Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

588030_87d9a

CHÍNH TRỊ HỌC

Chinhtrihoc.vn là website cá nhân của GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Trang chinhtrihoc.vn là một trang web khoa học, nơi kết nối các nhà khoa học, những ai yêu thích, tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học chính trị. Trang web ra đời nhằm góp phần vào sự phát triển khoa học chính trị nước nhà nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung. Trang web được đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ các thành viên mới được đăng bài. Chịu trách nhiệm nội dung: GS.TSKH Phan Xuân Sơn. Hỗ trợ web: KS.CNTT Phạm Thị Ngọc Thanh ☏ 0866772894

MỘT SỐ TIẾP CẬN MỚI VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

MỘT SỐ TIẾP CẬN MỚI VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

GS.TSKH Phan Xuân Sơn 

Phan Nguyên Hưng

Tóm tắt: Trong giảng dạy chính trị học Việt Nam, một vấn đề quan trọng là tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại. Quan điểm, cách tiếp cận của Đảng về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam thường xuyên vận động, đổi mới, thể hiện qua các Cương lĩnh, văn kiện đại hội, các nghị quyết và thực tiễn lãnh đạo của Đảng...

Mục lục bài viết

353

GS.TSKH Phan Xuân Sơn 

Phan Nguyên Hưng

Tóm tắt: Trong giảng dạy chính trị học Việt Nam, một vấn đề quan trọng là tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại. Quan điểm, cách tiếp cận của Đảng về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam thường xuyên vận động, đổi mới, thể hiện qua các Cương lĩnh, văn kiện đại hội, các nghị quyết và thực tiễn lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã trình bày toàn bộ quan điểm, đường lối, chủ trương, mục tiêu, biện pháp lãnh đạo của Đảng đối với đất nước từ 2021 đến 2026, tầm nhìn đến 2045, trong đó chứa đựng hàng loạt vấn đề mới, đặc biệt là các tiếp cận mới về đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam. Trong giảng dạy chính trị học Việt Nam hiện đại cần thiết phải hệ thống hóa, làm rõ các quan điểm, các tiếp cận này. Bài viết trình bày nội dung cơ bản của 7 vấn đề quan trọng.

Từ khóa: Tiếp cận mới, hệ thống chính trị Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, giảng dạy chính trị học Việt Nam.

Abstract: In teaching Vietnamese politics, an important issue is the organization and operation of the modern Vietnamese political system. The Party's viewpoints and approaches on the political system and reform of the political system in Vietnam are regularly mobilized and renewed, reflected in the Platforms, congress documents, resolutions and leadership practices. of the Party. The document of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam has presented the entire viewpoints, lines, undertakings, goals and measures of the Party's leadership for the country from 2021 to 2026, with a vision to 2045, which contains a series of new issues, especially new approaches to reforming Vietnam's political system. In teaching modern Vietnamese politics, it is necessary to systematize and clarify these views and approaches. The article presents the basic content of 7 important issues.

Keywords: New approach, Vietnamese political system, document of the 13th National Party Congress, teaching Vietnamese politics.

Nội dung: Trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học Việt Nam, một vấn đề quan trọng là tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại. Cần làm cho người học thấy rõ được những tính chất phổ biến và những đặc điểm đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại phát triển qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986. Quá trình đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam không chỉ là một yêu cầu tất yếu, khách quan diễn ra đồng thời với quá trình đổi mới mô hình phát triển kinh tế - xã hội, mà là một quá trình tìm tòi, sáng tạo, vận dụng những vấn đề có tính quy luật, mang tính phổ biến vào thực tiễn lịch sử Việt Nam. Trong quá trình đó, vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam đặc biệt quan trọng. Vì vậy nghiên cứu những quan điểm, cách tiếp cận của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị là một yêu cầu cơ bản và cấp thiết đối với việc nghiên cứu, giảng dạy chính trị học Việt Nam hiện đại. Quan điểm, cách tiếp cận của Đang về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam thường xuyên vận động, đổi mới, thể hiện qua các Cương lĩnh, văn kiện đại hội, các nghị quyết và thực tiễn lãnh đạo của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII vừa qua là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị Việt Nam, cũng không ngoại lệ, Đại hội giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đổi mới hệ thống chính trị. Các quan điểm, cách tiếp cận của Đại hội thể hiện trong văn kiện Đại hội, đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản.

            Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã trình bày toàn bộ quan điểm, đường lối, chủ trương, mục tiêu, biện pháp lãnh đạo của Đảng đối với đất nước từ 2021 đến 2026, tầm nhìn đến 2045. Nội dung văn kiện đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, tài nguyên, môi trường, đối nội, đối ngoại, lý luận, thực tiễn…trong đó chứa đựng hàng loạt vấn đề mới, đặc biệt là các tiếp cận mới về đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam. Trong giảng dạy chính trị học Việt Nam hiện đại cần thiết phải hệ thống hóa, làm rõ các quan điểm, các tiếp cận này.   

Bài viết chỉ trình bày nội dung cơ bản của 7 vấn đề quan trọng.

Trước hết: Chủ đề của báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (26-01-2021) của Đảng:

Trong chủ đề của Đại hội, thông thường phản ánh gọn và rõ nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ, mục tiêu của nhiệm kỳ và phương thức, lực lượng thực hiện mục tiêu đó. Chủ đề của Đại hội lần này là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”[1]

So sánh với chủ đề của các đại hội gần đây (X, XI, XII), chúng ta thấy rằng [2]:

- Nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ: Tại Đại hội lần này, Đảng ta lần đầu tiên đặt vấn đề xây dựng Đảng song song và đồng thời với xây dựng hệ thống chính trị. Xuyên suốt trong Báo cáo chính trị, chúng ta thấy rằng, có sự gắn bó, quan hệ, chặt chẽ giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Điều này cho thấy, Đảng ta có cách tiếp cận mới về xây dựng đảng, toàn diện hơn, hợp lý hơn, vì Đảng chỉ là một bộ phận, cho dù là bộ phận hạt nhân của hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu không xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh thì việc xây dựng Đảng cũng không thể thành công và ngược lại.

- Mục tiêu mà Đảng ta phấn đấu trong nhiệm kỳ hoặc nhiều thời kỳ: Mục tiêu cụ thể của các kỳ Đại hội trước có thay đổi, như “ra khỏi tình trạng kém phát triển”, “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”…Đại hội XIII đưa ra mục tiêu không chỉ cho một nhiệm kỳ (2025), mà một giai đoạn khá dài “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

- Phương thức và lực lượng thực hiện mục tiêu: Về cơ bản, từ Đại hội X (2006) cho đến Đại hội XIII (2021), chúng ta thấy phương thức, lực lượng thực hiện mục tiêu không có thay đổi lớn, là: phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; thực hiện toàn điện, đồng bộ công cuộc đổi mới; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…Lần này, Đảng ta nhấn mạnh sức mạnh vô địch của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong bối cảnh mới, bằng cách “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” của con người Việt Nam với tư cách là một giá trị văn hóa và văn hóa chính trị cốt lõi.

Thứ hai: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng dành nhiều hơn dung lượng để nói về hệ thống chính trị, nêu nhiều quan điểm quan trọng, mới, rõ ràng, cụ thể về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị.

Điều đó có thể do những điều kiện lịch sử đã chín muồi và những thách thức của thời đại mới – thời đại cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt ra, đó là: (i) Bối cảnh lịch sử: Năm đầu của thập kỷ thứ 3, thiên niên kỷ thứ 3; (ii) Đường lối đổi mới đã thực hiện được 35 năm, hầu hết các mục tiêu ban đầu của đường lối đổi mới (1986) đã thực hiện đạt và vượt;  (iii) tròn 30 năm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa, bản lĩnh cách mạng của một đảng cầm quyền đã thể hiện rõ; (iv) 30 năm nước ta thực hiện Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 bổ sung phát triển 2011, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay ; (v) Thế giới và đất nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức …

Tóm lại, Đảng có thời gian và điều kiện lịch sử để nhìn nhận lại con đường, mô hình phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó Đại hội XIII có nhiệm vụ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045

Thứ ba: Một số nội dung quan trọng, mới, rõ ràng và cụ thể về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị.

Trước hết, hãy nói về nội hàm của hệ thống chính trị:

- Là một chỉnh thể;

- Gồm các thể chế (tổ chức chính trị, nhà nước, chính trị - xã hội);

- Phân bổ theo một cơ cấu chức năng nhất định;

- Vận hành theo những cơ chế, quan hệ và nguyên tắc cụ thể;

- Nhằm thực thi quyền lực chính trị mà trung tâm là quyền lực nhà nước.

Những quan điểm mới của Đại hội XIII như sau:

1) Văn kiện nhấn mạnh thực hiện toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị.

Trong văn kiện lần này, trong tất cả mọi vấn đề, từ tổ chức bộ máy, các mối quan hệ, hội nhập quốc tế, đến hệ thống pháp luật...luôn được nhìn nhận, tiếp cận một cách toàn diện, đồng bộ.

2) Về tổ chức bộ máy (các thể chế chính trị của hệ thống chính trị)

            2.1. Về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quan điểm về xây dựng nhà nước thể hiện chủ yếu trong mục XIII của Báo cáo chính trị - Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tr.174) và  (tr. 284).

Báo cáo chính trị đã cụ thể hóa những nội dung và nguyên tắc của nhà nước pháp quyền Việt Nam, gắn chức năng kiến tạo phát triển với nhà nước pháp quyền trong chủ trương “xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kiến tạo phát triển, liêm chính hành động”[3]. Quan điểm mới ở Đại hội lần này là “coi nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.[4] 

            Phân quyền hợp lý là một trong những tiêu chí của nhà nước pháp quyền. Báo cáo xác định rõ ràng hơn, mạch lạc hơn vị trí, vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi quyền lực nhà nước. Thống nhất phối hợp hành động để thực thi quyền lực nhân dân, nhưng kiểm soát quyền lực, tránh chuyên quyền và lạm quyền. Kiểm soát quyền lực, từ chỗ không thừa nhận đến coi đó là nguyên tắc pháp quyền và yêu cầu phải “tăng cường”, đó là một bước tiến dài trong tư duy về tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh:

“Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.”[5]

            Trong bộ máy nhà nước, ở Việt Nam, Báo cáo chính trị khẳng định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.[6]

Trong chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, Quốc hội nói riêng, những khoảng trống về lý luận, những hạn chế về tổ chức và hoạt động đều được Đại hội thẳng thắn chỉ ra, đó là: cơ chế bảo Hiến, chất lượng ban hành luật, tính chuyên nghiệp của Quốc hội và hiệu lực, hiệu quả của giám sát tối cao.

Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, văn kiện Đại hội tập trung sự chú ý vào  những vấn đề từ trước đến nay còn khá nhiều lúng túng, đó là: tính phục vụ, tính chuyên nghiệp, năng lực kiến tạo phát triển, năng lực quản lý vĩ mô; đi kèm với những điều đó là năng lực phân cấp, phân quyền; năng lực tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với từng loại lãnh thổ, địa bàn dân cư; năng lực xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cải cách phân cấp ngân sách theo hướng đảm bảo sự chủ động cho ngân sách địa phương...Văn kiện nêu rõ: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.”[7]

Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài những yếu tố căn bản như phẩm chất, năng lực, uy tín…văn kiện tập trung sự chú ý vào vấn đề tiền lương, tinh thần đổi mới sáng tạo, trọng dụng nhân tài, năng động hóa công tác nhân sự, đặc biệt là đề cao sự giám sát của nhân dân, uy tín trước nhân dân. 

Để tận dụng được cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0, biến các thách thức công nghệ thành thời cơ đổi mới bộ mày hành chính trong tổng thể, văn kiện Đại hội chủ trương Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là chủ trương chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, đủ năng lực quản lý một nền kinh tế số và một xã hội số[8].

Trong nhiệm vụ thứ 10 phát triển kinh tế xã hội, ngoài nội dung tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động đã nói ở trên, Báo cáo chính trị nhấn mạnh “đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.”[9] Đây là một mối quan hệ mới được bổ sung trong Đại hội XIII, đang cần được nghiên cứu làm rõ.

            2.2. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng (mục XIV)

Đảng có chủ trương cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng mặt công tác trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Tăng cường) xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, (coi trọng) xây dựng Đảng về tư tưởng, (tập trung) xây dựng Đảng về đạo đức, (đẩy mạnh) xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ.

Nội dung mới của Văn kiện Đại hội XIII là “tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” và “Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Chúng ta đi sâu vào những nội dung mới trong 2 mặt công tác này.

Thứ nhất: Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, có 5 nội dung mới:

- Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. (Chỉ thị 05/2016 của Bộ Chính trị)

- Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. (Quy định số 08-QĐ/TWi, ngày 25.10.2018 của BCH TƯ)

- Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương.

- Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. 

- Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.

Thứ hai: Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Văn kiện lần này nói tới “hai bộ máy”: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Thực hiện chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, bí thư cấp uỷ là chủ tịch Uỷ ban nhân dân, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở những nơi có điều kiện.

- Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

- Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng.

Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đại hội chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể và công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đảng.[10]

2.3. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Văn kiện nêu quan điểm mới: Mặt trận Tổ quốc là nòng cốt chính trị thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện cụ thể hóa vị trí vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Về mặt tổ chức, họ là các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh;

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. Thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. 

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng.[11] Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. 

Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ.

Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ.

Động viên cựu chiến binh, công an hưu trí phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng.

Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình

Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo". Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,[12] tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3) Các cơ chế và mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị

- Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

- Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

- Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

- Hoàn thiện, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, đảng viên.

- Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

- Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng.

- Nắm vững và xử lý 10 mối quan hệ lớn: (1) quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; (2) giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; (6) giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; (7) giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (8) giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (9) giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; (10) giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.[13]

Trong các mối quan hệ lớn đã nêu, quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan hệ rất cơ bản được đưa vào văn kiện. Cần nhận thức rõ và xử lý tốt.

4) Về các nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị

Văn kiện lần này không nêu các nguyên tắc mới, nhưng đưa ra các quan điểm chỉ đạo. Có 5 quan điểm chỉ đạo, được coi như là các nguyên tắc, “đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn”[14], các quan điểm chỉ đạo như sau:

- Quan điểm 1, “4 kiên định”: (1) Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (3) kiên định đường lối đổi mới của Đảng; (4) kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .

- Quan điểm 2, sắp xếp đúng vị trí các vấn đề: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

- Quan điểm 3, phát huy sức mạnh tinh thần dân tộc, phẩm chất con người Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

- Quan điểm 4, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

- Quan điểm 5, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vai trò của hệ thống chính trị: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

            Thứ tư: Hoạch định mục tiêu lãnh đạo

            Nội dung này, thể hiện trong mục 3 “Mục tiêu phát triển”[15]

Mục tiêu tổng quát: 

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

            Thứ năm: Phương thức phát triển đất nước:

  1. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số, nhà nước kiến tạo phát triển, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
  2. Chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.
  3. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người, sức mạnh con người Việt Nam.
  4. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
  5. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

- Đại hội coi “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc[16]. Vì vậy, Đại hội xác định những nội dung mới trong chống tham nhũng:

- Với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn.[17]

- Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. 

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Thứ sáu: Những nhiệm vụ trọng tâm (có 6 nhiệm vụ trọng tâm). Nhiệm vụ thứ nhất vẫn là xây dựng hệ thống chính trị.

(1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

(2) Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắcxin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

(3) Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

(4) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. 

(5) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

(6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ bảy: Các đột phá chiến lược

Tính kiến tạo phát triển thể hiện rõ trong các quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng. Đặc biệt trong ba đột phá chiến lược. “Ba đột phá chiến lược” do Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng xác định vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa, giá trị lâu dài và sẽ được cụ thể hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới, cần tập trung vào các đột phá cụ thể sau đây:

(1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. 

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

KẾT LUẬN

            Có nhiều quan điểm mới của Đại hội XIII về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam, bài viết chỉ nêu một số quan điểm nổi bật trong đó. Các quan điểm này đã được thảo luận, góp ý của đảng viên trong quá trình xây dựng văn kiện Đảng trước Đại hội và đã được nghiên cứu sau Đại hội. Tuy nhiên cần nghiên cứu, hệ thống hóa, phân tích thêm và quan trọng hơn là triển khai trong giảng dạy học phần chính trị học Việt Nam và quá trình đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 

Tài liệu và chú thích:

[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 57

[2] Những chữ in nghiêng trong bài là chủ ý của người viết.

[3] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 284

[4] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 17

[5] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.175

[6]  Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 17

[7] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 177

[8] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 54

[9] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.285

[10] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 199

[11] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.168

[12] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.172

[13] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.119

[14] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr. 109

[15] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.112

[16] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà nội, tr.193

[17] Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm 2020 là 36/100; xếp hạng 104/180; giảm 01 điểm so với năm 2019. Chỉ số trung bình của ASEAN là 42/100

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
20-09-2021

Đánh giá

images5342607_my_video_moi3
ba_sche57b288a-ab22-4b92-a4a5-0f3b2fd4cdeb85e2ebd4-b773-4e04-8350-ade5b8771f57
image001
Lượt truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 78
Trong tuần: 815
Lượt truy cập: 369273
Lên đầu trang