Từ cuối năm 2020 đến nay, tàu cá Trung Quốc xuất hiện nhiều ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cuối tháng 3.2021, các tàu này neo đậu dày đặc ở bãi cạn Ba Đầu (thuộc phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, H.Trường Sa, Khánh Hòa) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc.
Giữa tháng 4.2021, PV Thanh Niên đã có mặt tại thực địa và ghi nhận.
Từ Sinh Tồn Đông nhìn sang Ba Đầu
Buổi sáng một ngày giữa tháng 4.2021, chúng tôi đến đảo Sinh Tồn Đông. Nhìn qua khí tài quan sát chuyên dụng sang bãi Ba Đầu, chỉ thấy khoảng 10 tàu cá Trung Quốc neo đậu ở đó.
Một số cán bộ chiến sĩ trên đảo cho biết, do lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp và khi ngày 25.3.2021 bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: “Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc ”, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam... hàng trăm tàu cá Trung Quốc vốn neo đậu dài ngày tại khu vực bãi Ba Đầu đã giải tán, di chuyển đến các khu vực khác.
Vùng biển Sinh Tồn Đông hiện có nhiều tàu trực bảo vệ chủ quyền, trong đó có tàu 8001 của Vùng Cảnh sát biển 3. Cũng trong buổi sáng ở đảo, chúng tôi đã chứng kiến nhiều chuyến xuồng CQ xuất phát đi làm nhiệm vụ.
Cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 4 hải lý (hơn 7 km) là bãi Huy Gơ (phía Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988 và xây dựng trái phép căn cứ quân sự hiện đại từ năm 2013). Các tàu cá Trung Quốc đang neo đậu rất đông ở Huy Gơ, đếm bằng thiết bị chuyên dụng cũng trên 100 chiếc, đủ loại...
“Từ giữa năm 1988, khi tôi ra Trường Sa làm nhiệm vụ đặc biệt, bãi Ba Đầu đã là điểm nóng và tàu thuyền Trung Quốc luôn thường trực, nhăm nhăm đặt phao nổi trên đó”, ông Đinh Xuân Bình (74 tuổi, trú P.Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng), nguyên thiếu tá, trợ lý Cục Tuyên truyền đặc biệt (nay là Cục Dân vận thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), nhớ lại: Ngay sau sự kiện 14.3.1988, theo chỉ đạo của cấp trên, Cục tuyên truyền đặc biệt chọn lựa một số cán bộ giỏi tiếng Trung, có kinh nghiệm thực địa, để thành lập một tổ công tác ra Trường Sa làm nhiệm vụ đấu tranh trực tiếp với phía Trung Quốc.
Trong cuốn nhật ký của mình, ông Bình ghi rõ: Ngày 13.5.1988, tàu HQ-613 chở đoàn Bộ tổng tham mưu và văn công ra đảo Len Đao, bị tàu 699 Trung Quốc áp sát phát loa đe dọa. Tổ đã cương quyết đấu tranh phản bác, đuổi địch ra xa; ngày 20.5.1988, đấu tranh với 2 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Ba Đầu, không cho chúng thả phao nổi...
“Những ngày sau đó, chúng tôi tăng cường tuần tra, trinh sát các bãi ngầm thuộc cụm đảo Sinh Tồn, đặc biệt là bãi Ba Đầu. Cương quyết không để phía Trung Quốc hạ đặt bất cứ thứ gì trên đó. Thậm chí, không cho họ neo tàu quanh bãi”, ông Bình cho hay.
Thấy mình hạ xuồng là họ chạy
Trung tá Nguyễn Văn Lưu hiện đang nghỉ hưu tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), có gần 20 năm công tác trên các tàu vận tải quân sự thuộc Vùng 4 Hải quân. Năm 2001 - 2007, ông là chính trị viên tàu Trường Sa 18, Hải đội 411 (nay là Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) chuyên vận tải hàng hóa cho các điểm đảo Trường Sa và trực bảo vệ chủ quyền ở cụm đảo Sinh Tồn.
QUẢNG CÁO
“Tàu chúng tôi thường trực cạnh đảo Sinh Tồn Đông, cách bãi Ba Đầu khoảng 8 hải lý (gần 15 km). Đây là rạn san hô lớn nhất cụm đảo Sinh Tồn và là điểm mút đông bắc của cụm, hình dạng như lưỡi cày 51. Thủy triều lên, bãi đá chìm sâu khoảng 1,5 - 2 m nước. Khi nước xuống, bãi cạn nổi lên đá san hô rộng mênh mông, là nơi sinh sống của rất nhiều loại hải sản, nên các tàu cá Trung Quốc luôn nhòm ngó khai thác trong bãi Ba Đầu”, ông Lưu kể vậy và hồi tưởng: Thời điểm trước những năm 2012 (khi Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ hiện đại trên các bãi đá mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam), các tàu cá Trung Quốc rất ít khi lại gần các đảo có bộ đội Vùng 4 Hải quân đóng giữ. Ở bãi Ba Đầu, tàu cá Trung Quốc thường lợi dụng điều kiện thời tiết, thả xuồng nhỏ vào khai thác hải sâm, cá mú, ốc bướm... và luôn có bộ phận cảnh giới, trông chừng tàu trực Việt Nam. Nếu phát hiện tàu Việt Nam hạ xuồng xua đuổi, bộ phận này nhanh chóng cho các xuồng đang khai thác trái phép trong bãi nhanh chóng trở về tàu mẹ, móc dây cáp kéo nhau ra khỏi khu vực Ba Đầu.
Theo https://thanhnien.vn (còn tiếp)