CHÍNH TRỊ HỌC
(PLO)- Nhờ những thành công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai”, niềm tin trong nhân dân đối với Đảng đang tăng lên.
Mục lục bài viết
Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn GS-TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia chính trị học, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua.
. Phóng viên: Những ngày này, nếu nói về Đảng Cộng sản Việt Nam thì bật lên trong ông là gì?
+ GS-TSKH Phan Xuân Sơn: Từ trong tâm can, có lẽ nói tới Đảng trong ngày đầu xuân này ở khía cạnh chính trị học thì Đảng ta đã bước vào năm thứ 93 gắn số phận mình với dân tộc và nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 22. Ảnh: TTXVN |
Lịch sử thế giới và ngay cả nước ta, không phải đảng chính trị nào cũng thực sự gắn số phận mình với đất nước, dân tộc. Với Đảng ta, lịch sử thăng trầm đã chứng minh rằng chỉ khi nào Đảng gắn số phận của mình với sinh mệnh đất nước, dân tộc, nhân dân thì lúc đó Đảng mới sáng suốt, ra quyết định đúng đắn, mới tổ chức được quần chúng, có được niềm tin từ nhân dân và từ đó mới lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng. Đây là bài học mang tính kinh điển.
Những ngày này, tôi đang cảm nhận được những bước tiến mới trong nền chính trị nước nhà, khi mà trách nhiệm chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu đang được nhận thức đầy đủ hơn. Từ chức là hành vi chính trị hiếm hoi ở nước ta, đang trở nên bình thường, thúc đẩy sự vận động nội bộ trong từng cấp ủy, tập thể lãnh đạo, để qua đó nhân tố tích cực được phát huy, dần đẩy lùi mặt tiêu cực, hạn chế.
GS-TSKH PHAN XUÂN SƠN
Nói về niềm tin vào Đảng. Có thể nói Đảng ta đã trải qua những giai đoạn khó khăn, đến mức không chỉ nhân dân mà còn một bộ phận đảng viên lo lắng, hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Nhưng với bề dày lịch sử, thực sự là đứa con nòi của dân tộc, với bản chất đó của mình, Đảng ta đã vượt qua tất cả, giữ được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
. Nói về những giai đoạn khó khăn, vậy thì giai đoạn lịch sử mà chúng ta trải qua đây, chỉ trong 10 năm qua đã phải kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng và hơn 167.000 đảng viên, trong đó hơn 190 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, là thăng hay trầm?
+ Để nhận định “thăng” hay “trầm”, phải căn cứ vào hiệu quả lãnh đạo của Đảng, căn cứ vào mục tiêu đề ra và việc thực hiện được ở mức nào những mục tiêu ấy. Nếu mục tiêu của Đảng đề ra là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì việc xử lý một số lượng lớn đảng viên, tổ chức đảng sai phạm, làm cho Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì chắc chắn không phải là “trầm”. Mà đó là thắng lợi của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là thành công trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) do Đảng lãnh đạo.
Trong cuốn sách về PCTNTC vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đánh giá: “Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như thời gian vừa qua”.
Ngay cả đã quyết liệt vậy nhưng với vụ TNTC tại Công ty Việt Á, rồi vụ chuyến bay giải cứu - đều trong tình trạng đặc biệt của đất nước trong đại dịch - lại tiếp tục dẫn tới xử lý hàng trăm người. Đây là vấn đề, là câu hỏi nhức nhối mà Tổng Bí thư nhấn mạnh là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục hữu hiệu.
. Như đã nói, thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến những hành động rất mạnh mẽ trong xử lý cán bộ sai phạm. Ông nhìn nhận gì về những thách thức mà Đảng ta đang phải đối mặt?
+ Hiện nay, công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngay như năm 2022, cả thế giới đang gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 8%, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, quan hệ quốc tế được mở rộng… thì việc xử lý số lượng lớn cán bộ đảng viên, tổ chức đảng, kể cả những đảng viên giữ cương vị cao là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong cuộc đấu tranh PCTNTC do Đảng lãnh đạo.
Mặc dù có nhiều yếu tố là chưa có tiền lệ nhưng kết quả xử lý những sai phạm do TNTC thể hiện sự kiên quyết, kiên trì, quyết liệt, công tâm, khách quan, khoa học, nhân văn trong cuộc đấu tranh PCTNTC, vì mục tiêu làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, lành mạnh hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Việc đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước số lượng khá lớn cán bộ các cấp mắc sai phạm, chắc chắn có những thách thức, khó khăn nhất định. Nhưng đó là khó khăn, thách thức tạm thời, cục bộ trong xu hướng đi lên, tích cực, đẩy lùi xu hướng hư hỏng, tiêu cực.
Vậy nên, gọi giai đoạn này là khó khăn, nhất là trong công tác cán bộ cũng đúng. Nói không có khó khăn thì cũng không đúng. Nhưng cần hiểu rằng những khó khăn, thách thức ấy khác hẳn với những khó khăn, thách thức mà chúng ta từng đương đầu trước đây, nhất là những khó khăn, thách thức do sai lầm, khuyết điểm chủ quan trong việc đề ra và thực hiện chủ trương, đường lối.
Trong bối cảnh mới của một đảng duy nhất cầm quyền, khi đất nước đã giàu có hơn, trình độ phát triển cao hơn, đã định vị được mình trong thế giới đầy biến động, đang đặt ra những yêu cầu mới, cách tiếp cận mới về quản trị đảng hiện đại, hiệu quả hơn. Để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” thì việc đưa ra khỏi Đảng, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái, sai phạm, làm trong sạch Đảng là cần thiết.
. Tức là nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng công tác PCTNTC mà Đảng ta đang đẩy mạnh “đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân” là có cơ sở?
+ Với chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta, đòi hỏi Đảng phải nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số quần chúng. Đảng ta phải nhận thức điều đó để mà liên tục phấn đấu, củng cố thế trận PCTNTC, giành thế chủ động, tiến công.
Với việc nhận thức rõ hơn nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nói đi đôi với làm, không né tránh thực trạng suy thoái, thời gian qua Đảng ta đã lấy lại và củng cố được niềm tin trong nhân dân. Phải khẳng định rằng nhờ những thành công trong đấu tranh PCTNTC, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai”, niềm tin trong nhân dân đối với Đảng đang tăng lên.
. Xin cám ơn ông.
. Phóng viên: Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến những biểu hiện có tính tiêu cực, khi bộ máy công vụ đang chùng xuống, cản trở sự phát triển của đất nước. Vậy nên lý giải như thế nào?
+ GS-TSKH Phan Xuân Sơn: Trong những ngày nghỉ tết, tôi có dịp trao đổi với nhiều người thì quả thật đang có băn khoăn là chống tham nhũng mạnh vậy thì liệu có mất ổn định không?
Tôi cho rằng quần chúng, đảng viên cần trang bị những nhận thức mới để tự phân tích, đánh giá tình hình. Ổn định để phát triển là rất cần thiết nhưng phải là ổn định thực chất, không ổn định hình thức…Tất nhiên, chống tham nhũng là nhằm phát triển bền vững hơn, chất lượng hơn. Để như vậy, Đảng cần tạo lập những cơ chế khuyến khích, tạo những động lực làm việc mới, thay thế cho động lực công vụ bởi bôi trơn đã ăn sâu, bén rễ trong hệ thống.
Vừa rồi, Thủ tướng có yêu cầu sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương. Đây là điều rất cần thiết để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Người gửi / điện thoại
Đánh giá