Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

http://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vNhttp://Taochu.Uhm.vN
Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

Nêu gương - một phương thức lãnh đạo của Đảng - GS.TSKH Phan Xuân Sơn - TS Nguyễn Thị Thanh Dung

Nêu gương - một phương thức lãnh đạo của Đảng - GS.TSKH Phan Xuân Sơn - TS Nguyễn Thị Thanh Dung

Nói về khái niệm, nêu gương, hay làm gương (exemple) là làm mẫu. Là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo.

Mục lục bài viết

1273

1.     Nêu gương là gì? (Vấn đề nêu gương)

Nói về khái niệm, nêu gương, hay làm gương (exemple) là làm mẫu. Là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo. Như vậy nêu gương một phương thức thực hành hành vi của nhóm, cộng đồng, xã hội, loài. Làm gương và noi gương là một quá trình hình thành các tập quán, tập tính, hay nói cách khác, là cách mà con người xã hội hóa các cá nhân, các nhân cách. Nói một cách nôm na, đơn giản, các hành động noi gương hay làm theo gương của người khác là “bắt chước”, học tập, thực hành…Vì vậy nêu gương và noi gương, trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo.

 Vấn đề nêu gương được chú ý như một phương thức quản trị xã hội được nói đến trong các lý thuyết triết học, chính trị từ thời cổ đại, cả ở phương Tây và ở phương Đông.

Arixtốt cho rằng, để một đứa trẻ trở thành một Con Người tốt và có đức hạnh, cần ba điều kiện: Bản năng thiên phú, do tập quán và lý tính (khả năng suy nghĩ và phán đoán)[1]. Có nghĩa là nó phải tiếp nhận một sự giáo dục và các tập quán của loài người. Từ các hoạt động đơn giản như hình thành các thói quen, tập tính…Con người và ngay cả thế giới động vật nói chung để sinh tồn, trước hết phải thông qua các hành vi bắt chước, làm theo, học tập từ các hành vi mẫu. Nhờ đó hình thành các loại hành vi mang tính chuẩn mực của đời sống cộng đồng, xã hội, của loài.

Trong đời sống xã hội, nêu gương chủ yếu được nhấn mạnh ở việc thực hành các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật...) Như vậy, nêu gương hay làm gương luôn phải đi kèm với noi gương, học tập và làm theo các tấm gương ấy. Nói gọn lại, nêu gương và noi gương là loại hành vi thuộc tính của xã hội loài người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.

Khổng Tử là người tiên phong theo phương pháp này. Ông cho rằng vua, quan, người quân tử muốn trị dân, giáo hóa dân, phải lấy bản thân mình làm gương cho dân. Ông cho việc “tu thân” là khởi điểm của “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Làm chính trị, theo Khổng Tử, cốt ở chỗ trung chính. “Nếu sửa mình cho trung chính, thì làm chính trị có khó gì đâu. Nếu không sửa mình cho trung chính được, thì làm sao sửa cho người ta trung chính được”.[2]

Hồ Chí Minh, với tư cách là một lãnh tụ, là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, là người rất hiểu và vận dụng khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của Đông - Tây. Suốt đời Người thực hành nêu gương, làm gương và noi gương và chính Người đã trở thành tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

Làm người lãnh đạo (dẫn đường) phải có nhiều phẩm chất, nhưng một trong những phẩm chất quan trọng là đi tiên phong, phải làm gương cho người theo sau. Người nói, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[3].

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dù phải chịu tra tấn, tù đày, án chém, bom đạn, đói khát… đảng viên của Đảng, là những tấm gương hi sinh tất cả, vì thắng lợi của cách mạng. Trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên của Đảng cũng phải lao tâm khổ tứ, chịu nhiều thiệt thòi, quyết tìm tòi con đường đổi mới; gắn vận mệnh đổi mới với vận mệnh đất nước, gia đình, bản thân. Sướng khổ, vui buồn cùng những thăng trầm của đất nước, của Đổi mới.

          Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

Ngày 7 tháng 6 năm 2012, Ban Bí thứ Trung ương Đảng cũng đã ra quy định, số: 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó quy định rõ bảy nội dung nêu gương: 1:Về tư tưởng chính trị; 2: Về đạo đức, lối sống, tác phong; 3: Về tự phê bình, phê bình; 4: Về quan hệ với nhân dân; 5: Về trách nhiệm trong công tác; 6: Về ý thức tổ chức kỷ luật; 7: Về đoàn kết nội bộ. Tiếp theo Quy định 101, Bộ Chính trị ra tiếp Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Gần đây, ngày 25-10 - 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (số 08-QĐ/TWi, ngày 25.10.2018). Trong Quy định 08- QĐ/TWi cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.

Trong Quy định 08 – QĐ/TWi, không quy định theo từng lĩnh vực, nhưng quy định thành 4 điều, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực như: chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền, trục lợi…

Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người suốt đời hi sinh, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đấu tranh không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giải phóng đồng bào, giải phóng nhân loại bị áp bức, đọa đày, đau khổ ở Việt Nam và trên thế giới là một tấm gương vĩ đại, toàn diện và gần gũi mà toàn Đảng, toàn dân cần học tập và noi theo.

Đảng ta đã có ba chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện các chỉ thị này đã trở thành các cuộc vận động lớn với nhiều hình thức, giúp cho cán bộ và nhân dân có dịp tìm hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu, tiếp thu một cách hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ với tư cách là một lãnh tụ, mà là với tư cách một Con Người, một chiến sĩ đấu tranh vì sự giải phóng và tiến bộ.

Các quy định, chỉ thị về thực hiện việc nêu gương của Đảng không những đã cụ thể hóa một phương thức lãnh đạo (bằng nêu gương) của Đảng, mà còn phù hợp với các “nguyên lý” về nêu gương trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị nói riêng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các quy định, chỉ thị về Học tập tấm gương Hồ Chí Minh và về nêu gương, vừa mang tính khách quan, tất yếu, vừa thể hiện rằng, nêu gương là một vấn đề quan trọng, không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong việc trao truyền văn hóa giữa các thế hệ con người Việt Nam hiện nay.

  1. Nêu gương để làm gì? Ai nêu gương cho ai? (Tác dụng của nêu gương, chủ thể và đối tượng nêu gương)

Nêu gương là một phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả. Giáo dục đạo đức là giáo dục con người tiếp nhận và thực hành theo những chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, lối sống…những lúc ấy, các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc lẫn lộn, rối rắm, phức tạp. Trong bối cảnh đó, chỉ ra được một tấm gương có tác dụng rất lớn trong sinh hoạt tư tưởng, và định hướng tâm trạng xã hội. Ví dụ, một tấm gương vượt khó làm giàu chính đáng hiện nay, có thể cắt nghĩa được rất nhiều khái niệm từ “bóc lột”, “yêu nước” đến các khái niệm như “cá nhân”, “tập thể” và “đóng góp cho xã hội”… Trong bối cảnh mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”…thì việc chỉ ra một tấm gương tốt dễ hiểu hơn, cụ thể hơn nhiều, nhất là đối với đa số quần chúng nhân dân, những người ít có điều kiện để nghiên cứu và hiểu rõ các khái niệm, thuật ngữ khoa học. Khi đã hiểu rõ được thế nào là tốt - xấu, thiện - ác, thông qua tấm gương, con người sẽ hành động theo tấm gương đó.

Arixtốt, cho rằng, trong giáo dục đạo đức, phải có gương tốt bởi không có gương tốt thì không thể có được sự bắt chước những điều tốt. Sự “bắt chước” tấm gương tốt là một quá trình thực hành hành vi theo sự chỉ dạy. Theo Aristotle, chính qua thực thi các hành động đúng mà chúng ta trở thành người đúng đắn. Khổng Tử cũng cho rằng, nêu gương rất quan trọng, bởi muốn được cả thiên hạ trước hết phải tu cái thân mình. Do tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, nên Hồ Chí Minh căn dặn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.[4]

Vấn đề đặt ra là ai nêu gương cho ai? Theo Khổng Tử, trong chính trị, người trên phải làm gương cho người dưới. “Thượng bất chính thị hạ tắc loạn”. “Người trên mà thích điều lễ thì dân không dám bất kính; người trên mà thích điều nghĩa thì dân không ai dám không phục; người trên mà không thích điều tín thì dân không ai dám không thực tình”[5]. Ông còn cho rằng, nếu nhà cầm quyền biết tự mình giữ theo chính đạo, chẳng đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở trúng phép; còn như tự mình chẳng giữ theo chính đạo, dẫu mình có ra lệnh buộc dân theo, họ cũng không theo.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.[6] “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.[7]

Nêu gương là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo: Người lãnh đạo là người dẫn đường, truyền cảm hứng, động viên, tổ chức quần chúng nhằm đạt đến mục tiêu tầm nhìn nhất định. Mục tiêu, tầm nhìn của người lãnh đạo thông thường phải xa hơn quần chúng. Người lãnh đạo là đi tiên phong thực hiện tầm nhìn ấy, phải chấp nhận tất cả những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro, hi sinh trên con đường mới. Muốn thu hút, lôi kéo, động viên được quần chúng theo mình, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong, mà còn là người nêu gương cho những người đi theo. Do vậy, nêu gương là công cụ, là thuộc tính của người lãnh đạo. Ai muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương.

Như vậy, nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. Ở nước ta, những người phải có trách nhiệm làm gương cho nhân dân, cho quần chúng, trước hết phải là những đảng viên, cán bộ của Đảng. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy mà khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các Quy định của Đảng đều nhấn mạnh “nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định 08- QĐ/TWi được Tổng Bí thư nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2018, yêu cầu “trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương”.

Đảng ta là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để có những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã từng đi tiên phong gương mẫu, và nếu muốn Đảng còn giữ được vai trò lãnh đạo, các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng sẽ và luôn luôn phải đi tiên phong và gương mẫu. Điều đó, không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức của người đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Hiện nay, sự suy giảm vai trò nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên là rất nghiệm trọng. Không ít cán bộ, đảng viên, không những không nêu gương, mà còn suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống. Không những không đi trước thiên hạ trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, mà còn chạy theo lối sống ích kỷ, vụ lợi, vinh thân phì gia, kéo bè kéo cánh, lách luật, lách quy trình, bổ nhiệm con cháu, người nhà vào các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước; tham ô, tham nhũng sống xa hoa, lãng phí trên tiền của do tham nhũng, đục khoét, ăn cắp từ tiền của của Nhà nước và của nhân dân.

Năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo trong nêu gương là phải biết nắm bắt những xu thế vận động mới của đời sống xã hội, đổi mới tư duy, đổi mới hành động sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của đất nước, của địa phương, của cộng đồng. Đây lại là một vấn đề lớn trong nêu gương, nêu gương về tư tưởng, hay có thể nói là về sinh hoạt tư tưởng, về tư duy. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã bổ sung và làm rõ nội dung “tư tưởng” này.

Tấm gương đổi mới tư duy của Đảng mở ra một thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước là một bài học lớn về nêu gương trong sinh hoạt tư tưởng. Cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng về tư duy, tư tưởng, về việc vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, của tinh hoa văn hóa nhân loại, truyền thống tư duy dân tộc, vượt qua các loại tư duy bảo thủ, trì trệ, giáo điều, máy móc để hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện của cách mạng Việt Nam.

  1. Nêu gương cái gì? (Nội dung nêu gương)

Nói về nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.

Đối với mình, Hồ Chí Minh căn dặn không được tự cao tự đại, tự mãn. Phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là “Nhân, Trí, Dũng Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ. 

Ðối với người, theo Hồ Chí Minh, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân. Đối với cấp dưới “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm non, gia đình họ khỏi khốn quẫn,v.v.”[8] Đối với quần chúng, phải gắn bó với quần chúng, lấy quyền, lợi ích, nguyện vọng quần chúng làm điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương chính sách. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.

Đối với việc, Theo Hồ Chí Minh, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm,  gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Ba mối quan hệ ấy chứa đựng nhiều nội dung cụ thể rất phong phú và chúng cũng biến đổi theo từng thời kỳ phát triển của cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của các yếu tố thời đại, ba mối quan hệ đó chứa đựng nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và phải được cụ thể hóa, thậm chí thể chế hóa trong nêu gương và noi gương. Nhiều nội dung rất mới được nêu trong Quy định số 08-QĐ/TWi, ngày 25.10.2018, cho thấy rõ điều đó.

Ví dụ: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương: “Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm”. (Điều 2, khoản 1) “Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ”. (Điều 2 khoản 3) “Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”. (Điều 2, khoản 5). “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. (Điều 2, khoản 8)[9]

  1. Nêu gương bằng cách nào? (Phương thức nêu gương)

Nêu gương và noi gương là thực hành đạo đức. Theo Hồ Chí Minh, muốn nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm, và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nói ít làm nhiều, nói được làm được. Tránh thói ba hoa, chống thói nói một đằng làm một nẻo. Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.[10]

Phải xây dựng những tấm gương tốt để nêu gương. Cần thấy rằng, các tấm gương, các mẫu mực luôn biến đổi theo sự biến đổi xã hội, trong đó có những giai đoạn biến đổi rất nhanh chóng, vũ bão. Có những tấm gương, chuẩn mực hôm qua còn đúng, được đề cao, nhưng hôm nay, ngày mai có thể không còn giá trị nữa. Vì vậy, người nêu gương, người học tập và theo các tấm gương cũng thay đổi theo.

Hồ Chí Minh cũng đã từng cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".[11]

 Vấn đề quan trọng cần làm rõ là trong đời sống xã hội nói chung, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…ai, chuẩn mực gì thì được coi là tấm gương, ai và cái gì phải noi theo, làm theo? Một đảng lãnh đạo, và cầm quyền như Đảng ta, trong mỗi bước chuyển của lịch sử, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, cần phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt, thậm chí phải thể chế hóa vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương. Phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng đối với các tấm gương tốt (chính diện) và gương xấu (phản diện). Điều này làm cho vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, cấp thiết và thường xuyên trong sinh hoạt chính trị nói chung, trong xây dựng Đảng nói riêng.

Vấn đề nêu gương, làm gương, noi gương là một trong những công cụ và phương thức quan trọng của lãnh đạo, nhưng không phải là duy nhất. Cần đặt vấn đề nêu gương trong mối quan hệ với các công cụ lãnh đạo khác nữa, để phát huy cao nhất hiệu quả lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện hiện nay.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

TS Nguyễn Thị Thanh Dung


[1] Aristotle, Chính trị luận, Nxb, Thế giới, H, 2014, tr. 390

[2] Quý Khang Tử - Luận ngữ

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.552. 

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 1, tr.263. 

[5] Tử Lộ - Luận ngữ

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, H.1984, tập 4, tr.84.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2002, t.12, tr. 558

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, H, 2000, tr. 520

[9] Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (số 08-QĐ/TWi, ngày 25.10.2018).

[10] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG, H. 1995, Tập 5, tr. 552, 644tr.

[11] Sđd,  tập 12, tr.557.

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
06-01-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 81
Trong tuần: 414
Lượt truy cập: 362509
Lên đầu trang