CHÍNH TRỊ HỌC
Trong cuộc họp báo hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời hơn 20 câu hỏi "hóc búa" với sự kiên nhẫn và ôn hòa đáng kinh ngạc.
Mục lục bài viết
Cuộc họp báo được tổ chức bên lề kỳ họp quốc hội Trung Quốc, với hầu hết câu hỏi xoay quanh chính sách đối ngoại hoặc quan hệ của Bắc Kinh với các khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, chúng dường như đều tập trung vào một chủ đề là hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc.
Theo bình luận viên Shi Jiangtao của SCMP, trước những câu hỏi "nhạy cảm" về vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong hay Biển Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị tỏ ra kiên nhẫn một cách bất thường. Ông không trực tiếp thừa nhận các vấn đề, nhưng sẵn sàng tiếp nhận những lo ngại và chỉ trích về sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách đối ngoại quyết liệt thời hậu Covid-19, hay quan hệ lao dốc nhanh chóng với Mỹ và phương Tây.
Giới chuyên gia cũng đánh giá giọng điệu của ông Vương nhìn chung ôn hòa và "bớt hiếu chiến" so với các nhà ngoại giao "chiến lang", dù thông điệp chính mà Ngoại trưởng Trung Quốc cố gắng truyền đạt không có nhiều khác biệt. Đó là Bắc Kinh vô can, đồng thời là nạn nhân bị Washington và các cường quốc phương Tây khác bắt nạt, phỉ báng.
Ông Vương còn bảo vệ Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đang bị tổn hại vì Covid-19, và chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc, đồng thời né tránh những chỉ trích ngày càng gia tăng về cách xử lý vấn đề Tân Cương hay Hong Kong, cho rằng đây là "vấn đề nội bộ".
Xuyên suốt cuộc họp báo, Ngoại trưởng Vương tìm cách mô tả hình ảnh Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm, đáng tin cậy, là người bảo vệ trật tự thế giới hiện nay và đang đấu tranh vì chủ nghĩa đa phương, toàn cầu hóa.
"Trong năm tới, một Trung Quốc đầy lòng trắc ẩn, tận tâm, có trách nhiệm và tuân theo các nguyên tắc sẽ mang lại nhiều nhiệt huyết và hy vọng hơn cho thế giới, đồng thời tiếp thêm niềm tin và sức mạnh vì mục tiêu tất cả cùng phát triển", ông phát biểu trong phần mở đầu sự kiện kéo dài 100 phút, được tổ chức trực tuyến.
Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh rõ ràng kỳ vọng vào việc tận dụng cuộc họp báo của ông Vương, một trong những sự kiện được xem nhiều nhất trong kỳ họp quốc hội, để "làm mềm hình ảnh" và xoa dịu hoài nghi của thế giới, vốn gia tăng do chiến lược "ngoại giao chiến lang" mà Bắc Kinh tiến hành thời gian qua.
"Ông Vương được giao nhiệm vụ trấn an thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng Trung Quốc không phải mối đe dọa hay kẻ phá hoại trật tự thế giới hiện nay, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt không khí ngày càng thù địch ở nước ngoài", chuyên gia cho hay.
Những cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á đều cho thấy ý kiến tiêu cực về Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia. Theo kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew tuần trước, 90% người trưởng thành ở Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ hoặc kẻ thù.
"Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng không ảo tưởng về triển vọng cải thiện quan hệ với Washington và phương Tây, khi Tổng thống Joe Biden áp dụng cách tiếp cận đa phương để đối đầu với họ", Gu Su phân tích.
Đáp lại phát biểu tuần trước của người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21, ông Vương đưa ra đánh giá khá lạc quan về cuộc đối đầu ngày càng khốc liệt, đồng thời mô tả Washington là đối thủ cạnh tranh lành mạnh, thay vì chiến lược. Ông cũng không chỉ trích, thậm chí kêu gọi làm mới quan hệ hợp tác với chính quyền Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu và Iran.
Theo cách tương tự, Ngoại trưởng Trung Quốc còn nỗ lực hạ thấp xung đột về ý thức hệ và chiến lược với phương Tây, "thổi làn gió" tích cực vào quan hệ giữa Bắc Kinh với Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, mô tả họ như những đối tác thay vì đối thủ hay mối đe dọa.
Huang Jing, viện trưởng Viện Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, đánh giá cao việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng và hòa giải hơn trong những vấn đề toàn cầu. "Dường như Bắc Kinh vẫn hy vọng các nước phương Tây có thể gạt bỏ định kiến sâu sắc với Trung Quốc và ngừng thiết lập một liên minh chống Bắc Kinh", ông nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương không bỏ qua việc Washington chỉ trích Bắc Kinh trong một số vấn đề, như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông dường như muốn xây dựng hình ảnh một nước Mỹ phản diện "cố tình can thiệp vào nội bộ quốc gia khác nhân danh dân chủ và nhân quyền", và là nguồn cơn chính dẫn đến hỗn loạn và xung đột trên thế giới.
Theo Huang, phát ngôn quyết liệt nhất của ông Vương hôm 7/3 được đưa ra khi ông phủ nhận các cáo buộc của Washington về Tân Cương, lên án nước này bịa đặt "vì những động cơ thầm kín", thậm chí cáo buộc Mỹ cũng phạm tội ác diệt chủng đối với người bản địa cách đây nhiều thế kỷ.
Giới quan sát nhìn chung nhất trí rằng Trung Quốc nỗ lực "làm mềm" hình ảnh phần lớn bởi họ muốn xoa dịu các quan hệ đối ngoại trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7, cùng Thế vận hội Mùa đông dự kiến vào đầu năm sau.
Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington, cho rằng Trung Quốc nỗ lực cải thiện hình ảnh một phần do lo ngại về sự trỗi dậy của liên minh ngày càng lớn mạnh bao gồm những quốc gia muốn Bắc Kinh chịu trách nhiệm về các thiệt hại kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng nghi ngờ về hiệu quả của nỗ lực xoay chuyển dư luận toàn cầu này. George Magnus, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford, Anh, cho rằng thế cô lập khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài phản kháng hoặc cố gắng xoa dịu.
"Nhưng tôi nghĩ Vương Nghị chưa làm được gì nhiều để kiềm chế làn sóng chỉ trích Trung Quốc, hoặc thừa nhận lý do chúng trỗi dậy và nêu những việc Trung Quốc có thể làm để tái khởi động các mối quan hệ quốc tế. Vấn đề của Bắc Kinh không chỉ là quan hệ căng thẳng với Washington, mà còn là với những khu vực rộng lớn tại châu Á và châu Phi", Magnus đánh giá.
Luft kết luận rằng nếu muốn khôi phục hình ảnh quốc tế, Trung Quốc không thể chỉ dựa vào lời nói. "Cần tới những hành động, tiền, viện trợ nước ngoài và vaccine. Trung Quốc sẽ được đánh giá dựa trên những hành động của họ, thay vì lời nói", ông cho hay.
(Vnexpress.net) Ánh Ngọc (Theo SCMP)
Người gửi / điện thoại
Đánh giá