Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

MỘT SỐ KINH NGHIỆM CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐỨC, CÔNG ĐẢNG ANH VÀ ĐẢNG CÔNG NHÂN DÂN CHỦ XÃ HỘI THỤY ĐIỂN

MỘT SỐ KINH NGHIỆM CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐỨC, CÔNG ĐẢNG ANH VÀ ĐẢNG CÔNG NHÂN DÂN CHỦ XÃ HỘI THỤY ĐIỂN

GS TSKH Phan Xuân Sơn

Bài tham gia Hội thảo Viện KHXHNVQS, Học viện Quốc phòng:

“Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền-Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Mục lục bài viết

636

Chúng ta biết rằng 3 đảng Dân chủ Xã hội mà chúng ta khảo sát dưới đây đều là những đảng hoạt động trong các nhà nước với hình thức chính thể Cộng hòa đại nghị hoặc Quân chủ lập hiến. Trong các chế độ đại nghị và Quân chủ lập hiến, đã trở thành nguyên tắc, vai trò cầm quyền (thành lập chính phủ) thuộc về đảng nào chiếm đa số tuyệt đối trong hạ viện. Một đảng dù chiếm đa số tương đối, nếu như chưa hội đủ đa số tương đối buộc phải liên minh với các đảng khác có ghê trong Nghị viện để thành lập chính phủ liên minh.

  1. Đảng Dân chủ Xã hội Đức

Trong lịch sử của mình, Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã cầm quyền hoặc đóng vai trò chính trong liên minh cầm quyền được 23 năm (kể từ khi thành lập LB Đức vào năm 1949). SPD ngày càng tích cực tham gia vào nhiều cuộc tuyển cử phổ thông đầu phiếu, tỷ lệ phiếu ủng hộ cho Đảng tăng lên đáng kể và các đại biểu của Đảng đã có mặt tại Nghị viện Đức. Việc sử dụng tương đối thành công phổ thông đầu phiếu để tăng cường ảnh hưởng đã tạo ra một phương thức đấu tranh mới của những người dân chủ xã hội Đức. Đây được coi là một sáng tạo trong phương pháp đấu tranh của phong trào công nhân quốc tế, lần đầu tiên được giai cấp công nhân Đức và những người dân chủ xã hội Đức tiến hành. Đội ngũ đảng viên SPD đã đạt xấp xỉ 1 triệu người. Trong bối cảnh liên minh cầm quyền SPD đã nhanh chóng có các cuộc thương lượng thành công để tiến tới thành lập chính phủ đại liên minh giữa SPD với CDU-CSU vào cuối năm 1966. Lần đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ hai, SPD bước vào vị trí cầm quyền. Sau ba năm (1966-1969) trong đại liên minh cầm quyền, tháng 9-1969, SPD giành thắng lợi lớn trong bầu cử Quốc hội và liên minh với Đảng Dân chủ tự do (FDP) lập chính phủ do W. Bờ-ran làm thủ tướng. Trong 16 năm cầm quyền (1966-1982), SPD đã chứng tỏ vai trò và vị thế của mình trong xã hội Đức. Đặc biệt, giai đoạn 1969-1982 chính phủ liên minh giữa SPD với FDP đã đem lại cho nước Đức những thành quả to lớn: đẩy nhanh các cuộc cải cách, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, thúc đẩy giải trừ quân bị, xúc tiến quan hệ với Liên Xô và các nước XHCN, làm giảm đối đầu Đông - Tây, nâng cao vị thế kinh tế và chính trị của nước Đức trên trường quốc tế, mở rộng tính công khai, phát huy tính tự quyết và sự tham gia dân chủ của công dân vào các hoạt động xã hội… Sự sụp đổ chính phủ liên minh SPD-FDP vào tháng 9-1982, chấm dứt một “kỷ nguyên dân chủ xã hội”. SPD bước vào thời kỳ 16 năm liên tục trên vị trí đảng đối lập (1982-1998).

Trong điều kiện một đảng đối lập, SPD chủ trương tăng cường sức mạnh của Đảng thông qua đối thoại và liên hệ mật thiết với nhân dân,  phấn đấu vì các giá trị cơ bản: Tự do, công bằng, đoàn kết trong thực tiễn là nhiệm vụ thường xuyên nhằm thu hút cử tri để giành lại quyền lực chính trị.

Cương lĩnh Béc-lin được SPD thông qua năm 1989 là nhằm hướng tới mục tiêu đó. Ngoài việc tiếp tục nhấn mạnh các giá trị cơ bản, lần đầu tiên một cương lĩnh chính trị của SPD đã đề cập đến quyền con người, đến vấn đề môi trường-sinh thái và tính bền vững của sự phát triển.

Đảng chủ trương nền dân chủ nghị viện với sự phân công trách nhiệm phải ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa nhà nước liên bang với bang và địa phương, giữa nhà nước và công dân. SPD nhấn mạnh việc tăng cường sự tham quyết và tự chịu trách nhiệm của địa phương và công dân…Đi theo hướng này, từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX, SPD cùng với Công đảng Anh và một số đảng dân chủ xã hội ở Tây Âu đưa ra đường lối trung dung mới - Con đường thứ ba mới là câu trả lời cho những vấn đề kinh tế-xã hội đang đặt ra lúc đó đối với các đảng dân chủ xã hội. Những cố gắng của SPD trong hoạt động lý luận và thực tiễn đã đưa lại thắng lợi của Đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang tháng 9-1998 và cùng với Đảng Xanh lập chính phủ liên minh cầm quyền. Bốn năm sau tại cuộc bầu cử Quốc hội liên bang năm 2002, liên minh Đỏ-Xanh (giữa SPD và Đảng Xanh) lại tiếp tục giành thắng lợi trong nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp. Nước Đức thoát ra khỏi tình trạng “đóng băng” về cải cách. Chính phủ đã tiến hành cải cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: phát triển kinh tế, công bằng xã hội, an sinh xã hội, thị trường lao động... Mối quan hệ công dân-nhà nước-xã hội cũng biến đổi nhanh chóng. Quá trình cá thể hóa với bản thân nhiều hơn, sự tự quản của công dân mạnh hơn; người dân hiểu và yêu cầu nhà nước phải dân chủ, công khai, minh bạch hơn, nhất là dân chủ trong kinh tế và rõ ràng minh bạch trong thu chi ngân sách và đòi được quyền tham quyết mạnh mẽ hơn… Chính phủ đã xúc tiến cắt giảm khá mạnh các mức thuế áp dụng đối với hoạt động kinh doanh. Trong lịch sử CHLB Đức, chưa có chính phủ nào cắt giảm thuế nhiều như chính phủ của Thủ tướng G. Sơ-roi-đơ.

          SPD đặc biệt quan tâm hoạt động của đảng đoàn trong Quốc hội vì nó gây được ảnh hưởng rất lớn. Những biện pháp chính sách cụ thể của nhà nước được thảo luận và thông qua tại Quốc hội, chứ không phải các nghị quyết của Đảng ở các cấp. Hơn nữa, SPD thường cầm quyền trong một chính phủ liên minh (ít nhất 1 đối tác), nên trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, quyết định, Đảng phải thống nhất với đối tác liên minh. Đây là sự hợp tác của đa số các nhóm cử tri khác nhau trong xã hội và mỗi bên đều có quan niệm riêng về các chính sách. Từ cương lĩnh của các đảng khác nhau trong liên minh, SPD phải làm thế nào để đưa ra được chính sách trung hòa với các bên đối tác.

Tổ chức của đảng và vai trò của đảng viên

Cơ quan quyền lực tối cao là đại hội đại biểu toàn quốc của đảng. Cơ quan chấp hành tối cao là Ban chấp hành trung ương hay Uỷ ban toàn quốc của đảng do đại hội toàn quốc bầu ra từ danh sách ứng cử viên từ các đảng bộ bang hoặc tỉnh giới thiệu. Chủ tịch đảng và các cương vị cấp cao, như tổng thư ký, thường vụ, trưởng các uỷ ban của đảng, thủ quĩ… cũng do đại hội trực tiếp bầu ra chứ không phải do Ban chấp hành toàn quốc bầu.

Các lãnh tụ đảng giữ cương vị cao trong bộ máy quyền lực nhà nước, đặc biệt là các cương vị tổng thống, thủ tướng, thống đốc bang, bộ trưởng (liên bang), lãnh đạo nghị viện…luôn luôn giữ vai trò quyết định đối với đảng. Họ đều là những người do cử tri bình thường hoặc đại diện của cử tri bầu ra.

          Các đảng chính trị, kể cả SPD, tuy là những thực thể hoạt động độc lập, nhưng vẫn phải tuân thủ những qui định của pháp luật, kể cả qui định về tổ chức nội bộ của mình. Nghĩa là trong một nhà nước pháp quyền, không ai có quyền có những qui định trái pháp luật, kể cả đảng cầm quyền.

Trong trường hợp một đảng cầm quyền, tức đảng đó có quyền lập chính phủ, thì những quan điểm riêng của đảng không thể áp đặt trực tiếp cho chính sách của chính phủ, mà chúng chỉ có thể chi phối gián tiếp phần nào qua cách đánh giá, cách tiếp cận của người ra quyết sách, bởi vì ở cương vị chính phủ, nhà cầm quyền trước tiên phải tuân thủ luật pháp. Nghĩa là quan điểm, chủ trương của một đảng không có vai trò bắt buộc đối với công dân. Công dân chỉ thực hiện các nghĩa vụ theo luật định. Hơn nữa, trong một nhà nước pháp quyền như CHLB Đức, thì đạo Luật đảng chính trị cũng qui định rõ, không những các nguyên tắc nội dung của điều lệ và cương lĩnh của đảng, mà còn cả những qui chế nội bộ khá chi tiết của các đảng. Điều 6 ghi rõ rằng mọi đảng đều phải có một bản điều lệ và một bản cương lĩnh viết thành văn bản.

          Chương về trật tự nội bộ đảng trong đạo luật là một chương quan trọng nhất với 11 điều. Chương này đưa ra những qui định rành mạch và đòi hỏi sự nhất trí của toàn đảng hay đại hội đảng như: kết nạp và khai trừ đảng viên; quyền và nghĩa vụ đảng viên; các biện pháp tổ chức đáng tin cậy để quản lý đảng viên và khai trừ đảng viên; các biện pháp tổ chức quản lý các đảng bộ; cơ cấu chung của đảng; v.v... 

          Về quyền của đảng viên, điều 10 nêu rõ: Những người bị tước quyền bầu cử do phạm pháp sẽ không được là đảng viên của đảng. Trong đảng, mọi đảng viên và các đại diện trong cơ quan đảng đều có quyền biểu quyết ngang nhau. Đảng viên có thể lập tức ra khỏi đảng vào bất kỳ lúc nào. Đảng viên chỉ có thể bị khai trừ khỏi đảng khi đảng viên đó vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng, qui chế tổ chức, các nguyên tắc hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho đảng. Để có thể khai trừ đảng viên, cần có một ban trọng tài (Schiedsgericht) quyết định. Quyết định của ban trọng tài (hay toà án) phải giải thích thành văn bản.

          Một trong những nội dung quan trọng nhất trong luật đảng chính trị của Đức là chương 3 Đảng chính trị và bầu cử. Bầu cử nói ở đây không phải là bầu cử trong nội bộ đảng, mà là bầu cử Quốc hội, Nghị viện bang, nghĩa là những qui định pháp luật về các biện pháp tranh cử hợp pháp của các đảng chính trị để tham gia vào bộ máy quyền lực nhà nước. Công việc đầu tiên trong hoạt động tranh cử của đảng là lập danh sách ứng cử viên cho các ghế đại biểu nhân dân. Việc này phải tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín theo luật bầu cử cũng như điều lệ của các đảng (Đ17). Sau đó công việc bầu cử được tiến hành theo các qui định của pháp luật và hướng dẫn của các ban bầu cử.

          Luật đảng chính trị có những qui định chi tiết về vấn đề tài chính của các đảng (chương 4 với 5 điều, Đ18 - Đ22) và về qui chế kiểm toán, minh bạch hoá tài chính (chương 5 với 9 điều, Đ23 - Đ31). Nếu đảng nào hay cá nhân đảng viên nào vi phạm, thì đảng đó hay đảng viên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

          - Kinh phí của đảng

          Luật đảng chính trị qui định: Nhà nước cấp kinh phí cho các đảng để hỗ trợ phần nào cho hoạt động có tính nghĩa vụ theo qui định của hiến pháp. Mức độ hỗ trợ tuỳ thuộc vào kết quả bầu cử mà mỗi đảng đạt được trong các kỳ bầu cử vào Nghị viện châu Âu, Quốc hội Liên bang và Nghị viện bang, cũng như phụ thuộc vào đóng góp của đảng viên và các khoản quyên góp được của đảng. Có nghĩa là các đảng được đối xử công bằng, không đảng nào được ưu tiên, hay bị kỳ thị. Nhưng tổng vốn có thể tài trợ cho các đảng cũng rất hạn hẹp, mức tối đa chỉ khoảng trên 100 triệu Euro. Đương nhiên, Chính phủ các nước châu Âu đều không trả lương cho cán bộ chuyên trách của các đảng và mọi phí tổn khác. Việc cấp kinh phí nhà nước cho các đảng, được qui định (trong điều 18, khoản 3) hết sức tỉ mỉ, rõ ràng.

Để gây ảnh hưởng và uy tín, SPD luôn coi trọng vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, Đảng vận động và thu hút tất cả các lực lượng xã hội, nhất là những người lao động có trình độ cao để họ ủng hộ cương lĩnh, quan tâm đến hoạt động của Đảng. Nhờ vậy, nhiều năm qua, cơ sở giai cấp xã hội của Đảng có sự thay đổi lớn với sự thu hẹp công nhân công nghiệp nhưng lại mở rộng sang các tầng lớp công chức, trí thức, trung lưu, những người làm dịch vụ và kỹ thuật cao. Cơ cấu độ tuổi đảng viên SPD có xu hướng trẻ hóa. Mặt khác, để phương thức hoạt động và lãnh đạo có chất lượng và hiệu quả, SPD luôn quan tâm đến đổi mới về hình thức, cơ cấu, về công tác đảng. Từ năm 2009, SPD đã trở thành một trong hai chính đảng chính trị trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức. (SPD cùng với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). SPD đã điều chỉnh ở cấp liên bang ở Đức như là một phần của một liên minh lớn với CDU và Liên minh xã hội Kitô giáo (CSU) kể từ tháng 12 năm 2013 theo kết quả của cuộc bầu cử liên bang năm 2013. SPD tham gia Chính phủ ở 14 bang, và chi phối Chính phủ 9 trong số 14 bang đó. SPD là một thành viên của Đảng Xã hội Châu Âu và của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, và trở thành một thành viên sáng lập của Liên minh Tiến bộ vào ngày 22 tháng 5 năm 2013. 

SPD chú trọng hoạt động kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra, ủy viên BCH Trung ương không được phép nằm trong Ủy ban Kiểm tra. Ủy ban này hoạt động độc lập có quyền kiểm tra mọi tổ chức đảng hoặc đảng viên cho dù họ ở bất kỳ cương vị nào. Chính thường xuyên đổi mới công tác tổ chức và phương thức hoạt động đã giúp cho SPD duy trì được vai trò, vị trí và ảnh hưởng cao trong đời sống chính trị xã hội đất nước mặc dù chịu sức ép cạnh tranh và đấu tranh quyết liệt giữa các đảng phái theo những khuynh hướng chính trị khác nhau. Điều đó càng tôi luyện bản lĩnh và phong cách của một chính đảng vốn giàu truyền thống cầm quyền như SPD, đồng thời mở ra những khả năng mới để họ có thể vượt qua những thách thức đang đặt ra hiện nay.

          Hệ tư tưởng và lựa chọn các giá trị cơ bản của SPD:

Năm 1951, SPD tham gia thành lập Quốc tế Xã hội (SI) tại thành phố Phran-phuốc của nước Đức. Bản Tuyên ngôn Phran-phuốc thể hiện rõ lập trường của SPD, trong đó đưa ra quan điểm con đường thứ ba - không phải là con đường CNTB, không phải con đường CNXH (hiện thực) mà là con đường tiến tới một xã hội công bằng, một đời sống tốt hơn, tự do và hoà bình trên thế giới. Những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn Phran-phuốc được tiếp tục khẳng định lại trong Cương lĩnh Gô-đe-xbéc của SPD năm 1959. Lần đầu tiên trong cương lĩnh, SPD nêu ra và khẳng định những giá trị cơ bản của mình là: Tự do, Công bằng và Đoàn kết. Từ một đảng vốn của giai cấp công nhân và lao động, SPD trở thành một đảng nhân dân.

Sau thất bại trong bầu cử Quốc hội liên bang năm 2005, SPD đang tích cực chuẩn bị để có thể quay trở lại cầm quyền. Một trong những nỗ lực đó là việc soạn thảo và thông qua cương lĩnh mới - Cương lĩnh Hăm-buốc (10-2007). Đây được coi là Cương lĩnh hành động của SPD trong thế kỷ XXI - “thế kỷ đầu tiên thực sự toàn cầu hóa”, thế kỷ mà “từ trước đến nay chưa bao giờ mọi người trên khắp thế giới lại phụ thuộc vào nhau đến như vậy”. Ngoài việc khẳng định lại những giá trị cơ bản là tự do, công bằng, đoàn kết, Cương lĩnh mới nêu rõ SPD tự coi mình là đảng nhân dân cánh tả, có nguồn gốc từ Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, từ phong trào Nhân văn và Khai sáng, từ những phân tích xã hội mácxít và những kinh nghiệm đấu tranh của phong trào công nhân.

Cương lĩnh xác định 8 mục tiêu và chính sách của SPD, đó là: 1) Một thế giới hòa bình và công bằng. 2) Một châu Âu dân chủ và xã hội. 3) Một xã hội công dân đoàn kết và một nhà nước dân chủ. 4) Bình đẳng giới. 5) Tiến bộ mang tính bền vững và tăng trưởng có chất lượng. 6) Việc làm tử tế cho tất cả mọi người. 7) Một nhà nước xã hội lo xa. 8) Một hệ thống đào tạo tốt hơn, một xã hội thân thiện với trẻ em và những gia đình vững chắc.

Hiện nay, SPD là thành viên  Liên minh Tiến bộ, xã hội chủ nghĩa quốc tế; thành viên sáng lập của Liên minh Tiến bộ của đảng Xã hội và Dân chủ. Đảng có 474. 481 thành viên; chiếm 193/631 ghế trong Bundestag (Quốc hội Liên bang), 558/1857 ghế ở Quốc hội các bang, 27/96 ghế ở Nghị viện Châu Âu, 9/16 Thủ tướng các bang[1]

 

  1. Công Đảng Anh

Các đảng chính trị hiện đại xuất hiện ở Anh vào thế kỷ XIX, hai đảng thống trị nửa cuối những năm 1900 - đảng Bảo thủ và đảng Tự do - có nguồn gốc từ những khuynh hướng chính trị sớm trong tôn giáo và những tranh luận về hiến pháp của hai thế kỷ trước.

Vào năm 1900, các nhà lãnh đạo của một số nhóm công nhân đã tổ chức hội nghị ở London và thiết lập Uỷ ban đại diện lao động. Sau khi 29 ứng cử viên được bầu vào hạ viện năm 1906, tổ chức này lấy tên là Đảng Lao động.

Đảng Lao động có một lực lượng ủng hộ lớn từ công đoàn Anh và các nguồn lực khác bao gồm trí thức, nghệ sĩ, tầng lớp trung lưu và kể cả thượng lưu những người đồng cảm với phong trào của những người lao động. Đảng lao động là những người dân chủ xã hội đích thực, những người tin vào dân chủ bầu cử. Đảng Lao động đã đưa tầng lớp nghèo nhất ở Anh vào các quá trình dân chủ. Kết quả là nước Anh không phát triển một giai cấp công nhân bị xa lánh, bị đẩy ra ngoài xu thế chính trị dân chủ.

Công Đảng (Đảng Lao động) có khoảng 350.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 thành viên mới gia nhập sau khi Blari được bầu làm lãnh đạo. Thêm vào đó có hơn 4 triệu thành viên công đoàn là hội viên chính thức của đảng Lao động và có quyền bỏ phiếu với tư cách cá nhân bầu lãnh đạo đảng theo các quy trình hiện hành.

Đảng Lao động có truyền thống được coi là có tính tư tưởng hơn đảng Bảo thủ. Chẳng hạn các nguyên tắc như tập thể và hợp tác, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân, thiểu số và những người ở tầng lớp thấp. Đấu tranh cho một nhà nước phúc lợi, sức khỏe, nhà cửa và giáo dục.

Tổ chức của đảng Lao động

- Đại hội đảng, Đại hội đảng được tổ chức hàng năm, là cơ quan cao nhất của đảng. Đại hội đảng bầu ra Ban chấp hành toàn quốc (NEC). Thành viên của đại hội khoảng hơn một nghìn các đại biểu được uỷ nhiệm từ các bộ phận của đảng như: đảng nghị viện, công đoàn, khu vực bầu cử,...Đại hội đảng quyết định chính sách và những vấn đề quan trọng của Đảng. Những đề xuất nhận được ít nhất 2/3 số đại biểu tán thành sẽ trở thành một phần nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng kết hợp với NEC có quyền bổ sung thêm các chính sách của Đảng.

- Ban chấp hành toàn quốc, gồm có 29 thành viên. Trong đó 27 thành viên được toàn thể đại hội hoặc một bộ phận thành viên đại hội bầu ra. Ban chấp hành đại diện cho các bộ phận khác nhau của Đảng và theo điều lệ đảng chịu sự chỉ đạo, điều hành của Đại hội đảng và có quyền điều hành Đảng giữa hai kỳ đại hội.

- Đảng đoàn Nghị viện (PLP), bao gồm các nghị sĩ thuộc Đảng Lao động. Khi là Đảng Lao động ở vị trí đối lập, PLP có quyền bầu nội các bóng. Có vai trò đại diện cho chính sách, lợi ích của Đảng cũng như lợi ích của các cử tri ở nghị viện.

- Tổ chức đảng khu vực bầu cử, nhiệm vụ chính là xem xét và quyết định các ứng cử viên tranh cử vào hạ viện để cơ quan trung ương đảng thông qua. Ngoài ra, nó còn thực hiện các nhiệm vụ khác như tăng nguồn tài chính, tuyên truyền chính sách đảng, tổ chức vận động bầu cử.

Kỷ luật đảng buộc các nghị sĩ phải theo quyết định khi bỏ phiếu ở Hạ viện. Thành viên nghị viện nào không tuân theo quy định này sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.

Sự khác nhau giữa các chính sách của các đảng còn thể hiện khi cầm quyền và không cầm quyền.

Nghị viện có quyền lực tối cao cộng với đặc điểm hiến pháp bất thành văn đã tạo cho Nghị viện Anh không phải chịu một sự chế ước, ràng buộc pháp lý chính thức nào. Chính phủ được cân bằng bởi Nghị viện  mà nó phải có trách nhiệm về việc thực thi quyền lực của mình. Sự kiềm chế chính thức duy nhất đối với Chính phủ là khả năng Hạ viện buộc Chính phủ phải từ chức qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Đảng cầm quyền (kể cả Công Đảng) trực tiếp bằng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng trong bộ máy nhà nước, gồm đa số trong Nghị viện, trong Chính phủ và nhiều cơ quan khác. Do nắm được đa số ghế ở Hạ viện, Đảng cầm quyền giúp cho Nội các hợp nhất hai chức năng hành pháp và chính trị.

Sự kết hợp hoạt động hành pháp và chính trị được xem xét dưới 4 khía cạnh sau:

- Là cơ quan ra nhiều quyết định chính trị quan trọng, hoặc là được thông báo về chúng.

- Lập kế hoạch hoạt động của Nghị viện, thông qua những chi tiết và điều chỉnh dự luật sẽ trình trước Nghị viện.

- Là người phân xử những khác nhau về mặt chính sách, những bất đồng thông qua hiệp thương đôi bên hoặc ở Uỷ ban nội các.

- Là cơ quan bao quát chung và phối hợp các chính sách của Chính phủ.

Nội dung cầm quyền của Công đảng Anh

- Đảng Lao động dành sự chú ý vào phát triển kinh tế và công bằng xã hội thông qua phân phối lại và tăng cường phúc lợi xã hội.

- Về công tác cán bộ: Đảng cầm quyền chỉ chú ý đào tạo, tuyển chọn những ứng cử viên của Đảng có khả năng giành phiếu trong cuộc bầu cử vào Hạ viện và sau đó lựa chọn để thành lập Chính phủ (nếu thắng cử). Như vậy, đảng chỉ cần đào tạo, tuyển lựa đội ngũ chính khách của Đảng ở Hạ viện và Chính phủ chứ không phải tất cả cán bộ của bộ máy nhà nước (đội ngũ công chức hay các thẩm phán, chánh án).

- Đảng cầm quyền chủ yếu nắm giữ quyền lực trong việc hoạch định chính sách. Các chính sách được coi là sản phẩm chủ yếu của đảng cầm quyền. Vì vậy, Đảng tập trung nguồn lực và trí tuệ cho hoạt động chính trị căn bản nhất là hoạch định chính sách quốc gia, vừa có thể điều hành được các họat động khác của nhà nước.

- Đường lối, chính sách của Đảng chỉ là những định hướng chung và khá ổn định. Chẳng hạn chính sách của Đảng lao động thiên về tăng công bằng và phúc lợi xã hội… Vì vậy, hoạt động thực thi quyền lực của đội ngũ đảng viên đảng cầm quyền là thực quyền.

Ông Ed Milliband (Chủ tịch Đảng từ 2010-2015), là một trong những lãnh đạo trẻ nhất của Công đảng, khi vừa được bầu làm Chủ tịch Công Đảng Anh, hứa hẹn mang tới cho đảng đối lập lớn nhất của Anh một sức sống mới. Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình BBC sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Ed Miliband khẳng định: “Các bạn đã đặt niềm tin vào tôi và tôi xin quyết tâm đáp lại niềm tin đó. Hàng giờ và hàng ngày trong thời gian tôi ở vị trí này, tôi sẽ tìm cách đáp lại niềm tin của các bạn. Cách đầu tiên mà tôi làm để thực hiện điều đó là tạo sự đoàn kết trong đảng và cùng nhau tiến bước.”

Những hứa hẹn của Ông Ed. Miliband chắc chắn sẽ là những nội dung đã bắt đầu định hình trong sự lựa chọn của Công Đảng. Đó là chính sách ngân sách dè dặt; đổi mới chính sách lao động; sự mở rộng chính sách xã hội có mục đích, tạo ra các cơ hội bình đẳng và lành mạnh hóa dịch vụ y tế quốc gia; giảm bớt tình trạng đói nghèo…

Sau kết quả trưng cầu dân ý ở Anh hôm 24/6/2016 Brexit, một số nghị sĩ Công đảng từ chức khỏi “nội các bóng” và đòi ông Jeremy Corbyn (Chủ tịch Công đảng từ năm 2015-nay) từ chức. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử gần nhất (24-9-2016) ông Jeremy Corbyn đã tái đắc cử Chủ tịch Công đảng – đứng đầu “Chính phủ bóng” trong Hạ viện. Ông J. Corbyn nói: “Tôi rất lấy làm tiếc khi có những người xin từ chức khỏi nội các bóng tối của tôi. Nhưng tôi sẽ không phản bội lòng tin của những cử tri đã bỏ phiếu cho tôi – hàng triệu người muốn Công đảng đại diện cho họ trên khắp đất nước”. Hiện nay năm 2016, Công đảng có 230 /650 ghế ở Hạ viện, 20/73 ghế ở nghị viện châu Âu; 13/17 thị trưởng; giữ 6.885 / 20.565 ghế ở chính quyền địa phương, quan sát viên của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, thành viên Liên minh Tiến bộ của các đảng xã hội và dân chủ[2].

 

  1. Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển

Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển (SAP) được thành lập vào năm 1889. Đến năm 1921, Đảng đã có đại diện trong Quốc hội. Năm 1917, lần đầu tiên Đảng tham gia Chính phủ trong liên minh với Đảng Tự do.

Tổ chức Đảng

Cấp quốc gia Có một song trùng nhất định giữa tổ chức của Nhà nước và các tổ chức đảng. Nghị viện quốc gia và Chính phủ Trung ương cai trị đất nước. Ở cấp độ quốc gia, Đại hội Đảng bốn năm một lần. Có 350 đại biểu, được đề cử bởi các huyện đảng bộ dựa trên phiếu bầu của các thành viên. Đại hôi lựa chọn Hội đồng quản trị quốc gia, lãnh đạo đảng, tổng thư ký, Ban chấp hành, quyết định về chi tiêu, quy chế và chương trình của Đảng.

Cá nhân thành viên và các tổ chức bên dưới có quyền gửi ý kiến cho Đại hội. Giữa Đại hội, Hội đồng quốc gia ra quyết định cao nhất của Đảng. Hội đồng này có 33 thành viên, 15 người giúp việc. Trụ sở chính bên trong Stockholm là Ban thư ký của Hội đồng quản trị, được dẫn dắt bởi Tổng thư ký, người do Đại hội bầu ra, và nó có khoảng 60 nhân viên.

Cấp huyện, quận

Hội đồng là quyết định cao nhất, chủ yếu là chịu trách nhiệm về chăm sóc y tế và bệnh viện và có quyền đánh thuế các công dân của mình. Các tổ chức bên tương ứng là tổ chức đảng cấp huyện. Có 23 quận nhưng 26 tổ chức đảng quận, huyện, do bộ phận mở rộng trong các thành phố lớn. Các tổ chức đảng cấp huyện có trách nhiệm về chính sách cấp mình và đề cử ứng cử viên cho các cuộc bầu cử Quốc hội, dựa trên kết quả của cuộc bầu cử trong các tổ chức, thành phố trực thuộc Trung ương. Huyện cũng đề cử ứng cử viên Hội đồng Quận. Tổ chức đảng cấp huyện tổ chức lãnh đạo và phối hợp tổ chức, giáo dục và
hoạt động thông tin trong phạm vi của nó chịu trách nhiệm. Nó cũng có kế hoạch công tác bầu cử trong huyện và cung cấp hỗ trợ cho các tổ chức đảng địa phương. Mỗi huyện có một văn phòng với nhân viên toàn thời gian ít nhất một và nhân viên.

Cấp địa phương

Tại Thụy Điển, các thành phố đóng vai trò rất quan trọng. 289 thành phố độc lập thu thuế thu nhập của người dân, và hầu hết doanh thu này thuộc cấp địa phương. Đảng Dân chủ xã hội trong tất cả các thành phố tạo ra một cơ quan hành chính dựa trên các nhu cầu của lao động

Cấp xã được điều hành bởi một giám đốc điều hành hội đồng quản trị mà cả hai bên tổ chức địa phương và các tổ chức địa phương LO được đại diện. Phụ nữ, thanh niên và người nhập cư ngày nay khá tích cực trên cấp độ này. Hệ thống an sinh điều hành bởi các thành phố, trong khi Chính phủ quốc gia phối hợp các hệ thống phúc lợi xã hội. Xã có một giám đốc điều hành Hội đồng quản trị, nhưng các quyết định quan trọng nhất được thực hiện bởi một cuộc họp các thành viên Hội đồng, còn trong thành phố lớn hơn, các quyết định được thực hiện bởi một cuộc họp của các đại biểu dân cử. Hầu hết các xã có một văn phòng với một đội ngũ nhân viên toàn thời gian. Ngày nay, các tổ chức đảng có 152 000 thành viên. Cũng như các đảng khác, con số đảng viên giảm trong mười năm qua, riêng năm 2003, đã một sự gia tăng nhẹ. 41% thành viên của Đảng là phụ nữ. Hiện nay SAP có khoảng 2,500 chi nhánh. Các hiệp hội địa phương, nơi các thành viên của SAP có thể ảnh hưởng, là các tổ chức độc lập của Đảng. Họ có thể bày tỏ ý kiến ​​trên tất cả các vấn đề chính trị, họ có thể viết kiến ​​nghị với Đại hội, họ có thể mang vấn đề địa phương thành phố...đến các tổ chức nghiên cứu và thực hiện các hoạt động để hình thành ý kiến xã hội. Sức mạnh lâu dài của đảng Dân chủ Xã hội trong chính trị Thụy Điển dựa trên các trụ cột sau đây:

- Hợp tác với tổ chức công đoàn;

- Tự trị địa phương, Chính phủ mạnh mẽ kết hợp với một tổ chức đảng tốt trên tất cả các cấp;

- Năng lực tự đối lập (tự phê bình) và tranh luận nội bộ sinh động;

- Ấn phẩm.

Đảng xuất bản một tờ báo hàng tuần, Aktuellt i Politiken (Những vấn đề chính trị hiện nay), phản ánh các cuộc tranh luận chính trị trong nước và trong Đảng. Đảng cũng chỉnh sửa một tạp chí dành cho thảo luận và thảo luận về ý thức hệ, Tiden (Thời đại), có sáu vấn đề mỗi năm.

          Tham gia cơ cấu quyền lực nhà nước và cầm quyền

Hệ thống bầu cử của Thụy Điển là hệ thống tỷ lệ. Trong giai đoạn 1932-1968, các cuộc bầu cử trực tiếp Hạ viện diễn ra bốn năm một lần. Trong giai đoạn 1970 - 1994, với Quốc hội một viện, bầu cử diễn ra ba năm một lần. Từ năm 1994, bầu cử Quốc hội lại một lần nữa tiến hành cứ sau bốn năm.

Để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, Đảng phải có một đa số tuyệt đối trên 50% trong những phiếu phổ thông, hợp lệ. Đối với một hệ thống đa số tuyệt đối như vậy, các cuộc bầu cử ở Thụy Điển trong những năm qua, đã cho những kết quả khá ổn định. Khối xã hội chủ nghĩa, bao gồm Xã hội Dân chủ và cựu Cộng sản, luôn cạnh tranh với một khối không xã hội chủ nghĩa, gồm: Bảo thủ, Tự do và đảng Trung tâm. Trong các năm sau, các nhà dân chủ Thiên chúa giáo ngả về bên phi xã hội chủ nghĩa, trong khi đảng Xanh đã trở thành một yếu tố không dự đoán được ở giữa các khối. 

Đảng Dân chủ xã hội đã thường lập chính phủ thiểu số với một liên minh đa số qua thương lượng trong Quốc hội. Từ năm 1951 đến 1957, Đảng dân chủ Xã hội thành lập một Chính phủ liên minh với Đảng Trung tâm (trước đây là nông dân và công đoàn) Trong chiến tranh thế giới thứ II, Đảng đã có một liên minh lớn với tất cả các bên, ngoại trừ Cộng sản.

Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đạt trên 50% số phiếu chỉ có hai lần, vào năm 1940 (53,8%) và năm 1968 (50,1%). Trong cả hai trường hợp các yếu tố bên ngoài đóng một vai trò chi phối. Lần thứ nhất vào năm 1940, sau khi mất Phần Lan, và sau khi Đức chiếm đóng Đan Mạch, Na Uy. Lần thứ hai vào năm 1968 sau cuộc can thiệp của Liên Xô vào Czechoslovakia. Cả hai lần, ở trong nước, phe đối lập bất lực trong việc tìm ra một chính sách và một chiến lược có ảnh hưởng tích cực cho họ trong cuộc bầu cử.

Vị trí không vững chắc của Đảng Dân chủ xã hội trong những năm 1990 có thể được giải thích bởi sự miễn cưỡng nhất định giữa các cử tri cánh tả, chấp nhận mở cửa của nền kinh tế Thụy Điển cho các thị trường toàn cầu và các dòng vốn quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, thất nghiệp đã trở thành một vấn đề chính trị Thụy Điển, theo sau sự tăng chi tiêu xã hội của quốc gia, Đảng Dân chủ trở lại nắm quyền vào năm 1994. Đảng đã phải cải cách nhà nước phúc lợi và làm giảm sự mất cân bằng lợi ích trong hệ thống phân phối, dẫn đến  thiệt hại lớn cho cánh tả trong năm 1998. Những thiệt hại chủ yếu này được lấy lại vào năm 2002. Kể từ năm 1998, đảng Dân chủ Xã hội đã hợp tác với Cánh Tả và Đảng Xanh về chính sách kinh tế trong Quốc hội. Sự hợp tác này không thể tiến hành trong chính sách đối ngoại và an ninh, chủ yếu là do cả hai bên đang chống lại việc Thụy Điển trở thành thành viên EU.

Trong năm 1950, 1960 và 1970 Thụy Điển đã xây dựng được Nhà nước phúc lợi hiện đại. Nền tảng của mô hình đó là: Đảng Dân chủ Xã hội, nền kinh tế mạnh mẽ và mở rộng, tài chính công tốt. "Mô hình Thụy Điển" đã trở thành nổi tiếng thế giới. Chủ nghĩa thực dụng được coi trọng là đặc trưng của các chính sách. Hầu hết các cải cách xã hội được thực hiện trên các cấp chính quyền từ thành phố trực thuộc Trung ương đến cấp huyện, đã làm cho cho công dân cảm nhận được và chấp nhận chúng.

Từ năm 1980, không khí thuận lợi cho các chính sách dân chủ xã hội. Cuộc khủng hoảng dầu trong những năm 1970 và một cuộc tranh luận khó khăn về hệ thống năng lượng mang những vấn đề mới vào chính trị. Toàn cầu hóa ngày càng tăng của nền kinh tế đã gây khó khăn hơn trong định hình chính sách kinh tế ở cấp quốc gia. Sự hợp tác cũ giữa các phong trào lao động đã trở nên lỏng lẻo. Những năm 1990, lấy cảm hứng từ Hoa Kỳ và Anh, tư tưởng Tự do mới phát triển lên đỉnh cao của ở Thụy Điển. Ích kỷ đã trở thành lý tưởng mới. Điều này đã được kết hợp với Chủ nghĩa dân túy với tinh thần bài ngoại…Một sự liên minh, phối hợp của các yếu tố đó làm cho Đảng dân chủ xã hội thực sự không thể xử lý được. Vì vậy, vào năm 1991, đảng Dân chủ Xã hội bị mất động lực và thất bại.

Khi ở Vị trí đối lập

Trong thời gian ở vị trí phe đối lập (1991 – 1994), một các nỗ lực lớn đã được đầu tư cho các cuộc thảo luận về việc làm, cải cách Nhà nước phúc lợi và khôi phục lại nền kinh tế. Sau chiến thắng cuộc bầu cử 1994 của Đảng dân chủ xã hội Thụy Điển, những cải cách kinh tế được đưa vào thực hiện.

Trong giai đoạn 1998-2002 có sự cố gắng ngày càng tăng trong hoạch định và thực hiện những chính sách nhằm cải thiện tình hình kinh tế. Những thách thức đặt ra cho tương lai như mọi khi là: Làm thế nào để bảo vệ dân chủ chống lại các lực lượng của thị trường? Nói cách khác, để chống lại tư tưởng Tân tự do ? Trong những năm sau đó, các bên Tân tự do đã nỗ lực làm suy yếu, thậm chí phá hủy khu vực y tế công, giáo dục và dịch vụ xã hội. Trong thực tế, cuộc bầu cử năm 2002 là một chiến thắng cho ý tưởng dân chủ xã hội về khu vực công.

Các cử tri đã bác bỏ các nỗ lực nhằm tư nhân hóa các lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ xã hội và chống lại các yếu tố theo đuổi lợi nhuận tư nhân trong các lĩnh vực này.

Trong cuộc đấu tranh cho “bình đẳng môi trường” vấn đề đang trở nên  phức tạp hơn nhiều. Nền kinh tế ngày nay đã không đủ tỉnh táo và nhạy cảm khi sử dụng, khai thác bừa bãi và cạn kiệt các nguồn lực cần thiết cho thế hệ tương lai. "Thế hệ hôm nay không có quyền phá hủy  các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái của các thế hệ tương lai ",

Phối hợp với các công đoàn – LO

Hợp tác quan trọng nhất là giữa Đảng và Liên đoàn Thương mại Thụy Điển, Tổng Liên đoàn (LO - được thành lập vào năm 1898).  Bất cứ khi nào mối quan hệ căng thẳng giữa các đối tác trên xẩy ra, kết quả bầu cử của Đảng sẽ đi xuống. LO và các công đoàn chi nhánh của nó có hai triệu thành viên, một phần đáng kể của cử tri của các đoàn thể lên tới hàng triệu. Trong một thời gian dài LO đã là cơ sở cho lao động công nghiệp. Hiện nay, họ là tập hợp phần lớn những người lao động trong "lĩnh vực dịch vụ" (công cộng và tư nhân). LO và những chi nhánh của nó đóng một quan trọng vai trò quan trọng trong công việc của Đảng. Luôn có 7 thành viên Ban chấp hành Đảng là  Chủ tịch LO. Có thể nói rằng, trên mọi cấp độ tổ chức LO có một ảnh hưởng đáng kể.  

Tài chính Đảng

Tất cả các đảng phái chính trị có chân trong Quốc hội đã ký một thỏa thuận tự nguyện báo cáo thu nhập hàng năm của họ. Kinh phí cho công việc của các đảng về cơ bản từ các hình thức khác nhau, như sau:

- Đảng phí: Các cấp bộ đảng tự quyết định về đảng phí. Tất cả các đảng viên phải nộp đảng phí. Các chi nhánh địa phương, các xã, tổ chức đảng huyện và tổ chức trung ương…có nghĩa là đảng phí có thể khác nhau. Trung bình đảng phí hàng năm là 30 Euro.

- Tài trợ công:

Các đảng có chân trong Quốc hội (trên 4% số phiếu), trong Hội đồng quận và Hội đồng thành phố trực thuộc Trung ương sẽ nhận được tài trợ của Nhà nước dựa trên số lượng số ghế mà họ nắm giữ. Nguồn kinh phí này cung cấp một nguồn thu nhập quan trọng cho tất cả các đảng và phản ánh quan điểm của Thụy Điển, rằng đảng chính trị là người mang trách nhiệm của một Quốc hội dân chủ.

  • Xổ số kiến ​​thiết:

Tại Thụy Điển xổ số kiến ​​thiết có thể được điều hành bởi Nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận. Xổ số kiến ​​thiết mở rộng cung cấp thu nhập cho tổ chức đảng ở tất cả các cấp. Các tổ chức đảng tham gia bán vé xổ số.

Đóng góp: Đóng góp cho Đảng được thực hiện bởi tư nhân, cá nhân cũng như tổ chức. Như đã đề cập, trước hết là tài trợ chiến dịch bầu cử. Tài trợ từ tổ chức Công đoàn có tầm quan trọng đặc biệt. Đảng Dân chủ Thụy Điển, một phần của một phong trào dân chủ xã hội trên toàn thế giới. Đảng Dân chủ xã hội đã hợp tác trong phạm vi Quốc tế xã hội, bắt đầu vào năm 1889. Đó là gia đình chính trị lớn nhất và vẫn đang phát triển. Số lượng các đảng thành viên hiện tại là 142, từ tất cả các khu vực trên thế giới. Kể từ năm 1989 một số thành viên từ các nước XHCN cũ Trung và Đông Âu đã tham gia. Hòa bình, tự do, dân chủ, công lý và nhân quyền là những giá trị phổ biến.

Mục tiêu

Nhưng người Dân chủ xã hội ở Thụy Điển là thành viên của Đảng Xã hội châu Âu. Ý tưởng là để phát triển châu Âu hợp tác trên một cơ sở những giá trị phổ biến. Các thành viên Dân chủ Xã hội Thụy Điển của Nghị viện châu Âu có một văn phòng làm việc riêng tại Brussels-Strasbourg. Ngoài ra, họ còn có bốn văn phòng khu vực tại Thụy Điển. Đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Công đoàn các nước Bắc Âu có ủy ban riêng (Samak) để thúc đẩy hợp tác và trao đổi quan điểm ở cấp cao nhất. Bằng cách này các phong trào lao động Bắc Âu đã phát triển tư tưởng dân chủ xã hội.

Trung tâm quốc tế “Olof Palme” phục vụ phong trào lao động Thụy Điển bằng những nỗ lực của mình để giúp đỡ quốc tế và nâng cao kiến ​​thức về quốc tế lao động. Trung tâm xuất bản các báo cáo và tổ chức hội thảo, phối hợp hỗ trợ cho phát triển dân chủ, đoàn kết với lao động thế giới thứ ba và các nước Trung – Đông Âu.

Các tổ chức độc lập khác trong Phong trào lao động và Phong trào dân chủ xã hội hoạt động ở cấp địa phương, khu vực và trung tâm.

- SSU - Thanh niên dân chủ xã hội. Thành viên đầy đủ của IUSY quốc tế.

- Liên hiệp Thanh niên xã hội.

- S-kvinnor - tổ chức phụ nữ và là một thành viên  SIW (Xã hội Quốc tế Phụ nữ).

- Studentförbundet - Sinh viên Dân chủ xã hội. Thành viên của IUSY.

- Sksf Broderskapsrörelsen - Kitô hữu Đảng Dân chủ xã hội,

Tất cả các tổ chức này được có đại diện trong các cơ quan hàng đầu của Đảng

Chính sách và ưu tiên của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển

Một đại biểu của SAP phát biểu:

Chúng tôi đã đi một chặng đường dài trển con đường xây dựng một xã hội dân chủ phúc lợi ở Thụy Điển, nhưng chúng tôi đã không đi đủ xa. Mặc dù những thành công của những năm qua - một nền kinh tế mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp…Nhưng những cảm giác không an toàn đã tăng lên. Có vấn đề căng thẳng - tại nơi làm việc và trong cuộc sống hàng ngày. Có những lo lắng của nạn nhân của tội phạm hoặc không nhận được sự chăm sóc thích hợp trong đời sống. Nhiều người cảm thấy rằng xã hội của chúng tôi là trở nên lạnh lùng hơn và khó khăn hơn.

Chúng ta phải thay đổi tình trạng này. Chúng tôi phải phát triển. Chỉ có thể chỉ đạt được những mục tiêu phát triển bằng cách làm việc cùng nhau. An ninh và công lý chỉ có thể được đảm bảo trong một môi trường đoàn kết và hợp tác.
Chúng tôi, đảng Dân chủ xã hội tự hào của Thụy Điển !

Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển: Xã hội dân chủ - lý thuyết và thực hành

Trong những năm qua, các chương trình đổi mới xảy ra với  các thử nghiệm.Tư tưởng xã hội chủ nghĩa truyền thống về quốc hữu hóa tư liệu sản xuất đã mất ưu thế, phải giảm xuống. Ngành công nghiệp Thụy Điển luôn luôn ở trong tay tư nhân (hơn 90%)

Trong chương trình mới nhất của Đảng, các giá trị chính là Tự do, Bình đẳng và Đoàn kết. Các khẩu hiệu là: "Con người là một sinh vật xã hội, phát triển và chỉ có thể phát triển trong hoạt động hợp tác với những người khác", "Một xã hội tốt là một xã hội đoàn kết tốt”, “Thống nhất bắt nguồn từ cái nhìn sâu sắc”, “Xã hội tốt nhất là một xã hội được xây dựng bằng sự hợp tác", "Đoàn kết không loại trừ phấn đấu, phát triển cá nhân và thành công" "Xã hội dân chủ muốn những lý tưởng dân chủ”…

Mục tiêu của Đảng dân chủ xã hội Thụy Điển là xây dựng một xã hội không có sự khác biệt đẳng cấp, phân biệt chủng tộc hay thậm chí chỉ về đơn vị nhân chủng " Trong chương trình mới nhất, sự khác biệt giữa thị trường và tư bản là rõ ràng: "Thị trường là cần thiết cho hiệu quả sản xuất và tái sản xuât”

          Các giá trị và chính sách theo đuổi

Các chương trình hành động của đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển

Các chính sách về bình đẳng phải được hướng dẫn ở tất cả các giai tầng và các nhóm xã hội. Đấu tranh vì bình đẳng giới. Đảng nêu sáng kiến về phong trào “Nữ quyền”. Thụy Điển ngày hôm nay là một xã hội đa sắc tộc, với hơn một triệu người nhập cư có nguồn gốc dân tộc khác nhau. Cuộc chiến chống phân biệt đối xử đối với các công dân mới này là một thách thức. Gần đây, Chủ nghĩa Dân túy và các nhóm cực hữu bài ngoại đã giành được thắng lợi trong không it cuộc các cuộc bầu ở các quốc gia châu Âu. Làm thế nào để Đảng Dân chủ xã hội có thể duy trì sức mạnh của mình? Các phong trào dân chủ xã hội đã để lại dấu ấn trong sự phát triển của Thụy Điển. Điều đó giải thích rằng, những thành tựu đạt được nhiều hơn là chính sách của Đảng dân chủ xã hội Thụy Điển. Vì đó là một phong trào mang tính phổ biến.

Đối với các nền dân chủ mới ở Trung và Đông Âu, Đảng dân chủ xã hội Thụy Điển tư vấn cho họ để xây dựng "Xã hội dân sự" là điều kiện để các công dân tham gia phát triển xã hội của họ và chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ. Đó là những kinh nghiệm rút ta từ lịch sử Thụy Điển một trăm năm trước đây. Các tổ chức như: Tổ chức công đoàn, tổ chức thanh niên, hợp tác xã, cửa hàng…tất cả đều đã đóng góp để phát triển ý tưởng rằng “mọi người đều phải sống trong hợp tác với người khác”. Đây là cách mà các phong trào công dân rộng khắp của Thụy Điển bắt đầu. Ngày nay, người Thụy Điển trung bình thuộc ít nhất là năm hiệp hội. Bằng cách làm việc trong các phong trào xã hội người dân có trách nhiệm xã hội của họ và học tập dân chủ. Các hoạt động này là những bổ sung cho dân chủ nghị viện. Đảng Dân chủ Xã hội coi đây là môi trường tự nhiên để liên hệ với quần chúng và giúp họ gửi đến Chính phủ các thông điệp của họ.

Một ví dụ là những gì đã xảy ra sau khi trưng cầu dân ý về năng lượng hạt nhân vào năm 1980, khi Đảng mời các nhà hoạt động tham gia: Cuộc tranh luận nội bộ trở nên sôi động và rất khó xử lý. Có những lúc đảng viên và tổ chức đảng địa phương thấy mình đối lập với đảng của mình, đặc biệt là các bất đồng trong Chính phủ của Đảng dân chủ xã hội cầm quyền.

Hiện nay hệ tư tưởng của Đảng vẫn là dân chủ xã hội, Đảng có 105.626 thành viên. Đảng tham gia Liên minh tiến bộ của các đảng xã hội và dân chủ trong, chiếm 5/20 ghế trong Nghị viện châu Âu; chiếm 113/349 ghế trong Nghị viện Thụy Điển.

          Kết luận

- Trong các nền chính trị đa đảng, tuỳ theo tương quan lực lượng và năng lực chủ quan của mỗi đảng, các đảng chính trị có thể là đảng cầm quyền, liên minh cầm quyền hoặc ở vị trí đối lập (không cầm quyền). Dù ở vị trí nào, sự tồn tại, hoạt động và cạnh tranh giữa các đảng chính trị phải tuân thủ pháp luật.

- Hoạt động quan trọng nhất của các đảng chính trị, nói chung là hoạt động tranh cử, phải chinh phục trái tim, khối óc của cử tri. Do vậy mọi hoạt động hoạch định đường lối, chính sách, tư tưởng, tổ chức...của các đảng đều phải trả lời được những vấn đề đang đặt ra trước nhân dân (cử tri), xã hội và đất nước.

- Khi một đảng chính trị đã cầm quyền, phương thức cầm quyền quan trọng nhất là cử đảng viên có năng lực nắm các vị trí quyết định trong bộ máy chính quyền. Những đảng viên này là người biến lý tưởng, cương lĩnh chương trình hành động của đảng thành chính sách, pháp luật và các quyết định của nhà nước. Hoạt động quan trọng nhất của đảng cầm quyền là thực thi quyền lực công, trong đó chủ yếu là hoạch định và thực thi chính sách nhà nước.

- Các đảng chính trị có vai trò tham gia vào việc cấu thành ý thức chính trị của nhân dân trên mọi lĩnh vực xã hội. Động viên công dân tham gia tích cực vào đời sống chính trị. Cổ vũ những người có năng lực đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo. Tác động vào sự phát triển chính trị trong nghị viện và chính phủ. Đưa các mục tiêu chính trị do mình đề ra vào quá trình hình thành ý thức của nhà nước. Chăm lo mối liên hệ chặt chẽ thường xuyên và sinh động giữa nhân dân và các cơ quan nhà nước[3]:

 

 


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Composition_of_the_German_Regional_Parliaments

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Labour_Party_(UK)

[3]Grundgesetz (Luật cơ bản), Bản in đặc biệt: Muenchen, 1996, phần  Luật về đảng chính trị, tr. 139-140.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
15-05-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 71
Trong tuần: 413
Lượt truy cập: 362480
Lên đầu trang