Rothman đều nhấn mạnh rằng khi các đánh giá, được thực hiện kém hoặc khi chúng bị bỏ qua hoàn toàn, thường là do các cơ sở lý thuyết về việc can thiệp đã được xây dựng, nhưng chưa được nhận thức rõ. Các tiêu chí can thiệp dựa vào để đánh giá thành công hay thất bại được đưa vào khung lý thuyết làm cơ sở cho sự can thiệp nói chung. Khi quan điểm lý thuyết không rõ ràng, không có cơ sở vững chắc để thiết kế các chương trình quản lý xung đột. Một cơ sở lý thuyết tốt là khi nó xác định mạch lạc về các bên xung đột, động lực xung đột, dự báo hậu quả và các cách thưc giải tỏa xung đột, điều thiếu một cách có hệ thống. Vì vậy, khi xung đột đã nổ ra, phần nhiều giải tỏa theo cách giải thích các sự kiện, bị cuốn vào cách nhìn chủ quan của những người tham gia xung đột.

Có hai quan điểm lý thuyết - một quan điểm dựa trên cấu trúc (lợi ích) và một quan điểm dựa trên tâm lý - văn hóa làm cơ sở cho việc quản lý xung đột xã hội trong các cuộc xung đột sắc tộc.

Quan điểm cấu trúc nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các xung đột lợi ích, vai trò của sự bất bình đẳng về quyền lực và khả năng tiếp cận các nguồn lực . Quan điểm tâm lý - văn hóa nhấn mạnh đến bản sắc văn hóa và sự đe dọa đến bản sắc. Điều này góp phần giải thích vì sao, một hệ thống chính sách đối với tộc người thiểu số khá tốt và toàn diện như ở Việt Nam, các xung đột trong vùng tộc người thiểu số vẫn xảy ra. Mặc dù mỗi quan điểm này bao gồm các khía cạnh quan trọng của xung đột và đặt ra các mục tiêu khác nhau cho các nỗ lực can thiệp theo cách riêng của chúng, nhưng mỗi quan điểm chỉ cung cấp một phần cơ sở để hiểu được sự phức tạp của xung đột sắc tộc. Xung đột sắc tộc có thể xâm nhập thường dựa trên sự hợp nhất giữa xung đột lợi ích và xung đột bản sắc không được nắm bắt một cách thỏa đáng bởi một trong hai khuôn khổ đó, rất khó có thể quản lý xung đột thành công.

Để quản lý xung đột một cách hiệu quả, cần nhận thức đúng tính chất của từng giai đoạn phát triển của xung đột xã hội từ thấp đến cao: ngầm, công khai, căng thẳng, đối đầu, không tương dung (một mất một còn). Xung đột xã hội ở giai đoạn càng thấp, tính chất tiêu cực của xung đột càng thấp, mực độ căng thẳng cũng còn thấp, hệ lụy cho xã hội ít hơn. Tuy nhiên để phát hiện ra xung đột xã hội ở giai đoạn thấp, nhất là giai đoạn ngầm là rất khó. Đòi hỏi hệ thống quản lý xung đột phải có năng lực và phải nhạy bén, phải nắm chắc tình hình, giám sát và quản lý thật chặt những mâu thuẫn ngay từ khi mới hình thành. Nếu các chủ thể quản lý xung đột chủ quan, xem nhẹ những mâu thuẫn nhỏ, bỏ qua những tranh chấp, và va chạm nhỏ, thì nguy cơ xung đột leo thang lên các cấp độ cao hơn. Lúc đó, việc xử lý là vô cùng phức tạp, cái giá phải trả cho việc giải quyết xung đột là rất đắt, gây tốn kém về nguồn lực vật chất, nhận sự, thời gian, v.v.., thậm chí là sụp đổ cả chế độ chính trị.

Tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển của xung đột là các biện pháp quản lý xung đột khác nhau, sử dụng nguồn lực khác nhau. Chẳng hạn, nếu xung đột xảy ra ở giai đoạn thấp thì các biện pháp được dùng phổ biến là tuyên truyền, vận động, đàm phán, thương lượng, hoà giải; còn khi xung đột leo thang lên giai đoạn đối đầu hay không tương dung thì các giải pháp phải tính đến có thể là sử dụng bạo lực vũ trang, sử dụng công an, quân đội để tham gia mới có thể lập lại được trật tự. Nếu ngay từ giai đoạn thấp của xung đột mà sử dụng các biện pháp mạnh, bỏ qua các biện pháp mang tính hoà bình thì xung đột sẽ không được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn phức tạp hơn và khó giải quyết hơn; hoặc nếu xung đột xảy ra ở giai đoạn cao mà lại thận trọng quá mức trong việc sử dụng các biện pháp mạnh thì cũng không thể giải quyết dứt điểm được xung đột.

Xung đột xã hội nói chung, xung đột tộc người, xung đột dân tộc nói riêng, là tất yếu khách quan trong quá trình phát triển. Việc quản lý và giải toả xung đột đòi hỏi phải hạn chế được (ngay từ đầu) những tác động tiêu cực của xung đột và khai thác được những khía cạnh tích cực của nó để phục vụ cho quá trình phát triển xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian vừa qua, những yếu kém trong quản lý xung đột lại xuất phát từ quản lý ở giai đoạn thấp, đến khi tình hình đã trở nên phức tạp, chúng ta mới thực hiện các biện pháp quản lý. Vì vậy hậu quả rất nặng nề.

- Cần nhận thức được các loại mâu thuẫn trong xung đột xã hội. Nếu là mâu thuẫn thù địch, như âm mưu lật đổ, bạo loạn, xâm lược, ly khai…chúng ta phải kiên quyết tiến công, phải quản lý theo kịch bản “ta thắng - địch thua". Nếu là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân như quản lý yếu kém, tranh chấp đất đai, hủy hoại môi trường, tham nhũng…thì cần phải quản lý, giải tỏa, đối thoại, hợp tác…Kịch bản là “hai bên cùng thắng", nghĩa là Nhà nước cũng thắng, nhân dân cũng thắng. Cần phải thấy rằng nhân dân khi đã tham gia xung đột (biểu tình, phản đối…) đối mặt với chính quyền, chắc chắn phải có tâm tư, tâm trạng bức xúc về vấn đề gì đó. Vì vậy, hiểu được tâm tư, tâm trạng, yêu sách, nhất là yêu sách hợp pháp, chính đáng của người dân là một nhiệm vụ của quản lý xung đột xã hội. Bên cạnh những xung đột thể hiện rõ các mâu thuẫn, nhưng cũng có những xung đột mà các mâu thuẫn đan xen nhau. Trên cơ sở hai loại mâu thuẫn (thù địch và nội bộ), người quản lý xung đột xã hội sẽ phải phân biệt được trong một đám đông hỗn loạn, quá khích, trong một sự kiện xung đột phần tử nào thuộc loại mâu thuẫn gì để áp dụng các kịch bản phủ hợp.

Thứ hai: Nâng cao các kỹ năng quản lý, giải tỏa xung đột xã hội.

Quản lý, giải tỏa xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội cần rất nhiều kỹ năng.

+ Kỹ năng nắm tình hình, nguyên nhân, loại hình mâu thuẫn của xung đột

Kỹ năng này bao gồm một số hoạt động, như xác định các bên xung đột là ai, họ là người thế nào? Liên quan như thế nào đến quan hệ tộc người? Ai là người tổ chức cầm đầu? Mục tiêu của các bên xung đột muốn đạt được trong xung đột là gì? Nguyên nhân và nguyên cớ xung đột ? Để làm rõ mục tiêu, cần có phương pháp nắm thông tin, như điều tra, hội họp, tiếp xúc…Xung đột thuộc loại mâu thuẫn gì? Thù địch hay trong nội bộ nhân dân? Cụ thể hơn là mâu thuẫn gì? Vấn đề gì gây chia rẽ các bên? Sự tin tưởng của các bên vào yếu tố gì trong giải tỏa xung đột ? Xung đột đang ở giai đoạn nào? Cần áp dụng những phương thức giải tỏa nào? Kỹ năng nắm tình hình phân tích nguyên nhân, nhận dạng mâu thuẫn ở mỗi giai đoạn xung đột đòi hỏi rất khác nhau, có những xung đột diễn biến nhanh chậm khác nhau và đòi hỏi những phán đoán, phân tích khác nhau.

+ Kỹ năng đặt được mục tiêu phù hợp với bối cảnh và giai đoạn xung đột:

Chúng ta cứ nghĩ rẳng, mục tiêu của quản lý xung đột là giải tỏa xung đột, đem lại hòa bình giữa các nhóm tranh chấp. Tuy nhiên vấn đề không chỉ có vậy, xung đột phát triển qua từng giai đoạn và tình huống xung đột có thể thay đổi rất nhanh. Đặt một mục tiêu như vậy không sai, nhưng có thể không rõ. Vì vậy, một vấn đề khác là làm thế nào các bên xung đột có thể nói rõ hơn những gì họ muốn và những gì họ có thể làm đề đạt được mong muốn? Việc xác định các mục tiêu là một quá trình liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Kỹ năng đặt mục tiêu là các mục tiêu đặt ra phải hợp lý ngay từ đầu. Khi đặt được mục tiêu hợp lý, người quản lý xung đột có thể thúc đẩy các bên hành động theo một số cách để đi tởi thỏa hiệp, giải tỏa, mà không phải dứt khoát phải có sự can dự của bên thứ ba.

+ Kỹ năng tổ chức đàm phán, đối thoại, hòa giải

Hệ thống quản lý xung đột xã hội của chúng ta đặc biệt ở chỗ, các cơ quan chính quyền chỉ đóng vai trò trung tâm thực hiện. Các tổ chức trong hệ thống chính trị đều tham gia quản lý xung đột. Khi xử lý các điểm nóng vai trò của các cơ quan nhà nước là quan trọng nhất. Nhưng trong quản lý xung đột xã hội, quản lý các giai đoạn thấp mới quan trọng. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội phải có kỹ năng nắm bắt mâu thuẫn, tình hình, tâm trạng của người dân. Trong điều kiện khi chưa căng thẳng, các đối tác của các tổ chức này, như các tổ chức phi chính phủ chẳng hạn có thể giải quyết các mối quan tâm rất cụ thể của cộng đồng, thông qua việc cung cấp các dịch vụ cụ thể hoặc tạo ra các cấu trúc thể chế thích hợp cho đồng bào tộc người thiểu số. Như vậy, kỹ năng nắm tình hình vận động quần chúng ở chỗ nó sử dụng được các lực lượng chính thức và phi chính thức. Có cán bộ đảng, có công chức nhà nước, có các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, có các già làng, trưởng bản, người có uy tín…

Khi có tình huống căng thẳng xẩy ra, từ các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín, người của các tôn giáo (hợp pháp), của NGOs sẽ cử ra các hòa giải viên. Hòa giải viên sẵn lòng làm nhiệm vụ hòa giải mà không sử dụng các phương tiện có tính đe dọa, hay phán xét nhạy cảm. Trong thực tế, có nhiều xung đột đạt được tỷ lệ giải tỏa cao, thực sự nhờ các hòa giải viên. Hòa giải viên có khả năng nâng cao năng lực quan hệ vốn có của con người vì đã dựa vào sức mạnh từ bi trong những tình huống khó khăn.

+ Kỹ năng quản lý xung đột theo giai đoạn và bối cảnh văn hóa

Xung đột sắc tộc là vô cùng phổ biến trong thế giới đương đại. Gurr (1993), ví dụ, đếm khoảng 233 xung đột hoạt động chính trị giữa năm 1945 và 1989. Ông xem xét bốn mô hình khiếu nại trong đó họ đã tham gia vào các quyền tự trị chính trị, các quyền chính trị khác với quyền tự trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa xã hội và nhận thấy khả năng có thể tranh khỏi xung đột dữ dội giữa các nhóm sắc tộc là để cho các bên xung đột tham gia giải tỏa xung đột trong môi trường văn hóa của chính họ, phù hợp với tính chất và giai đoạn của cuộc xung đột, mà không cần quá lệ thuộc và một mô hình quản lý xa lạ từ lý thuyết, từ nhà nước, hay từ bên ngoài.

+ Kỹ năng tổng kết kinh nghiệm, đánh giá quản lý xung đột

Dưới tất cả các lý thuyết về thực tiễn giải quyết xung đột là những đánh giá về những gì thành công và thất bại trong giải quyết xung đột ở vùng tộc người thiểu số đòi hỏi phải được đánh giá, rút kinh nghiệm.

Các lý thuyết khác nhau về giải quyết xung đột xác định các mục tiêu và tiêu chí thành công khác nhau. Cần thực hiện sự đánh giá thành công của một phương pháp giải tỏa xung đột như thế nào? Hiện nay các phương tiện phù hợp để đánh giá sự thành công trong giải tỏa các xung đột còn thiếu về phương pháp, tiêu chí, cách tổ chức đánh giá…Vì thế có những mô hình giải tỏa xung đột được coi là thành công ở cùng địa phương trong lần này, nhưng không được áp dụng cho lần khác (Tây Nguyên 2001 và 2004). Hoặc thành công ở địa phương này mà không được áp dụng ở các địa phương khác (Thái bình không áp dụng ở Nam Định, Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm - Dù các vùng này nằm ngoài sự xem xét của đề tài). Vẫn xẩy ra tình trạng “không thuộc bài", vẫn lặp lại và vấp phải những sai lầm mới “chết người". Vì vậy, không những phải chú ý tổng kết kinh nghiệm, mà còn, biết vận dụng những kinh nghiệm được tổng kết vào quản lý xung đột.

Để xác định các tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của quản lý xung đột xã hội, cần phải xây dựng các mục tiêu và tiêu chí của thành công. Dựa trên cơ sở như vậy, những người can thiệp và người tham gia sau đó có thể đồng ý về các phương pháp sử dụng để hoàn thành các mục tiêu và tiêu chuẩn mà họ đã đặt ra cho chính mình trong quản lý, giải tỏa xung đột.

+ Kỹ năng thể chế hóa xung đột

Đây là một kỹ năng rất quan trọng, giải tỏa xung đột xã hội có thành công hay không, phần lớn phụ thuộc vào kỹ năng này. Trên thực tế ở nước ta, có nhiều xung đột không được thể chế hóa. Biến việc quản lý và giải tỏa xung đột thành nhiệm vụ của một vài cá nhân, mang tính tùy tiện. Thể chế hóa yêu cầu chính quyền phải tuyên bố tình huống đột dưới dạng một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thiết lập một tổ chức quản lý xung đột, có phân công chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền rõ ràng. Có thể huy động các nguồn lực, phương tiện, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà nước tham gia quản lý xung đột. Đây là căn cứ đề tiến hành giải tỏa xung đột, đồng thời xác định trách nhiệm đối với các chủ thể quản lý, các bên xung đột…

- Thứ ba: Xây dựng một thái độ khoa học đối với quản lý xung đột xã hội

            Thái độ của chủ thể quản lý xung đột xã hội phụ thuộc rất nhiều vào tri thức của họ về xung đột. Xung đột xã hội tồn tại một cách khách quan, như là biểu hiện hành vi xã hội của các mâu thuẫn xã hội. Một xã hội không thể tồn tại, vận động nếu không có mâu thuẫn, xung đột. Thái độ khách quan đối với xung đột xã hội còn là xác định trách nhiệm của người cầm quyền đối với các hiện tượng các quá trình xung đột, không được né tránh xung đột, không giấu diếm xung đột cũng không thổi phồng xung đột vì các động cơ cá nhân, cục bộ, ích kỷ…

            Ở Việt Nam, nâng cao năng lực cho các chủ thể quản lý xung đột xã hội ở vùng tộc người thiểu số, cách tốt nhất là thông qua đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp vùng tộc người thiểu số đặc biệt là cấp cơ sở. Như vậy nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý xung đột xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức ở vùng tộc người thiểu số kèm thêm một giải pháp nữa là

- Thứ tư: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vùng tộc người thiểu số đáp ứng yêu cầu quản lý xung đột xã hội đặt ra.

Các hình thức đào tạo bồi dưỡng có thể linh hoạt: lồng ghép chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý xung đột xã hội trong các chương trình, các hệ đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Nếu điều này làm cho các chương trình hiện có vốn đã ôm đồm sẽ trở nên quá tải. Vì vậy, nên xây dựng các chương trình bồi dưỡng riêng phù hợp với điều kiện công tác của cán bộ, công chức và tình hình đặc thù của vùng tộc người thiểu số.

Đào tạo thêm các kỹ năng giải quyết xung đột cho cộng đồng địa phương sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp cụ thể. Việc đào tạo có thể ảnh hưởng đến văn hóa xung đột khiến mọi người xem xung đột và quản lý nó theo những cách mới. Đào tạo có thể diễn ra bằng nhiều hình thức: chính thức, không chính thức, trao đổi học tập kinh nghiệm, hay nâng cao kỹ năng quản lý trên các xung đột thực tế. Nhiều quốc gia đã xây dựng chương trình đào tạo quản lý xung đột xã hội cho các nhà lãnh đạo và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước trong quản lý và giải quyết xung đột ở các nhà trường.

Ngoài ra có thể tổ chức các cuộc trao đổi, hội thảo về quản lý xung đột xã hội. Đây là một hình thức rất quan trọng vì người tham dự có thể thu nhận được nhiều thông tin, tham khảo được nhiều cách tiếp cận, cách nhìn khác nhau, tạo ra các liên hệ và các ý tưởng để quản lý xung đột và lập ra các chương trình hòa giải.

Hội thảo không chỉ dành cho các nhà khoa học, nó có thể dành cho các cộng đồng trong một địa phương, một vùng. Có thể có đại diện các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín…Ở đó người ta có thể đưa ra các mục tiêu, công cụ, giải pháp cụ thể để quản lý, hòa giải một xung đột đang xẩy ra, hoặc dự báo về quản lý về các xung đột tiềm năng. Nâng cao nhận thức cộng đồng về xung đột xã hội và quản lý, giải tỏa xung đột xã hội trong cộng đồng có thể giảm căng thẳng, thậm chí giảm các vụ quá khích, hoặc vô cớ giết người.

Hội thảo cũng giúp cho các hoạt động của các nhóm ở địa phương, như phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên… đưa mọi người đến gần nhau thảo luận các vấn đề như vận chuyển và sử dụng lạm ma túy, buôn người, bạo lực gia đình, sức khỏe cộng đồng, quyền của phụ nữ. Trong trường hợp ở địa phương có triển khai các dự án, các cuộc hội thảo như vậy, giúp cộng đồng nhận thức sớm những lợi ích và thiệt hại tiềm năng, tìm ra cách giải tỏa những mâu thuẫn, xung đột từ rất sớm. Trong các cuộc hội thảo như vậy, tiềm năng của các “tiểu văn hóa" của các cộng đồng được phát huy, những chuẩn mực văn hóa mới tiến bộ, được khẳng định, tôn trọng sẽ góp phần loại bỏ những tập tục, hủ tục lạc hậu mà trong điều kiện khép kín, khi không có tiếng nói ủng hộ chung của cộng đồng sẽ không từ bỏ được.

2) Nhóm giải pháp về công tác tư tưởng

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng trong đồng bào vùng tộc người thiểu số, về lịch sử tộc người, về lịch sử quan hệ tộc người và dân tộc, truyền thống đoàn kết tương trợ cùng phát triển giữa các tộc người trong toàn dân tộc. Xây dựng bệ đỡ tư tưởng cho khối đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội.

Bên cạnh tăng cường việc tuyên truyền đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho mọi đối tượng, từ cán bộ, đảng viên cho đến từng người dân. Đây là điều rất quan trọng và cần thiết, nhưng có lẽ chưa đủ. Ở Tây Nguyên, ở Điện Biên, ở nhiều vùng tộc người thiểu số khác, việc tuyên truyền như vậy đã hàng chục năm, tuy nhiên qua các điểm nóng cho thấy, người dân tham gia xung đột không hiểu, không quan tâm đến những nội dung trong công tác tư tưởng ấy.

Song song với việc khắc phục tư tưởng tộc lớn và tư tưởng tộc người hẹp hòi, cần chú ý giáo dục sâu rộng ý thức tự hào dân tộc, tính tự lực tự cường dân tộc, và ý thức quốc gia dân tộc Việt Nam. Trong quá trình giáo dục hai loại ý thức này cần đặt ý thức cộng đồng dân tộc Việt Nam lên trên hết. Phải làm cho hai loại ý thức trên không mâu thuẫn với nhau, mà còn bổ sung cho nhau, nương tựa vào nhau để cùng phát triển trong một chỉnh thể cộng đồng dân tộc Việt Nam đa tộc người thống nhất.

Cần phải nhận thức rằng, sự bình đẳng giữa các tộc người đặt ra yêu cầu thực hiện công bằng xã hội giữa các tộc người, giữa miền núi và miền xuôi. Thực hiện công bằng không có nghĩa là cào bằng, dàn đều, bình quân chủ nghĩa mà phải quan tâm, chú ý đến những đặc điểm và điều kiện phát triển riêng của mỗi vùng, miền, mỗi tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chính sách tộc người thiểu số không thể chỉ dừng lại ở những nội dung chung chung, trừu tượng, cũng không chỉ dừng lại ở những chính sách, những nghị quyết áp dụng đồng loạt cho tất cả các tộc người thiểu số, bất kỳ ở trình độ phát triển như thế nào, ở hoàn cảnh địa lý ra sao.

Nâng cao hiệu quả của việc thông tin, tuyên truyền. Sử dụng đa dạng các phương tiện truyền thông hiện đại và mạng xã hội để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc ở các địa phương, cơ sở. cần đấu tranh khắc phục dần nạn mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán làm ăn, nếp nghĩ, phong cách sống của đồng bào. Tăng cường giáo dục lòng tự hào về những giá trị văn hoá quý giá của các tộc người, đồng thời vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Khi có xung đột, tranh chấp, điểm nóng, công tác tư tưởng phải kịp thời, tránh gây lo lắng, hoang mang, hoặc tạo ra khoảng trống thông tin cho kẻ xấu lợi dụng kích động, đưa tin giả, vu cáo, chống phá.

Cần quán triệt sâu sắc trong nhận thức của từng người dân và cán bộ về vai trò, vị trí chiến lược quan trọng của vùng tộc người thiểu số. Đầu tư cho vùng đồng bào các tộc người thiểu số là đầu tư cho an ninh quốc gia, cho phát triển bền vững của đất nước. Cả nước vì đồng bào các tộc người thiểu số, mỗi người dân vùng tộc người thiểu số cũng vì đồng bào cả nước, phải có trách nhiệm với cả nước, chủ động, sáng tạo, không ỷ lại vào Nhà nước,

Xây dựng chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, làm cơ sở cho xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội.

Kinh nghiệm cay đắng của Malaysia sau cuộc rối loạn sắc tộc năm 1969, là đặt vấn đề thống nhất dân tộc lên hàng đầu. Dù xuất thân từ người gốc Hoa, gốc Ấn, hay gốc Malay, thì trên lãnh thổ của Liên bang ngày nay tất cả đều hợp thành một dân tộc Malaysia. Trên tinh thần đó, ngày 31-8-1970, Chính phủ đã thông qua Hệ tư tưởng dân tộc: RUCUNEGARA (nền tảng quốc gia). Với hệ tư tưởng này, lần đầu tiên ở mức độ chính phủ, các nhà lãnh đạo Malaysia đã đặt ra vấn đề tồn tại và phát triển đất nước với tư cách là một quốc gia nhiều sắc tộc và nhấn mạnh rằng mọi hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa đều phải nhằm vào mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất dân tộc. Hệ tư tưởng được khẳng định, để bảo đảm sự hòa hợp các dân tộc thì các lợi ích chung nhất thiết phải được đặt cao hơn bất kỳ nhóm sắc tộc nào và nếu như trong trường hợp ngược lại thì sẽ dẫn đến sự mất ổn định, nguy hiểm đối với đất nước.

- Công tác tư tưởng ở vùng tộc người thiểu số phải vạch trần những luận điệu lôi kéo, gây chia rẽ dân tộc, gây mất đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Vạch trần những thủ đoạn tuyên truyền của các thế lực thù địch, vu cáo chúng ta về không tôn trọng dân chủ, quyền con người và tự do tôn giáo…Vạch trần và tuyên truyền mạnh mẽ về âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức và tư tưởng ly khai phi thực tế, như “Vương quốc Mông", “Nhà nước Dega", “Nhà nước Khmer Krom". Song song với việc tuyên truyền đó, cần chú ý có những biện pháp riêng trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào tộc người thiểu số nói chung, vùng tộc Mông, Tây Nguyên và vùng đồng bào Khmer.

Cần khắc phục hai xu hướng tư tưởng sai trái: Thứ nhất cho rằng tất cả những vấn đề bức xúc, phức tạp xẩy ra trong vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, tây Nam Bộ, đều do đồng bào đã theo tư tưởng ly khai. Thứ hai: Chủ quan, đơn giản hóa, sự việc, lơ là mất cảnh giác trước các hoạt động ly khai của các tổ chức nói trên.

3) Nhóm giải pháp đổi mới hoạt động, tăng tính hiệu quả của công tác vận động quần chúng

Công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, trước hết cần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các địa phương nói chung, quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số nói riêng.

Đối với vùng tộc người Mông, vùng Tây Nguyên và vùng đồng bào Khmer vấn đề xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước hết, cần tập trung, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên ở bản, làng, phum sóc, xã, cụm xã, là cấp gần dân nhất, phải trực tiếp xử lý các công việc hàng ngày. Cần có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp để họ có đủ sức bám dân, bám địa bàn, khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng.

Nhanh chóng khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Tăng cường cán bộ người các tộc thiểu số tham gia cấp ủy chính quyền các cấp. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tộc người tại chỗ, có chính sách ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các tộc người thiểu số ở các xã biên giới, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp về an ninh trật tự. Cần tiếp tục có kế hoạch tăng cường cán bộ cấp trên hỗ trợ các bản, làng, các xã người thiểu số làm chỗ dựa cho quần chúng và hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

Đặc biệt hiện nay, và trong vùng tộc người thiểu số, trong quản lý xung đột xã hội, cần phát huy thể mạnh của dân vận chính quyền. Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Thông qua các chính sách cụ thể, động viên đồng bào các tộc người thiểu số không ỷ lại, phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

- Chuyển từ văn hóa chỉ thị mệnh lệnh hành chính từ phía các cơ quan nhà nước, văn hóa bạo lực trong xã hội sang văn hóa đối thoại

+ Đối với các cơ quan nhà nước: Thực hiện tốt Đề án xây dựng văn hóa công vụ, bộ quy tắc ứng xử trong công sở của các địa phương vùng tộc người thiểu số. Đẩy manh công cuộc cải cách hành chính. Đặc biệt phải chuyển cho được văn hóa mệnh lệnh sang văn hóa phục vụ, đối thoại, kiến tạo trong quản lý xã hội nói chung, quản lý xung đột xã hội nói riêng.

+ Đối với toàn xã hội nói chung, xã hội vùng tộc người thiểu số nói riêng, cần thúc đẩy sự thay đổi những biểu hiện của văn hóa bạo lực sang văn hóa đối thoại.

Cần có chiến lược thúc đẩy hòa bình ổn định và hiểu biết giữa các tộc người, trên cơ sở chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội. Làm cho người dân các tộc người hiểu được nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và tác động của văn hóa bạo lực đối với những hiềm khích, xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số. Cần triển khai các dự án nghiên cứu và các ấn phẩm tuyên truyền, giáo dục thông qua các khóa học, chương trình giáo dục, trang bị kiến thức cho mọi người về quá trình hòa bình và xung đột, khuyến khích sự phát triển của một nền văn hóa đối thoại giải quyết xung đột từ quy mô nhỏ (liên cá nhân, nhóm) đến quy mô lớn (tộc người, xã hội). Cần mở rộng hiểu biết của người dân về bạo lực từ trong gia đình đến ngoài xã hội và hệ lụy của nó, cách đối phó với các vấn đề bạo lực. Thay đổi các hành vi cá nhân trong các xung đột từ quá khích hung hãn sang đối thoại, kiềm chế. Tạo điều kiện để khuyến khích sự phát triển thái độ và hành vi của văn hóa đối thoại.

- Coi trọng các mối quan hệ không chính thức

Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biều các già làng trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo. Chúng ta đã nhận thức rõ vai trò của những cá nhân này trong hòa giải xung đột. Hiện nay, đã có quy định của Chính phủ về người có uy tín. Đó là một thuận lợi rất lớn để phát huy vai trò của người có uy tín.

Trong quản lý xung đột, ngoài các can thiệp chính thức từ phía Nhà nước và hệ thống chính trị, vai trò của các quan hệ không chính thức, tuy phức tạp, nhưng chúng nhiều khi hỗ trợ tốt cho quản lý xung đột. Trong vùng các tộc người thiểu số, có những tộc người không chia sẻ thông tin cho người ngoài, người lạ, cho dù đó là cán bộ. Các quan hệ không chính thức, bằng cách tiếp cận phù hợp với văn hóa, tâm lý của các tộc người, có thể cung cấp những thông tin quan trọng. Ví dụ, bằng con đường chính thức, người Mông sẽ không bao giờ họ nói rằng họ đang đi đón vua Mông ở Mường Nhé, hoặc không bao giờ nói rằng họ muốn thành lập “Vương quốc Mông".

Có những va chạm và xung đột nhỏ, các cộng động thường giấu kín và tự xử lý với nhau. Họ không muốn người ngoài biết, đưa tin lên báo chí hoặc truyền hình. Họ có thể có thái độ bất hợp tác với những ai muốn đến điều tra để công khai tình trạng xung đột của họ. Như trên đã nói về hội thảo, trong trường hợp muốn tìm hiểu về một cuộc xung đột tiềm năng, có thể tổ chức hội thảo không chính thức.

Mục tiêu của người quản lý xung đột xã hội là giải quyết những mâu thuẫn xã hội, đáp ứng được những quyền, lợi ích, giá trị hợp pháp, chính đáng mà các bên xung đột theo đuổi. Vì vậy, không nắm chắc được tình hình thì không bao giờ thực hiện được mục tiêu đó. Kênh không chính thức là một kênh để nắm được tình hình.

- Đối với các luật tục vẫn còn có giá trị, còn phù hợp với bối cảnh hiện đại có thể được luật hóa, đưa nó chính thức trở thành pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp không thể đưa vào Luật, có thể tính tới việc cụ thể hóa thành các điều khoản dưới luật, áp dụng cho phù hợp với điều kiện của từng tộc người, từng địa phương. Đối với những vụ việc có sự xung đột giữa luật pháp và luật tục, có thể cần tham khảo thêm ý kiến của các già làng, người có uy tín trước khi đưa ra các quyết định. Điều đặc biệt quan trọng là cần quán triệt phương châm hòa giải khi giải quyết các xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa các cộng đồng trong các tộc người thiểu số với nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp phổ biến pháp luật tại các vùng đồng bào tộc người thiểu số, để đồng bào hiểu hơn các quy định của pháp luật.

- Chú trọng vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc góp phần quyết định việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong việc vùng đồng bào tộc người thiểu số. Trong công tác vận động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng tộc người thiểu số, cần đặc biệt chú trọng công tác tranh thủ, vận động những người có uy tín, có ảnh hưởng. Đây là những người có quan hệ mật thiết với quần chúng, không phân biệt thái độ tích cực hay tiêu cực. Họ bao gồm cán bộ, trí thức, già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, người làm kinh tế giỏi. Thời gian gần đây, xuất hiện một số trưởng nhóm Tin lành, có khả năng thu hút, tập hợp quần chúng trong vùng tộc người thiểu số, đặc biệt vùng người Mông. Trên thực tế, nếu vận động, tranh thủ được số người Mông này trong công tác vận động quần chúng Mông sẽ có hiệu quả rất lớn trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước và trong giải quyết, xử lý một số vụ việc phức tạp trong vùng tộc người thiểu số.

4) Nhóm giải pháp đổi mới cơ chế chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực đề có hệ thống chính sách, pháp luật tốt về các tộc người thiểu số. Qua khảo sát thực tế ở vùng tộc người thiểu số, qua nghiên cứu so sánh với các quốc gia khác, Đề tài cũng khẳng định điều đó. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện hệ thống chính sách và cách thức thực thi. Một trong những hạn chế của chính sách tộc người thiểu số của chúng ta (118 văn bản chính sách 54 luật liên quan) là còn mang nặng dấu ấn tư duy bao cấp. Tất cả gánh nặng chính sách nằm trên vai Nhà nước, chưa tận dụng được thế mạnh các địa phương, chưa phát huy tối đa tính chủ động, năng lực sáng tạo của các địa phương và bà con các tộc người thiểu số. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn mang tính chia đều, cho không là chính, không đúng địa chỉ, không đúng đối tượng, vụn vặt, thậm chí gây lãng phí; chưa khuyến khích người nghèo đối ứng, chưa hỗ trợ theo các nguyên nhân nghèo và khả năng từng hộ. Cách hỗ trợ như vậy có thể phù hợp với giai đoạn xóa đói, hiện nay chúng không còn phù hợp nữa, vì đời sống của bà con đã nâng lên, nhu cầu sản xuất và đời sống đã cao hơn, quan hệ thị trường cũng phát triển hơn.

Từ cách tiếp cận về bình đẳng, chúng ta cũng có thể thực hiện 3 loại chính sách kinh tế cơ bản đối với sự phát triển kinh tế vùng đồng bào tộc người thiểu số đó là chính sách bảo trợ, chính sách hỗ trợ và chính sách đầu tư phát triển.

Cần có chính sách bảo trợ vì kinh tế ở một trình độ quá thấp dựa chủ yếu vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu thiếu quyền chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì các hoạt động kinh tế kiểu “kinh tế rừng” sẽ bị suy giảm, sụp đổ. Vì vậy, cần có các chính sách liên quan đến quyền chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên, trước hết là ruộng đất, rừng, phải phù hợp với kết cấu kinh tế xã hội và kiểu kinh tế còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Thực tế chúng ta đã thiếu những chính sách phù hợp mang tính chất bảo trợ giúp đồng bào các dân tộc củng cố buôn làng của mình trong những biến động của quá trình phát triển.

Cần có chính sách hỗ trợ nhằm giúp đồng bào các tộc người tăng nội lực, có những điều kiện để chuyển đổi, hội nhập được vào quá trình kinh tế thị trường. Đó là các chính sách tăng cơ sở hạ tầng, phá bỏ sự cô lập, tăng sự giao lưu và các điều kiện vật chất chung cho sự phát triển sản xuất và dịch vụ công cộng của buôn làng. Chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Chính sách đầu tư phát triển là loại chính sách chủ yếu hoặc hoàn toàn dựa trên quan hệ thị trường. Nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nhà cung ứng, dịch vụ, lao động được trả tiền cho các hàng hóa, dịch vụ, công lao động. Các bên bình đẳng trước pháp luật và trước thị trường.

Những chính sách kinh tế ở giai đoạn đầu cần nghiêng về chính sách xoá đói giảm nghèo, những chính sách mang tính chất bảo trợ (cho không); tiếp đến là các chính sách giúp đỡ, nuôi dưỡng, dìu dắt, nhờ đó kinh tế của đồng bào các dân tộc nhanh chóng vượt qua kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp (đó là chính sách hỗ trợ); sau cùng đồng bào các tộc người thiểu số đã tiếp cận với quan hệ kinh tế thị trường, dùng các quan hệ thị trường để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng tộc người thiểu số (Đầu tư). Trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã thực hiện được một số chính sách loại này. Tuy nhiên tiến độ và kết quả còn rất hạn chế.

 Hoàn thiện chính sách đối với vùng tộc người thiểu số cần theo hướng: Gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển tộc người với chính sách phát triển vùng; Thời gian thực hiện phải hợp lý theo từng loại chính sách; phân loại sự khác biệt trong nội dung chính sách, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Giảm sự khó khăn rườm rà trong các trình tự thủ tục thực hiện chính sách. Giảm các chính sách mang tính bao cấp, hỗ trợ. Tăng tính đồng bộ, thống nhất, phối hợp của các bộ ngành, làm rõ các trách nhiệm giải trình trong các chu trình chính sách, từ thẩm quyền ra quyêt định, cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện, đánh giá chính sách…đến các trình tự thủ tục hành chính, cấp vốn…

Rà soát trong các chính sách đã ban hành hiện nay, tích hợp, lồng ghép các nội dung trùng lặp, để dễ dàng quản lý, theo dõi, đánh giá, điều chỉnh ít nhất cũng phải theo hướng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vừa được Quốc hội thông qua.

Nâng cao hiệu quả đầu tư của các chương trình kinh tế - xã hội. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vốn theo hướng nâng cao tỷ trọng đầu tư trực tiếp cho sự phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề bức xúc về mặt xã hội ở vùng tộc người thiểu số và miền núi. Ngân sách nhà nước có hạn, cần được đầu tư có trọng điểm, trọng tâm và tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thông tin, phục vụ cho việc thông thương hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại khu vực này. Ưu tiên tập trung các nguồn vốn, tăng mức đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn. Các chính sách, chương trình, dự án trên cùng địa bàn cũng phải thống nhất về nội dung, đầu mối và cơ chế quản lý, tập trung về nguồn lực thời gian triển khai thực hiện, lồng ghép để tránh dàn trải, vụn vặt, khơi dậy được sự chủ động, năng động của địa phương và các cộng đồng dân cư, tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Đầu tư mạnh để phát triển khoa học và công nghệ cho vùng đồng bào các tộc người thiểu số, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm, nông phẩm vùng tộc người thiểu số đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Nhà nước ưu tiêu đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, phục vụ cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề…ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới ở vùng tộc người thiểu số và miền núi.

            Bên cạnh việc đổi mới hoạch định và thực hiện chính sách đối với các tộc người thiểu số, cần thiết phải có một bộ luật về các tộc người thiểu số Việt Nam.

5) Nhóm giải pháp khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho quản lý đất đai và quản lý xung đột đất đai, môi trường, di cư tự do

- Đối với quản lý xung đột đất đai

Hiện nay, ở vùng tộc người thiểu số đang tồn tại 3 hình thức xung đột đất đai chủ yếu: (i) Xung đột về quyền: quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền sử dụng đất đai ; (ii) Xung đột lợi ích trong các quan hệ đất đai; (iii) Xung đột các chế độ quản lý đất đai. Xung đột đất đai chiếm 70% đến 80% các vụ khiếu kiện đông người, xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội ở cả nước nói chung, ở vùng tộc người thiểu số nói riêng. Thậm chí một số địa phương các vụ việc liên quan đến xung đột đất đai lên tới 90% trong các vụ việc có tính chất xung đột.

Một số giải pháp chủ yếu cho quản lý xung đột đất đai ở vùng tộc người thiểu số là:

+ Trước hết, có thể phải nhấn mạnh rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng làm rõ quyền trách nhiệm nghĩa vụ của các chủ thể đối với các quyền sở hữu, đại diện quản lý và sử dụng. Nên chăng cần đổi mới căn bản tư duy về pháp luật đất đai, trong đó cần khẳng định chủ quyền tối cao của quốc gia về đất đai, mà Nhà nước là đại diện, dưới đó, cần đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất đai, như thực tế trong đời sống xã hội đang diễn ra đối với “quyền sử dụng đất"?

Cần tính tới việc phát huy vai trò của Luật tục, của các cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng đất, nhưng không ảnh hưởng đến mục đích của pháp luật về đất đai nói chung. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về các quan hệ đất đai, chúng ta có thể kết hợp áp dụng Pháp luật và Luật tục, hương ước, để không những quản lý hiệu quả hơn xung đột đất đai, mà còn có thể tăng hiệu quả sử dụng đất đai, giải quyết căn bản tình trạng “thiếu đất" sản xuất của đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Xác lập quyền làm chủ đất đai gắn với môi trường sống của đồng bào các tộc người thiểu số.

+ Thứ hai, khẩn trương, chủ động và quyết liệt giải quyết những bức xúc, khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai đang tồn đọng. Đi kèm với giải pháp này, cần thực hiện triệt để việc giao đất giao rừng, đổi mới mô hình tổ chức nông, lâm trường, doanh nghiệp và phương thức quản lý của các nông, lâm trường doanh nghiệp này phù hợp với cơ chế thị trường. Khẩn trương cấp sổ đỏ cho dân ở những nơi không còn tranh chấp.

+ Thứ ba, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo xung đột đất đai; chủ động trong phòng ngừa, quản lý, giải tỏa xung đột đất đai ở vùng tộc người thiểu số. Đây là một nhiệm vụ không chỉ đương nhiên, mà cần phải ưu tiên so với các nhiệm vụ khác. Công tác dự báo cần gắn với dự báo phát triển kinh tế - xã hội vùng tộc người thiểu số.

+ Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phát triển kinh tế, xã hội, khẩn trương thực hiện chính sách giao đất, giao rừng; cấp đất cho những đối tượng thiếu đất ở, thiếu đất canh tác; làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần và trình độ dân trí cho đồng bào các tộc người thiểu số, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định chính trị - xã hội; thu hẹp dần và có thể giảm thiểu những yếu tố có thể nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến xung đột xã hội căng thẳng.

+ Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tranh thủ vai trò của già làng, người có uy tín trong các tộc người, các tôn giáo; cảnh giác, phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng những mâu thuẫn về đất đai để kích động bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

- Đối với quản lý xung đột môi trường:

Hiện nay các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp lớn nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững các vùng miền núi, vùng tộc người thiểu số đã khá đầy đủ. Nhiều giải pháp cụ thể cũng đã được đề xuất. Tuy nhiên tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách, pháp luật chưa hiệu quả. Xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số do nguyên nhân môi trường vẫn gia tăng và diễn ra phức tạp.

Cần áp dụng một số giải pháp cụ thể và mạnh mẽ sau:

+ Phát huy hiểu quả của công tác giao đất, giao rừng, khoán trồng rừng để sớm phục hồi diện tích rừng bị tàn phá.

+ Ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản ở các vùng núi, vùng đồng bào thiểu số, gây ra nạn phá rừng, sạt lở đất, ô nhiễm nguồn nước bởi hóa chất, mất trật tự an toàn xã hội.

+ Nhanh chóng xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu nghiệp như Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, bản Lầu huyện Mường Khương (Lào Cai); ô nhiễm ở các nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm ở khu công nghiệp Tân Rai (Đắc Nông). Nói không với các dự án nhiệt điện than ở cả nước nói chung và đặc biệt là vùng tộc người thiểu số nói riêng. Tích cực có giải pháp khai thác các nguồn năng lượng thay thế, vốn có tiềm năng lớn ở nước ta như điện mặt trời, điện gió.

+ Có biện pháp trợ giúp, bảo vệ bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước tình hình biến đổi khí hậu bất lợi và thiếu nước ngọt do dòng sông Mê Công bị chặn ở thượng nguồn. Nhất là trợ giúp đồng bào Khmer, vốn còn nhiều khó khăn.

- Đối với quản lý xung đột trong di cư

Di cư là một hình thức dể cơ cấu lại lao động, dân cư giữa các vùng, các ngành nghề, các lĩnh vực. Nó không chỉ diễn ra ở khu vực đồng bào thiểu số. Di cư còn là đảm bảo quyền Hiến định tự do cư trú của người dân. Tuy nhiên, di cư tự phát ở mức độ lớn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định trật tự và an toàn xã hội, mâu thuẫn với hệ thống quản lý, gây ra xung đột trong các cộng đồng dân cư, nhất là người mới đến với người tại chỗ về đất đai, tài nguyên, nguồn lực, cơ hội...Cho đến nay các chương trình định canh, định cư, phân bố lại dân cư vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng di cư tự do đặt ra nhiều hệ lụy.

+ Giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ đúng pháp luật, mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư tự do có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau.

+ Nơi nào bà con đã đến rồi, phải chủ động, tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tạo mọi thuận lợi người dân có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, sinh kế, có đất ở, đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an ninh. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường ở Tây Nguyên, xử lý dứt điểm và không để tái diễn các vụ việc vi phạm, khiếu nại, tranh chấp, lấn chiếm đất đai.

+ Mục tiêu là giảm thiểu tình trạng dân di cư tự do; ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn. Hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện. Bảo đảm mức sống của người dân di cư bằng mức trung bình của người dân địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 phải ngăn chặn hoàn toàn di dân tự do, hoàn thành dứt điểm các dự án ổn định dân di cư tự do.

6) Nhóm giải pháp đối ngoại

Đối ngoại có vai trò quan trọng trong quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số. Đến nay chỉ xung đột ở Tây Nguyên, những vấn đề liên quan đến “Vương quốc Mông", “Nhà nước Dega", “Nhà nước Khmer Krom" liên quan khá nhiều đến hoạt động ngoại giao.

Thứ nhất các tổ chức ly khai, tìm mọi cách tác động đến các tổ chức quốc tế từ Liên hợp quốc và các tổ chức của nó, một số câu lạc bộ, tổ chức quốc tế để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, quyền của các dân tộc bản địa. Đã có một số hoạt động như điều trần….nhưng cho đến nay, chưa có một tổ chức quốc tế nào công nhận quy chế tư vấn hoặc quy chế chính thức cho các tổ chức này.

Thứ hai, các thế lực thù địch luôn có ý đồ quốc tế hóa các xung đột vùng tộc người thiểu số, hi vọng rằng các quốc gia, các tổ chức quốc tế can thiệp có lợi cho chúng.

Thứ ba, một số cường quốc, một số quốc gia sử dụng chính sách hai mặt đối với các thế lực ly khai với hai mục đích chính, gây rối loạn tình hình nội bộ của ta, thứ hai, dùng làm con bài để mặc cả khi cần thiết. Vì vậy, họ vẫn nuôi dưỡng, chứa chấp cho các hoạt động của các tổ chức ly khai phi thực tế này.

Hoạt động chống phá của các tổ chức ly khai trên các diễn đàn quốc tế có thể làm cho một bộ phận nhân dân thế giới hiểu sai về Việt Nam, kích động tâm lý chống đối, ly khai của một bộ phận người dân trong nước. Hệ quả của những hoạt động động đó là không lường được. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng, làm tăng hiệu lực hiệu quả quản lý xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội ở vùng tộc người thiểu số là đấu tranh ngoại giao với các thế lực thù địch. Cần thiết phải:

- Làm rõ vấn đề xung đột xã hội vùng dân tộc thiểu số đối với dư luận nước ngoài, loại bỏ tối đa những ảnh hưởng sai trái, tiêu cực của dư luận quốc tế về vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề phân biệt đối xử…ở nước ta.

- Làm rõ những vấn đề lịch sử, pháp lý, thực tiễn liên quan đến những luận điệu tuyên truyền thù địch của các tổ chức ly khai.

- Vạch trần, cung cấp thông tin về những âm mưu, thủ đoạn vu cáo xuyên tạc lịch sử, chính sách tộc người, tôn giáo, tình hình dân chủ, nhân quyền của các tổ chức ly khai, thù địch cho cộng đồng quốc tế.

- Có phương án ứng phó tốt nhất với những hoạt động của các thế lực thù địch (người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài) đang lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Nhà nước ta.

7) Giải pháp tiếp nhận sự giúp đỡ quốc tế

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bình thường ở vùng tộc người thiểu số chúng ta cũng luôn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các NGOs quốc tế, các tổ chức tôn giáo quốc tế. Sự giúp đỡ này góp phần giảm bớt những khó khăn, nhất là đối với người nghèo, nâng cao năng lực các cộng đồng trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển của Nhà nước ta ở vùng tộc người thiểu số.

Trong những tình huống xung đột, các tổ chức quốc tế, các NGOs còn có thể tham gia viện trợ mang tính chất nhận đạo. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, viện trợ nhân đạo và quản lý xung đột có thể là một sự phối hợp thành công.

Để có thể thành công trong kết hợp quản lý xung đột và giúp đỡ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế, đòi hỏi phải có thái độ, cách tiếp cận vấn đề đúng đắn khách quan, không định kiến, không lợi dụng. Cần phải thực hiện các nguyên tắc nhất định:

+ Nguyên tắc vô tư: Bên giúp đỡ không ràng buộc điều kiện nào, ngoài mục đích nhân đạo và phát triển. Vô tư áp dụng đối với tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng.

+ Nguyên tắc độc lập: Sự giúp đỡ không bị chi phối bởi các lực lượng chính trị, hoặc nhà nước nào, nhằm mục đích chống phá nhà nước Việt Nam.

Sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức NGOs quốc tế thường bị chính trị hóa bởi phía cung cấp viện trợ hoặc phía nhận viện trợ. Vì vậy, trước khi hành động phải thống nhất về các nguyên tắc, tạo dựng lòng tin, xây dựng một tư duy văn hóa khoan dung, thúc đẩy đối thoại trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng hỗ trợ nhân đạo trong xung đột xã hội sẽ có hiệu quả hơn, nếu các nội dung, hình thức và địa chỉ do các tổ chức địa phương nhận hỗ trợ khởi xướng.

8) Nhóm giải pháp sử dụng Công an, Quân đội trong các cuộc xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số

Quân đội và Công an là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Qua thực tế các xung đột xã hội và điểm nóng chính tri-xã hội vùng tộc người thiểu số đã khẳng định vai trò đó. Có thể nói Công an là lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số (xem bảng 16). Các lực lượng công an đã nắm chắc địa bàn, nắm chắc đối tượng, sử dụng các công tác nghiệp vụ, cô lập, phân hóa các phần tử quá khích; bắt, khởi tố những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong các xung đột, giúp cho việc quản lý xung đột xã hội và xử lý các điểm nóng, nhìn chung sớm được kiểm soát, giải tỏa, dập tắt, không kéo dài. Qua điều tra xã hôi học, nếu như các xung đột ở giai đoạn thấp, những người được hỏi cho rằng vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội rất cao, thì trong các điểm nóng, vai trò của Công an và Quân đội được đánh giá cao hơn. (Xem bảng 11)

Bảng 11: Vai trò của các chủ thể trong giải quyết xung đột

TT

Nội dung

Xung đột xã hội

Điểm nóng chính trị xã hội

1.       

Cấp ủy Đảng

84,8

87,7

2.       

Chính quyền

77,7

82,9

3.       

Công an

64,4

75,4

4.       

Quân đội

-          

43,5

5.       

Mặt trận tổ quốc

35,9

-

Nguồn: Kết quả điều tra của Đề tài (Đã dẫn)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bốn chủ thể quan trọng nhất để giải quyết xung đột xã hội là Cấp ủy đảng, Chính quyền, Công an và Mặt trận Tổ quốc. Trong khi đó, đối với xử lý các điểm nóng chính trị xã hội thì bốn chủ thể được người trả lời lựa chọn cũng là Cấp ủy đảng, Chính quyền, Công an và Quân đội. Như vậy, trong giải quyết các vấn đề xung đột xã hội và điểm nóng chính trị xã hội, vai trò của Quân đội và Công an có vai trò rất khác nhau.

Về nguyên tắc, lực lượng quân đội chỉ làm chức năng bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm hòa bình và an ninh quốc gia. Vì vậy trong các xung đột ở giai đoạn thấp, đặc biệt là có tính chất mâu thuẫn nội bộ, quân đội không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên trong các xung đột ở nước ta, nhiều nơi đã sử dụng lực lượng quân đội (địa phương) chưa hiệu quả, thậm chí chưa đúng. Kinh nghiệm từ các điểm nóng Thái Bình, Tây Nguyên…Trung ương bao giờ cũng chỉ đạo, lực lượng quân đội chỉ tham gia giữ gìn trật tự, bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhạy cảm, không để các nhóm quá khích phá hoại.

Cũng cần nói rằng, với điều kiện đặc thù của nước ta, Quân đội là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, và đội quân lao động sản xuất, thì ở vùng tộc người thiểu số bộ đội, nhất là bộ đội biên phòng có vai trò khá đặc biệt. Vì vậy, ngoài chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, cần phát huy việc tăng cường lực lượng tham gia cấp ủy, cán bộ chủ chốt các xã biên giới, các xã vùng sâu, vùng xa như thời gian vừa qua.

Đối với lực lượng Công an, khảo sát thực tế cho thấy, vai trò của Công an trong quản lý xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội vùng tộc người thiểu số là đặc biệt quan trọng. Để phát huy thành tựu đó, lực lượng công an cần:

- Tăng cường bám sát địa bàn, nắm chắc địa bàn, nắm chắc đối tượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ làm hạn chế những thiệt hại do các hành vi quá khích gây ra.

- Kết hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc thu thập hồ sơ chứng cứ các đối tượng cầm đầu, quá khích để:

+ Đối tượng cầm đầu là người tốt, nhưng vì những bức xúc nào đó tổ chức nhân dân đấu tranh phản đối chính quyền. Với đối tượng này cần tranh thủ, hợp tác thuyết phục;

+ Đối với người cầm đầu là kẻ xấu: Phải phân hóa, cô lập, vô hiệu hóa;

+ Đối với các phần tử phản động: Cần sẵn sàng, hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ để bắt và truy tố. Lưu ý là làm sao khi bắt phải hợp pháp, hợp lý, thậm chí hợp tình. Tránh việc bắt sai làm phức tạp thêm tình hình.

- Đối với đám đông quần chúng, trong các xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội, muốn lập lại trật tự, phải “hạ nhiệt", giải tán được đám đông, đưa quần chúng về nhà. Các biện pháp là:

+ Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, yêu sách của người dân;

+ Đối với những yêu sách của đám đông, cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng để có thể: Yêu sách nào có thể giải quyết ngay, thì ra quyết định ngay. Yêu sách nào có thể giải quyết, nhưng cần thời gian, cần nói rõ cho bà con và hứa thời gian giải quyết. Yêu sách nào không thể giải quyết vì ngoài thẩm quyền, ngoài khả năng thực tế, hoặc sai trái, cần nói rõ với người dân.

Khi người dân đã thỏa mãn được những yêu sách, hoặc nhận ra sai trái, người dân sẽ giải tán. Quá trình làm rõ những yêu sách của đám đông là một quá trình tiếp xúc, đối thoại, nhiều khi rất căng thẳng, nguy hiểm. Lực lượng công an phải đảm bảo trật tự an toàn cho các bên, đặc biệt là an toàn cho những người có trách nhiệm đối thoại với đám đông. Trong giải tán đám đông không nên nóng vội, vì “được việc" mà sử dụng những biện pháp “mạnh", “quá tay” chưa cần thiết, không đúng lúc. Nhiều khi đám đông có thể giải tán chậm một chút mà bình yên, còn hơn là giải tán nhanh mà đổ máu, thương tích, thù oán.

+ Sau khi xung đột hoặc điểm nóng đã được dập tắt, lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng giữ gìn trật tự, khắc phục hậu quả, tiếp tục đấu tranh với những phần tử ngoan cố, quá khích, truy quét những tên phạm tội đang lẩn trốn.

Để làm được những nhiệm vụ trên, Lực lượng Công an phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, để không bị động, bất ngờ, trau dồi tư tưởng, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao hiểu biết về quản lý xung đột xã hội để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình an ninh, trật tự vùng tộc người thiểu số đang biến đổi mạnh mẽ hiện nay.

- Đối với lực lượng Công an, quân đội, cần xác định các tiêu chí thành công hoặc thất bại trong quản lý xung đột xã hội để quyết định, liệu can thiệp bằng lực lượng quân đội và công an hay không? Khi nào thì cần thiết và cần thiết ở mức nào? Tránh cho việc xuất hiện của quân đội và công an làm cho xung đột thêm căng thẳng, gây bất lợi trước dư luận quốc tế, tạo cớ cho các thế lực thù địch.

9) Nhóm giải pháp phát huy vai trò chủ động, tích cực của lực lượng quần chúng trong quản lý xung đột xã hội

Thứ nhất, tạo các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và cơ sở nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong tham gia quản lý xung đột xã hội. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cần chủ động đề xuất các hình thức phối hợp hành động với chính quyền về những nội dung liên quan đến không chỉ các phong trào mà còn liên quan đến xung đột xã hội. Đổi mới các hình thức vận động quần chúng, hướng vào thảo luận, đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề còn khác biệt, đối lập về nhận thức và quyền lợi. Tổ chức các tổ hòa giải, trợ giúp pháp lý, thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu được không chỉ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn hiểu được quyền và lợi ích, hợp pháp, chính đáng của mình; biết cách hiện thực hóa chúng bằng các phương thức hòa bình, đối thoại, hợp tác…

Thứ hai, phát huy vai trò của các cộng đồng làng bản, tín ngưỡng, tôn giáo. Một trong những cách thức hiệu quả để phát huy vai trò của các cộng đồng xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng tộc người thiểu số là đội ngũ những người có uy tín (đã được công nhận chính thức). Đây là những người nắm rõ các vấn đề xung đột trong dân cư, là những người có cách tiếp cận phi chính thức để hòa giải, là lực lượng có thể đấu tranh với các “nhóm” manh động, bất hợp pháp (kể cả các nhóm tôn giáo phi pháp).

Thứ ba, phát huy vai trò của từng người dân, xây dựng ý thức chủ động, tích cực sáng tạo, không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước trong mọi lĩnh vực từ đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đến giải tỏa các mâu thuẫn, xung đột.

Kết luận

Các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xung đột xã hội vùng tộc người thiểu số tuy không phải giải pháp nào cũng trực tiếp liên quan đến mâu thuẫn lợi ích. Tuy nhiên dù gián tiếp, hay trực tiếp, các giải pháp sẽ góp phần giải tỏa các mâu thuẫn (chủ yếu là mâu thuẫn lợi ích trong nội bộ nhân dân), góp phần hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển vùng tộc người thiểu số nói riêng, cả nước nói chung. 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
24-06-2021

Đánh giá

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 19

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp về chống lãng phí

    (ANTV) - Bốn giải pháp trọng tâm về thực hiện công tác phòng, chống lãng phí đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết mới đây nhất. Thông qua đó, người đứng đầu Đảng ta cũng đã khẳng định việc thực hiện các giải pháp chống lãng phí sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Khuyến khích cán bộ quản lý năng động, sáng tạo

    Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được cán bộ, đảng viên là các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao.
    Ngày: 03-11-2024
    Lượt xem: 2
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 (2).
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 1
  • Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024

    (Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/10-1/11/2024.
    Ngày: 02-11-2024
    Lượt xem: 3
  • Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

    Có thể khẳng định ngay rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt nguy hại. Về hình thức, nó không chỉ ẩn dấu tinh vi, không bộc lộ qua những vụ việc cụ thể nên khó nhận diện, khó nắm bắt, khó định danh. Về tác hại, tham nhũng chính sách gây ra hệ quả lâu dài, to lớn. 
    Ngày: 09-10-2024
    Lượt xem: 19

Lượt truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 21
Trong tuần: 359
Lượt truy cập: 454155

Loading...
Lên đầu trang