Thomas More (07/03/1478 ~ 06/07/1535) là một nhà văn, thẩm phán, nhà triết học xã hội. Ông được phong thánh và được coi như một người tử vì đạo. Tác phẩm Utopia được viết trong khoảng 1515, được coi là tác phẩm đầu tiên đề cập đến khái niệm Utopia. Khái niệm Utopia về sau này được nhiều học giả sử dụng lại để nói về một cái mơ ước về một xã hội tuyệt đẹp, công bằng, vị nhân sinh.
Cuốn sách ra đời cách đây nhiều thế kỉ, nhưng âm hưởng của nó thì tồn tại xuyên suốt đến tận ngày nay. Ý tưởng, khái niệm và thậm chí cái tên Utopia là niềm cảm hứng cho nhận loại tìm tòi ra mô hình xã hội thực sự mang đến hạnh phúc cho con người. Tất nhiên nhân loại đã nhiều lần thử nghiệm và nhiều lần thất bại và thất vọng.
Cuốn sách được viết theo lối kể chuyện, như thể về một cuộc phiêu lưu của những nhà thông thái đi khắp đó đây và kể lại về một đất nước tuyệt vời như thể nó có thật, một cách chi tiết và hiện hữu. Về phần mình, tôi không dám chắc rằng đây là một cuốn sách hay về khía cạnh văn học, một phần vì tôi không hiểu và không cảm hết được bối cảnh của tác giả, một phần có thể vì vấn đề cố hữu của dịch thuật, người ta khó mà chuyển tải được hoàn toàn mạch văn của tác phẩm gốc. Tôi tìm đến cuốn sách này trong nỗ lực tra cứu về khái niệm Utopia trong các tác phẩm hiện đại mà tôi đang đọc. Tuy nhiên, tôi phải công nhận rằng, Utopia thật độc đáo khi đề xuất ra những giá trị và giải pháp cho một xã hội mơ ước mà sau 500 năm vẫn đang nóng hổi.
Là một cộng sản tự thủa lọt lòng, lớn lên và học tập 14 năm có lẻ dưới những mái trường cộng sản, tôi thấy khá thú vị khi thế giới đang mơ ước cái xã hội mà chúng ta đang xây dựng để hướng đến. Phương Tây "nghĩ đến" Utopia, còn chúng ta thì đang "thực hành" ra nó.
Về bố cục tác giả chia cuốn sách thành 2 phần, trong đó, phần đầu ông dành hầu hết nội dung để chỉ ra các vấn đề của xã hội đường thời. Thời kì của Sr. More, thế giới vẫn là các vương quốc, với các vị vua cai quản thành bang của mình. Ông chỉ trích chế độ quân chủ, và cho rằng bản chất của nó không thể mang lại hạnh phúc cho thần dân, vì hạnh phúc của muôn dân không bao giờ là cái mà các vị vua muốn có. Vinh quang của đức vua là chiến thắng, còn vinh quang của nông dân là bánh mì. Hệ thống chính trị phò tá cho vua cũng không thể (và không muốn) hướng đến hạnh phúc cho đại bộ phận dân chúng. Chính trị là các phương pháp chi phối nguồn lực, mà muốn chi phối phải có quyền lực. Thành thử, hệ thống chính trị dưới chế độ quân chủ luôn tìm cách gia tăng quyền lực nhà nước, quyền lực bản thân, sao cho có nhiều của cải cho mình, cho các quan, cho vua... chứ không phải để gia tăng của cải xã hội và làm người dân sung túc. Các lập luận của ông rất cụ thể và minh họa một cách ẩn dụ các hiện thực đương thời. Sau rốt, người dân, những nông dân, thợ nghề, những người tạo ra của cải vật chất chính cho xã hội tuyệt nhiên không được hưởng những thành quả mà mình tạo ra, xã hội chênh lệch giàu nghèo một cách đáng sợ với đỉnh cao quyền lực là vua, quan, giáo hội.
Phần thứ hai, ông nỗ lực hết sức để mô tả một cách có hệ thống một xã hội mới, tại đất nước Utopia giả tưởng. Bắt đầu từ việc miêu tả hệ thống cai trị theo mô hình thành bang, cách thức các thành bang thống nhất, cộng tác và kết hợp để phát triển trong thời bình, giao thương với bên ngoài và tổ chức chiến tranh khi có biến. Kế tiếp đó là việc tổ chức các cơ cấu sản xuất, trong đó ông nhấn mạnh đến tính sở hữu tập thể của công cụ, nguyên liệu và nguồn lực cần thiết cho hoạt động sản xuất. Ông chỉ rõ các thành phần xã hội và vai trò của họ tham gia vào việc sản xuất, xây dựng luật pháp, điều chỉnh hành vi dân sự, tái phân phối của cải vật chất. Tôi đã từng đọc đôi chút về tác phẩm của Lê-nin, trong đó, những vấn đề này được chỉ ra một cách rất chi tiết, nhưng ở Utopia, dù vấn đề chỉ dừng lại ở mức bề mặt, nhưng những tư tưởng của nó làm tôi rất bất ngờ. Bởi lẽ Utopia không có vua, một điều có thể xem là lạ ở thời bấy giờ, và hơn hết cấu trúc mà Sr. More đề xuất là một cấu trúc theo mô hình xã hội sở hữu tập thể, trong đó xã hội được vận hành bởi các hội đồng ở các cấp. Hội đồng phụ trách cả việc phân phối thù lao cho toàn thể xã hội. Bạn nên biết rằng, một thế kỉ sau thì mới có cách mạng tư sản Anh và hơn 400 năm sau thì mới có nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên.
Utopia còn đề xuất các mô hình giáo dục, tư tưởng chính trị - tôn giáo (có vẻ ông xem là một), các giá trị đạo đức, giá trị nghệ thuật, hệ thống khoa học, thương mại, quân đội, luật pháp và cách tổ chức chiến lược chiến tranh... Theo một cách thức đặc biệt để phù hợp với hệ thống chính trị mới. Mọi người trong xã hội đó ăn mặc giống nhau và chỉ thay đổi theo mùa. Việc ăn uống và chăm sóc sức khỏe cũng do cộng đồng xã hội chu tất theo hướng vừa giải quyết vấn đề tập thể vừa thỏa mãn cả những nhu cầu cá nhân thiết yếu (đau yếu được ăn chế độ riêng). Phát triển con người được thực thi bởi một hệ thống học tập toàn dân, tri thức được truyền tải và tự nguyện hấp thu bởi mọi người trong xã hội. Tôi không dám chắc lập luận của Utopia có phần coi nhẹ kĩ thuật hay không nhưng rõ ràng Utopia là một xã hội trọng nông sắc nét.
Tác giả kể các câu chuyện kể liên tiếp nhau, chuyện này nối tiếp chuyện kia, lời văn tựa như một câu chuyện kể triền miên, ngẫu hứng nhưng bố cục lại vô cùng liên kết và có hệ thống. Tất cả những vấn đề xã hội được Utopia giải quyết bằng những cách rất trung dung, giản đơn và trên hết là hướng tới một xã hội công bằng, tiêu chuẩn, có hơi hướng khắc kỉ của Seneca, coi trọng cái sung sướng cá nhân trong bối cảnh tập thể.
Với quan điểm cá nhân, tôi thấy thật không công bằng khi xếp Utopia vào thể loại triết học xã hội thuần túy. Màu sắc viển tưởng, có phần mờ ảo của tác phẩm rất phù hợp xếp vào thể loại văn chương viễn tưởng. Một viễn tưởng về một thiên đường có thật. Theo tiêu chuẩn của Utopia, nhiều nước hiện nay trên thế giới có thể xem như đạt đến trình độ phát triển như vậy, nhưng hầu hết chúng đều không thỏa mãn Utopia ở một điểm, đó là tinh thần và sự hạnh phúc của con người trong xã hội đó. Một số xã hội, tuy phát triển cao, còn người được thỏa mãn nhiều yếu tố về vật chất, an toàn, nghệ thuật, tinh thần, nhưng không làm cho con người ta hạnh phúc bởi chúng buộc các thành viên trong xã hội phải đánh đổi bằng áp lực tinh thần. Con người thấy áp lực khi phải hoàn thành các mục tiêu liên tục hơn là khuây khỏa trong các mục tiêu đó, con người được chi phối bởi truyền thông quảng cáo hơn là các lãnh tụ tinh thần... Sau nhiều nỗ lực, Utopia, cho đến nay vẫn là ước mơ của "nền văn minh" phương Tây.